Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Đằng sau các vụ tai nạn không chỉ là những đau thương, mất mát, còn kéo theo nhiều hệ luỵ khác như bệnh tật, đói nghèo… ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, để lại gánh nặng cho xã hội.
Hiện trường một vụ tai nạn giao thông.
Mỗi năm, Việt Nam có hàng ngàn người chết do tai nạn giao thông, hàng ngàn nạn nhân và gia đình phải gánh chịu hậu quả do tai nạn giao thông gây ra. Đằng sau các vụ tai nạn không chỉ là những đau thương, mất mát, còn kéo theo nhiều hệ luỵ khác như bệnh tật, đói nghèo… ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, để lại gánh nặng cho xã hội.
Trong 6 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh xảy ra 39 vụ tai nạn giao thông, làm chết 17 người, bị thương 31 người; so với cùng kỳ năm 2021 kéo giảm trên 10% cả 3 tiêu chí nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp. Có nhiều lý do có thể dẫn đến tai nạn giao thông như: hệ thống giao thông còn nhiều bất cập, chưa theo kịp tốc độ phát triển của xã hội hay lượng phương tiện cá nhân tăng cao trong khi ý thức chấp hành của một bộ phận người dân còn thấp… Những vấn đề này đã được nhìn nhận từ nhiều năm qua và hầu như ai cũng biết. Tuy nhiên, tai nạn giao thông cứ tiếp diễn mỗi ngày, những nỗi đau vẫn kéo dài mãi.
Thiếu ý thức thượng tôn pháp luật...
Theo phân tích của Uỷ ban ATGT quốc gia, trong 3.354 vụ tai nạn giao thông xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2022, nguyên nhân gây tai nạn do người điều khiển phương tiện vi phạm làn đường, phần đường chiếm 21,27%; không quan sát chiếm 24,9%; 11,5% do chuyển hướng không chú ý; 7,67% không giữ khoảng cách an toàn; 5,43% vượt xe sai quy định; 3,48% vi phạm tốc độ xe chạy; 3,86% do sử dụng rượu bia; 5,07% không nhường đường; 3,42% người đi bộ qua đường không đúng quy định; 2,65% vi phạm biển báo hiệu đường bộ…
Qua phân tích có thể thấy, thời gian qua, ý thức chấp hành các quy định pháp luật về TTATGT của một bộ phận người tham gia giao thông, lái xe và chủ doanh nghiệp còn thấp. Tình trạng lái xe vi phạm tốc độ, sai phần đường, làn đường cho phép, vi phạm nồng độ cồn, chất ma tuý khi lái xe... còn diễn ra khá phổ biến.
Tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT không chỉ diễn ra ở quốc lộ, tỉnh lộ mà còn ở cả các tuyến đường giao thông nông thôn. Cách đây vài tháng, ông N.T.Q (làm nghề xe ôm), ngụ huyện Châu Thành chứng kiến một vụ va chạm giao thông do hai xe gắn máy tông vào nhau.
Theo lời ông Q, người thanh niên điều khiển xe trên cơ thể nồng nặc mùi rượu, sau khi té xuống thì nằm im bất động. “Khi chứng kiến vụ việc, tôi kịp thời dừng xe, hỗ trợ đưa người thanh niên vào lề. Vụ va chạm may mắn không gây thương tích nặng cho cả hai bên. Nam thanh niên nhậu quá nhiều nên sau khi té xuống thì nằm ngủ luôn”- ông N.T.Q nói.
Để giảm thiểu các vụ tai nạn giao thông, lực lượng chức năng tăng cường tổ chức các buổi tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật cho các tầng lớp nhân dân. Thiếu tá Nguyễn Tuấn Anh- cán bộ Phòng Cảnh sát giao thông, Công an tỉnh cho biết, nội dung tuyên truyền chủ yếu xoay quanh các nghị định xử phạt mới, những hành vi vi phạm là nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, cách xử lý tình huống xảy ra bất ngờ, cách tham gia giao thông an toàn.
Bên cạnh hình thức tuyên truyền trực tiếp, đơn vị còn tích cực phát tờ rơi, đăng bài tuyên truyền trên trang fanpage của Phòng và lồng ghép nhắc nhở trong quá trình tuần tra, kiểm soát. Ngoài công tác tuyên truyền, vận động của chính quyền, ban, ngành đoàn thể, mỗi người dân cần chủ động nâng cao ý thức, chấp hành nghiêm các quy định.
Lực lượng chức năng tăng cường tuần tra trên các tuyến đường.
Những bất cập trong tổ chức giao thông
Bên cạnh vấn đề ý thức của người tham gia giao thông, hệ thống hạ tầng còn nhiều bất cập, xuống cấp, hư hỏng hay không phát triển kịp so với lượng phương tiện ngày càng tăng nhanh cũng là nguy cơ tiềm ẩn có thể dẫn đến tai nạn giao thông.
Thời gian qua, nhiều người lái xe bày tỏ sự ngán ngẩm, lo lắng mỗi khi lưu thông qua quốc lộ 22B, đoạn thuộc khu vực ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi, huyện Châu Thành. Người dân địa phương thường xuyên phải chứng kiến những vụ va chạm giữa các phương tiện khi lưu thông qua đoạn đường này. Ông Nguyễn Văn Khoá, ngụ ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi cho biết: “Đoạn đường này thường xảy ra các vụ tai nạn, gây bất tiện và nguy hiểm cho người dân. Có xe tải bị lật do cua gắt trong khi đường lại hẹp. Đường hẹp làm giao thông ách tắc, đi lại khó khăn”.
Ông Trần Văn Minh, ngụ ấp Xóm Mới 2, xã Trí Bình, huyện Châu Thành mưu sinh bằng nghề bán vé số, thường xuyên lưu thông qua đoạn đường thuộc ấp Tua Hai, xã Đồng Khởi. Ông Minh cho biết: “Khu vực này khá hẹp, xe lại đông, tiềm ẩn nhiều nguy cơ. Một số phương tiện thường phải dừng xe để quan sát xong mới tiếp tục di chuyển, gây bất tiện. Quá trình lưu thông phải hết sức cẩn trọng để không lấn len đường và giữ khoảng cách an toàn. Hy vọng cơ quan chức năng sửa lại đoạn đường này để người dân đi lại thoải mái hơn”.
Để bảo đảm an toàn cho người điều khiển phương tiện, Cảnh sát giao thông tăng cường lực lượng, tổ chức tuần tra, kiểm soát thường xuyên. Cơ quan chức năng cũng bố trí bảng chú ý an toàn tại khu vực này để người dân cẩn trọng hơn. Tuy nhiên, về lâu dài, người dân hy vọng đoạn đường này sẽ được tháo gỡ những bất cập để việc lưu thông thuận lợi, an toàn hơn.
Trong các đợt tiếp xúc cử tri, có nhiều ý kiến kiến nghị với lãnh đạo địa phương liên quan đến những nguy cơ tiềm ẩn về cống thoát nước, ảnh hưởng đến trật tự an toàn giao thông. Theo đó, cử tri phản ánh cống trên đường Trần Văn Trà, thuộc xã Bình Minh, thành phố Tây Ninh bị hư hỏng, sụt lún gây ngập úng cục bộ. Tại một số tuyến đường trên địa bàn tỉnh, nhiều đoạn cống không có nắp hoặc nắp bị hư hỏng, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn. Đơn cử, trên đoạn đường Tua Hai, phường 1, thành phố Tây Ninh, tình trạng cống hư hỏng vẫn còn xảy ra. Người dân phải sử dụng nhánh cây, thùng nhựa đặt tại miệng cống để cảnh báo nguy hiểm.
Trên các tuyến đường thuộc thị xã Hoà Thành như Phạm Văn Đồng, Lý Thường Kiệt, Phạm Hùng, Ngô Quyền, Nguyễn Văn Linh, lưu lượng xe lưu thông rất đông. Một số ý kiến cho rằng, khu vực Bệnh viện Hồng Hưng, phòng công chứng và đoạn giao giữa đường Phạm Văn Đồng, đường Lê Lợi là những vị trí vừa có đường cong, vừa có đoạn dốc, có nhiều phương tiện đỗ xe trong phạm vi mặt đường, làm thu hẹp chiều rộng phần xe chạy, hạn chế tầm nhìn tại vị trí đường cong. Các phương tiện đỗ xe trên vỉa hè đã làm hư hỏng vỉa hè, gây mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông.
Trước thực trạng trên, phía cơ quan chức năng tổ chức khảo sát thực tế tại các khu vực, sau đó thống nhất chủ trương lắp đặt biển báo cấm đỗ xe, biển báo cấm quay đầu đối với xe ô tô trên một số tuyến đường thuộc địa phận thị xã Hoà Thành, góp phần bảo đảm TTATGT trên địa bàn, hạn chế xảy ra tai nạn, ùn tắc.
Cụ thể, trên đường Phạm Văn Đồng, cơ quan chức năng lắp đặt biển cấm đỗ xe tại vị trí giao giữa đường Phạm Văn Đồng và đường số 8 (khu vực Xí nghiệp khai thác thuỷ lợi Hoà Thành) và tại vị trí giữa đường Phạm Văn Đồng, Lý Thường Kiệt, Phạm Hùng (khu vực gần cổng trường Lý Thường Kiệt), lắp đặt biển phụ phạm vi tác dụng của biển chiều dài 1.500m.
Khu vực trước cổng Bệnh viện Hồng Hưng đến Văn phòng công chứng Trần Tất Duy và khu vực giao giữa đường Phạm Văn Đồng - Lê Lợi được lắp đặt biển báo cấm quay đầu đối với xe ô tô, lắp đặt biển phụ phạm vi tác dụng của biển chiều dài 200m. Hy vọng rằng, sự nỗ lực khắc phục những bất cập trong giao thông của lực lượng chức năng sẽ hạn chế tình trạng ùn tắc và nguy cơ mất ATGT.
Các vụ tai nạn giao thông vẫn diễn ra hằng ngày, hằng giờ... chính là lời cảnh báo, hồi chuông đánh thức lương tâm và trách nhiệm của toàn xã hội. Mỗi người trong chúng ta hãy cùng hành động vì một xã hội an toàn!
Trong 6 tháng đầu năm 2022, cơ quan chức năng tổ chức sửa chữa các tuyến đường ĐT.786, ĐT.781 (Km57+900 - Km66+00), ĐT.796, ĐT.798, ĐT.797 (Thiện Ngôn - Tân Hiệp); đồng thời sửa chữa hệ thống thoát nước trên đường tỉnh quản lý. Lực lượng chức năng tuần tra, khắc phục an toàn giao thông, bảo dưỡng các tuyến đường… với giá trị khối lượng 156.849 triệu đồng.
PHƯƠNG THẢO
(còn tiếp)