Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Cải lương Tây Ninh - thời vang bóng
Kỳ 1: “Vừa hát cải lương, vừa vận động quần chúng”
Thứ hai: 00:01 ngày 15/01/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Mỗi lời ca, tiếng hát, những bản hò vè, chập cải lương nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng, lòng tự hào dân tộc, khích lệ người dân đứng lên… đã trở thành thứ vũ khí vô cùng sắc bén trong cuộc đấu tranh với kẻ thù.

Mấy hôm trước, khi chuyện vãn bên bàn cà phê, một vị nguyên là cán bộ ngành Văn hoá nói, nghe phong thanh ngành đang bàn chuyện tái lập Đoàn Cải lương Tây Ninh. Tôi cười, không mấy tin, thời buổi này, cả những đoàn lớn như T.H.T ở Thành phố Hồ Chí Minh cũng còn chật vật, ở Tây Ninh- tiếng là một trong những cái nôi của đờn ca tài tử Nam bộ, nhưng đoàn giải thể, sáp nhập vào Trung tâm Văn hoá Nghệ thuật tỉnh từ rất lâu, nghệ sĩ trụ được vài ba người, còn lại thất tán tứ phương, đó là chưa kể cảnh trí, hậu đài, nhạc công… Điện thoại cho một nghệ sĩ cũ của đoàn, anh thở dài: “Thì cũng nghe vậy, nhưng chừng nào thì không biết. Mà buồn cho cái nghề lắm T ơi!”.

Nói gì thì nói, tính ra tôi cũng thuộc dạng “con em” của ngành, khi ở khu tập thể Sở Văn hoá (giờ là trụ sở Thanh tra tỉnh), đến năm 1987 mới rời đi. Nên, cả một thời tuổi thơ, ít nhiều cũng gắn bó với những người làm nghệ thuật, từ cải lương đến ca múa nhạc… mà thời kháng chiến gọi là “văn công”. Giờ thì, hầu hết đã là người thiên cổ, những chuyện cũ về một thời máu lửa trên chiến trường, vàng son trên sân khấu cũng hiếm có sử sách nào ghi. Mươi, mười lăm năm trước, khi tôi chú tâm chép lại, ai cũng đã tầm “thất thập cổ lai hi”, ký ức cũng không liền mạch những gì đã xảy ra trong quãng đời đầy gian khổ, đau thương, mất mát nhưng thật hào hùng. Dường như họ vui lắm khi có một kẻ hậu sinh thích nghe chuyện cũ. Nhưng để được nghe họ kể, tôi đã phải gắng lòng chờ đợi, tiếng chắt lưỡi trùng trình, vầng trán hằn sâu vệt thời gian…

Một cảnh trong vở “Bình định thủng thỉnh” của Đoàn Văn công Giải phóng (Tây Ninh) trong kháng chiến.

Khi còn tại thế, một vị cách mạng lão thành nói: “Đi kháng chiến, ai cũng nghĩ mình sẽ được cầm súng giết giặc. Khi được phân công làm “văn công”, phục vụ đồng bào, chiến sĩ, dù không trực tiếp chiến đấu nhưng cũng là làm cách mạng. Tất cả đều cùng chung một mục đích là đi đến ngày chiến thắng”. Mà thật, mỗi lời ca, tiếng hát, những bản hò vè, chập cải lương nêu cao tinh thần chiến đấu anh dũng, lòng tự hào dân tộc, khích lệ người dân đứng lên… đã trở thành thứ vũ khí vô cùng sắc bén trong cuộc đấu tranh với kẻ thù.

Từ đoàn Thanh Bình…

Có lẽ những người làm ngành Văn hoá bây giờ, chỉ còn vài người biết và nhớ tới cái tên Đào Văn Thanh hay Xuân Phát, ông thứ bảy nên gọi theo kiểu Nam bộ là Bảy Phát - nguyên Phó Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin (nay là Sở Văn hoá - Thể thao & Du lịch). Ông nổi tiếng là người khó tính “hét ra lửa”, khi còn đương nhiệm, nét mặt bao giờ cũng “hình sự”.

Có khá nhiều giai thoại về cái sự khó tính của ông mà những người từng làm trong ngành Văn hoá thường mang ra kể lúc “trà dư, tửu hậu”. Thế nhưng, có sống gần mới hiểu ông là người khá vui nhộn và hài hước. Tính cách này phần nào đã được “truyền lại” cho người con trai Đào Duy Phước, cũng nổi tiếng “tiếu lâm” và có giọng ca cổ mùi như Thanh Sang, Thanh Tuấn.

Lúc mới sinh ở Tà Săng, vùng giải phóng Tân Biên, các bậc trưởng thượng như ông Bảy Phát đã đặt tên cho tôi là Hẹ. Và cũng từ đó cho đến ngày về nơi “cõi nhớ”, gặp ở đâu, câu đầu tiên bao giờ cũng là” “Sao rồi Hai Hẹ…?”. Dù sống cùng trong khu tập thể Sở Văn hoá, tôi cũng chỉ biết ông là soạn giả, chưa từng nghe ông ca một câu vọng cổ. Chỉ một lần nghe người quen kể rằng, thời trẻ ông đóng cải lương, toàn thủ vai quan vì tướng tá cao ráo, đi đứng khá sang. Mãi đến khi ông đã nghỉ hưu, tôi mới có dịp ngồi nghe ông kể về đoàn Thanh Bình, tiền thân đầu tiên của Đoàn Văn công Tây Ninh.

Sau khi ký kết hiệp định Genève năm 1954, chế độ nguỵ quyền Sài Gòn công khai ý định không thực hiện những điều khoản hiệp định, đặc biệt là việc hiệp thương tổng tuyển cử, khủng bố những người kháng chiến cũ, thẳng tay đàn áp phong trào cách mạng. Tháng 10.1954, Xứ uỷ quyết định tách Tây Ninh ra khỏi liên tỉnh Gia Ninh, chỉ định thành lập Ban Chấp hành Tỉnh uỷ Tây Ninh, củng cố lại tổ chức Đảng để lãnh đạo quần chúng đấu tranh.

Ở Nam bộ, cải lương là một loại hình nghệ thuật đặc thù. Trong những năm đầu chống Mỹ nguỵ, không ít cán bộ kháng chiến cũ rút vào hoạt động bí mật trong các đoàn cải lương, rong ruổi trên những chiếc xe ngựa, xe bò, tắc-xông (Citroen Traction Avant) qua mọi nẻo đường quê, thôn xóm… Cuối năm 1954, Tỉnh uỷ Tây Ninh chỉ đạo cho các cán bộ văn nghệ kháng chiến như Xuân Phát, ông Ba Đa (Dương Văn Đa, sau giải phóng là Trưởng đoàn Cải lương Thanh Bình, sau đổi lại thành Tây Ninh 2) và ông Sáu Hợi thành lập một đoàn cải lương hoạt động công khai, với hơn 40 anh chị em nghệ sĩ, chủ yếu là những người kháng chiến cũ. Theo lời những nhà cách mạng lão thành, năm đó Tỉnh uỷ xuất tiền chi 2.000 đồng làm kinh phí thành lập đoàn. Đoàn đóng tại Hảo Đước (Châu Thành) tập múa, tập hát, tập vở “Trần Hưng Đạo bình Nguyên” của ông Trần Bạch Đằng (viết thời kháng Pháp) và vở “Cánh tay Dương Tá” của ông Xuân Phát và ông Sáu Hợi. Sau đoàn chuyển điểm đóng quân sang bến Tầm Long, rồi về ấp Thanh Thuận, xã Thanh Điền, huyện Châu Thành. Ở đây, đoàn được 3 người dân, gia đình tương đối khá giả nhận đỡ đầu. Ông Ba Râu, làm nghề thợ cưa cho cây, ván đóng cảnh. Ông Mười Phát (Nguyễn Tấn Phát) có biết vẽ chút đỉnh thì nhận trang trí. Ăn ở thì ông Hai Thinh bao hết.

Lúc tập tuồng, “đào” áo xống bình thường, “kép” thì đa số ở trần, mặc quần đùi, vậy mà đêm nào người dân trong mấy xóm ấp ở Thanh Điền, tận dưới Thái Hiệp Thạnh (thành phố Tây Ninh bây giờ) cũng kéo nhau đến xem đông nghịt. Đến nỗi mấy đoàn hát về rạp Cassie (Nhà Văn hoá Thị xã cũ), được một hai bữa là ế dài dài, có đoàn không đủ tiền trả cho chủ rạp, đành phải bỏ lại toàn bộ cảnh trí, đạo cụ, phục trang… dông mất. Chủ rạp chở ra Thanh Điền tặng luôn cho đoàn Thanh Bình. Đến khi đoàn Ánh Sáng lên, ông bầu đoàn này năn nỉ quá, đoàn Thanh Bình mới đổi lịch, tập ban ngày, ban đêm đi xem hát khỏi tốn tiền mua vé.

“Khi đoàn hát chuẩn bị khai trương, bà con ấp Thanh Thuận xúm nhau lại, mỗi người một tay dựng một cái rạp, trét vách đất. Đêm diễn chính thức, khán giả xem chật rạp, mặc dù khá nhiều người đã xem chúng tôi tập tuồng hơn một tháng trời. Không chỉ là cải lương, đoàn còn có chương trình ca múa nhạc, chủ yếu là những bài kháng chiến. Thừa thắng, chúng tôi kéo rốc ra Cassie. Rạp lớn quá, chúng tôi phải thu nhỏ sân khấu lại. Biết chuyện, một ông chủ xưởng cưa cho mượn cây, ông Chà Đặc bán vải ở Thái Hiệp Thạnh cho mượn vải để làm sân khấu, may phông màn. Nói tiếng mượn, nhưng chúng tôi được tuỳ nghi sử dụng, hư bỏ.

Đêm diễn đầu tiên tại rạp Cassie, dân Thái Hiệp Thạnh ùn ùn kéo đến, rồi dân ở Thanh Điền, Châu Thành xuống. Sợ tụi mật thám Diệm, bọn phản động đội lốt tôn giáo phá hoại, chúng tôi phải mướn hiến binh nguỵ gác cửa. Ở tuồng “Trần Hưng Đạo bình ... Nguyên”, tôi đóng vai Trần Quang Khải, lo quá, đang diễn nghe trống đánh một tiếng thùng, tim tôi muốn rớt ra ngoài vì tưởng lựu đạn nổ.

Kể từ đêm diễn đó, tiếng tăm của đoàn Thanh Bình vang xa. Chúng tôi tập thêm tuồng “Tiếng cười trên đoạn đầu đài” (còn có tựa là “Tớ trung sát chủ”) rồi đi biểu diễn khắp nơi trong tỉnh. Diễn Vên Vên, Gò Dầu, kéo luôn xuống Trảng Bàng, băng ngược lên Truông Mít. Điểm nào gần lộ thì mướn xe hơi, xe đò. Điểm diễn trong đồng, trong bưng thì lộc cộc xe bò, xe ngựa” - soạn giả Xuân Phát nhớ lại.

Nhưng đoàn Thanh Bình cũng chỉ tồn tại được hơn một năm. Cuối năm 1956, sau khi dẹp các giáo phái, chính quyền Ngô Đình Diệm tăng cường khủng bố những người kháng chiến cũ, ngang nhiên bắn giết giữa chợ. Tỉnh uỷ chỉ đạo giải tán đoàn. Để giữ vỏ bọc hợp pháp, ông Xuân Phát lên Sài Gòn gia nhập đoàn khác. Ông Sáu Hợi về quê tận Vĩnh Long. Ông Ba Đa ở lại, sau bị địch bắt đày đi Côn Đảo, đến năm 1973, được tự do trong đợt trao trả tù binh, về lại Tây Ninh làm Chính trị viên Đoàn Văn công Giải phóng.

… đến Tổ hát chập

Sách “Truyền thống ngành Tuyên giáo 1945-2000” ghi: “Sau cuộc Đồng khởi Tua Hai, Tổ hát chập của anh Hai Thọ ra đời tại xã Đôn Thuận (Trảng Bàng) gồm những người kháng chiến cũ và thanh niên chống quân dịch. Tổ hát chập đi theo biểu diễn theo các đám cúng, đám cưới và các cuộc họp nhỏ trong xóm ấp. Đồng chí Bảy Dũng (Võ Trí Dũng- nguyên Giám đốc Sở Văn hoá, NV) được phân công theo Tổ hát chập để từng bước xây dựng thành Đoàn Văn công tỉnh. Đoàn Văn công tỉnh được thành lập do đồng chí Hai Thọ làm Trưởng đoàn. Năm 1961, đồng chí Đào Xuân Phát (Bảy Phát) được Tỉnh uỷ rút về nhận công tác tại Ban Tuyên huấn, góp phần đẩy mạnh các mặt hoạt động”.

Theo ông Võ Trí Dũng và soạn giả Xuân Phát, tiền thân của Đoàn Văn công Giải phóng là nhóm đờn ca tài tử, phục vụ kháng chiến của ông Hai Thọ (Nguyễn Văn Phước) ở Sóc Lào, Đôn Thuận, Trảng Bàng, hoạt động từ năm 1959, khi chế độ Ngô Đình Diệm ban hành Luật 10/59, lê máy chém đi khắp nơi, đàn áp phong trào cách mạng, giết hại những người kháng chiến cũ. Chính trong những ngày tháng cực kỳ khó khăn này, ông Hai Thọ đã viết một số bài ca vọng cổ làm sườn cho vở “Tống cổ đế quốc Mỹ” (còn có tựa khác là “Quét sạch quân xâm lược”).

Trong mẩu chuyện “Tự học để viết bài hát về Người” của tác giả Duy Vũ, in trong quyển “Lòng dân Tây Ninh với Bác Hồ (Ban Tuyên giáo Tỉnh uỷ Tây Ninh xuất bản năm 1990), ông Hai Thọ kể lại: “… Chúng tôi kéo ra rừng “công khai” (nhóm của ông Hai Thọ) bằng cuộc tuyên thệ trước bàn thờ Tổ quốc đơn sơ nhưng trang nghiêm. Tôi bắt chước làm bàn thờ theo kiểu tuyên thệ vào Đảng. Không có ảnh Bác Hồ, chúng tôi chỉ biết tưởng tượng ra một cụ già râu bạc giản dị mà vĩ đại, hiền hoà mà hy sinh cao cả… để thề noi gương Người, thà chết chứ không khai báo nếu sa vào tay giặc…

Đến năm 1960, 7 anh em chúng tôi (gồm tôi, Hai Thanh, Ba Sen, Sáu Minh, Bảy Hổ, Chín Hiệp, Khánh) được tỉnh điều lên làm nòng cốt xây dựng Đoàn Văn công Giải phóng tỉnh”. Ông Hai Thọ cũng chính là tác giả của một số bài bản vọng cổ, chập cải lương thời kháng chiến như: “Tre già ôm lấy măng non”, “Mừng ngày hợp tác” (chập cải lương), “Củ khoai kháng chiến”, “Truyền thống đấu tranh”, “Cây tầm vông kháng chiến”…

Sách “Truyền thống ngành Tuyên giáo 1945-2000” viết: “Với tinh thần tự lực, tự cường, ngay từ đầu năm 1960, Đoàn văn công đã tổ chức trồng mì để tự túc lương thực. Anh em phát hiện nhiều dây hà thủ ô, liền đào lấy rễ, tổ chức nấu thuốc cao rồi gửi các xã bán. Nhờ đó, Đoàn có tiền mua sắm nhạc cụ, phông màn, quần áo cho diễn viên.

Từ đó, Đoàn biểu diễn có quy củ hơn, và đông người xem như đã diễn ở các vùng giải phóng thuộc các huyện: Trảng Bàng, Toà Thánh (thị xã Hoà Thành ngày nay - NV), Bến Cầu, Châu Thành và qua Bến Cát (Thủ Dầu Một). Các đêm biểu diễn không những đã thoả mãn nhu cầu thưởng thức văn nghệ của nhân dân mà còn khơi dậy được phong trào đấu tranh mạnh mẽ của quần chúng, như: một cuộc đấu tranh của 10.000 người tại Trảng Bàng, một cuộc khác của 4.000 người ở Bến Cầu, v.v…”.

Đ.H.T

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục