BAOTAYNINH.VN trên Google News

Một thời không quên của người nữ biệt động Thị xã

Kỳ 2: Chín lần chiến đấu để sinh tồn 

Cập nhật ngày: 05/03/2017 - 23:41

BTNO - Chuyện người nữ đội trưởng đội biệt động Thị xã không chỉ gan góc, mưu trí trong chiến đấu diệt địch mà còn can đảm chịu đựng phẫu thuật đến năm, sáu lần lan truyền khắp nơi, ai cũng thương cảm, khâm phục.

Chị Lê Thị Hai (đứng thứ 2 bên phải) cùng lãnh đạo Thành uỷ thành phố Tây Ninh các thế hệ và các đồng đội cũ thuộc Đội biệt động Thị xã. Ảnh tư liệu Ban Liên lạc C2-45.

Chẳng biết bao lâu thì chị Hai tỉnh lại. Nhìn quanh nhìn quất chị biết mình đang ở trong căn cứ của đơn vị quân y. Người nữ y tá đến chăm sóc chị cho biết, sau trận giặc càn, đồng đội tìm được chị đưa về quân y huyện Toà Thánh ở rừng 48 cấp cứu. Tại đây, chị Hai được một vị bác sĩ mổ vết thương ở bụng, trong đó vẫn còn một viên đạn tiểu liên nằm lại, tuy nhiên phẫu thuật viên không phát hiện được chỗ thủng ruột nên chỉ gắp viên đạn ra rồi khâu lại. Sau lần phẫu thuật đầu tiên, vết thương trong ruột bị áp-xe, chị đau đớn quá, lại tiếp tục mê man. Có lần được hồi tỉnh một lúc, đủ để cho chị nhận ra không phải chị đang nằm trong hầm cứu thương của bệnh viện quân y dã chiến, mà ở một nơi có nhiều chiếc bóng mặc áo choàng trắng.

Giữa những cơn mê tỉnh - tỉnh mê, chị nghe loáng thoáng tiếng nhiều người nói và biết rằng chị đã được chuyển đến bệnh viện dân y của tỉnh ở bàu Văn Lịch, nằm sâu trong vùng giải phóng, xa lắc phía bên kia núi Bà Đen. Những tiếng người ấy là tiếng của các thầy thuốc hội chẩn để giải phẫu cho chị lần thứ hai. Vẫn là mổ không thuốc mê, thuốc tê gì cả. Rồi khi mổ người ta mới phát hiện những 3 vết thương trong bụng chị đã bị nhiễm trùng đang tấy lên. Sự sống của chị ngàn cân treo sợi tóc. Các bác sĩ ở tỉnh quyết tâm cứu sống chị Hai, đã tìm mọi cách để khâu vết thương chỗ bị áp-xe nên trong mấy tháng đã mổ cho chị đến lần thứ 6. Nhưng thuốc men quá thiếu, cả đến thuốc tê, chỗ nào đau quá chị Hai không kiềm chế được, bật ra tiếng rên mới tiêm một ít thuốc tê.

Chuyện người nữ đội trưởng đội biệt động Thị xã không chỉ gan góc, mưu trí trong chiến đấu diệt địch mà còn can đảm chịu đựng phẫu thuật đến năm, sáu lần lan truyền khắp nơi, ai cũng thương cảm, khâm phục. Các chú lãnh đạo Tỉnh uỷ rất quan tâm, thường xuyên gọi dây nói đến thăm hỏi và căn dặn cần thuốc nào mà tủ thuốc của cấp uỷ có thì cứ đến lấy để sử dụng điều trị cho chị Hai. Bao nhiêu là thực phẩm, sữa, đường, thức ăn tẩm bổ từ khắp nơi gửi đến chất đầy đầu giường chị Hai, nhưng… bụng đâu có chứa được mà ăn.

Có lúc trong cơn nửa mê nửa tỉnh, chị nhận ra vị lãnh đạo Thị uỷ ngồi bên chị, bón cho chị từng muỗng cháo, chị không nhận ra mùi vị gì, nhưng nghe được lời dỗ ngọt: -Ráng ăn đi cháu, cháo nấu với tôm, cậu phải lặn lội cả chục cây số đường rừng, trảng trũng, tìm mua được mấy con tôm bây ăn cho mau lành vết thương… Vậy là người đứng đầu Đảng bộ Thị xã đã bất chấp hiểm nguy dưới làn bom đạn, lặn lội lên tận Vàm Trảng Trâu, đầu nguồn sông Vàm Cỏ Đông cố tìm mua cho được tôm càng xanh để chị bồi dưỡng. Ôi tình đồng chí, đồng đội sao mà cao cả!

Về sau khi đã có phần tỉnh táo hơn, chị được nghe những cán bộ y tế và những người bệnh cùng nằm viện cho biết, chị kéo dài được sự sống, đủ sức chịu đựng những ca đại phẫu liên tục là nhờ có sự hy sinh của một đồng đội. Đó là trong lần giải phẫu thứ bảy, chị đã mang ơn một người, dù khi chịu ơn chị hoàn toàn không hay biết. Lúc ấy ca bệnh của chị là sự quan tâm của tất cả mọi người trong bệnh viện, từ vị thầy thuốc đứng đầu cho đến tất cả các bệnh nhân nặng, nhẹ. Mọi người khâm phục không chỉ vì những thành tích vang dội gần như huyền thoại của chị trong chiến đấu, mà còn vì sự chịu đựng qua những “trận chiến với tử thần” qua những cuộc phẫu thuật không thuốc gây mê. Lần giải phẫu cuối cùng ở Dân y tỉnh, ngay chính những người cầm dao mổ cũng không tin chị vượt qua khỏi số phận nghiệt ngã. Bởi lẽ cơ thể chị đã suy kiệt quá sức, trên giường bệnh chị cũng chỉ sống thoi thóp, làm sao chịu nổi trên bàn mổ. Nhưng nếu không mổ chị sẽ lập tức vĩnh viễn ra đi. Mọi người ai cũng hết sức thương cảm cho chị. Lúc ấy có một bệnh binh, sĩ quan quân chủ lực, hai chân bị thương đã hoại thư, được cấp trên cấp cho mười đơn vị máu khô để cưa chân, tháo khớp. Người bệnh binh ấy đã gặp bác sĩ viện trưởng tự nguyện tặng chị hết số máu quý giá để bệnh viện truyền cho chị. Người ấy khẳng khái nói: “Các đồng chí bác sĩ hãy dùng mười lọ máu này để cứu sống đồng chí Hai, đồng chí ấy là người chỉ huy còn trẻ, gan dạ, kiên cường và rất tài giỏi, là một người con trung dũng của quê hương, đất nước. Còn tôi, có cứu sống được cũng chỉ là một người tàn phế, không còn tham gia công tác, chiến đấu được nữa”. Các bác sĩ khuyên giải người bệnh binh cao thượng ấy hết lời, rằng sinh mạng của ai cũng vô cùng quý trọng, đạo đức ngành y không cho phép lấy sinh mạng người này để cứu người khác. Nhưng người ấy vẫn kiên quyết không chịu để bác sĩ truyền máu cho mình, một mực xin được hy sinh dành sự sống cho chị. Nhờ có mười đơn vị máu quý hơn vàng, chị đã vượt qua được lần giải phẫu thứ bảy, và còn đủ sức chịu đựng để vượt ngàn dặm Trường Sơn ra miền Bắc tiếp tục chữa trị. Sau này khi được mạnh lành, trở lại với cuộc sống, chị mới được nghe kể về người đã hy sinh tính mạng cho mình. Đó là đồng chí Nguyễn Tấn Tuấn (theo lời kể của chị Hai, còn trong sách Truyền thống cách mạng của Phụ nữ Tây Ninh ghi là đồng chí Lâm Tuấn Tấn-NV), một sinh viên y khoa Hà Nội, vừa tốt nghiệp bác sĩ thì xung phong đi bộ đội, vào chiến trường miền Nam mới phát hiện bị mắc bệnh nan y. Là thầy thuốc, anh hiểu rõ căn bệnh của mình đã đến giai đoạn cuối, không còn cứu chữa được, nên đã tự nguyện và… kiên quyết tặng lại cho chị 10 đơn vị máu khô của đơn vị quân y trung đoàn nơi anh công tác cung cấp để chữa trị cho anh. Sau đó, khi đang trên đường chuyển ra miền Bắc tiếp tục trị thương, chị Hai được tin người tặng máu cứu mạng chị đã qua đời khi cũng đang trên đường chuyển ra Bắc. Chị ghi nhớ ngày anh mất và hằng năm vẫn cơm canh cúng giỗ anh. Chị xem người bệnh binh ấy như người sinh ra mình lần thứ hai, và chị nguyện với lòng sẽ sống thật xứng đáng với công ơn trời biển của người ấy.

Chị ra Bắc vào mùa thu một năm cuối cuộc trường chinh giải phóng dân tộc. Sau khi hiệp định Paris 1973 được ký kết, đường Trường Sơn không còn phải quằn mình chịu đựng bom thảm pháo bầy của quân viễn chinh Mỹ, nhưng những chiến sĩ giao liên cũng phải mất hai tháng ròng để khiêng võng băng đèo lội suối chuyển chị đi trên đường rừng núi. Ra tới miền Trung, vượt sông Bến Hải - dòng sông giới tuyến chia cắt đôi miền đất nước, đến Quảng Bình chị mới được chuyển ra Hà Nội bằng xe ô tô. Tại Viện Quân y 103, trong khung cảnh hoà bình ở thủ đô chị gặp được một vị bác sĩ bậc thầy trong ngành y có cái tên khiến mọi người da diết niềm thương nỗi nhớ quê hương - Đỗ Hoài Nam. Tên ông có nghĩa là “chim quyên nhớ đất phương Nam”. Vị thầy thuốc này xác định nguyên nhân của mọi nguyên nhân khiến cho các vết thương của chị cứ mổ thì nhiễm trùng. Đó là sự rò rỉ nước tiểu từ vết thương thủng bàng quang, mà trong điều kiện hết sức khó khăn, thiếu thốn ở mặt trận các bác sĩ không thể nào giải quyết được. Nhờ sự chăm sóc đặc biệt ở hậu phương lớn của cả nước, sức khoẻ của chị hồi phục nhanh chóng. Chị rất lạc quan trước khi lên bàn mổ lần thứ tám. Lần này chị không phải mổ trong bệnh viện dã chiến thiếu thốn máy móc, y cụ, thuốc men, mà được giải phẫu trong phòng mổ hiện đại ở tuyến y tế cao nhất. Nào ngờ, sau ca mổ khâu bàng quang thành công, chị lại phải chấp nhận một sự thật cay đắng. Một hôm, khi chị đã hoàn toàn hồi phục sau ca đại phẫu, vị thầy thuốc khả kính mới mời chị vào phòng báo tin mừng: “Vậy là con đã sống”, nhưng sau đó bác sĩ Đỗ Hoài Nam lại từ tốn và tế nhị nói khéo cho chị biết là chị không còn khả năng sinh nở. Bác sĩ nói, lương tâm thầy thuốc không cho phép ông giấu giếm chị điều đáng buồn ấy. Bởi lẽ chị còn quá trẻ, còn cả một tương lai rất dài ở phía trước. Chị phải biết rõ bản thân mình để lo liệu cho bản thân, khi chị không còn khả năng được hưởng niềm hạnh phúc làm mẹ.

Trong lúc tâm trạng chị Hai đang ngổn ngang trăm mối vui buồn thì cả miền Bắc xôn xao hướng về miền Nam, nơi chiến dịch cuối cùng đang mở ra. Từng đoàn người nối tiếp nhau hối hả đổ về miền Nam, Viện Quân y 108 nơi chị đang điều dưỡng hậu phẫu cũng rộn ràng chuẩn bị cho một đoàn công tác đặc biệt ra mặt trận. Không ai khác, chính vị bác sĩ “chim quyên nhớ đất phương Nam” dẫn đầu đoàn công tác. Chị tìm gặp bác sĩ trưởng đoàn tha thiết xin được xuất viện theo đoàn, vì điểm đến của đoàn là cơ quan Dân y Miền đóng ngay trên đất rừng biên giới quê hương Tây Ninh. Thông cảm với nỗi lòng và ý chí quyết tâm của chị, bác sĩ Đỗ Hoài Nam đã đứng ra xin phép cấp trên và bảo lãnh cho chị được xuất viện về quê. Bởi lẽ đoàn công tác phục vụ chiến đấu chỉ có thể có các y, bác sĩ, chứ ai lại chấp nhận cho cả thương binh đang điều trị ra chiến trường.

Thế nhưng khi đoàn vừa về tới căn cứ Trung ương Cục, thì miền Nam cũng vừa hoàn toàn giải phóng. Thay vì phải làm công tác phục vụ chiến đấu, đoàn được lệnh lập tức tiến về Sài Gòn tiếp quản bệnh viện quân y lớn nhất của quân đội Sài Gòn, gọi là Tổng y viện Cộng Hoà và đổi tên thành Viện Quân y 175. Bác sĩ trưởng đoàn bảo chị cùng về thành phố. Trên suốt hành trình dọc theo chiều dài đất nước, lúc nào ông cũng quan tâm theo dõi tình hình sức khoẻ của chị. Ông hiểu rõ diễn biến bệnh trạng của chị, nên ông đã nghĩ đến ca phẫu thuật thứ chín mà chị sẽ phải tiếp tục chịu đựng.

Sau đó, chị Hai đã vượt qua ca phẫu thuật thứ chín thật nhẹ nhàng, không vật vã đau đớn như những lần mổ trước, chỉ như một giấc ngủ sâu. Năm 1977, chị hoàn toàn bình phục, trở về Tây Ninh, lãnh đạo Thị uỷ bố trí cho chị công tác ở Ban Thương binh - Xã hội Thị xã. Năm sau, chị được chuyển sang Uỷ ban Kiểm tra Đảng. Thế nhưng, với tình trạng sức khoẻ của một thương binh nặng hạng 7/8, sau là hạng 1/4, tỷ lệ thương tật đến hơn 81% chị không còn đủ khả năng để đảm đương công việc bộn bề để góp phần khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng lại kinh tế xã hội sau ngày quê hương giải phóng…

NGUYỄN TẤN HÙNG

(Còn tiếp)

Tin liên quan
  • Kỳ 1: Chiến công gần như huyền thoại 

    Kỳ 1: Chiến công gần như  huyền thoại

    Trong bộn bề công việc khắc phục hậu quả chiến tranh, xây dựng và phát triển xã hội trên khắp đất nước, không thể không tồn tại những trường hợp cá biệt của người có thành tích đặc biệt xuất sắc nhưng chưa được đánh giá, đền đáp xứng đáng với tầm vóc chiến công. Một trong những trường hợp tồn đọng đó, là một phụ nữ, có địa chỉ thường trú tại phường 3, thành phố Tây Ninh, mà thành tích kháng chiến của chị còn ghi trong nhiều tài liệu lịch sử của tỉnh gần như là “huyền thoại”.


  • Lifeswim Trường bơi Chim cánh cụt