Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Thống kê mới nhất, toàn tỉnh có 16 trẻ mồ côi cha hoặc mẹ do đại dịch Covid-19, trong đó có em mới vài tháng tuổi. Ðó là những mất mát không thể cân đong đo đếm, không gì bù đắp nổi. Các em cần lắm những vòng tay yêu thương, sự quan tâm đặc biệt và hỗ trợ chăm sóc trong thời gian dài.
Khi trẻ em được sống trong môi trường gia đình sẽ tốt nhất cho sự phát triển của trẻ (ảnh minh hoạ)
Vượt qua nghịch cảnh
Không kiềm được nước mắt, chị Giảng Thị Lánh (36 tuổi, ngụ phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh) cho biết, chồng chị- anh Lê Quốc Tuấn (43 tuổi) không may qua đời chỉ trong một thời gian ngắn sau khi nhiễm SARS-CoV-2 vào tháng 7 vừa qua. Hai con trai của chị, Lê Q.T (16 tuổi) và Lê Q.Tr (5 tuổi) rất sốc khi cha ra đi quá đột ngột.
Chị Lánh kể, tối 21.7, thấy chồng đau họng, sốt, ho, nghĩ anh chỉ bị cảm cúm thông thường nên chị mua thuốc cho anh uống, nhưng vẫn không thuyên giảm. Ðến Trung tâm Y tế TP. Tây Ninh xét nghiệm, anh dương tính SARS-CoV-2, chị âm tính. Hai vợ chồng ở lại bệnh viện 2 ngày.
Sau khi xét nghiệm truy vết, con trai lớn của chị dương tính còn con út âm tính nên chị Lánh và con, họ hàng nhà ngoại đi cách ly tại Trường THPT chuyên Hoàng Lê Kha. Hai cha con anh Tuấn đi điều trị tại Bệnh viện dã chiến Trường cao đẳng Sư phạm.
Chị Lánh cho biết, tình hình lúc đó rất rối ren và bấn loạn vì mỗi người bị cách ly một nơi. Hai ngày sau, anh Tuấn trở nặng phải chuyển sang Bệnh viện Lao và Bệnh phổi điều trị. Sau đó, chị Lánh và con út lần lượt dương tính, cả ba mẹ con được chuyển về sân vận động thành phố Tây Ninh (khu cách ly tập trung và thu dung đối với ca F0 nghi nhiễm chờ khẳng định thuộc Trung tâm Y tế Thành phố) để được ở gần, chăm sóc cho nhau.
“Mỗi ngày, chúng tôi đều gọi điện thoại video thăm hỏi tình hình sức khoẻ. Anh ngày một yếu đi. Sau 8 ngày mắc bệnh, ngày 31.7, bệnh viện thông báo anh qua đời, tôi đau đớn khôn cùng, nhưng vẫn cố nuốt nước mắt, giấu con trai lớn, vì con có kết quả xét nghiệm âm tính đã được về cách ly tại nhà. Còn đứa nhỏ, thỉnh thoảng vẫn hỏi sao lâu quá ba không điện thoại vậy mẹ?”- chị Lánh nghẹn ngào.
Anh Tuấn là lao động chính trong gia đình, chị ở nhà vừa trông nom gian hàng tạp hoá nhỏ, vừa lo nội trợ, chăm sóc con cái. Con trai lớn năm nay vào học lớp 11 Trường THPT Trần Ðại Nghĩa, đứa nhỏ mới hơn 5 tuổi. Hai đứa con là động lực để chị vượt qua đau thương sống tiếp.
Chị thường xuyên động viên, nhắc nhở con trai lớn chuyên tâm học tập vì thường ngày, anh Tuấn luôn tự hào về thành tích học tập của con. Sự vô tư của con trai út cứ nghĩ ba đi đâu đó, khi nào hết dịch sẽ về làm chị Lánh càng xót xa.
Giờ, tâm lý hai bé đã tạm ổn và tập quen với cuộc sống thiếu vắng cha. Cậu con trai lớn chịu khó học tập và phụ giúp mẹ chăm sóc em, lo cho gia đình. Nghĩ về tương lai, chị Lánh không khỏi lo lắng khi con trai lớn chuẩn bị vào đại học, chi phí ăn học ngày càng tăng. Chị tính, khi dịch bệnh ổn định sẽ kiếm việc làm thêm để có tiền lo cho hai con.
Ðây là chỉ là một trong các trường hợp trẻ em bị mất đi người thân vì dịch Covid-19 tại Tây Ninh. Trong số 16 trẻ mồ côi, có 10 em mất cha, 6 em bị mất mẹ, có hai trường hợp (tại phường An Tịnh, thị xã Trảng Bàng) sống với ông bà nội do cha mất vì tai nạn giao thông 8 năm, nay đến mẹ qua đời vì nhiễm Covid-19.
Cần có chính sách lâu dài
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LÐ-TB&XH), ban, ngành, đoàn thể các cấp đã và đang vận động để hỗ trợ các em dụng cụ học tập, học bổng… hướng dẫn thủ tục hỗ trợ đối với trẻ em dưới 16 tuổi có cha hoặc mẹ qua đời do nhiễm Covid-19, trẻ em là F0, F1 nhằm bảo đảm quyền lợi theo quy định.
Bà Trần Thị Lan- Phó Giám đốc Sở LÐ-TB&XH cho biết, đơn vị và các sở, ban, ngành, đoàn thể đã hỗ trợ, giúp đỡ và chăm lo cho các em có người thân không may qua đời vì Covid-19. Cụ thể, ngành LÐ-TB&XH đang hướng dẫn làm hồ sơ cho 2 cháu mồ côi cả cha và mẹ để hưởng chính sách bảo trợ xã hội theo Nghị định số 20/2021/NÐ-CP ngày 15.3.2021 của Chính phủ; đề nghị hỗ trợ kinh phí cho 18 trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 theo Quyết định 1013/QÐ-LÐTBXH của Bộ LÐ-TB&XH và Công văn 327/QBT-QLCTDA của Quỹ Bảo trợ trẻ em Việt Nam về việc hỗ trợ trẻ em bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19. Trong đó, 16 em có cha hoặc mẹ mất vì Covid-19 (2 triệu đồng/trường hợp) và 2 trẻ sơ sinh có mẹ bị nhiễm Covid-19 (1 triệu đồng/trường hợp).
Ngoài ra, đối với trẻ em là F0, F1 đã được hỗ trợ theo Nghị quyết số 68/2021/NÐ-CP ngày 1.7.2021 của Chính phủ và Quyết định số 23/2021/QÐ-TTg ngày 7.7.2021 của Thủ tướng Chính phủ về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19.
Gần đây nhất, ngày 28.9, UBND tỉnh có văn bản chỉ đạo các ngành chức năng và UBND huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Công văn số 3234/LÐTBXH-TE của Bộ LÐ-TB&XH về các biện pháp chăm sóc trẻ em mồ côi do đại dịch Covid-19.
Theo đó, cần ưu tiên bố trí, hỗ trợ để trẻ em được chăm sóc thay thế bởi người thân. Việc trẻ được chăm sóc thay thế tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là biện pháp sau cùng. Doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân có mong muốn hỗ trợ, chăm sóc, nuôi dưỡng trước mắt và lâu dài nhóm trẻ em này phải bảo đảm tuân thủ các quy định pháp luật đối với việc chăm sóc, giáo dục, bảo vệ trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt và chăm sóc thay thế cho trẻ em mồ côi cả cha và mẹ, trẻ em bị bỏ rơi, trẻ em không nơi nương tựa.
Bà Trần Thị Lan cho rằng, bên cạnh chăm lo cho các em từ chế độ, chính sách, rất cần sự chung tay của cộng đồng hỗ trợ cho các em. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là phải để các em được sống trong môi trường gia đình, với người thân.
“Khi không có người thân thì có thể tìm tới một cá nhân, một gia đình khác có nhu cầu chăm sóc. Việc chăm sóc thay thế hay đưa các em vào nuôi dưỡng tập trung tại cơ sở trợ giúp xã hội chỉ là giải pháp sau cùng. Bởi vì, không có gì bằng vòng tay yêu thương của gia đình dành cho các em”- bà Lan nhấn mạnh.
Tâm Giang - Lê Thuỳ
Nghị định 20/2021/NÐ-CP ngày 15.3.2021 của Chính phủ quy định chính sách trợ giúp xã hội đối với đối tượng bảo trợ xã hội. Theo đó, trẻ em mồ côi cả cha và mẹ thì được xét trợ cấp xã hội hằng tháng tại cộng đồng. Mức trợ cấp với hệ số 2,5 đối với trường hợp dưới 4 tuổi; (tương đương 900.000 đồng/trẻ em/tháng); hệ số 1,5 đối với trường hợp đủ 4 tuổi trở lên (tương đương 540.000 đồng/trẻ em/tháng).