Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đội ngũ giáo viên chuyên trách thể dục rất được quan tâm, bảo đảm cho việc thực hiện giảng dạy môn thể dục nội khoá đầy đủ, nghiêm túc, có chất lượng; đồng thời là lực lượng chủ động tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khoá và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp của các trường.
Bóng chuyền- một trong những môn thể thao được học sinh yêu thích.
Ông Phạm Ngọc Hải- Giám đốc Sở GD&ĐT nhận xét, nhìn chung, nền nếp học tập môn thể dục nội khoá ổn định, giáo viên giảng dạy thực hiện nghiêm túc quy chế chuyên môn, hồ sơ sổ sách theo quy định, học sinh tham gia học tập đầy đủ, tích cực. Họat động thể thao ngoại khoá trong trường học ngày càng phong phú và sôi nổi, tạo hứng thú cho học sinh tham gia tập luyện, đồng thời đẩy mạnh phong trào rèn luyện thân thể, có nền nếp tốt trong học đường.
Hội nghị lần thứ sáu Ban Chấp hành Trung ương khoá XII ban hành Nghị quyết số 20-NQ/TW, ngày 25.10.2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân trong tình hình mới. Sau hơn 5 năm triển khai thực hiện, nhìn từ góc độ rèn luyện thân thể, công tác nâng cao sức khoẻ nhân dân ở tỉnh ta ra sao?
Giáo dục thể chất trong nhà trường là môn học bắt buộc trong nhà trường, là một trong 4 lĩnh vực cốt yếu đức - trí - thể - mỹ. Ở tỉnh ta, công tác giáo dục thể chất trong nhà trường được chú trọng. Tuy nhiên, tuỳ điều kiện cơ sở vật chất, từng địa phương, từng trường mà hoạt động này được phát huy ở mức độ khác nhau.
Nhiều tiềm năng thể thao
Năm 2013 Trường THPT Nguyễn Chí Thanh (xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành) được công nhận đạt chuẩn quốc gia. Về cơ sở vật chất phục vụ cho công tác giáo dục thể chất, trường được đầu tư xây dựng một nhà thi đấu đa năng có quy mô lớn nhất trong hệ thống trường THPT của tỉnh thời bấy giờ, với kinh phí hơn 5 tỷ đồng. Ngoài ra, trường còn có sân bóng đá mi ni, sân chơi thể thao tổng hợp ngoài trời.
Thầy Nguyễn Tấn Tài- Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Chí Thanh cho biết, trường dạy theo chương trình giáo dục thể chất do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định. Ngoài ra, trường còn tổ chức dạy thêm cho học sinh có năng khiếu các môn bóng chuyền, bóng bàn, bóng rổ, bóng đá. Trường cũng thành lập đội kỹ năng bóng đá mi ni, thường xuyên thi đấu giao lưu với các đội bóng đá của địa phương, các cơ quan trú đóng trên địa bàn. Trường còn phối hợp với Ban Chỉ huy Quân sự thị xã Hoà Thành tổ chức huấn luyện quân sự cho học sinh với các nội dung bắn đạn thật. Nhờ thế, hằng năm, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh tham gia Hội khoẻ Phù Đổng (HKPĐ), Hội thao quốc phòng luôn đạt thành tích từ 13-17 huy chương các loại, xếp trong tốp 5 của khối THPT toàn tỉnh.
Tuy nhiên, Trường THPT Nguyễn Chí Thanh đang gặp khó khăn về nhân sự. Hiện trường có 5 giáo viên dạy môn thể dục, thiếu một giáo viên dạy an ninh quốc phòng. Về cơ sở vật chất, trường đang rất cần một hồ bơi. Trường có giáo viên dạy thể dục từng là kiện tướng bơi lội quốc gia, và giáo viên này đang hợp đồng với hồ bơi thiên nhiên của thị xã Hoà Thành để dạy môn bơi lội cho học sinh trong trường. Thầy Tài tâm sự: “Trường còn quỹ đất khá rộng, xây dựng được hồ bơi đúng tiêu chuẩn thi đấu. Những năm trước, trường có đề xuất lãnh đạo tỉnh đầu tư xây dựng hồ bơi cho trường, nhưng chưa được chấp thuận”.
Hầu hết các trường THPT, THCS ở thị xã Hoà Thành, thành phố Tây Ninh đều được đầu tư xây dựng nhà tập luyện thể thao, sân bóng đá mi ni, sân bóng chuyền. Nhờ đó, công tác giáo dục thể chất trong nhà trường cũng như phong trào thể thao của cán bộ, viên chức, giáo viên, học sinh phá triển khá mạnh.
So với các trường học ở thành thị, công tác giáo dục thể chất trong nhà trường vùng nông thôn gặp nhiều khó khăn hơn. Nhiều năm qua, Trường THPT Lê Hồng Phong (xã Hoà Thạnh, huyện Châu Thành) có thế mạnh về các môn điền kinh. Không có cơ sở vật chất cho bộ môn này, hằng ngày, những học sinh có năng khiếu điền kinh tập luyện bằng cách chạy lên chạy xuống cầu thang tầng lầu của trường. Hơn một năm trước, Sở Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) sang nhượng lại ao cá của người dân địa phương ở phía sau ngôi trường, sau đó san lấp mặt bằng và xây dựng một sân bóng đá mi ni, sân bóng chuyền, đường chạy điền kinh, sân chơi thể thao công cộng. Hằng năm, Trường THPT Lê Hồng Phong tổ chức HKPĐ vòng trường, tuyển chọn những học sinh có thành tích cao tham gia HKPĐ vòng tỉnh và đều có giải thưởng. Tính riêng HKPĐ vòng tỉnh vừa qua, học sinh của trường đạt 3 huy chương vàng, 2 huy chương bạc, 6 huy chương đồng, xếp hạng 9/17 đoàn.
Thầy Đặng Quang Danh- Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong chia sẻ, vấn đề nan giải của trường là thiếu giáo viên dạy thể dục. Nhiều năm qua, trường chỉ có 1 giáo viên kiêm nhiệm dạy môn thể dục và an ninh quốc phòng. Trường phải hợp đồng thỉnh giảng thêm một giáo viên dạy thể dục khác của Trường THPT Hoàng Văn Thụ (thị trấn Châu Thành). Hiện trường còn thiếu 8 biên chế, trong đó thiếu 1 giáo viên dạy thể dục, 1 giáo viên dạy an ninh quốc phòng. Theo thầy Danh, thế mạnh thể thao của trường là môn chạy việt dã các cự ly ngắn, cự ly dài. Thời gian gần đây, trường có 2 sân bóng chuyền, đa số học sinh đều rất thích môn này. “Học sinh của trường có tiềm năng thể thao, nếu xin được biên chế giáo viên thể dục, chúng tôi sẽ đầu tư thêm một số môn thể thao mới”- Hiệu trưởng Trường THPT Lê Hồng Phong chia sẻ.
Thầy Cao Văn Trung- Hiệu trưởng Trường THCS Hoà Hội (xã Hoà Hội, huyện Châu Thành) cho biết, diện tích của trường có hơn 7 công đất, không đủ điều kiện xây dựng nhà thi đấu theo tiêu chuẩn quốc gia. Sân trường dùng làm nơi sinh hoạt đầu tuần, phía sau có một khoảnh sân nhỏ dùng tập bóng chuyền. Hết giờ học, khá đông học sinh ở lại tập luyện môn thể thao này. Học sinh rất thích môn bóng đá, nhưng không có sân nên tranh thủ lúc không có tiết học thể dục trên sân bóng chuyền, các em tận dụng mặt bằng này để đá bóng. “Nếu có được sân bóng đá thì tốt biết mấy, vì ngoài việc dạy các môn thể thao còn có thể sử dụng mặt bằng tổ chức nhiều hoạt động khác, như ngoại khoá, giáo dục kỹ năng sống…”- thầy Trung mơ ước.
Tất cả trường học đều có câu lạc bộ thể thao
Ông Phạm Ngọc Hải- Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết, Sở đã chỉ đạo các trường có kế hoạch thực hiện nghiêm túc phong trào HKPĐ vòng trường, tổ chức các hoạt động TDTT trường học để học sinh tham gia tập luyện và thi đấu. Các môn thể thao được học sinh thường xuyên tập luyện như: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, cờ vua, đá cầu, bơi lội, võ, đẩy gậy và điền kinh. Hằng năm, hoạt động ngoại khoá TDTT thường được các trường tổ chức trong học kỳ 2 của năm học trước, vừa để duy trì phong trào thể thao vui chơi giải trí của nhà trường vừa phát hiện được các em học sinh có năng khiếu thể thao tuyển chọn vào đội tuyển chuẩn bị tham dự HKPĐ năm học sau.
Sở GD&ĐT đã có kế hoạch trang cấp dụng cụ và thiết bị dạy học TDTT cho các trường nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới phương pháp dạy học. Số lượng dụng cụ cung cấp bảo đảm đủ cho các trường giảng dạy nội khoá và tổ chức các hoạt động TDTT ngoại khoá. Bên cạnh đó, các trường tự mua sắm thêm một số loại dụng cụ TDTT và xây dựng các sân bãi tập luyện như: bể bơi, sân bóng đá mini, bóng chuyền, cầu lông, đá cầu, điền kinh... để phục vụ môn học và các họat động ngoại khoá. Tuỳ vào điều kiện, các trường THPT đều nỗ lực xây dựng phòng TDTT. Cụ thể, 383/383 trường học có đủ sân tập, dụng cụ TDTT; 37/383 trường có nhà tập đa năng; 150/383 trường có phòng giáo dục thể chất.
Đội ngũ giáo viên chuyên trách thể dục rất được quan tâm, bảo đảm cho việc thực hiện giảng dạy môn thể dục nội khoá đầy đủ, nghiêm túc, có chất lượng; đồng thời là lực lượng chủ động tổ chức các hoạt động thể thao ngoại khoá và hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp của các trường.
Hiện có 564 giáo viên làm công tác giáo dục thể chất. Tất cả giáo viên TDTT đều đạt chuẩn và trên chuẩn đào tạo, trong đó 1 tiến sĩ, 16 thạc sĩ, 438 cử nhân đại học, 107 tốt nghiệp cao đẳng và đang học chuẩn hoá đại học. Hoạt động HKPĐ vòng tỉnh được tổ chức hằng năm. Năm qua, có 44/46 đơn vị tham gia HKPĐ cấp tỉnh, với 4.016 VĐV học sinh tham gia tranh tài ở 13 môn: bóng đá, bóng chuyền, bóng bàn, cầu lông, bơi lội.
Đại Dương
(Còn tiếp)