Thời Sự - Chính trị   Bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chủ quyền Việt Nam trên vùng Nam bộ

Kỳ 1: Phù Nam - cư dân và nhà nước đầu tiên trên vùng đất Nam bộ 

Cập nhật ngày: 10/08/2024 - 19:25

BTN - Để hiểu về chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam bộ cần phải xâu chuỗi các sự kiện lịch sử và pháp lý. Những chứng cứ lịch sử và pháp lý về vùng đất này đều khẳng định đây là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Những năm qua, một số phần tử quá khích người Campuchia có những hành động tụ tập biểu tình trước đại sứ quán Việt Nam tại thủ đô Phnom Penh cũng như gây rối tại một số vùng biên giới hai nước.Luận điệu mà những người quá khích này đưa ra là đòi vùng đất Nam bộ, nhất là Tây Nam bộ.

Họ cho rằng Nam bộ là lãnh thổ của Cam-puchia nên nó phải được trả về cho nước này. Để hiểu về chủ quyền Việt Nam trên vùng đất Nam bộ cần phải xâu chuỗi các sự kiện lịch sử và pháp lý. Những chứng cứ lịch sử và pháp lý về vùng đất này đều khẳng định đây là một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.

Tượng Phật bốn tay và tấm bia đá cổ thời Phù Nam, hiện ở chùa Linh Sơn (Ba Thê).

Ai là những chủ nhân đầu tiên của vùng đất Nam bộ là một câu hỏi lớn của lịch sử và không dễ giải đáp, bởi văn tự và những dữ kiện lịch sử mới chỉ được ghi chép cách đây mấy ngàn năm. Tuy nhiên, từ những thư tịch cổ còn giữ lại đến hôm nay thì vùng đất Nam bộ là lãnh thổ xưa của một vương quốc có tên gọi Phù Nam. Người Phù Nam chính là những chủ nhân đầu tiên đã thiết lập nên nhà nước ở vùng đất Nam bộ hiện nay. Các thư tịch cổ của Trung Quốc còn giữ lại đến hôm nay đã ghi chép rất nhiều các dữ kiện về vương quốc Phù Nam. Các sách có chép về Phù Nam bao gồm: 1) Tấn thư, 2) Tống thư, 3) Nam Tề thư, 4) Lương thư, 5) Tuỳ thư, 6) Cựu Đường thư, 7) Tân Đường thư, 8) Tân ngũ, 9) Tống sử và 10) Nguyên sử.

Bia đá cổ được tạo tác vào thời Phù Nam (khoảng thế kỷ 2-3), được tìm thấy ở Đồng Tháp.

Tấn thư chép: “Phù Nam, cách phía Tây Lâm Ấp (tức Chiêm Thành - NV) hơn ba ngàn dặm, ở trong vịnh biển lớn, địa giới nước ấy dài rộng ba ngàn dặm, có thành ấp cung thất. Người (nước ấy) đều đen xấu, tóc quăn, cởi trần, đi đất. Tính cách thật thà, không làm việc trộm cướp, lấy trồng cấy làm nghề chính, trồng một lần, thu hoạch trong ba năm…[1]”. Tống thư, quyển 97 chép: “Nước Phù Nam, các năm Nguyên Gia thứ mười một (434), Mười hai (435), Mười lăm (438), đời Thái tổ, quốc vương là Trì Lê Bạt Ma (tức Sri Indravacman) đều sai sứ sang phụng cống [2]”. Nam Tề thư chép: “Nước Phù Nam, ở trong vịnh Tây Man, ven biển phía Nam nam Nhật Nam, dài rộng hơn ba ngàn dặm, có sông lớn từ phía Tây chảy đổ ra biển (…). Cuối đời (Lưu) Tống, vua Phù Nam họ Kiều Trần Như, tên là Xà Da Bạt Ma, sai buôn bán hàng hoá đến Quảng Châu. Đạo nhân người Thiên Trúc (tức Ấn Độ - NV) là Na Dà Tiên đi nhờ thuyền định về nước, gặp gió to dạt đến Lâm Ấp, bị cướp hết tiền của hàng hoá. Na Già Tiên đi đường tắt về được Phù Nam…[3]”. Lương thư, quyển 54 chép: “Nước Phù Nam ở trong vịnh lớn phía Tây Nam quận Nhật Nam, cách Nhật Nam độ bảy ngàn dặm, cách Tây Nam Lâm Ấp hơn ba ngàn dặm. Đô thành cách biển năm trăm dặm. Có sông lớn rộng mười dặm, từ phía Tây Bắc, chảy sang phía Đông đổ ra biển. Nước ấy dài rộng hơn ba ngàn dặm, đất thấp trũng mà phẳng rộng, khí hậu phong tục đại khái giống Lâm Ấp, sản vàng, bạc, đồng, thiếc, trầm hương, ngà voi, công trả, vẹt ngũ sắc…[4]”, v.v…

Bản đồ Phù Nam và Chăm Pa vào khoảng thế kỷ thứ 3.

Từ các ghi chép khá đầy đủ trong chính sử Trung Quốc, Phù Nam chính là quốc gia mà phần lãnh thổ ngày nay chính là Nam bộ của Việt Nam.

Từ các thành tựu của nghiên cứu lịch sử, nhất là khảo cổ học, các nhà khoa học hiện nay cơ bản thống nhất Phù Nam xuất hiện khoảng đầu Công nguyên và biến mất vào khoảng thế kỷ thứ VII [5]. Dấu mốc đánh dấu sự biến mất của một quốc gia đã từng cường thịnh - Phù Nam là việc chính sử Trung Quốc không ghi nhận nước Phù Nam sang tiến cống. Các nghiên cứu và hội thảo gần đây cũng đã dần làm sáng tỏ và chỉ ra rằng trên vùng đất Nam bộ xưa đã xuất hiện một vương quốc phát triển khá lớn mạnh đó là Phù Nam: “Mùa xuân năm 1944 nhà khảo cổ học Pháp Louis Malleret đã tiến hành một cuộc khai quật có ý nghĩa lịch sử ở khu vực gần núi Ba Thê (nay thuộc địa phận xã Vọng Thê, huyện Thoại Sơn, tỉnh An Giang). Từ sau cuộc khai quật này bắt đầu xuất hiện khái niệm văn hoá Óc Eo và một cách tự nhiên các nhà khoa học đã dễ dàng đi tới nhận định rằng vấn đề Phù Nam không thể tách rời vấn đề Óc-eo. Hay nói cách khác, hoàn toàn có cơ sở khoa học nếu đồng nhất những di vật thuộc văn hoá Óc-eo là di tích văn hoá vật thể của nước Phù Nam. Vấn đề này đã được khẳng định trong nhiều tác phẩm và hội thảo khoa học, đặc biệt là hội thảo về văn hoá Óc-eo - Phù Nam do Bộ Khoa học - Công nghệ tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh năm 2004, nhân kỷ niệm 60 năm sự kiện phát hiện văn hoá Óc-eo. Các học giả cũng đã khẳng định Óc-eo là một nền văn hoá có nguồn gốc bản địa, ít ra là từ thời đại kim khí và trong thời kỳ cường thịnh nhất, Phù Nam đã phát triển thành một đế chế rộng lớn bao gồm toàn bộ phần phía Nam bán đảo Đông Dương (Nam bộ của Việt Nam hiện nay, nước Campuchia, một phần Nam Lào), một phần Thái Lan và bán đảo Malaca, nhưng trung tâm vẫn là vùng đất Nam bộ [6]”.

Vũ Trung Kiên

(Còn tiếp)

[1] An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb Hội nhà văn, 2018, tr. 249

[2] An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb Hội nhà văn, 2018, tr. 254

[3] An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb Hội nhà văn, 2018, tr. 257-258

[4] An Nam truyện, Châu Hải Đường dịch và biên soạn, Nxb Hội nhà văn, 2018, tr. 268

[5] Xem Lê Hương: Sử liệu Phù Nam, Sài Gòn 1974

[6]http://nghiencuuquocte.org/2015/08/13/chu-quyen-viet-nam-vung-dat-nam-bo/