Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Chung tay giúp đỡ người lầm lỗi tái hoà nhập cộng đồng
Kỳ 1: Phát huy hiệu quả công tác tái hoà nhập cộng đồng
Thứ hai: 07:58 ngày 19/08/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Thông qua công tác quản lý, lực lượng Công an sẽ hướng dẫn thực hiện các thủ tục về đăng ký cư trú, cấp đổi căn cước, xin xoá án tích, phiếu lý lịch tư pháp, xác nhận đơn xin việc làm…

Công tác tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù được xác định là một trong những nhiệm vụ chung đòi hỏi sự tham gia đồng bộ của các cấp, ngành và cộng đồng xã hội để tạo điều kiện cho những trường hợp này tái hoà nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm, góp phần bảo đảm an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.

Đoàn Thanh niên xã Thái Bình (huyện Châu Thành) phối hợp với Công an xã gặp gỡ, tuyên truyền pháp luật, động viên thanh niên chậm tiến, thanh niên chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng.

Sau 5 năm thực hiện Chỉ thị số 33/CT-TTg ngày 5.12.2018 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù trên địa bàn tỉnh, đã có sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, trách nhiệm và hành động cụ thể của chính quyền các cấp, các ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và quần chúng nhân dân.

Thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng

Theo Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp Công an tỉnh, người chấp hành xong án phạt tù sau khi về địa phương trình diện sẽ được tiếp nhận, quản lý, giáo dục, giúp đỡ nhằm tạo điều kiện cho họ sớm ổn định cuộc sống, dễ hoà nhập cộng đồng. Thông qua công tác quản lý, lực lượng Công an sẽ hướng dẫn thực hiện các thủ tục về đăng ký cư trú, cấp đổi căn cước, xin xoá án tích, phiếu lý lịch tư pháp, xác nhận đơn xin việc làm…

Lực lượng Công an phối hợp các ban, ngành, đoàn thể ở địa phương gặp gỡ, động viên, nắm tình hình, hoàn cảnh, tâm tư nguyện vọng của người chấp hành xong án phạt tù để tư vấn, giới thiệu việc làm, định hướng cho họ có kế hoạch tái hoà nhập cộng đồng phù hợp.

UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành phối hợp lực lượng Công an tổ chức xây dựng, nhân rộng các mô hình tái hoà nhập cộng đồng để quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù. Hiện tại, trên địa bàn tỉnh có 2 mô hình tái hoà nhập cộng đồng đang hoạt động hiệu quả là mô hình “4+1” (được xây dựng, nhân rộng ở 94/94 xã, phường, thị trấn) và “Huy động vốn của các doanh nghiệp” (do UBND huyện Tân Châu thành lập). Công tác thông tin, tuyên truyền về tái hoà nhập cộng đồng được các cấp, ngành chú trọng thực hiện với nhiều hình thức như xây dựng phóng sự, biên soạn, phát tờ rơi, lắp đặt pa-nô, treo bảng tuyên truyền, thông qua hệ thống loa phát thanh, tư vấn pháp luật...

Trong 5 năm qua, các sở, ban, ngành và UBND cấp huyện, xã tổ chức hơn 1.120 cuộc tuyên truyền về công tác tái hoà nhập cộng đồng; biên soạn và phát 17.805 tờ rơi tuyên truyền; gặp gỡ, giáo dục, tư vấn pháp luật trực tiếp cho 502 lượt người chấp hành xong án phạt tù; tư vấn, giới thiệu việc làm cho gần 980 người; tặng 210 phần quà cho người chấp hành xong án phạt tù có hoàn cảnh khó khăn với số tiền hơn 66 triệu đồng; hỗ trợ cho vay vốn để đào tạo nghề, tạo việc làm đối với 69 người với tổng số tiền trên 3,3 tỷ đồng; vận động các tổ chức, cơ sở, sản xuất, kinh doanh tiếp nhận, tạo việc làm cho 531 người.

Với những hoạt động giúp đỡ, hỗ trợ cụ thể, thiết thực về tinh thần, vật chất từ phía cấp uỷ, chính quyền, ban, ngành, đoàn thể, nhiều trường hợp sau khi chấp hành xong án phạt tù về địa phương đã được tạo điều kiện tìm kiếm việc làm, vươn lên phát triển kinh tế, tái hoà nhập cộng đồng.

Anh Đ.V.T (ngụ thị trấn Dương Minh Châu) chia sẻ, sau khi chấp hành xong án phạt tù vào năm 2018, anh trở về địa phương sinh sống. Thời gian đầu, anh cảm thấy rất tự ti, “ngại” tiếp xúc; vì thế việc hoà nhập cộng đồng để có một công việc bắt đầu lại cuộc sống không hề đơn giản.

Được sự động viên của gia đình, đặc biệt là lực lượng Công an Thị trấn, các ban, ngành, đoàn thể địa phương thường xuyên đến nhà thăm hỏi, giúp đỡ, tạo điều kiện cho vay vốn làm ăn đã giúp anh có thêm niềm tin trong cuộc sống, quyết tâm làm lại cuộc đời. Hiện tại, anh đã mở được một công ty xây dựng, san lấp mặt bằng, góp phần trong giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương.

Về địa phương sau khi được đặc xá vào năm 2021, anh T.H.T (ngụ xã Thái Bình, huyện Châu Thành) được sự động viên, quan tâm của chính quyền địa phương và gia đình, dần bước qua “mặc cảm” của mình. Anh T đã vay một số vốn từ bạn bè, người thân để quyết tâm khởi nghiệp bằng nghề nuôi cá. “Tôi rất cảm ơn chính quyền địa phương, Công an quan tâm, giúp đỡ, kịp thời động viên và hỗ trợ để tôi có cơ hội vươn lên, phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống” - anh T nói.

Cần sự chung tay của toàn xã hội

Tuy nhiên, qua thực tế triển khai thực hiện, việc giúp đỡ người lầm lỗi tái hoà nhập cộng đồng hiện còn gặp không ít khó khăn, vướng mắc. Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về tái hoà nhập cộng đồng ở một số địa phương có thực hiện nhưng chưa thường xuyên, nội dung thiếu chiều sâu, hình thức chưa đa dạng. Mô hình tái hoà nhập cộng đồng ở một số nơi còn hoạt động cầm chừng, chủ yếu chỉ thực hiện công tác quản lý, giám sát, chưa phát huy vai trò giáo dục, giúp đỡ đối với người chấp hành xong án phạt tù tái hoà nhập cộng đồng.

Cấp uỷ, chính quyền địa phương một số nơi chưa quan tâm đúng mức, chưa chỉ đạo quyết liệt, sâu sát nội dung này. Công tác vận động quần chúng nhân dân tham gia quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù còn hạn chế. Một số cơ sở sản xuất, kinh doanh còn ngại tiếp nhận lao động là người chấp hành xong án phạt tù vào làm việc. Việc phối hợp giữa lực lượng Công an với các ban, ngành, đoàn thể chưa thường xuyên, chưa phối hợp gia đình của người chấp hành xong án phạt tù để giáo dục, giúp đỡ. Một số người chấp hành xong án phạt tù không định hướng được kế hoạch tái hoà nhập cộng đồng của mình, quen lối sống buông thả nên sau khi về địa phương tiếp tục vi phạm pháp luật, tái phạm tội (từ năm 2019 đến nay, trên địa bàn tỉnh có hơn 320 người chấp hành xong án phạt tù tái phạm tội).

 “Công tác tái hoà nhập cộng đồng là một quá trình khó khăn, phức tạp, cần sự kiên trì, nỗ lực thực hiện đồng bộ, lâu dài của cả cộng đồng. Những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương thường có tâm lý tự ti, mặc cảm, khó tìm được việc làm ổn định. Đây là nguyên nhân chính khiến họ khó hoà nhập cộng đồng, dễ dẫn đến nguy cơ tái phạm tội”- một cán bộ Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp cho biết.

Đơn cử, sau khi chấp hành xong án phạt tù về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý vào tháng 8.2023, anh P.M.G (sinh năm 1983, ngụ phường 3, thành phố Tây Ninh) không tu chí làm ăn, ổn định cuộc sống mà tiếp tục lao vào con đường nghiện ngập. Ngày 5.3.2024, trong khi G thực hiện hành vi tàng trữ trái phép ma tuý loại Methamphetamine để sử dụng thì bị Công an phường 3 bắt quả tang. Với hành vi “tái phạm”, G bị TAND thành phố Tây Ninh tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù về tội tàng trữ trái phép chất ma tuý.

Để thực hiện hiệu quả công tác tái hoà nhập cộng đồng trong thời gian tới, UBND tỉnh đề nghị các cấp, ngành đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về công tác tái hòa nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; tăng cường định hướng, khuyến khích các cơ quan, tổ chức, cá nhân và cộng đồng xã hội cùng tham gia giáo dục, giúp đỡ, nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, phòng ngừa việc tái phạm tội, vi phạm pháp luật của người chấp hành xong án phạt tù đang cư trú tại địa phương. Các sở, ngành theo chức năng, nhiệm vụ tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện công tác tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù; kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, hạn chế trong công tác này.

Lực lượng Công an cần tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ đối với người chấp hành xong án phạt tù đang cư trú trên địa bàn tỉnh, nhất là số người chưa được xoá án tích; thường xuyên phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND cấp huyện, xã thực hiện tốt các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng, tạo điều kiện cho họ ổn định cuộc sống, ngăn ngừa tái phạm tội, giữ gìn an ninh trật tự. Duy trì, phát huy hiệu quả các mô hình tái hoà nhập cộng đồng; tiếp tục nghiên cứu, xây dựng, nhân rộng các mô hình tạo quỹ tái hoà nhập cộng đồng để giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù.

Trong 5 năm qua, địa phương đã tiếp nhận hơn 4.000 trường hợp người chấp hành xong án phạt tù về cư trú; phân công tổ chức, cá nhân quản lý, giáo dục, giúp đỡ trên 3.800 người; đưa vào áp dụng các mô hình tái hoà nhập cộng đồng để quản lý, giáo dục hơn 3.840 người. Hiện tại, địa phương đang quản lý hơn 2.800 người chấp hành xong án phạt tù chưa được xoá án tích đang trong diện cần thiết tổ chức các biện pháp bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng.

Thiên Di

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh