Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tỉnh Tây Ninh đang tích cực phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài nhằm hiện thực hoá quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hạ tầng giao thông là “huyết mạch” của nền kinh tế, một trong những khâu đột phá chiến lược cần ưu tiên đầu tư đồng bộ, hiện đại, tạo tiền đề phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh, an sinh xã hội, phát triển bền vững.
Nếu như sau ngày giải phóng, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chỉ có hai lộ nhựa là quốc lộ 22A và quốc lộ 22B bị chiến tranh tàn phá, các tỉnh lộ, liên lộ bị hư hỏng nặng, thậm chí gián đoạn hoàn toàn thì đến nay hạ tầng giao thông của tỉnh được đầu tư tương đối hoàn chỉnh, đồng bộ.
Tỉnh Tây Ninh đang tích cực phối hợp với Thành phố Hồ Chí Minh triển khai thực hiện dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài nhằm hiện thực hoá quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, đáp ứng yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới và đáp ứng nguyện vọng của đảng bộ, chính quyền và nhân dân Tây Ninh.
Phối cảnh cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài.
Theo đánh giá của Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, điểm yếu hạ tầng giao thông của tỉnh Tây Ninh hiện nay là giao thông kết nối với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ít, có quy mô nhỏ, phụ thuộc vào hành lang quốc lộ 22 đã mãn tải, thiếu tuyến thay thế làm tăng thời gian kết nối với đầu mối giao thông khu vực.
Cần phá thế độc đạo về thành phố hồ chí minh để giảm chi phí vận tải
Đánh giá về thực trạng hệ thống mạng lưới hạ tầng giao thông, Quy hoạch tỉnh Tây Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 nêu: mạng lưới đường bộ cơ bản hình thành các liên kết đối nội tốt giúp hàng hoá được luân chuyển nội vùng từ thành thị tới nông thôn.
Hệ thống giao thông của tỉnh đã hình thành trục giao thông Bắc - Nam tương đối đầy đủ (QL.22 - QL.22B, ĐT.784 - ĐT.793, ĐT.785, ĐT.786...) và một số trục Đông Tây ở các huyện phía Bắc (ĐT.794 - Thiện Ngôn Tân Hiệp, ĐT.795, ĐT 781...).
Suất đầu tư đường bộ trên địa bàn tỉnh Tây Ninh tương đối thấp do nền đất tốt, địa hình bằng phẳng và mật độ tương đối cao so với các tỉnh trong khu vực Đông Nam bộ. Mật độ các tuyến đường trục chính cao hơn mức trung bình cả nước gấp khoảng 2 lần và cao hơn so với các tỉnh/thành phố trong vùng Đông Nam bộ thể hiện mức độ cung ứng hạ tầng giao thông cao, bảo đảm sự tiếp cận nội tỉnh thuận lợi.
Tuy nhiên, điểm yếu là hạ tầng giao thông kết nối Tây Ninh với các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam ít, có quy mô nhỏ, phụ thuộc vào hành lang QL.22 đã mãn tải, thiếu tuyến thay thế làm tăng thời gian kết nối với đầu mối giao thông khu vực. Trong khi đó, vận tải đường bộ vẫn là phương thức chủ đạo của Tây Ninh với tốc độ tăng trưởng phương tiện nhanh trong những năm gần đây.
Theo dự báo, nhu cầu giao thông đường bộ tiếp tục tăng cao, hành lang QL.22 khu vực thị xã Trảng Bàng, Gò Dầu đi An Sương (Thành phố Hồ Chí Minh) nhiều khả năng ùn tắc nghiêm trọng hơn trong giai đoạn 2025-2030 sẽ làm ảnh hưởng đến việc vận chuyển hàng hoá và hành khách liên vùng. Ngoài ra, hành lang liên tỉnh theo hướng Đông - Tây kết nối với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước, Long An có quy mô nhỏ hẹp.
Quy hoạch tỉnh phân tích: “Hệ thống giao thông kết nối yếu kém khiến Tây Ninh, mặc dù tiếp giáp khu vực kinh tế năng động của Đông Nam bộ, đặc biệt là trung tâm thương mại Thành phố Hồ Chí Minh (Thành phố Hồ Chí Minh) nhưng vẫn rơi vào thế bị tách biệt ra vùng ngoại vi và ít được hưởng lợi từ sự lan toả các hoạt động công nghiệp, sản xuất kinh doanh cũng như khai thác thị trường tiêu dùng tại các thành phố lớn.
Lợi thế tài nguyên nước, nguồn đất sạch giá rẻ vẫn chưa đủ hấp dẫn các doanh nghiệp lớn và hiệu quả khi chi phí logistics quá lớn, thời gian vận tải hàng hoá dài và việc dịch chuyển cũng kém thuận lợi”.
Theo khảo sát, chi phí vận chuyển hàng hoá bằng đường bộ từ Thành phố Hồ Chí Minh đi Bavet (Campuchia) một chiều có mức giá khoảng 1.146 USD/100 km và 855 USD/100 km đối với vận chuyển hai chiều.
Do đó, khi có chủ trương đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài - tuyến đường bộ ngắn nhất kết nối Thành phố Hồ Chí Minh với Campuchia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài được kỳ vọng sẽ giảm tải cho QL.22 hiện hữu, giảm chi phí vận chuyển.
Mong chờ tuyến cao tốc đầu tiên qua địa phận tỉnh
Quy hoạch mạng lưới đường bộ quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1.9.2021 của Thủ tướng Chính phủ, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh có 3 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 113 km. Trong đó, tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (CT.31) chiều dài khoảng hơn 50 km, quy mô 6 làn xe, đầu tư trước năm 2030.
Để hiện thực hoá quy hoạch trên, ngày 2.8.2024, Quyết định số 760/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT).
Tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài với với tổng chiều dài khoảng 51 km. Trong đó, điểm đầu kết nối với đường Vành đai 3 - Thành phố Hồ Chí Minh thuộc huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh; điểm cuối giao với quốc lộ 22 thuộc huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh.
Tuyến đường xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc, phân kỳ đầu tư với quy mô mặt cắt ngang 4 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h; giải phóng mặt bằng theo quy mô quy hoạch 6 làn xe. Với tổng mức đầu tư trên 19.600 tỷ đồng; thời gian chuẩn bị đầu tư và thực hiện Dự án từ năm 2024 đến năm 2027; chia thành 4 dự án thành phần. Cụ thể:
Dự án thành phần 1: Đầu tư xây dựng đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài (giai đoạn 1) theo phương thức đối tác công tư (hợp đồng BOT). UBND Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 2: Đầu tư xây dựng đường gom dân sinh, cầu vượt ngang đường cao tốc. UBND Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 3: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đoạn qua Thành phố Hồ Chí Minh. UBND Thành phố Hồ Chí Minh là cơ quan chủ quản.
Dự án thành phần 4: Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài đoạn qua tỉnh Tây Ninh. UBND tỉnh Tây Ninh là cơ quan chủ quản.
Theo lãnh đạo Sở Xây dựng, sau khi tuyến cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài hoàn thành kết nối với cao tốc Phnom Penh - Bavet cùng với hệ thống cao tốc Bắc Nam phía Đông hình thành sẽ là trục đường bộ liên vận quốc tế tốc độ cao, có năng lực vận tải lớn, sẽ tạo ra bước phát triển đột phá về kinh tế - xã hội của tỉnh Tây Ninh nói chung và của cả khu vực.
Tuyến cao tốc này cũng sẽ được khai thác đồng bộ với các tuyến đường vành đai Thành phố Hồ Chí Minh hình thành hành lang vận tải TP. Hồ Chí Minh - Tây Ninh, rút gắn thời gian đến cảng hàng không quốc tế Long Thành và các cảng biển, phát triển chuỗi công nghiệp - đô thị - thương mại - dịch vụ Khu kinh tế cửa khẩu quốc tế Mộc Bài gắn với hành lang kinh tế Mộc Bài - Thành phố Hồ Chí Minh- Biên Hoà - cảng Cái Mép - Thị Vải.
Với tính chất ưu việt trong lưu thông, mở rộng giao thương, liên kết vùng miền, dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài nhận được sự quan tâm và kỳ vọng lớn của người dân. Là một trong những hộ dân có đất và nhà phải giải toả trắng để thực hiện dự án cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Mộc Bài, bà Nhâm Thị Mỹ Hoà (xã Phước Thạnh, huyện Gò Dầu) cho biết: “Khi hay tin bị giải toả trắng, gia đình tôi cũng có chút buồn, lo lắng nhưng vì chủ trương chung của Nhà nước để xây dựng cao tốc, gia đình tôi hoàn toàn đồng tình với chủ trương. Bởi vì đây là một dự án trọng điểm của quốc gia, của tỉnh, tương lai sẽ mang lại lợi ích rất lớn cho chính người dân Tây Ninh mình”.
Nói về ý nghĩa của đường cao tốc đối với thực trạng giao thông hiện nay, ông Đặng Văn Dìa- Trưởng khu phố An Đước, phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng cho biết: “Khi có cao tốc sẽ giúp giảm tải rất nhiều cho quốc lộ 22. Hiện tại nếu đi từ đây về Thành phố Hồ Chí Minh mất khoảng 120 phút, còn nếu có cao tốc thì đi chừng mấy chục phút là đến.
Đường cao tốc hoàn thành, đi cao tốc nhanh, còn đi quốc lộ 22 cũng nhanh, vì lưu lượng xe đã giảm tải nhiều rồi. Dự án này có thông tin từ những năm 2020, lúc đó nhân dân chúng tôi nôn nao lắm, ai cũng phấn khởi, vì lần đầu tiên, Tây Ninh có một dự án đường cao tốc đi qua. Về phía những hộ có đất bị thu hồi, giải toả cũng mong muốn dự án nhanh chóng triển khai để yên tâm canh tác, sinh sống”.
Phương Thuý
(còn tiếp)