BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chung tay bảo vệ động vật hoang dã

Kỳ 1: Thú rừng đang rỉ máu 

Cập nhật ngày: 12/07/2024 - 18:18

BTNO - Việc khai thác, mua bán, tiêu thụ động vật hoang dã dẫn đến số lượng các cá thể loài bị giảm sút nghiêm trọng về số lượng và có nguy cơ tuyệt chủng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường cũng như đa dạng sinh học.

Những hình ảnh động vật hoang dã được rao bán trên mạng.

Tuy nhiên, nhiều người vẫn có thói quen tiêu thụ các sản phẩm từ động vật hoang dã, bất chấp tiềm ẩn nhiều rủi ro về dịch bệnh hay an toàn khi bắt nhốt, nuôi giữ thú rừng, tạo điều kiện cho việc mua bán trái phép thú rừng tiếp tục diễn ra dưới nhiều hình thức. 

Rao bán công khai trên mạng

Trên mạng xã hội, việc rao bán các loài động vật hoang dã không hiếm. Đa phần đều là các tài khoản “ảo” với những thông tin rao bán mập mờ, không rõ ràng. 

Một nhóm bán hàng trên Facebook có tên “Hội thịt rừng” hoạt động ở Tây Ninh thu hút gần 2.000 thành viên. Nhóm này hoạt động sôi nổi, đều đặn với các bài rao bán thịt động vật hoang dã và cả những thông tin “cần mua thịt rừng” được đăng tải mỗi ngày.

Người thì bán cheo cheo, người muốn mua con mướp, người cần nguồn hàng chồn và còn có cả những sản phẩm mỹ nghệ từ động vật hoang dã. 

Trên nhóm bán hàng này, đủ loại thịt thú rừng được rao bán thường xuyên, giá cả công khai để người mua lựa chọn. Từ những con kỳ đà có giá khoảng 250 ngàn đồng/kg, cho đến sóc 300 ngàn đồng/kg, hay chồn hương giá lên đến cả triệu đồng/kg. Thậm chí những bình rượu rắn nhìn thoáng qua có cả những con thuộc diện nguy cấp, quý hiếm cần được bảo vệ cũng được công khai rao bán với giá tiền triệu mỗi bình. 

Bên cạnh giá bán công khai, những bài rao bán thịt thú rừng với lời lẽ quảng cáo, chào mời “hàng đẹp, mập, tươi rói” là hình ảnh máu me, rùng rợn của những con vật chết tức tưởi, bị xẻ thịt, lột da, thui đen… Ai nhìn qua cũng không khỏi xót xa.   

Chỉ cần tìm kiếm với từ khoá “thịt rừng Tây Ninh”, không hiếm để bắt gặp các bài viết rao bán công khai động vật hoang dã. Trang Facebook H.H.B thường xuyên rao bán đủ loại chim trời như: cò, cồng cộc, vạc, trích… làm mồi nhậu. Để minh hoạ cho bài rao bán thêm chân thực, sống động, người này còn đăng kèm những hình ảnh, video clip. Trong đó, hàng chục con chim bị buộc chân xỏ thành từng chùm, con thì bị vặt lông, thui đen, hay đã sơ chế đông lạnh sẵn sàng giao toàn quốc. 

Thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; ngừng ăn thịt thú, góp thiện cho đời” được kêu gọi để mọi người cùng hành động bảo vệ động vật hoang dã.

Một tài khoản Facebook khác với thông tin cư ngụ tại xã Suối Ngô, huyện Tân Châu liên tục đăng tin quảng cáo bán các loại thịt rừng đủ loại từ kỳ đà, cheo cheo, chồn đèn, mễn… Không ít những lời cam kết như hàng “chuẩn rừng 100%”, “mùa mưa thợ đi săn mỗi ngày” được quảng bá, nhằm kích thích thói quen khoái khẩu “thịt rừng” của những tay nhậu.  

Cần xử lý mạnh tay

Theo Chi cục Kiểm lâm Tây Ninh, thực trạng buôn bán động vật hoang dã và các hành vi vi phạm quy định về bảo vệ động vật hoang dã, nhất là những loài động vật quý hiếm vẫn còn diễn ra. Trong những năm qua, Chi cục Kiểm lâm đã xây dựng kế hoạch kiểm tra liên ngành phối hợp với Công an tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường, Cục Quản lý thị trường... thực hiện nhiều đợt kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, mua bán, gây nuôi động vật hoang dã. Kết quả năm 2023-2024 đã thực hiện hơn 80 lượt kiểm tra.

Chi cục Kiểm lâm cũng đã phối hợp các cơ quan chức năng điều tra, triệt phá các đường dây tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia trong việc mua bán, tàng trữ, vận chuyển, xuất khẩu, nhập khẩu, tạm nhập, tái xuất, quá cảnh trái phép động vật hoang dã; phối hợp với các đơn vị có liên quan kiểm tra, xử lý các hành vi quảng cáo, mua bán trái phép mẫu vật động vật hoang dã trên các trang thông tin điện tử.

Trong năm 2023, Chi cục phối hợp với các lực lượng có liên quan kiểm tra, phát hiện và xử lý 11 trường hợp có hành vi vi phạm hành chính về động vật hoang dã, xử phạt với số tiền hơn 33 triệu đồng, tịch thu và thả về môi trường tự nhiên 783 cá thể chim hoang dã, 10 cá thể động vật khác.

Cũng trong năm qua, Chi cục phối hợp với Cơ quan Cảnh sát điều tra bắt giữ, khởi tố 2 trường hợp tàng trữ buôn bán trái phép động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm gồm 1 cá thể rắn hổ chúa và 1 cá thể tê tê java.

Tại Vườn quốc gia Lò Gò - Xa Mát, một số vụ săn bắt thú rừng cũng được lực lượng bảo vệ rừng kịp thời phát hiện ngăn chặn. Tiêu biểu như vụ việc một đối tượng sinh sống tại địa phương vào rừng săn bắt động vật rừng trái phép tại khoảnh 4, tiểu khu 24. Người này mang theo súng hơi có kính ngắm hồng ngoại để săn bắt động vật hoang dã, bị bắt giữ đi kèm với tang vật là 5 cá thể cheo, với tổng trọng lượng 8kg.

Hiện nay, quy định của pháp luật có nhiều chế tài xử phạt các hành vi săn bắt, vận chuyển, nuôi nhốt, giết mổ các loại động vật hoang dã, nếu là nhóm các loại động vật rừng quý hiếm, nguy cấp… thậm chí có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. 

Tuy nhiên, trên thực tế lợi nhuận thu được từ việc săn bắt, vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã trót lọt rất lớn. Chính vì thế, việc một số vụ vi phạm bị cơ quan chức năng phát hiện, bắt giữ, xử phạt vẫn không đủ sức răn đe các đối tượng. Thậm chí, các đối tượng còn vô cùng manh động, sẵn sàng chống người thi hành công vụ để tẩu thoát khi bị phát hiện. 

Để phòng, chống tội phạm về động vật hoang dã một cách hiệu quả, bên cạnh việc cần rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật cho phù hợp với thực tiễn, cần đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức cho người dân, để cả cộng đồng cùng vào cuộc, chung tay trong việc bảo tồn động vật hoang dã, bảo tồn đa dạng sinh học. 

Vừa qua, Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học do Cơ quan Phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) tài trợ thuộc dự án Quản lý rừng bền vững và Bảo tồn đa dạng sinh học (VFBC) phát động chiến dịch truyền thông với thông điệp “Con người có cặp, thú rừng có đôi; ngừng ăn thịt thú, góp thiện cho đời” kêu gọi toàn dân, chính quyền địa phương và các ban ngành cùng hành động vì động vật hoang dã.

Khảo sát về tiêu thụ thịt động vật hoang dã do Hợp phần Bảo tồn đa dạng sinh học, Tổ chức quốc tế về bảo tồn thiên nhiên (WWF) Việt Nam thực hiện năm 2021 cho thấy, khoảng 90% thú rừng bị săn bẫy trái phép được tiêu thụ chủ yếu qua kênh nhà hàng, quán nhậu ở khu vực thành thị và số lần tiêu dùng thịt động vật hoang dã trung bình lên tới 7 lần/năm/khách hàng.

Khải Tường – Hoà Khang 

(còn tiếp)