Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
VẤN NẠN HÀNG GIẢ, HÀNG NHÁI, HÀNG KÉM CHẤT LƯỢNG
Kỳ 1: Phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả vẫn tràn lan
Chủ nhật: 23:54 ngày 24/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Gian lận thương mại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng tinh vi, khó phát hiện, nhất là gian lận về đo lường, chất lượng hàng hoá, gian lận về nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng...

Cơ quan Công an phát hiện kho chứa thuốc BVTV giả số lượng lớn tại ấp Bình Hoà, xã Thái Bình, huyện Châu Thành hôm 29.6.2022

Hiện nay, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng xuất hiện nhiều trên thị trường, từ các cửa hàng tạp hoá vùng sâu, vùng xa đến các siêu thị, trung tâm thương mại, thị xã, thành phố. Gian lận thương mại trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ngày càng tinh vi, khó phát hiện, nhất là gian lận về đo lường, chất lượng hàng hoá, gian lận về nguồn gốc, xuất xứ hàng hoá; tình hình sản xuất, kinh doanh hàng giả, kém chất lượng chủ yếu là thực phẩm, phụ tùng xe gắn máy, quần áo, giày dép, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV)...

Ngoài ra, trong thời gian gần đây, một số đối tượng làm ăn phi pháp lợi dụng dịch bệnh để sản xuất hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng bán cho người tiêu dùng, ảnh hưởng xấu tới thị trường và môi trường đầu tư trong nước.

Phân bón, thuốc BVTV giả tràn lan

Phân bón, thuốc BVTV hiện đang bị làm giả tràn lan trên thị trường.

Ngày 1.7, Công an huyện Châu Thành cho biết đã tạm giữ hình sự Đặng Vũ Hà Thanh (30 tuổi, ngụ ấp Bình Hoà, xã Thái Bình, huyện Châu Thành) để điều tra sau khi phát hiện người này cất giấu 4.565 chai thuốc BVTV giả.

Trước đó, ngày 29.6, tại ấp Bình Hoà, xã Thái Bình, huyện Châu Thành, lực lượng trinh sát thuộc Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh phối hợp Công an huyện bắt quả tang Thanh chất 320 chai thuốc BVTV (nghi hàng giả) lên xe ô tô đi tiêu thụ. Khám xét nơi ở và kho chứa hàng của Thanh, Công an phát hiện tổng cộng 4.565 chai thuốc BVTV có dấu hiệu được làm giả nhiều nhãn hiệu khác nhau, 3 quyển sổ tay ghi chép nội dung mua bán cùng nhiều đồ vật, tài liệu liên quan. Ước tính tổng giá trị hàng hoá, phương tiện tạm giữ trên 1 tỷ đồng.

Bước đầu điều tra, Thanh thừa nhận hành vi phạm tội. Thanh khai nhận đã móc nối với một số đối tượng ở tỉnh, thành khác để nhập các loại thuốc BVTV giả nhãn hiệu khác nhau về bán cho nông dân. Hiện vụ việc được Công an huyện Châu Thành mở rộng điều tra.

Tiếp đó, Đội Quản lý thị trường số 4 phối hợp Thanh tra Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Cục Quản lý thị trường kiểm tra tại hộ kinh doanh Dương Văn Tám do ông Dương Văn Tám làm đại diện, địa chỉ ấp Thuận Bình, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu. Qua kiểm tra, ông Tám thừa nhận hành vi vi phạm buôn bán phân bón không được lưu hành tại Việt Nam; kinh doanh hàng hoá trên nhãn có các thông tin không đúng bản chất, không đúng sự thật về hàng hoá đó; bán hàng hoá có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng; buôn bán hàng hoá có chất lượng không phù hợp với quy chuẩn kỹ thuật tương ứng.

UBND tỉnh đã ban hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính ông Dương Văn Tám gần 200 triệu đồng; buộc thu hồi và tái chế hàng hoá không phù hợp quy chuẩn kỹ thuật tương ứng là 2.000kg (40 bao), phân bón NPK 30-10-10.TE và 700kg (14 bao), phân bón NK 20-20-15.

Nông dân lao đao

Phân bón, thuốc BVTV không thể thiếu trong sản xuất nông nghiệp, góp phần bảo vệ cây trồng, ngăn chặn dịch hại, cải thiện năng suất. Tuy nhiên, việc sử dụng phân bón, thuốc BVTV không tuân thủ theo khuyến cáo gây hệ luỵ rất lớn cho môi trường, sức khoẻ cộng đồng và đe doạ sự phát triển bền vững của ngành Nông nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Hà (ngụ xã Ninh Điền, huyện Châu Thành) cho biết, phân bón NPK trước đây giá 700.000 - 800.000 đồng/bao, nay tăng lên 1,2 - 1,4 triệu đồng/bao. Trong khi thuốc trừ sâu, phân bón thì giá tăng gấp đôi. Cả tháng cắt khổ qua mới được mười mấy triệu đồng, không đủ tiền phân bón, thuốc trừ sâu, gia đình tự làm nên không tính công. “Bón nhầm phân bón giả nên cây đứng luôn thế này. Mua trúng phân giả thì giờ chỉ biết né chỗ bán đó ra chứ biết kêu ai”- chị Hà cho biết.

Ông Nguyễn Thanh Bình (ngụ xã Thành Long, huyện Châu Thành) ngao ngán: “Mua phân về bón, 3-4 tháng thấy không phát triển mới tá hoả biết là phân bón giả. Khi phát hiện thì mọi chuyện cũng đã muộn rồi”. Không riêng phân bón giả, chị Hà, ông Bình cũng từng nhiều lần mua phải thuốc BVTV giả.

“Cây gặp sâu bệnh sợ mất năng suất nên bỏ tiền mua thuốc về cứu, nhưng càng xịt thì sâu bệnh càng nhiều. Đến nỗi thuốc cứu cho cây cũng bị làm giả thì còn gì ác bằng. Tôi nghĩ, cơ quan chức năng tăng cường kiểm tra và xử lý hình sự những người làm giàu bất chính trên mồ hôi nước mắt của bà con nông dân”- ông Bình bức xúc.

Bà Võ Thị Nuôi- Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã xoài tứ quý Thạnh Bắc (huyện Tân Biên) cho rằng, các ngành chức năng cần buộc các đại lý, nhà sản xuất vật tư nông nghiệp nếu bán phân bón giả, kém chất lượng phải bồi thường thiệt hại cho người dân.

Hiện nay, quy định của Nhà nước chỉ chế tài xử phạt hành chính, rồi thu tiền nộp vào ngân sách mà chưa đề cập đến vấn đề đền bù cho người dân. Trong khi đó, bà con nông dân là đối tượng bị thiệt hại chính do mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Đáng nói là đa số người nông dân vốn đã nghèo, mua phải phân bón giả, thuốc BVTV giả thì lại càng nghèo thêm.

30% phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng

Trên địa bàn tỉnh hiện có 10 doanh nghiệp sản xuất và 465 cơ sở kinh doanh về phân bón, thuốc BVTV với 2.824 sản phẩm lưu thông trên địa bàn, khoảng 164 sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh và 2.660 sản phẩm của doanh nghiệp sản xuất ngoài tỉnh.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT, qua các đợt kiểm tra vừa qua cho thấy, có khoảng 30% phân bón, thuốc BVTV kém chất lượng đang lưu hành trên thị trường hiện nay ở địa phương.

Theo ông Xuân, hiện nay, các công ty sản xuất, cơ sở kinh doanh vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng hoạt động ngày càng tinh vi, chủ yếu lưu giữ hàng trong kho kín. Khi có người mua mới trực tiếp mang ra bán, do đó, số lượng bày bán ít hơn trước, nhằm né tránh cơ quan kiểm tra. Thậm chí nếu bị cơ quan chức năng phát hiện thì mức xử phạt vẫn thấp hơn so với lợi nhuận thu được.

Mặt khác, các công ty sản xuất vật tư nông nghiệp đa phần không có trụ sở trên địa bàn tỉnh, mà chỉ thông qua đại lý để bán sản phẩm. Do đó khi phát hiện sai phạm chỉ xử phạt được đại lý kinh doanh sản phẩm đó và áp dụng các biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định.

Cũng theo ông Xuân, việc thông tin các công ty có sản phẩm vi phạm đến địa phương nơi công ty đăng ký sản xuất đã được thực hiện, nhưng hiệu quả chưa cao, do phần lớn phụ thuộc vào trách nhiệm của các địa phương nơi công ty trú đóng và hiện nay cũng chủ yếu dừng lại ở việc cung cấp thông tin và chưa có biện pháp xử lý cụ thể nào.

Theo ông Xuân, từ đầu năm 2022 đến nay, Thanh tra Sở đã xử phạt vi phạm hành chính 5 cơ sở vi phạm kinh doanh sản phẩm phân bón về điều kiện kinh doanh, nhãn hàng hoá với số tiền 143 triệu đồng. Ngoài ra, có 3 cơ sở vi phạm kinh doanh thuốc BVTV bị phạt với số tiền 7,5 triệu đồng. Đồng thời, đơn vị này cũng xử phạt 16 cơ sở sản xuất phân bón với trên 396 triệu đồng và áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là thu hồi toàn bộ số tiền đã bán trên 81 triệu đồng; 5 cơ sở kinh doanh thuốc BVTV với số tiền 16 triệu đồng.

Vừa qua, Sở NN&PTNT cũng đã tổ chức hội thảo về “Thực trạng và giải pháp nâng cao công tác quản lý chất lượng vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Tây Ninh”, thông tin đến người nông dân một số sản phẩm vật tư nông nghiệp có vi phạm về chất lượng (hàng giả, không đạt chất lượng) nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và nâng cao nhận thức, hiểu biết của người sử dụng, tiêu dùng để lựa chọn sản phẩm chất lượng tốt nhất góp phần bảo đảm kỷ cương; bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân.

Trong thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức và cách phân biệt phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; đồng thời, khuyến khích các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh nêu cao tinh thần tự nguyện, tự giác thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh; tăng cường công tác thanh, kiểm tra, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân cố tình sản xuất, kinh doanh sản phẩm không rõ nguồn gốc, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng theo đúng quy định pháp luật.

Ông Xuân cũng cho biết thêm, Sở NN&PTNT đã yêu cầu các đơn vị, địa phương, lực lượng chức năng từ nay đến cuối năm đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp sản xuất, đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Mục tiêu kéo giảm một nửa tỷ lệ phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giả, kém chất lượng như hiện nay.

Nhi Trần

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục