BAOTAYNINH.VN trên Google News

Khôi phục sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trong tình hình mới

Kỳ 1: Nỗ lực đưa doanh nghiệp trở lại hoạt động, khôi phục sản xuất 

Cập nhật ngày: 22/09/2021 - 00:36

BTN - Ðể bảo đảm tái sản xuất đạt hiệu quả, Ban Quản lý yêu cầu doanh nghiệp đang sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” tiếp tục được phép hoạt động trong KCN nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa phòng chống dịch bệnh, vừa sản xuất, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động trong môi trường sản xuất an toàn.

Công nhân làm việc tại Công ty TNHH MTV gỗ Khang Ðạt Việt Nam (Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III, thị xã Trảng Bàng).

Tây Ninh phấn đấu thực hiện từng chỉ tiêu, lĩnh vực ở mức cao nhất, tận dụng tối đa thời gian và nguồn lực để phòng, chống dịch bệnh, đồng thời nghiên cứu chính sách hỗ trợ cho lao động tại các doanh nghiệp thực hiện sản xuất “3 tại chỗ” nhằm giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp; bảo vệ vững chắc “vùng xanh” và từng bước “xanh hoá” một số địa bàn khả thi; đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, trước mắt ưu tiên công nhân lao động của các doanh nghiệp bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh và có nhu cầu sản xuất sớm, sản xuất hàng hoá quan trọng có giá trị cao góp phần cung cấp cho các chuỗi cung ứng.

Sau đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh bắt đầu lên phương án phục hồi sản xuất, nhất là khôi phục sản xuất công nghiệp của doanh nghiệp trong các khu công nghiệp (KCN), cụm công nghiệp, đồng thời tỉnh nhanh chóng triển khai các phương án hỗ trợ doanh nghiệp hoạt động trở lại, hạn chế thấp nhất sự đứt gãy chuỗi cung ứng hàng hoá.

Nỗ lực sản xuất, bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá

Dù các hoạt động sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh chưa trở lại bình thường như trước, nhưng tình hình sản xuất công nghiệp ở nhiều doanh nghiệp đang hồi phục tích cực. Trong đó, nhiều doanh nghiệp hoạt động vừa bảo đảm phòng, chống dịch, vừa ổn định sản xuất, đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ông Trần Chí Vĩ- Phó tổng Giám đốc Công ty TNHH may mặc First Team Việt Nam (KCN Thành Thành Công, thị xã Trảng Bàng) cho biết, công ty có hơn 7.000 công nhân tham gia sản xuất. Khi thực hiện Chỉ thị 16/CT-TTg, công ty có 2.800 công nhân làm việc theo phương án “3 tại chỗ”.

Số lượng người lao động tham gia sản xuất giảm mạnh, công ty không thể đáp ứng số lượng đơn hàng cho khách hàng. Ðể giữ chân khách hàng, công ty phải chuyển đơn hàng sang các nước khác sản xuất.

Trong thời gian này, nhiều công nhân bỏ việc, nên công ty bị gián đoạn sản xuất do thiếu người lao động. Vì vậy, công ty được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương bổ sung lao động mới để phục vụ nhu cầu sản xuất, đáp ứng số lượng đơn hàng ngày càng tăng trong thời gian tới.

Ông Trần Vỹ Khang- Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty TNHH  MTV gỗ Khang Ðạt Việt Nam (Khu chế xuất và công nghiệp Linh Trung III, thị xã Trảng Bàng) cho biết, công ty thực hiện tốt việc giữ an toàn cho 600 cán bộ, công nhân lao động.

Tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng công ty vẫn nỗ lực duy trì sản xuất. Với sự đầu tư đồng bộ từ nhà xưởng, công nghệ sản xuất đến nơi sinh hoạt khép kín, công ty thực hiện nghiêm công tác phòng, chống dịch bệnh, duy trì sản xuất, xuất khẩu, đồng thời bảo đảm tốt chế độ cho người lao động.

Ông Khang cho biết thêm, việc áp dụng phương án “3 tại chỗ” là cần thiết để thiết lập các “vùng xanh”, duy trì hoạt động sản xuất, không để đứt gãy các chuỗi cung ứng hàng hoá. Dù chi phí thực hiện “3 tại chỗ” lớn nhưng công ty quyết tâm giữ vững “vùng xanh” nhà xưởng, duy trì sản xuất liên tục.

Xác định vừa sản xuất vừa phòng, chống dịch Covid-19, công ty mong muốn tỉnh đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người lao động trong công ty để bảo đảm chuỗi cung ứng hàng hoá, đặc biệt cho nhân viên kho vận, tài xế vận chuyển.

Ông Lê Thanh Kiệt- Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh cho biết, trước khi dịch bùng phát, có khoảng 140 ngàn lao động tại khu kinh tế. Dịch bệnh bùng phát, chỉ còn 27 ngàn lao động làm việc, ảnh hưởng rất lớn đến kế hoạch sản xuất của doanh nghiệp.

Thời điểm hiện tại, các doanh nghiệp đã khẩn trương xây dựng phương án khôi phục sản xuất, tạo điều kiện để người lao động trở lại làm việc, đẩy nhanh tiến độ hoàn thành các đơn hàng sản xuất đến cuối năm.

Tập trung triển khai phương án khôi phục sản xuất

Bà Lê Thị Hồng Thắm- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, đến ngày 11.9.2021, qua đánh giá lại vùng nguy cơ, Thị xã có 3 vùng đỏ, 5 vùng cam, 20 vùng vàng, 51 vùng xanh.

Về việc tái sản xuất trên địa bàn, sau khi UBND tỉnh ban hành phương án khôi phục sản xuất, UBND Thị xã triển khai rộng rãi kế hoạch tái sản xuất cho các địa phương cũng như người dân trên địa bàn; thành lập tổ thẩm định phê duyệt phương án sản xuất của doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, kinh doanh; thành lập tổ kiểm tra quá trình thực hiện bảo đảm phương án khôi phục sản xuất an toàn với phòng, chống dịch.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, xây dựng cơ bản trên địa bàn sẽ được khôi phục ở những vùng cam, vàng, xanh; còn ở vùng đỏ tiếp tục tạm dừng.

Ðối với doanh nghiệp có từ 500 lao động trở lên sẽ xây dựng phương án khôi phục sản xuất, kinh doanh như các doanh nghiệp trong KCN, gửi UBND Thị xã thẩm định trình UBND tỉnh phê duyệt; doanh nghiệp sử dụng dưới 500 người, xây dựng phương án tổ chức sản xuất gửi UBND xã, phường để gửi Phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định, trình UBND Thị xã phê duyệt làm cơ sở cho các doanh nghiệp triển khai thực hiện.

Ðối với hoạt động kinh doanh, dịch vụ, ở những vùng đỏ, cam, thị xã Trảng Bàng vẫn áp dụng theo Chỉ thị 16/CT-TTg và chỉ có các dịch vụ thiết yếu được hoạt động; kinh doanh, dịch vụ ở vùng vàng, xanh áp dụng theo Chỉ thị 15/CT-TTg của Chính phủ.

Bà Lê Thị Hồng Thắm cho biết, 3 tháng qua, thị xã Trảng Bàng tập trung cho công tác phòng, chống dịch, vì vậy, các chỉ tiêu về kinh tế, xã hội- đặc biệt là các chỉ tiêu về thu ngân sách, thu hút đầu tư, phát triển doanh nghiệp, hộ kinh doanh trong 9 tháng của năm 2021 đều giảm so cùng kỳ .

Trong thời gian tới, Trảng Bàng tập trung bảo vệ những vùng theo phân định, qua các lần xét nghiệm sàng lọc, sẽ đánh giá mức độ nguy cơ của dịch và điều chỉnh phân định vùng để mở rộng sản xuất; siết chặt quản lý các khu vực vùng đỏ, cam, nỗ lực chuyển hoá vùng đỏ, vàng, cam thành vùng xanh.

Ðể làm được điều đó, Trảng Bàng tập trung xét nghiệm sàng lọc liên tục 3 ngày/lần ở những khu vực vùng đỏ, cam; tăng cường quan tâm và đồng hành cùng doanh nghiệp, người dân khôi phục sản xuất, kinh doanh ở những vùng được phép, nhưng phải an toàn trong công tác phòng, chống dịch. Bên cạnh đó, Trảng Bàng bảo đảm tốt công tác an sinh xã hội, chăm lo đời sống cho những gia đình đang gặp khó khăn do dịch bệnh.

Ông Lê Thanh Kiệt- Phó trưởng Ban Quản lý Khu kinh tế Tây Ninh cho biết, mới đây, UBND tỉnh ban hành Quyết định 2014/QÐ-UBND về phương án khôi phục sản xuất trong điều kiện dịch Covid-19.

UBND tỉnh giao Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh phê duyệt, thẩm định phương án sản xuất đối với các doanh nghiệp thực hiện phương án sản xuất “3 tại chỗ” hoặc theo phương thức “1 cung đường, 2 điểm đến” và các doanh nghiệp đang dừng hoạt động muốn khôi phục lại sản xuất. Qua đó, Ban Quản lý phối hợp với địa phương kiểm tra thực tế tại doanh nghiệp, phê duyệt phương án sản xuất theo quy định.

Ðến nay, đã có 40 doanh nghiệp nộp hồ sơ về Ban Quản lý, đơn vị kiểm tra và phê duyệt được 30 hồ sơ, còn 10 hồ sơ đang thẩm định xem xét phương án sản xuất phù hợp.

Ông Kiệt cho biết thêm, việc tái sản xuất của các doanh nghiệp gặp một số khó khăn- nhất là việc doanh nghiệp sử dụng lao động ngoài tỉnh khó đưa lao động trở lại nhà máy kịp thời để phục vụ sản xuất, do các tỉnh, thành còn áp dụng biện pháp giãn cách xã hội.

Ðể bảo đảm tái sản xuất đạt hiệu quả, Ban Quản lý yêu cầu doanh nghiệp đang sản xuất theo phương án “3 tại chỗ”, “1 cung đường, 2 địa điểm” tiếp tục được phép hoạt động trong KCN nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa phòng chống dịch bệnh, vừa sản xuất, hạn chế đứt gãy chuỗi sản xuất, ổn định việc làm cho người lao động trong môi trường sản xuất an toàn.

Trước mắt, các doanh nghiệp vẫn phải tuyệt đối tuân thủ các yêu cầu và quy định phòng, chống dịch bệnh, tích cực tuyên truyền cho người lao động “ai ở đâu, ở yên đấy”, không di chuyển khỏi nơi sản xuất.

Nhi Trần