Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Với phương châm “Sống tốt đời đẹp đạo”, dù là ở tôn giáo nào, chức sắc hay đạo hữu, cộng đồng các tôn giáo ở Tây Ninh đều một lòng hướng thiện, nguyện vì quê hương mà cống hiến, sẻ chia.
Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa đã 102 tuổi vẫn đồng hành cùng các chương trình an sinh xã hội của tỉnh
Một đời công đức
Ở Tây Ninh, người dân vẫn thường nghe đến những việc làm thiện nguyện của bà Năm Nghĩa. Bà Năm Nghĩa là tên thân thương, mộc mạc mà mọi người gọi Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa - Viện chủ quản lý hệ thống chùa núi Bà.
Ni trưởng có thế danh là Nguyễn Thị Định, sinh năm 1921 tại An Giang, mồ côi cha mẹ từ nhỏ. Năm 1938, bà tham gia Hội LHPN tỉnh Sóc Trăng. Năm 1957, trong lần đến Tây Ninh công tác, bà có dịp đến núi Bà Đen. Tại đây, bà giác ngộ Phật pháp và đi theo con đường tu tập với pháp danh Thích nữ Diệu Nghĩa. Suốt những năm đất nước bị xâm lược, ni cô Thích nữ Diệu Nghĩa kiên cường bám núi, âm thầm đóng góp công sức vào cuộc kháng chiến của toàn dân.
Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, bà tiếp tục hành đạo tại núi Bà. Với mong muốn khôi phục và tạo dựng quần thể danh thắng núi Bà rộng lớn, linh thiêng, bà bắt tay vào vận động xây dựng Linh Sơn Phước Trung tự, Linh Sơn Tiên Thạch tự, trùng tu động Ba Cô, xây dựng chùa Hoà Đồng.
Hơn 65 năm bước chân vào cửa Phật, Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa luôn tích cực tham gia nhiều hoạt động hữu ích cho xã hội, hết lòng chăm lo cho người dân có hoàn cảnh khó khăn, phấn đấu cho lẽ sống “tốt đời, đẹp đạo”, như: hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai, lũ lụt; chăm sóc, phụng dưỡng các Mẹ Việt Nam anh hùng; giúp đỡ những gia đình có công với cách mạng, người nghèo ổn định cuộc sống; giúp những bệnh nhân mổ tim; xây nhà đại đoàn kết…
Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa tặng quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn
Nhiều công trình ra đời nhờ vào những hỗ trợ, đóng góp của bà Năm Nghĩa. Đó là ngôi trường THCS Bà Đen trên diện tích 3.000m2 do bà Năm Nghĩa hiến đất và vận động mạnh thường quân xây trường; là bếp ăn từ thiện của Bệnh viện Đa khoa tỉnh giúp cho nhiều bệnh nhân nghèo có được bữa cơm ngon. “Bà Năm Nghĩa đã hỗ trợ xây dựng khu vực bếp ăn tại Trung tâm. Lúc mới thành lập, Trung tâm còn thiếu thốn nhiều thứ, nhất là cơ sở vật chất. Nhờ có bà Năm hỗ trợ, Trung tâm đã có cơ sở vật chất khang trang, phục vụ các em nhỏ có nơi ăn uống sạch sẽ”, bà Võ Thu Vân- Phó Giám đốc Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng cho nạn nhân chất độc da cam/Dioxin tỉnh nói.
Không chỉ lo cho cuộc sống của những người đang sống, bà Năm Nghĩa còn quan tâm đến đồng bào, chiến sĩ đã nằm xuống. Bà tặng cho Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên một chuông đồng trị giá 2,5 tỷ đồng, góp phần tăng thêm sự trang nghiêm cho nơi an nghỉ thiêng liêng này.
Ở tuổi 102, bà vẫn chưa hề ngơi nghỉ, vẫn đồng hành cùng các chương trình an sinh xã hội của tỉnh, nhất là công tác chăm sóc sức khoẻ nhân dân. Ngoài các khoản tài trợ cho người nghèo và bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn, Ni trưởng còn gửi tặng xe cứu thương cho ngành Y tế tỉnh nhà; hay vào các dịp tết đến, xuân về, bà dành tặng những phần quà thiết thực, ý nghĩa cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn.
Chỉ riêng dịp Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023, Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa và Ban Điều hành hệ thống chùa núi Bà Tây Ninh đã trao tặng 1.450 phần quà cho người dân có hoàn cảnh khó khăn và trên 2.500 phần quà nhờ chính quyền, ban, ngành, đoàn thể hỗ trợ trao tặng cho bà con địa phương, với tổng trị giá hơn 2,3 tỷ đồng. Tấm lòng từ bi, trái tim nhân hậu, sống có trách nhiệm với đời của Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa đã thắp lên ngọn lửa tình thương, đem lại mùa xuân ấm áp cho những người nghèo, bất hạnh.
Sưởi ấm những cảnh đời bất hạnh
“Lúc vào chùa tu, thầy thấy sao mình sung sướng quá. Ở chùa được bá tánh dâng cúng dường đủ đầy, nhưng khi ra ngoài lại thấy nhiều người đói khổ, nghèo khó, thầy không đành lòng”. Đó là chia sẻ của Hoà thượng Thích Định Tánh, trụ trì chùa Cẩm Phong (xã Cẩm Giang, huyện Gò Dầu) về hành trình thiện nguyện của ông những năm qua.
Thượng toạ Thích Định Tánh tên tục là Lê Minh Đức, sinh ra và lớn lên ở Thạnh Đức. Năm 15 tuổi, ông xuất gia, học Phật pháp ở chùa Thanh Lâm (Gò Dầu). Xuất gia, nương chốn Phật, hiểu sâu hơn hai chữ “từ bi” nên thầy Thích Định Tánh luôn đau đáu trước những cảnh đời không may. Thầy bắt đầu xin đi làm ở các công ty, xí nghiệp, và số tiền làm ra, thầy không lo cho bản thân mà tặng cho những hoàn cảnh khó khăn.
Năm 1992, được Giáo hội Phật giáo tỉnh đưa về trụ trì tại chùa Cẩm Phong, thầy Thích Định Tánh bắt đầu thực hiện mong ước được chăm sóc những người cơ nhỡ, neo đơn. Thầy tự mua từng cây cột, tấm ván dựng khu nhà ở sát bên sông Vàm Cỏ làm nơi trú ngụ cho 50 người không nhà, không người thân. Một tay thầy bồng ẵm những người bại liệt, thay tã, đút sữa cho những em bé mới sinh bị bỏ rơi. “Lúc đó còn trẻ, cả ngày làm đủ việc cũng không thấy mệt”- thầy Thích Định Tánh nhớ lại.
Thượng toạ Thích Định Tánh và các em nhỏ được thầy nhận làm con nuôi
Cái khó hơn hết vẫn là tài chính để trang trải chi tiêu. Trụ trì chùa Cẩm Phong chia sẻ: Thời đó, ai cũng khó khăn nên đâu có nhiều sự giúp đỡ. Để có tiền lo cho mọi người, thầy làm đồ chay rồi mang đi bán. Khi các chú tiểu lớn hơn chút, thầy xuống khu vực chợ Cầu Muối ở Sài Gòn nhận lột vỏ tỏi, củ hành để có tiền. Chiều, thầy đến mấy sạp rau củ nhặt nhạnh những món rau củ quả vẫn còn ăn được rồi gửi xe mang về Tây Ninh, làm dưa chua hay phơi khô để dành ăn dần".
Sự từ bi của bậc chơn tu đã động lòng nhiều tấm lòng hảo tâm khác. Dần dà, tiểu thương của chợ Cầu Muối, chợ Cầu Ông Lãnh… ủng hộ thầy mỗi tháng một ít tiền để chăm lo cho các cụ già và em nhỏ. Đời sống phát triển, câu chuyện về lòng thương người của thầy được nhiều mạnh thường quân khác biết đến. Số người bất hạnh, kém may mắn được thầy giúp đỡ ngày càng tăng.
Năm 2016, để có nơi đủ rộng chăm lo cho mọi người, thầy Thích Định Tánh xây dựng Mái ấm Mây Ngàn trên diện tích rộng 4 ha. Nơi đây đang nuôi dưỡng 76 trẻ em (từ 1-18 tuổi) mồ côi, bị bỏ rơi, tật nguyền và chăm sóc cho hơn 158 cụ già neo đơn không nơi nương tựa. Các em nhỏ ở đây đều được đi học; có 56 em đang học tiểu học và trung học cơ sở.
Đến bây giờ, thầy cũng không nhớ chính xác đã đứng tên khai sinh cho bao nhiêu cháu mồ côi. “Thầy đặt tên cho hơn 100 đứa con rồi. Thầy là Lê Minh Đức, các cháu sẽ lấy họ Lê Minh kèm tên. Cách đây 1 năm, thầy có đứng ra tổ chức đám cưới cho một cháu. Thầy dặn, đứa nào cưới vợ thì tự lo tiền sắm vàng cưới, còn thầy cho tiền đãi tiệc. Nhiều đứa lớn lên, tìm được việc làm, lo cho cuộc sống gia đình. Tuy không giàu có, nhưng tụi nó sống tốt là thầy mừng lắm”- thầy Thích Định Tánh nói.
“Bây giờ thầy chỉ mong, khi mình nằm xuống, sẽ có người tiếp quản nơi đây, để có thể chăm sóc, nuôi dưỡng và bảo bọc những cảnh đời không may”- thầy Thích Định Tánh bày tỏ.
Ngọc Diêu - Phương Thảo
(còn tiếp)
Với những đóng góp lớn lao, Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa được Hội đồng Bộ trưởng nước Cộng hoà XHCN Việt Nam tặng Huy chương Kháng chiến hạng Nhất; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhì và Ba cùng nhiều bằng khen về hoạt động từ thiện trong và ngoài tỉnh. Năm 2017, Ni trưởng Thích nữ Diệu Nghĩa được Hội nghị kết nối cộng đồng ASEAN vinh danh là nhà hoạt động tiêu biểu khu vực châu Á - Thái Bình Dương vì đã có nhiều đóng góp cho công tác từ thiện và an sinh xã hội, nhân hoạt động kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Hiệp hội Các nước Đông Nam Á (ASEAN) và chào đón năm APEC 2017 tại Việt Nam.