Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Nhiều hợp tác xã loay hoay, bế tắc
Kỳ 2: HTX Nông nghiệp chưa thể là “bà đỡ” của nông dân
Thứ tư: 06:04 ngày 31/01/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - HTX nông nghiệp mới chỉ tập trung cho dịch vụ đầu vào như cung ứng giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thuỷ lợi nội đồng... mà chưa quan tâm các dịch vụ khác như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Số HTX bao tiêu nông sản cho nông dân hiện chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Thu mua lúa tại HTX dịch vụ nông nghiệp liên kết sản xuất lúa Hùng Hậu.

Hiện nay, toàn tỉnh có 60 HTX hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp, thu hút 1.340 thành viên, với 15,48 tỷ đồng vốn điều lệ, trong đó, thành viên là lao động thường xuyên khoảng 1.300 người. Doanh thu bình quân mỗi HTX đạt 850 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân của lao động làm việc thường xuyên trong HTX đạt 3,5 triệu đồng/người/tháng.

Phần lớn các HTX nông nghiệp chưa có sự thay đổi phương thức hoạt động, nhiều đơn vị còn lúng túng trong định hướng, đầu tư phát triển kinh doanh, chưa có sản phẩm dịch vụ tốt đáp ứng nhu cầu sản xuất; thiếu sự liên kết... Các HTX nông nghiệp mới chỉ tập trung cho dịch vụ đầu vào như cung ứng giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật, thuỷ lợi nội đồng... mà chưa quan tâm các dịch vụ khác như bảo quản, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Số HTX bao tiêu nông sản cho nông dân hiện chỉ “đếm trên đầu ngón tay”.

Ông Hà Chí Mãng, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX nông nghiệp mãng cầu Thạnh Tân, xã Thạnh Tân (TP. Tây Ninh) cho biết, HTX có hơn 15 ha đất trồng, với 8 thành viên chuyên canh mãng cầu. Thời gian qua, hoạt động của HTX gặp khó khăn do quy mô nhỏ, vốn kinh doanh và giá trị tài sản thấp, khả năng tích luỹ vốn để đầu tư phát triển hạn chế. HTX rất cần được sự hỗ trợ từ phía Nhà nước để sản xuất kinh doanh bền vững, tiếp cận chính sách ưu đãi, góp phần đổi mới cách nghĩ và cách làm hiệu quả hơn.

Theo bà Nguyễn Thị Bé, ngụ xã Thạnh Tân, gia đình bà đang canh tác 2 ha mãng cầu. Mới đây, HTX mãng cầu Thạnh Tân vận động gia đình bà vào HTX, liên kết sản xuất mãng cầu theo tiêu chuẩn VietGAP. Tuy nhiên, bà Bé băn khoăn: “Muốn tham gia vào HTX, nông dân phải góp vốn điều lệ, nhiều người đã quen với cách sản xuất nông nghiệp kiểu cũ, nay chuyển sang áp dụng khoa học kỹ thuật mới nên rất lo lắng về hiệu quả.

Hơn nữa, chi phí đầu tư trồng mãng cầu VietGAP khá cao, khoảng 100 triệu đồng/ha. Những khó khăn đó liệu HTX có hỗ trợ, tháo gỡ cho nông dân được không?”.

Ông Hoàng Phú Hậu, Chủ tịch HĐQT HTX dịch vụ nông nghiệp liên kết sản xuất lúa Hùng Hậu, xã Hoà Thạnh (huyện Châu Thành) cho hay, thời gian qua, nhờ sự hỗ trợ của chính quyền và các ngành chức năng nên HTX đã hoạt động ổn định và hiệu quả. Các chương trình canh tác lúa theo mô hình cánh đồng mẫu lớn mà HTX đề ra được các thành viên nhiệt tình tham gia.

HTX cũng tìm được đối tác ký hợp đồng bao tiêu lúa với giá cả ổn định và đối tác cũng đã cử kỹ sư nông nghiệp đến hỗ trợ các thành viên trong quá trình canh tác. Tuy nhiên, khó khăn là HTX vẫn chưa có trụ sở làm việc, vậy nên từ khi thành lập cho tới nay, ông Hậu phải tạm sử dụng nhà mình làm trụ sở của HTX. Ông Hậu đã nhiều lần kiến nghị với chính quyền huyện Châu Thành xem xét giao đất cho HTX làm trụ sở, xây dựng lò sấy lúa và sân phơi lúa nhưng vẫn chưa được đáp ứng.

Ông Đỗ Châu Sa, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX Việt - Hàn, xã An Thạnh (huyện Bến Cầu) cho biết, tổng diện tích đất của HTX là 250 ha, trong đó, diện tích sản xuất lúa là 230 ha. HTX chủ yếu sản xuất lúa chất lượng cao, vụ Hè Thu năm 2017, năng suất lúa đạt khá cao, khoảng 7 tấn/ha.

Thời điểm hiện tại, HTX được Trung ương hỗ trợ chương trình SRI (hệ thống canh tác lúa cải tiến) với diện tích 50 ha sản xuất lúa chất lượng cao (50 hộ tham gia), được cơ giới hoá từ gieo trồng đến thu hoạch.

Đây là HTX duy nhất trên địa bàn tỉnh được Trung ương hỗ trợ 100% giống; 30% phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Về đầu ra, toàn bộ sản phẩm được doanh nghiệp ký hợp đồng bao tiêu, nông dân có lãi khá.

Bên cạnh những kết quả đạt được, HTX vẫn còn nhiều khó khăn, chưa thật sự phát triển bền vững. Chẳng hạn như nguồn nhân lực còn thiếu, trình độ chuyên môn không đồng đều, tinh thần đoàn kết của các thành viên trong HTX chưa cao... HTX cũng không thể vay vốn ngân hàng vì không có tài sản thế chấp, trong khi rất cần vốn để thu mua lúa của nông dân. HTX đành phải lấy tài sản riêng của Chủ tịch Hội đồng quản trị làm tài sản thế chấp vay vốn.

Một đơn vị khác là HTX dịch vụ nông nghiệp Trường Hoà (Hoà Thành) cũng đang hoạt động cầm chừng. Ông Huỳnh Ngọc Hoàn, Chủ tịch HĐQT HTX này cho biết, HTX chủ yếu trồng, canh tác cây cao su.  Những năm qua, giá mủ không ổn định nên các thành viên không thể mở rộng sản xuất. Hiện HTX chỉ còn 10 thành viên với diện tích sản xuất trên 10 ha.

Theo Liên minh HTX tỉnh, để nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX, cần phải tăng cường năng lực sản xuất kinh doanh của HTX. Muốn hội nhập tốt, muốn hỗ trợ nông dân hiệu quả thì bắt buộc năng lực HTX phải mạnh. HTX phải là đơn vị kinh tế dẫn dắt, trợ giúp cho hộ nông dân. Bên cạnh đó, HTX không chỉ tổ chức sản xuất, cung cấp dịch vụ giá rẻ, chất lượng cao, an toàn… mà còn phải là đối tác về mặt kinh tế để thay nông dân kết nối với các doanh nghiệp trên thị trường.

THANH NHI - TRÚC LY

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục