Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Đầu tư đồng bộ dự án xử lý nước thải sinh hoạt khu vực đô thị
Kỳ 2: Đấu nối nước thải - Trách nhiệm của cộng đồng
Thứ sáu: 00:03 ngày 05/07/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh có tổng mức đầu tư là 364 tỷ đồng, vốn vay Chính phủ Italy, thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2018-2025.

Hiện nay, nhiều dự án thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt được đầu tư trên địa bàn tỉnh. Để những dự án này hoạt động đạt được hiệu quả cao nhất, yếu tố quan trọng vẫn là sự hợp tác của người dân trong việc đấu nối hệ thống xử lý nước thải, góp phần bảo vệ môi trường, nâng cao chất lượng nguồn nước.

Nhân viên kiểm tra trang thiết bị, máy móc vận hành tại Nhà máy thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh.

Cần có chính sách hỗ trợ người dân

Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh có tổng mức đầu tư là 364 tỷ đồng, vốn vay Chính phủ Italy, thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2018-2025, gồm 2 hạng mục: nhà máy xử lý nước thải và hệ thống tuyến ống thu gom nước thải. Nhà máy xử lý nước thải thành phố Tây Ninh đã hoàn thành vào tháng 4.2024. Dự án này dự kiến sẽ hoàn thành trong năm 2025.

Ông Lưu Văn Tuấn- Giám đốc Dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh cho biết, đến nay, nhà máy vẫn chưa có nước thải để xử lý. Trong thời gian chờ, để bảo đảm toàn bộ máy móc, thiết bị không bị hư hỏng, đơn vị vẫn cho vận hành, bảo trì, bảo dưỡng thường xuyên từ 3-4 lần/tháng. Nhà máy kiến nghị chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ thi công lắp đặt hệ thống ống cống, đồng thời tuyên truyền người dân đấu nối với hệ thống xử lý nước thải để nhà máy vận hành xử lý.

Về vấn đề này, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Tây Ninh Mai Lâm Định cho hay, hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh - giai đoạn 1 đã hoàn thành các hạng mục xây dựng và lắp đặt thiết bị công nghệ và tổ chức khánh thành nhà máy xử lý nước thải vào ngày 16.4.2024. Khối lượng công việc còn lại bao gồm đào tạo và vận hành thử nghiệm 6 tháng kể từ khi cung cấp đủ và liên tục nước thải về nhà máy. Tiến độ thi công gói thầu bảo đảm vẫn theo kế hoạch đề ra.

Đối với gói thầu số 14- thi công mạng lưới thu gom nước thải, các trạm bơm và hố ga dịch vụ, thời gian thi công là 12 tháng, bắt đầu từ ngày 28.8.2023, dự kiến hoàn thành 28.8.2024. Tuy nhiên, thực hiện chủ trương của tỉnh khi triển khai đào đường và lắp đặt các tuyến ống thu gom nước thải trên các tuyến đường hiện hữu trong đô thị, các chủ đầu tư cần phối hợp triển khai đồng bộ các dự án liên quan- nhất là các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị như cấp, thoát nước, cáp thông tin… tránh đào, đắp nhiều lần trên cùng tuyến đường nhằm tiết kiệm chi phí, giảm thiểu ảnh hưởng đến giao thông và đời sống của người dân trên các tuyến đường.

Gói thầu này cần phối hợp kế hoạch thực hiện đồng bộ với các dự án Chỉnh trang đường Cach Mạng Tháng Tám (đoạn từ cầu Quan đến đường Điện Biên Phủ) và Nâng cấp, cải tạo đường Nguyễn Văn Rốp, dự kiến bắt đầu triển khai thi công trong tháng 10.2024. Do đó, dự kiến đơn vị sẽ gia hạn hoàn thành gói thầu đến 30.4.2025.

Như vậy, tổng thể kế hoạch thực hiện hoàn thành dự án Hệ thống thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh - giai đoạn 1 vẫn bảo đảm theo chủ trương đã được HĐND tỉnh phê duyệt.

Nhà máy thu gom và xử lý nước thải thành phố Tây Ninh chờ nước thải để xử lý.

Ông Mai Lâm Định cho biết thêm, khó khăn là tiến độ của dự án phụ thuộc vào tiến độ triển khai của dự án Chỉnh trang đường Cách Mạng Tháng Tám (đoạn từ cầu Quan đến đường Điện Biên Phủ)- vừa được tỉnh quyết định đầu tư, do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng ngành giao thông Tây Ninh làm chủ đầu tư, dự kiến khởi công trong tháng 10.2024.

Khó khăn chung của các dự án thu gom và xử lý nước thải trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là tỷ lệ người dân tham gia đấu nối nước thải hộ gia đình vào hệ thống thu gom nước thải chung do Nhà nước đầu tư là chưa cao, dẫn đến hiệu quả của dự án khó phát huy được ngay sau khi hoàn thành đầu tư.

Để nâng cao tỷ lệ đấu nối nước thải hộ gia đình vào hệ thống thu gom và xử lý nước thải sau khi Nhà nước đầu tư, Giám đốc Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng thành phố Tây Ninh kiến nghị UBND tỉnh trình HĐND tỉnh chủ trương, chính sách trong việc hỗ trợ người dân tham gia đấu nối vào hệ thống thu gom nước thải đã được đầu tư; xây dựng quy phạm pháp luật quy định về xử lý nước thải hộ gia đình; tuyên truyền để người dân thấy được hiệu quả và có trách nhiệm thực hiện đấu nối nước thải vào hệ thống thu gom của dự án đã được đầu tư, góp phần xây dựng môi trường sống xanh - sạch -  đẹp.

Dự án hoàn thành, người dân hưởng lợi

Trên địa bàn huyện Châu Thành, nhà máy xử lý nước thải có 2 dự án đầu tư. Giai đoạn 1: Đầu tư các tuyến ống thu gom nước thải; tổng mức đầu tư 51 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh; thời gian thực hiện: năm 2021-2023, đã hoàn thành. Giai đoạn 2: Xây dựng nhà máy công suất 600 m3/ngày.đêm và hệ thống ống thu gom; tổng mức đầu tư 135 tỷ đồng, vốn ngân sách tỉnh; thời gian thực hiện: năm 2025-2028, tại khu đất công xã Trí Bình.

Theo bà Nguyễn Thị Nhật Bình- Phó trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Châu Thành, đầu tư Hệ thống xử lý nước thải thị trấn Châu Thành - giai đoạn 2 (kết hợp với giai đoạn 1 của dự án đã hoàn thành trong năm 2023) nhằm hoàn thiện toàn bộ dự án, đưa hệ thống xử lý vào vận hành, khai thác. Từ đó, điều kiện vệ sinh môi trường địa phương được cải thiện, nâng cao sức khoẻ người dân, góp phần bảo đảm sự phát triển bền vững đô thị Châu Thành.

Công nhân thi công lắp đặt hệ thống ống dẫn nước thải trên đường Pasteur, khu phố 2, phường 2, thành phố Tây Ninh.

Thời gian qua, lãnh đạo địa phương cùng ngành chức năng không ngừng tuyên truyền về lợi ích, quyền và nghĩa vụ của người dân trong việc đấu nối vào hệ thống xử lý nước thải. Khi đấu nối nước thải vào hệ thống thoát nước, người dân không phải xây dựng hầm tự hoại. Bởi vì nước thải được thu trực tiếp từ các thiết bị vệ sinh vào hệ thống thu gom, bơm về nhà máy để xử lý. Nước thải được xử lý đạt quy chuẩn trước khi xả thải ra môi trường sẽ góp phần bảo vệ môi trường, giảm nguy cơ bệnh tật do nước thải gây ra, bảo vệ sức khoẻ cộng đồng; cùng với đó là việc từng bước chỉnh trang bộ mặt đô thị, xây dựng địa phương văn minh sạch đẹp và mang lại nhiều lợi ích cho người dân.

Ông Trần Văn Chưởng- Bí thư Chi bộ khu phố 2, thị trấn Châu Thành cho biết, từ trước đến nay, người dân nơi đây phải làm hầm chứa nước thải sinh hoạt trong gia đình. Sau thời gian sử dụng, hầm chứa đầy, người dân phải tốn chi phí khá lớn để thuê người xử lý. Đến nay, trên địa bàn huyện dù chỉ mới lắp đặt hệ thống ống thu gom xử lý nước thải, người dân rất hoan nghênh, đồng thuận việc đấu nối với hệ thống thu gom và xử lý nước thải. Địa phương kiến nghị các đơn vị liên quan sớm hoàn thành Hệ thống xử lý nước thải thị trấn Châu Thành - giai đoạn 2.

Ông Trần Văn Hoàng, người dân khu phố 2, thị trấn Châu Thành cũng đồng tình với việc đấu nối hệ thống thu gom và xử lý nước thải ở địa phương: “Tôi đang xây nhà mới. Mặc dù chủ đầu tư mới thi công lắp đặt hệ thống ống dẫn nước thải, tôi vẫn làm trước hệ thống ống chờ để đấu nối vào hệ thống, góp phần bảo vệ môi trường”.

Mặc dù việc đấu nối nước thải hộ gia đình vào hệ thống xử lý nước thải được nhiều người đồng tình, ủng hộ nhưng trên thực tế, số lượng người dân tham gia vẫn chưa cao. Các địa phương rất mong các cấp, các ngành chung tay đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức người dân, xem đây là trách nhiệm của cộng đồng, góp phần xây dựng đô thị văn minh, hiện đại và vì sức khoẻ của cộng đồng.

Nhi Trần

(còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh