BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 48 năm Ngày chiến thắng 30.4.1975: Thắng lợi của người Việt Nam, tự hào của lương tâm nhân loại

Kỳ 2: Chiến thắng của truyền thống yêu nước, đoàn kết toàn dân tộc 

Cập nhật ngày: 29/04/2023 - 06:57

BTN - 48 năm qua, từ ngày Chiến thắng 30.4 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân ta đoàn kết một lòng từng bước vượt qua muôn vàn khó khăn để bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc.

Người Việt xưa đã biết đến chân lý: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Tháng 2.1958, đất nước vẫn còn chia đôi và chính quyền Ngô Đình Diệm ở miền Nam không chấp nhận thi hành Hiệp định Genève 1954, sau hai năm sẽ hiệp thương tổng tuyển cử thống nhất đất nước. Tháng 2.1958, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà Hồ Chí Minh đã nhắc lại chân lý ấy và khẳng định: “Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Trong khi đó, ở bên kia bờ Thái Bình Dương, chuyên gia phân tích, hoạch định chiến lược của Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ Daniel Ellsberg đã viết trong Hồ sơ mật Lầu Năm Góc: “Nếu Mỹ không mở rộng vai trò của mình bao gồm trực tiếp tham gia chiến đấu trên chiến trường, mở các cuộc tấn công bằng không quân và hải quân vào miền Bắc, hoặc đưa các đơn vị bộ binh vào miền Nam hoặc cả hai, thì các lực lượng do Cộng sản lãnh đạo sẽ nắm quyền kiểm soát miền Nam Việt Nam” (Ellsberg.D: “Những bí mật trong chiến tranh Việt Nam”, Penguin 2003).

Chính từ nhận định này, Tổng thống Mỹ Johnson đã nói “Chúng ta giấu súng trong áo choàng và cất bom trong kho đã quá lâu”, sau đó, Mỹ bắt đầu leo thang chiến tranh ở Việt Nam với đội quân viễn chinh từ 16.000 cố vấn quân sự lên đến 550.000 quân chiến đấu đổ vào miền Nam và huy động lực lượng lớn không quân, hải quân đánh phá miền Bắc.

Điều mỉa mai là, 6 năm sau khi đại quân Mỹ đổ vào miền Nam Việt Nam, năm 1971, cũng chính Daniel Ellsberg đã công bố Hồ sơ mật Lầu Năm Góc về chiến tranh Việt Nam cho báo chí, gây chấn động nước Mỹ, tăng cường sức mạnh cho phong trào phản đối chiến tranh của nhân dân Hoa Kỳ và các nước trên thế giới.

Trên chiến trường miền Nam, đầu năm 1968, lực lượng cách mạng đồng loạt tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân ở khắp các tỉnh, thành miền Nam làm rúng động cả nước Mỹ, làm lung lay ý chí xâm lược của chính phủ, quân đội Hoa Kỳ đối với dân tộc ta.

“Chỉ mấy tuần sau cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân, uy tín của Tổng thống Johnson bị suy giảm nhanh chóng (tỷ lệ người ủng hộ Tổng thống Johnson theo thăm dò từ 80% lúc mới lên làm Tổng thống xuống còn 40% khi xảy ra tổng tiến công và chỉ còn 2,6% sau 6 tuần đối phó với tổng tiến công)” (Lịch sử Nam bộ kháng chiến, tập II 1954-1975, NXB Chính trị quốc gia - Sự thật 2011).

Sự kiện chấn động ấy đã dẫn đến hệ quả: “Vào đêm 31.3.1968, với vẻ đắn đo và trang trọng, Tổng thống Mỹ Johnson xuất hiện trên vô tuyến truyền hình toàn liên bang đọc bài diễn văn quan trọng nhất trong cuộc đời chính trị của ông ta, “bài diễn văn bi thảm nhất” mà suốt 21 năm dính líu ở Việt Nam, chưa một vị Tổng thống Mỹ nào phải đưa ra.

Trong bài diễn văn đó, Johnson tuyên bố: - Mỹ đơn phương chấm dứt việc ném bom Việt Nam Dân chủ Cộng hoà từ vĩ tuyến 20 trở ra; - Sẵn sàng cử đại diện đi vào đàm phán với Việt Nam Dân chủ Cộng hoà. - Chấm dứt thời kỳ trong đó Mỹ “tăng cường cam kết đưa các lực lượng quân Mỹ vào cuộc chiến tranh trên bộ”. - Việc trang bị lại cho quân đội Nam Việt Nam sẽ được tăng nhanh để tạo cho chúng khả năng đảm nhận trách nhiệm lớn hơn trong việc phòng thủ Nam Việt Nam. Cuối cùng Johnson công bố quyết định không ra tranh cử Tổng thống Mỹ nhiệm kỳ tiếp theo” (Hồ Khang: Tết Mậu Thân tại miền Nam Việt Nam”, NXB Quân đội nhân dân- 2021).

Sau bài “diễn văn lịch sử” của Tổng thống Johnson, Mỹ đã cử đoàn đại biểu chính phủ đến Paris, bắt đầu cuộc đàm phán với đoàn đại biểu chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hoà; tiếp đó có thêm hai đoàn của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam, sau là Cộng hoà miền Nam Việt Nam, và đoàn Việt Nam Cộng hoà của nguỵ quyền Sài Gòn.

Bốn bên cùng tham dự cuộc đàm phán dai dẳng tại thủ đô nước Pháp- một nước thực dân từng thống trị Việt Nam gần 100 năm, sau gần 5 năm đấu tranh trên bàn hội nghị đã kết thúc với bản “Hiệp định về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam” được bốn bên ký kết ngày 27.1.1973.

Hiệp định Paris được ký kết, đội quân viễn chinh Hoa Kỳ đã triệt thoái khỏi đất nước ta. Thế nhưng, phía Việt Nam Cộng hoà- một trong hai chính quyền, hai quân đội, hai vùng kiểm soát tại miền Nam, đã cự tuyệt thi hành các bước tiếp theo về xây dựng một chế độ thực sự dân tộc, dân chủ, thoát hẳn mọi sự lệ thuộc của nước ngoài, thực hiện quyền tự quyết thực sự của nhân dân miền Nam theo Định ước quốc tế đã được ký kết sau Hiệp định Paris.

Phía Mỹ, tuy đã cuốn cờ rút hết quân nhưng vẫn tiếp tục tăng cường viện trợ tối đa cho nguỵ quyền Việt Nam Cộng hoà trong hai năm 1973-1974, theo chiến lược “Việt Nam hoá chiến tranh” của Tổng thống Nixon, tạo điều kiện tăng cường thực lực quân sự cho nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn vi phạm hiệp định, đẩy mạnh các chiến dịch “tràn ngập lãnh thổ” để “giành dân lấn đất” với chính phủ Cộng hoà miền Nam Việt Nam.

Thái độ bất chấp Hiệp định Paris của nguỵ quyền Việt Nam Cộng hoà trắng trợn đến mức trong hội nghị ngày 12.11.1974 tại Bộ Dân vận - chiêu hồi chính quyền Sài Gòn, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Nguyễn Văn Thiệu không ngần ngại tỏ rõ thái độ hiếu chiến và lớn tiếng thách thức dư luận quốc tế: “Quốc tế bây giờ nói ông Thiệu không thi hành Hiệp định Ba Lê. A… quốc tế hả, dẹp, chuyện này không phải của mấy người. Tôi biết tôi phải làm cái gì, Hiệp định Ba Lê này mấy ông có đọc chưa, mấy ông thuộc bằng tôi không mà mấy ông xen cái lỗ mũi vô trong chuyện của tôi…

Ôi đồ ba cái thứ quốc tế này, quốc tế kia đánh điện tôi xé tôi vứt giỏ rác, kể cả Liên Hợp Quốc chẳng làm cái trò trống gì cho nên hình” (Nhiều tác giả: Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà Miền Nam Việt Nam, NXB Tổng hợp TPHCM, 2019).

Giọng điệu “hàng tôm, hàng cá” của Nguyễn Văn Thiệu thì những người có tuổi sống tại miền Nam trước năm 1975 không còn lạ gì. Không chỉ trong các hội nghị của chính quyền, mà ngay cả trên đài phát thanh, đài truyền hình, Thiệu cũng ăn nói như thế. Cụ thể như phát biểu trước khi hoà đàm bốn bên ký Hiệp định Paris 1973, hay phát biểu từ chức Tổng thống trên đài phát thanh Sài Gòn ngày 22.4.1975 trước khi Thiệu “cuốn gói” ra nước ngoài.

Sự “lật lọng” của kẻ đứng đầu nguỵ quyền Việt Nam Cộng hoà rõ ràng như thế, hơn ai hết, những người đứng trong hàng ngũ nguỵ quân, nguỵ quyền Sài Gòn là người hiểu rõ nhất. Thế mà về sau, thậm chí đến gần nửa thế kỷ sau, trong số họ và con cháu họ vẫn còn những người cố tình xuyên tạc trên các mạng xã hội toàn cầu, rằng Cộng sản Việt Nam “xé bỏ” Hiệp định Paris “cướp lấy” miền Nam (?!).  

Trước tình hình chế độ Sài Gòn không tôn trọng, không thi hành Hiệp định Paris, ngày 8.10.1974, Chính phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam ra tuyên bố “chấm dứt thương thuyết với chính quyền Sài Gòn. Chuyển cuộc cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân sang một thời kỳ quyết định.

Thông qua Nghị quyết của Thường vụ Trung ương Cục miền Nam để đánh bại chính sách “bình định, lấn chiếm” mới của Mỹ-nguỵ, tiến lên hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân” (Nhiều tác giả, sách đã dẫn).

Qua hai năm 1973-1974 nguỵ quyền Việt Nam Cộng hoà không thực thi Hiệp định Paris, lực lượng cách mạng miền Nam tiến hành cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 tiến quân thần tốc, thế mạnh như vũ bão, thắng lợi như “chẻ tre” từ Tây Nguyên, miền Trung đánh tan Quân đoàn I, Quân đoàn II rồi đến Quân đoàn III nguỵ tận cửa ngõ Sài Gòn.

Ngày 26.4.1975, năm cánh Quân Giải phóng miền Nam Việt Nam bắt đầu Chiến dịch Hồ Chí Minh “tiến vào Sài Gòn” chỉ trong vòng một tuần lễ, Tổng thống Việt Nam Cộng hoà lúc bấy giờ là Dương Văn Minh phải tuyên bố đầu hàng vô điều kiện trên làn sóng đài phát thanh Sài Gòn lúc 11 giờ trưa ngày 30.4.1975.

Sau Chiến thắng 30.4, lãnh thổ toàn miền Nam thuộc quyền kiểm soát của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam do Đảng Lao động Việt Nam lãnh đạo. Tháng 9.1974, Hội nghị Trung ương lần thứ 24 khoá III của Đảng xác định mục tiêu thống nhất đất nước về mọi mặt.

Từ ngày 15 đến ngày 21.11.1975, Hội nghị hiệp thương chính trị được tổ chức tại Sài Gòn giữa Đoàn đại biểu Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hoà do ông Trường Chinh dẫn đầu và Đoàn đại biểu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam do ông Phạm Hùng dẫn đầu đã nêu cao quyết tâm thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”.

Tháng 1.1976, cuộc họp liên tịch của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Việt Nam Dân chủ Cộng hoà và Hội đồng Cố vấn Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam đã ra quyết định: Cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội chung cả nước.

Ngày 25.4.1976, tổng tuyển cử trong cả nước đã bầu ra 492 đại biểu của Quốc hội Việt Nam thống nhất. Từ 24.6 đến 3.7.1976, Quốc hội họp kỳ đầu tiên, thông qua các nội dung: Xoá bỏ khu phi quân sự theo vĩ tuyến 17; Lấy tên nước là Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam; thủ đô là Hà Nội, chọn Quốc kỳ, Quốc huy là Cờ đỏ Sao vàng, Quốc ca là bài Tiến quân ca; đổi tên Thành phố Sài Gòn là Thành phố Hồ Chí Minh.

48 năm qua, từ ngày Chiến thắng 30.4 đến nay, dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, toàn dân ta đoàn kết một lòng từng bước vượt qua muôn vàn khó khăn để bảo vệ, xây dựng, phát triển đất nước độc lập, tự do, hạnh phúc. Đúng như lời Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhận định: “Đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Nguyễn Tấn Hùng

Tin liên quan
  • Sáng ngời chân lý chủ nghĩa Mác-Lênin trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc 

    Sáng ngời chân lý chủ nghĩa Mác-Lênin trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc

    Những năm gần đây, vào thời điểm diễn ra kỷ niệm các ngày lễ lớn của đất nước ta, nhất là dịp kỷ niệm Cách mạng tháng Tám, Quốc khánh 2.9 và ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước (30.4), các thế lực thù địch cùng một số phần tử phản động lại tung ra nhiều luận điệu xuyên tạc rằng: Hai cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp xâm lược và chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta là “sai lầm”, làm hao người, tốn của, đất nước bị tàn phá, dân tộc bị phân ly...