Kinh tế   Nông - lâm - thủy sản

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Chuỗi khép kín trong chăn nuôi: Mở đường cho sản phẩm sạch

KỲ 2: Để chăn nuôi gà phát triển bền vững 

Cập nhật ngày: 18/03/2022 - 00:18

BTN - Thời gian qua, tái cơ cấu ngành chăn nuôi, trong đó chăn nuôi gà, tạo ra sản phẩm sạch đạt chất lượng được các địa phương trong tỉnh quan tâm thực hiện.

Mô hình chăn nuôi gà bán chăn thả tại ấp Hội Thanh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu.

Cần nhân rộng mô hình

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có trên 8,2 triệu con gà, các trang trại chăn nuôi gà đều áp dụng chuồng kín có máng nước uống tự chảy và cấp thức ăn tự động, có hệ thống quạt thông gió và sử dụng chế phẩm sinh học để làm giảm ô nhiễm môi trường. Từ năm 2016-2021 đã thu hút 25 dự án chăn nuôi gà được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư với 6.992.200 con gà (3.240.000 gà đẻ, 3.752.200 gà thịt). Trong đó, 12 dự án đang hoạt động, 6 dự án đang triển khai, 7 dự án chưa triển khai.

Thực hiện cơ cấu lại đàn gia cầm theo hướng chuyển dịch từ chăn nuôi nhỏ lẻ sang chăn nuôi tập trung, bảo đảm an toàn sinh học; đã hình thành được 76 trang trại, 541 gia trại với tỷ lệ gà nuôi trang trại, gia trại đạt 85,3% tổng đàn gà; 54 cơ sở chăn nuôi gà VietGAP/chứng nhận an toàn dịch bệnh, chiếm 45% tổng đàn gà.

Chăn nuôi gà trang trại, gia trại tập trung chủ yếu ở huyện Tân Biên và huyện Dương Minh Châu, trong đó có 35 trang trại nuôi gia công cho các công ty chăn nuôi, chiếm 27% tổng đàn gà. Chăn nuôi gà nhỏ lẻ khoảng 45.500 hộ, tỷ lệ nuôi nhỏ lẻ chiếm đến 39% tổng đàn gà.

Ông Phan Văn Giang- Quản lý trại gà ta thịt bán chăn thả tại ấp Hội Thanh, xã Tân Hội, huyện Tân Châu cho biết: với mục tiêu cung cấp sản phẩm thịt gà sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm cho người tiêu dùng và đẩy mạnh phong trào chăn nuôi gà an toàn sinh học quy mô trang trại. Từ tháng 12.2022, ông Giang được phê duyệt dự án chăn nuôi gà bán chăn thả, ông đầu tư 12 chuồng, thả mỗi chuồng 12.000 con gà ta giống Bình Định.

Theo ông Giang, gà nuôi theo hướng an toàn sinh học có nhiều quy định nghiêm ngặt hơn so với nuôi gà truyền thống, đại trà. Từ cách chọn giống, chăm sóc, tiêm phòng qua từng giai đoạn phải tuân theo quy trình kỹ thuật chăn nuôi. Đến nay, sau hơn 4 tháng nuôi, gà ta Bình Định đạt trọng lượng trung bình 1,8kg/con, có thể xuất bán lứa đầu tiên với giá 50.000 đồng/kg.

Ông Giang hy vọng đây là hướng đi mới, có hiệu quả không những có thể áp dụng cho một số vùng chăn nuôi tập trung mà có thể áp dụng rộng rãi cho người chăn nuôi để nâng cao thu nhập, góp phần cho ngành chăn nuôi trên địa bàn tỉnh phát triển bền vững.

Việc phát triển chăn nuôi theo mô hình bán chăn thả góp phần tích cực vào việc chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng vật nuôi, tạo ra sản phẩm hàng hoá có chất lượng cao. Qua đó, giúp cho người nông dân đổi mới suy nghĩ, cách làm, xây dựng thêm nhiều mô hình hiệu quả, sáng tạo trong vận dụng những tiến bộ mới vào sản xuất, thúc đẩy phát triển sản xuất nông nghiệp, nông thôn một cách bền vững, nâng cao thu nhập và mức sống của người dân.

Theo UBND huyện Tân Châu, hiện nay, các trại chăn nuôi gà gia công cho các công ty đều áp dụng chuồng kín có máng nước uống tự chảy và cấp thức ăn tự động, có hệ thống quạt thông gió và sử dụng đệm lót sinh học, có mô hình với quy mô hộ ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Ngành chăn nuôi ở tỉnh Tây Ninh đã chủ động tiếp cận và nhận chuyển giao ứng dụng công nghệ cao đối với chăn nuôi gà công nghiệp. Bước đầu tạo bước đột phá và mở ra hướng phát triển chăn nuôi có năng suất cao, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và giảm nguy cơ ô nhiễm môi trường.

Giai đoạn 2022-2025, tỉnh phát triển vùng cây ăn trái, chăn nuôi gà giống xã Tân Hội, huyện Tân Châu với diện tích 1.000 ha, được chia thành 2 khu.

Trong đó, khu 1 có diện tích 160 ha, đang là khu đất sạch, có thể sử dụng ngay. Hiện địa phương đang cho Công ty cổ phần Tập đoàn Hùng Nhơn thuê 39,5 ha để chăn nuôi gà giống; khu 2 có diện tích 840 ha, hiện trong khu vực có một số hộ dân thuê trồng cây hằng năm; bên cạnh đó còn có một số hộ dân, hộ nghèo đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đang sinh sống tại đây. UBND xã đang tập trung giải quyết.

Đường giao thông có trục chính cơ bản đã nhựa hoá, đường lô chưa hoàn chỉnh; có hệ thống điện trung thế, hạ thế khá hoàn chỉnh; đất thuộc nhóm đất xám, đất cát pha, đất thịt. UBND huyện đã phân tích mẫu đất sơ bộ về NPK tổng số, mùn, pH và 5 yếu tố kim loại trung vi lượng (Cu, Mo, Zn, Fe, Mn) với kết quả đất không nhiễm kim loại nặng, nước ngầm có thể phục vụ tưới cây; có 2 tuyến kênh tiêu là Hội Thành và Hội Thanh.

Ngành điện đầu tư hệ thống điện trung thế; nhà đầu tư tự đầu tư hệ thống đường trục trong lô, đấu nối hệ thống tiêu; hệ thống điện hạ thế phục vụ sản xuất; hệ thống giếng khoan tưới. Kinh phí thực hiện (xã hội hoá): 100 tỷ đồng.

Giải pháp dài hạn

Vấn đề đặt ra trong quy hoạch chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh là khuyến khích phát triển chăn nuôi heo với số lượng hợp lý gắn với kiểm soát môi trường và an toàn sinh học.

Thực hiện cơ cấu lại ngành chăn nuôi heo theo hướng tăng quy mô đàn gắn với hình thức nuôi trang trại và ứng dụng công nghệ để bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Quy mô đàn heo đến năm 2025 là 360 ngàn con và đến năm 2030 là 656,8 ngàn con, tốc độ tăng đàn bình quân giai đoạn 2021-2030 là 12,8%/năm.

Theo UBND huyện Tân Châu, huyện đang từng bước áp dụng công nghệ cao ứng dụng trong sản xuất chăn nuôi, tiếp tục chọn lọc đưa các kết quả nghiên cứu khoa học về giống vật nuôi mới với quy trình kỹ thuật thích hợp vào sản xuất. Đổi mới loại hình tổ chức chăn nuôi (trang trại, doanh nghiệp) gắn với ứng dụng phương thức chăn nuôi tiên tiến được cơ giới hoá đồng bộ (theo phương thức công nghiệp), kết hợp xử lý môi trường, chăn nuôi theo hướng hiện đại (điển hình áp dụng mô hình cơ giới hoá quá trình chăn nuôi, ứng dụng công nghệ thông tin để tự động hoá trong quy trình: cho ăn, tắm mát, vệ sinh chuồng trại, khám sức khoẻ, thu hoạch, xử lý môi trường và chế biến sản phẩm).

Trong thời gian tới, tỉnh khuyến khích phát triển trang trại nuôi heo tại địa bàn xa khu dân cư, xa nguồn gây ô nhiễm ở các huyện Tân Châu, Tân Biên, Châu Thành, Bến Cầu... để thực hiện thành công định hướng phát triển quy mô đàn heo hợp lý gắn với kiểm soát ô nhiễm môi trường.

Từ đó, tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân phát triển các trang trại chăn nuôi heo ứng dụng công nghệ cao, thân thiện với môi trường, phù hợp với điều kiện sản xuất của hộ chăn nuôi; phát triển các hình thức sản xuất chăn nuôi đạt tiêu chuẩn về chất lượng sản phẩm, hướng tới đáp ứng yêu cầu xuất khẩu (VietGAHP, GlobalGAP, hữu cơ).

Bên cạnh đó, chăn nuôi gà mang lại giá trị gia tăng cao và giải quyết việc làm cho hộ chăn nuôi, ít gây ô nhiễm môi trường hơn chăn nuôi heo và có khả năng cạnh tranh tốt với các tỉnh.

Trong 5 năm gần đây, tốc độ tăng trưởng đàn gà trên địa bàn tỉnh khá nóng, bình quân 12,6%/năm, tập trung chủ yếu ở đàn gà nuôi công nghiệp. Xu thế này cần có sự điều chỉnh cho giai đoạn 10 năm tới, cụ thể là cơ cấu lại đàn gà theo hướng phát triển gà lông màu, thả vườn để hạn chế rủi ro và phù hợp với nhu cầu thị trường.

 Trong giai đoạn 2021-2030, cơ cấu lại đàn gà theo hướng phát triển đàn gà lông màu, thả vườn; sản lượng gà lông màu chiếm tỷ trọng 60%-70% vào năm 2030; duy trì ổn định hoặc tăng nhẹ, cơ cấu đàn gà lông trắng công nghiệp. Nâng tỷ lệ đàn gà đẻ trong tổng đàn lên mức 40%. Đến năm 2025, quy mô đàn gà đạt 8,1 triệu con, trong đó gà đẻ là 3,2 triệu con. Năm 2030, quy mô đàn gà đạt 7,9 triệu con, gà đẻ đạt 4,2 triệu con.

Để phát triển chăn nuôi gà theo chuỗi giá trị, tỉnh tăng cường công tác quản lý giống. Đẩy mạnh hợp tác với các viện, trường, doanh nghiệp nghiên cứu tuyển chọn giống gà địa phương, lai tạo bộ giống thuần đặc trưng của địa phương có khả năng kháng bệnh tốt, năng suất cao. Phấn đấu đưa gà giống địa phương vào chăn nuôi chiếm 90%-95% tổng đàn vào năm 2030.

 Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả các hoạt động hỗ trợ chăn nuôi tập trung, an toàn dịch bệnh theo hướng VietGAP. Hỗ trợ hình thành và nhân rộng các mô hình HTX liên kết chăn nuôi - chế biến - tiêu thụ thịt gà thả vườn; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đóng gói, chứng nhận an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cao của thị trường.

Đơn giản hoá các thủ tục, giảm thiểu các chi phí liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp về thủ tục đăng ký kinh doanh, thẩm định dự án, cấp giấy phép đầu tư, thoả thuận địa điểm, cấp đất... để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi nói chung, chăn nuôi gà nói riêng.

Nhi Trần