Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Để có được hoà bình, thống nhất, độc lập dân tộc như hôm nay là chuyện không phải dễ. Hơn 50 năm trước, không biết bao nhiêu người con ưu tú của Tổ quốc đã anh dũng hy sinh để ngày nay có một Việt Nam Độc lập - Tự do - Hạnh phúc.

Ông Lê Văn Út kể về chiếc bình toong đựng nước của người em trai đã hy sinh.
Những ký ức không thể nào quên
Ông Lê Văn Út, bí danh là Út Két, sinh năm 1939, hiện ngụ phường 1, TP. Tây Ninh, nguyên Uỷ viên Uỷ ban Kiểm tra Tỉnh uỷ cho biết, lúc trẻ, ông tham gia du kích ở đơn vị 302 thuộc xã Mỏ Công, huyện Tân Biên hiện nay. Năm 1970, cấp trên điều động ông về tham gia kháng chiến ở động Kim Quang trên núi Bà Đen. Thời gian sau, cấp trên đưa ông về làm Bí thư xã Ninh Thạnh (nay là phường Ninh Thạnh, TP. Tây Ninh).
Thời gian hoạt động cách mạng ở núi Bà Đen, chứng kiến quân địch thả chất độc hoá học xuống hang động trên núi hòng tiêu diệt lực lượng cách mạng, ông kể lại: “Mỗi lần chúng thả chất độc xuống, chúng tôi tiểu vào khăn cho ướt rồi đắp lên miệng, mũi để không hít phải hơi độc. Nằm yên một chỗ khoảng 10-15 phút, chờ hơi độc bay đi hết, chúng tôi mới dám tháo khăn ra”.
Chuyện sống chết giữa chiến trường không làm người đàn ông này nao núng, nhưng khi nhắc đến những câu chuyện thắm đượm tình nghĩa dân - quân, ông không kiềm được nước mắt. Ông Út cho hay, thời đó, có hai cách tiếp tế lương thực. Tới mùa thu hoạch, đập lúa xong, mỗi chủ ruộng lấy lúa dồn vô 2-3 bao, đem nhét trong đống rơm để tối đến, chiến sĩ cách mạng ra vác vô núi, đào hầm cất giữ. Cách thứ hai là người dân đi làm đồng, lén giấu gạo phía dưới những dụng cụ đựng cơm rồi nguỵ trang bằng một lớp cơm phía trên. Đến ruộng, bà con giở lớp cơm lên ăn, gạo thì giấu vào hốc cây, gửi nuôi quân cách mạng.
Hiện nay, ông Út còn cất giữ một số kỷ vật thời chiến tranh. Lấy ra cho chúng tôi xem chiếc bình toong đựng nước, bên ngoài có khắc dòng chữ: “Lê Quang Trí. 5-3-1969. 17-1 AL”, ông kể, em trai của ông tên Lê Văn Trạch, khi đi kháng chiến, đổi tên Lê Quang Trí. Em trai của ông là cán bộ dân chính, thuộc Ban Tuyên huấn Huyện uỷ Toà Thánh (thị xã Hoà Thành ngày nay) và cũng từng sống, chiến đấu ở động Kim Quang. Ngày 5.3.1969, đoàn cán bộ đi từ khu rừng 48 lên núi Bà Đen, em trai của ông đi trước. Khi đoàn công tác cách ngã ba Khedol khoảng 400-500m thì lọt vào ổ phục kích của địch. Em trai của ông bị bắn chết tại chỗ. Quân cách mạng không thể vào lấy xác em đem về chôn cất được, người dân địa phương đào đất chôn tạm bên đường. Những năm sau đó, quân Mỹ ủi rộng hai bên lề đường, ngôi mộ của em trai ông bị mất dấu vết. Đến nay đã hơn 50 năm trôi qua, gia đình, đơn vị vẫn chưa tìm thấy hài cốt. Thương nhớ đồng đội, ông Bảy Phú- Chánh Văn phòng Huyện uỷ Toà Thánh thời bấy giờ đã khắc tên em trai của ông vào chiếc bình toong mà chủ nhân của nó thường sử dụng.
Ông Lê Văn Út cho biết thêm, ông có 12 anh chị em, trong đó có 7 người tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước, hy sinh 6 người. Người anh thứ 11 của ông tên Lê Văn Chẩn (tự Bưu), tham gia hoạt động cách mạng, bị quân địch bắt, đưa vào giam giữ ở Khám đường Tây Ninh (phường 2, TP. Tây Ninh ngày nay). Sau đó, ông Chẩn bị đưa ra Nhà tù Phú Lợi (tỉnh Bình Dương ngày nay). Sau sự kiện tù nhân Phú Lợi bị quân địch đàn áp, cho ăn thuốc độc, anh trai của ông bị đưa ra Nhà tù Côn Đảo, cuối cùng bị chết trong tù. “Tôi đã mấy lần đi thăm mộ của ảnh. Hiện nay tên của ảnh còn khắc trên bia tưởng niệm” - ông Út nói.
Các anh ngã xuống cho Tổ quốc đứng lên
Ông Tô Thanh, sinh năm 1949, nguyên Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch, hiện ngụ phường Long Hoa, thị xã Hoà Thành cho biết, năm 1969, ông tham gia kháng chiến, hoạt động ở động Kim Quang, núi Bà Đen. Năm 1972, trên địa bàn tỉnh Tây Ninh chiến tranh ác liệt, đơn vị của ông dời cứ nhiều nơi, có lúc ở động Kim Quang, có khi đóng quân trên sườn núi phía Tây, lúc trú ngụ trong động Cây Da.
Ông Tô Thanh kể về những trận đánh lịch sử mà ông không thể quên.
Đơn vị của ông tham gia nhiều trận đánh, có những trận khiến ông không thể nào quên, như trận đánh Tiểu đoàn 304 của địch, ở sân vận động xã Trường Hoà (thị xã Hoà Thành ngày nay). Trận đó, đơn vị của ông có 7 người mãi mãi nằm lại chiến trường. Trận đánh thứ hai là tấn công bót Trường Đức của quân địch ở ấp Trường Đức, xã Trường Đông. Đơn vị ông ém quân bên ngoài, cách bót khoảng 100m. Anh em đặt mìn định hướng DH10, đánh vô đầu cầu, nhưng không dẹp được hàng rào lưới B40. Khi anh em bò vô, quân địch chống trả quyết liệt. Lúc bấy giờ, trong bót có 26 tên lính, 4 tên đi chơi ở bên ngoài chưa về. Cuối cùng, đơn vị của ông giành chiến thắng, tiêu diệt hết 26 tên lính, nhưng có đến 28 đồng đội hy sinh. “Sau khi chiếm được bót, chúng tôi đem 28 thi thể anh em vừa ngã xuống chôn cất ở trảng Cây Diết”- ông xúc động kể lại.
Bấy giờ, ông là trợ lý của Tiểu đoàn, nhanh trí lấy giấy, viết tên những người đã hy sinh, bỏ vô lọ thuốc bi, đóng nắp lại, đặt vào miệng anh em. Nhờ vậy, sau ngày Tây Ninh giải phóng, đơn vị chức năng đến bốc hài cốt liệt sĩ mới biết được họ tên từng người. “Trong thời gian đi bộ đội, tôi tham gia đánh nhiều trận lắm, nhưng đó là trận lịch sử, trong đời tôi không thể quên”- ông Thanh nghẹn ngào chia sẻ.
Đầu năm 1975, Bộ Chính trị có Kế hoạch chuẩn bị giải phóng miền Nam. Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh ban hành chỉ thị mỗi huyện thành lập một tiểu đoàn. Huyện đội Toà Thánh vừa thành lập Tiểu đoàn 26 thì quân địch bất ngờ tấn công hầm bí mật ở xóm Trảng Dầu, ấp Trường Đức, khiến hai chiến sĩ cách mạng hy sinh. “Sáng hôm sau, chúng tôi đến Trảng Dầu, lấy xác hai đồng chí đem chôn cất. Tiểu đoàn 26 về núi Bà Đen, đóng quân ở vườn nhãn bà Mùi”- ông Thanh nói.
Hình ảnh phục dựng tái hiện hoạt động thời kháng chiến trong động Kim Quang.
Về đến núi, quân ta tiếp tục mất mát. Chiều 29.4, cơm nước xong, một chiến sĩ tên Sơn đang nấu nước, chuẩn phị pha trà để uống mừng vừa được thăng chức thì đột ngột, quân địch bắn pháo vào vườn nhãn khiến anh hy sinh. Chôn cất đồng đội xong, chưa kịp nguôi ngoai, Tiểu đoàn 26 của ông được lệnh hành quân về huyện, nhận nhiệm vụ đánh Chi khu Phú Khương, toạ lạc tại ngã tư Ao Hồ. Đơn vị hành quân đến vị trí phường Hiệp Ninh ngày nay thì bị đơn vị 305 địa phương quân của địch cản ngang đường, hai bên đánh nhau tới sáng.
Đến 10 giờ hôm sau, được tin Đại tướng Dương Văn Minh, Tổng thống nguỵ quyền Sài Gòn tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, đơn vị của ông được lệnh chuẩn bị vào tiếp nhận trụ sở Chi khu Phú Khương của chính quyền nguỵ. Khi đến chi khu, nguỵ quân vứt nón, áo đầy ngoài sân. Mặc dù đã được chỉ huy đơn vị căn dặn rất kỹ coi chừng có gài mìn phía dưới quân trang, quân phục, nhưng anh em vì quá vui mừng, không để ý giẫm chân lên. Mìn nổ, 3 người bị thương.
Kỷ vật thời chiến tranh ông Lê Văn Út cất giữ.
Trong những ngày cả nước náo nức kỷ niệm 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, gắn với giải phóng Tây Ninh (30.4.1975 - 30.4.2025), nhắc lại những câu chuyện về một thời đấu tranh gian khổ, để thấy rằng có được hoà bình, độc lập là không phải dễ. Đây cũng là dịp để các bạn trẻ thêm hiểu biết và trân quý hơn giá trị của hoà bình, độc lập hôm nay.
Đại Dương