Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Những người lính trên tuyến đầu chống dịch
Kỳ 1: Xông pha trên mọi mặt trận
Thứ hai: 00:29 ngày 26/07/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - “Chống dịch như chống giặc”, Ðảng bộ, lực lượng vũ trang Bộ CHQS tỉnh Tây Ninh xác định công tác phòng, chống dịch là “Nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình”. Giữa những ngày gian khó này, những người lính Cụ Hồ không ngại nguy hiểm, sẵn sàng xông pha vào tâm dịch với quyết tâm cùng địa phương đẩy lùi dịch bệnh.

Xe của Bộ CHQS tỉnh phun thuốc khử khuẩn trên địa bàn huyện Dương Minh Châu.

Sẵn sàng đi vào tâm dịch

Những ngày qua, hình ảnh cán bộ, chiến sĩ trên chiếc xe quân sự của Bộ CHQS tỉnh đi vào tâm dịch phun khử khuẩn được chia sẻ nhiều với sự khâm phục trước tinh thần sẵn sàng, không ngại hiểm nguy của người lính.

Chiếc xe phun khử khuẩn đó cũng là sự nhạy bén, sáng tạo của những người lính Phòng Kỹ thuật Bộ CHQS tỉnh. Hơn nửa tháng nay, cán bộ, chiến sĩ của Trạm Bảo dưỡng, sửa chữa tổng hợp thuộc Phòng Kỹ thuật chạy đua với thời gian để hoàn thiện những chiếc xe phun khử khuẩn, phục vụ công tác phòng, chống dịch.

Theo Trung tá Hà Thanh Thảo - Chủ nhiệm Chính trị Phòng Kỹ thuật, với phương châm “4 tại chỗ”, tận dụng những gì sẵn có, cán bộ, chiến sĩ nghiên cứu, thiết kế chuyển công năng xe quân sự thành xe phun khử khuẩn.

“Chỉ cần 30 phút để chuyển đổi công năng. Khi xong nghiệm vụ phòng, chống dịch, xe sẽ được tháo lắp lại như cũ để phục vụ công tác quân sự quốc phòng, vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa tiết kiệm chi phí và thuận lợi trong thực hiện nhiệm vụ của đơn vị”- Trung tá Hà Thanh Thảo cho biết.

Theo Trung tá Trương Thanh Hậu, Trạm trưởng Trạm Bảo dưỡng, sửa chữa tổng hợp, một xe phun khử khuẩn được tạo thành từ 2 bộ phận chính: bồn chứa nước sát khuẩn và hệ thống động cơ. Bồn chứa inox loại 5 khối nước được đặt mua sẵn. Nhưng làm thế nào để tạo được hệ thống động cơ có công suất phù hợp, bảo đảm lượng thuốc phun ra vừa đủ, không quá nhiều gây lãng phí; nếu quá ít không đủ sát khuẩn, là điều mọi người phải tính toán.

“Nếu sử dụng máy phát điện thì đơn giản, nhưng chi phí rất cao. Trung bình một máy phát điện phải mất gần 20 triệu đồng, cả xe sẽ tốn khoảng 50 triệu đồng. Thêm vào đó, trên xe lúc nào cũng có nước, nếu dùng máy phát sẽ rất dễ bị chập điện, không bảo đảm an toàn” - Trung tá Hậu cho biết.

Ðể có thể tạo được động cơ phù hợp, vừa tiết kiệm, vừa an toàn, anh em đã nghiên cứu, chế tạo một hệ thống động cơ… Sau đó, kết hợp 2 máy nén rửa xe và 2 động cơ xe máy cũ tạo động cơ cho xe phun khử khuẩn. Với việc sử dụng động cơ tự chế này, các anh tiết kiệm 50% chi phí. Mỗi xe chỉ tốn khoảng từ 25-27 triệu đồng.

Chiếc xe đầu tiên hoàn chỉnh và đi vào tâm dịch huyện Dương Minh Châu phun khử khuẩn ngày 17.7. Trung tá Trương Thanh Hậu, người trực tiếp tham gia chuyến phun khử khuẩn hôm ấy, chia sẻ: “Là người lính, đi vào tâm dịch, chúng tôi cũng như những anh em lực lượng Y tế đều một lòng, sẵn sàng, hết mình để góp phần làm sao đẩy lùi dịch bệnh càng sớm càng tốt, để cuộc sống của bà con, mọi người trở lại bình thường”.

 Sau khi hoàn thiện xe, Bộ CHQS tỉnh tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện thêm 3 xe nữa. Trong ngày 25.7, cả 4 xe tiếp tục thực hiện nhiệm vụ phun khử khuẩn trên địa bàn huyện Gò Dầu và Châu Thành.

Lực lượng Dân quân thường trực hỗ trợ điểm cách ly tại Trường cao đẳng Sư phạm (thành phố Tây Ninh).

Quyết tâm đẩy lùi dịch bệnh

Những ngày qua, khi tình hình đại dịch Covid-19 bùng phát trở lại với số ca tăng nhanh mỗi ngày, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang trên địa bàn tỉnh cùng các lực lượng khác đã không ngại khó, ngại khổ xung kích trên tuyến đầu chống dịch. Các điểm chốt chặn, các khu cách ly, khu vực phong toả, nơi đâu cũng có bóng dáng những người lính áo xanh cùng các lực lượng khác hết mình vì nhiệm vụ.

Thượng tá Hồ Văn Cu- Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Gò Dầu cho biết, ngay khi nắm bắt được tình hình về những ca lây nhiễm cộng đồng đầu tiên, được sự cho phép của Bộ CHQS tỉnh, Ban CHQS huyện đã huy động tối đa quân số tham gia công tác phòng, chống dịch. Ðể thực hiện công tác cách ly.

Hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ tham gia phục vụ, dọn dẹp vệ sinh, bố trí nơi ăn, nghỉ cho người dân tại 9 điểm cách ly trên địa bàn huyện: Trường THCS Phước Ðông, Trường THCS Phước Thạnh, Trường THCS Bàu Ðồn, Trường THPT Ngô Gia Tự, Trường tiểu học Bến Ðình, Trường tiểu học Ðá Hàng, Trường tiểu học Phước Trạch, Trường tiểu học Phước Hội, Trường THCS Trần Hưng Ðạo.

Ban CHQS huyện còn bố trí 165 phòng tại 9 khu cách ly tập trung, bảo đảm hậu cần cho trên 1.600 người; bố trí 3 Tổ cố định, 1 tổ lưu động kiểm soát dịch và hàng chục lượt cán bộ sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp trực tiếp tham gia cùng lực lượng làm nhiệm vụ.

Ðặc biệt, ngay từ khi đại dịch bùng phát, đã có 16 cán bộ, chiến sĩ trong lực lượng vũ trang huyện xung phong thực hiện nhiệm vụ ở các khu cách ly tập trung, đến nay, có 2 cán bộ là Quân nhân chuyên nghiệp đang phục vụ ở các chốt chống dịch trên tuyến biên giới.

Ban Chỉ huy Quân sự huyện phối hợp với Trung tâm Văn hoá, Thể thao và Truyền thanh huyện tuyên truyền trên hệ thống truyền thanh huyện, xã, thị trấn với hơn 100 tin, bài; 150 lần phát thanh trên toàn huyện với thời lượng trên 3.000 phút.

Là người trực tiếp tham gia phục vụ chống dịch trên tuyến biên giới, Thượng uý chuyên nghiệp Trần Hữu Trí - nhân viên Quân lực Ban CHQS huyện chia sẻ: “Dù biết dịch bệnh rất nguy hiểm, song khi được giao nhiệm vụ, cán bộ, chiến sĩ tại đơn vị luôn xác định rõ tinh thần, trách nhiệm, quyết tâm của bản thân trong công tác phòng, chống dịch. Chúng tôi đã khắc phục triệt để những khó khăn ban đầu để giúp người dân được an toàn, quyết tâm khống chế dịch bệnh”.

 Trước đó, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Bộ CHQS tỉnh đã họp triển khai kích hoạt các biện pháp phòng, chống dịch ở cấp độ cao nhất. Chấp hành nghiêm mệnh lệnh của trên, Ðảng uỷ, Ban CHQS huyện Gò Dầu kịp thời chỉ đạo, củng cố lực lượng nòng cốt; bổ sung vật chất, trang bị phòng, chống dịch theo quy định; rà soát, điều chỉnh kế hoạch phòng, chống dịch của cơ quan trực thuộc, ban CHQS 9/9 xã, thị trấn phù hợp với đặc điểm tình hình nhiệm vụ.

Tổ chức khử khuẩn phương tiện, giám sát thân nhiệt và thực hiện khai báo y tế đối với 100% người vào cơ quan, đơn vị. Cùng với đó, Ban CHQS huyện đã chỉ đạo Ban CHQS xã, thị trấn cử cán bộ, dân quân thường trực phối hợp với các lực lượng tham gia trực tại các điểm chốt trên địa bàn toàn huyện, nhất là những điểm nóng về dịch như tại Khu công nghiệp Phước Ðông.

Dù ở đâu, nhiệm vụ nào, những người lính cũng sẵn sàng xông pha, nhận trách nhiệm với tinh thần cao: quyết tâm khống chế và đẩy lùi dịch bệnh.

Ngọc Diêu

Tin cùng chuyên mục