Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khi người ta phải mổ tim
Kỳ 2: Mổ bắc cầu, van sinh học và tâm lý người bệnh
Chủ nhật: 23:53 ngày 27/02/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Một ngày cuối tháng 11.2021, tôi và người bạn đời của mình thuê xe hợp đồng đi Viện Tim TP. Hồ Chí Minh trong tâm thế sẵn sàng nhập viện để giải phẫu con tim, vốn đã “làm mệt” tôi từ thời trai trẻ đến lúc trên đầu không còn một sợi tóc đen. Viện Tim nằm bên con đường mang tên bác sĩ Dương Quang Trung- người đã dày công “tam cố thảo lư” cầu viện vị giáo sư người Pháp, bác sĩ Alain Carpentier bậc thầy về phẫu thuật, điều trị bệnh tim giỏi nhất thế giới giúp đỡ thành lập bệnh viện chuyên khoa tim mạch đầu tiên và đào tạo, phát triển ngành phẫu thuật tim hở trước đó chưa từng có ở Việt Nam.

Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cùng lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và các chuyên gia Pháp thăm bệnh nhân ở Viện Tim TP. Hồ Chí Minh ngày 23.8.2015. Ảnh: TTXVN

Sau hơn 30 năm kể từ ngày thành lập 30.11.1991 đến nay, Viện đã cứu sống trên 30.000 trẻ em mắc bệnh tim bẩm sinh ở khắp mọi miền đất nước Việt Nam, hầu hết trong số đó là trẻ em con nhà nghèo ở các vùng sâu vùng xa, không có điều kiện để điều trị bệnh, chưa kể số bệnh nhân là người lớn, phần nhiều cũng là người ít có khả năng theo đuổi việc trị bệnh “đến nơi đến chốn”.

Trong mấy năm đầu, việc giải phẫu, trị liệu ở Viện Tim chủ yếu do các bác sĩ nước ngoài đảm trách. Nhưng cũng trong những năm ấy, các bác sĩ Việt Nam được Hiệp hội Alain Carpentier hỗ trợ đào tạo chuyên môn ở nước ngoài, sau đó họ trở về nước và trở thành “quân chủ lực”, cơ hữu của bệnh viện cho đến ngày nay.

Cho đến năm 2015, trong khuôn viên Viện Tim, bên cạnh những ngôi nhà xây dựng theo lối kiến trúc Pháp từ ban đầu, khu kỹ thuật của bệnh viện xây dựng cao tầng được khánh thành và đưa vào sử dụng, góp phần khẳng định vị trí bệnh viện chuyên khoa tim mạch đứng đầu tại Việt Nam cũng như toàn vùng Đông Nam Á.

Tôi vào Viện Tim TP. Hồ Chí Minh sau khi cả nước chuyển trạng thái phòng, chống dịch Covid-19 sang thích ứng linh hoạt, an toàn phòng, chống dịch hiệu quả được hơn một tháng. Khác với các bệnh viện ở tỉnh nhà, vẫn còn test Covid-19 sàng lọc bất cứ ai vào viện, các bệnh nhân đến khám ban đầu ở Viện Tim chỉ phải khai báo y tế, thực hiện 5K, không phải test nhanh; chỉ có những bệnh nhân được chỉ định nhập viện mới phải test RT-PCR sau khi vào khu khám sàng lọc, một trong những dãy nhà “cổ” nằm ở phía sau toà nhà chính được xây dựng từ ban đầu nay chỉ còn sử dụng làm khu hành chính.

Cách làm theo lối “bình thường mới” này giúp cho các bệnh nhân đến khám ban đầu, hoặc bệnh nhân tái khám không phải chen chúc nhau để test nhanh và mất thời gian chờ đợi kết quả, làm ảnh hưởng việc khám bệnh, cấp thuốc không kịp xong trong ngày.

Sau này, tôi được biết trong thời gian tôi chờ kết quả xét nghiệm Covid PCR để chính thức nhập viện, Viện Tim đã tiến hành “hội chẩn hội trường” riêng đối với ca bệnh của tôi. Nghe cụm từ “hội chẩn hội trường” tôi lấy làm lạ, chẳng hiểu gì cả, hỏi ra mới biết chỉ những ca bệnh nghiêm trọng, nguy cơ cao, có khả năng phải tiến hành đại phẫu Viện Tim mới phải hội chẩn với sự tham dự của tất cả các khoa liên quan để xác định hướng điều trị, vì vậy phải họp tại hội trường của bệnh viện, còn các trường hợp khác, thông thường chỉ hội chẩn các bác sĩ trong khoa điều trị để giải quyết, không phải “lên hội trường”.

Buổi chiều ngày thứ ba sau khi nhập viện, tôi được chuyển đến khoa Nội 2 để chờ giải phẫu. Tối hôm đó, cùng với một số bệnh nhân khác, tôi và thân nhân nuôi bệnh được tập trung nghe bác sĩ tư vấn trước khi mổ. Đến lượt mình được tư vấn, vị bác sĩ cho tôi biết bệnh trạng của tôi khá nghiêm trọng.

Các bác sĩ tham gia hội chẩn xem đĩa dữ liệu chụp DSA chứa video clip quay trong lòng hệ mạch vành tim của tôi rất bất ngờ không hiểu sao bệnh nhân có thể… sống kéo dài đến sáu tháng kể từ khi xảy ra cơn nhồi máu cơ tim đầu tiên và tiếp tục xảy ra thường xuyên cho đến ngày nhập viện?! Do vậy, ca bệnh này phải mổ sớm.

Hướng xử lý phẫu thuật là mổ rộng, mở lồng ngực bắc 3 cầu nối động mạch chủ - động mạch vành, ở 3 vị trí hẹp lòng mạch trên 90%, trong số khá nhiều vị trí hẹp lòng mạch. Cầu nối thay cho các đoạn mạch quá hẹp là đoạn mạch lấy từ động mạch vú phải của bệnh nhân.

Nghe bác sĩ tư vấn đến đây, tôi thầm nghĩ chắc do tôi là nam giới nên động mạch vú không dùng vào việc gì nên cắt đi để làm động mạch vành mới hữu dụng (!?). Đồng thời do có một phát hiện mới, mà bác sĩ thực hiện can thiệp DSA chụp mạch vành tim tôi ở Bệnh viện Xuyên Á không có nói đến, là tôi không chỉ bị hẹp mạch vành mà còn bị hở van động mạch chủ đến hơn 3/4, làm gia tăng áp lực lên tim dẫn đến mức độ suy tim tôi đến 43%, khiến cho nguy cơ đột tử cũng rất cao.

Vì thế, các bác sĩ tham gia “hội chẩn hội trường” thống nhất quyết định là sẽ thay luôn van động mạch chủ tim tôi bằng một “van sinh học”. Tôi hỏi bác sĩ tư vấn van sinh học là gì, bác sĩ trả lời, trước đây khi phải thay một van tim, người ta dùng van nhân tạo là van cơ học làm bằng kim loại (titanium phủ pyrolytic), nhưng loại vật liệu này dùng trong cơ thể người không được lâu, lại phải dùng thuốc chống thải ghép, chống đông máu suốt đời.

Ngày nay, nhờ tiến bộ khoa học, “vật liệu mới” để dùng làm van tim nhân tạo là màng ngoài tim hoặc van tim của… bò (!). Nghe bác sĩ tư vấn nói, tôi “bán tín bán nghi”. Khi về phòng, tôi tra “gu-gồ” thì đọc được trong bài “Van tim nhân tạo và van tim cơ học khác nhau thế nào?” trên website của Bệnh viện Vinmec có đoạn viết “Van tim sinh học được sản xuất từ vật liệu tự nhiên, đó là màng ngoài tim hoặc van tim của bò hoặc lợn đã qua xử lý”, bấy giờ tôi mới tin và không khỏi một chút ưu tư, chẳng biết khi phải mang cái van tim súc vật, người ta có “bị ảnh hưởng” đến tâm lý, tình cảm gì không, khi mà ai cũng biết tình cảm con người xuất phát từ trái tim.

Sau khi nói cặn kẽ về hướng xử lý bệnh trạng của tôi, vị bác sĩ giới thiệu ê-kíp sẽ tiến hành phẫu thuật cho tôi toàn là các bác sĩ nổi tiếng trong ngành tim mạch, hầu hết đều có học hàm, học vị cao, giàu kinh nghiệm chuyên môn và thâm niên trong nghề.

Phẫu thuật viên chính là Trưởng Khoa Phẫu thuật Viện Tim, Giáo sư Tiến sĩ Văn Hùng Dũng. Các thành viên phụ trách các phần việc trong kíp mổ cũng đều là người đứng đầu các khoa chuyên môn của bệnh viện.

Bác sĩ tư vấn còn giải thích thêm, mà tôi nghĩ cũng để “trấn an” bệnh nhân, sở dĩ ê-kíp mổ đều thuộc hàng “đội tuyển” như thế là vì ca mổ bệnh nhân này được xếp vào loại phức tạp và phải thực hiện “2 in 1”, mổ bắc cầu và thay van nên có khả năng sẽ kéo dài hơn bình thường.

Lúc bác sĩ tư vấn cho tôi sắp xong, chợt thân nhân nuôi bệnh của tôi được mời sang phòng bên để trao đổi thêm. Khi về phòng tôi hỏi thăm mới biết, nhân viên bệnh viện có cung cấp thông tin và cung cấp cho thân nhân người bệnh danh sách, số điện thoại của những người hiến máu tình nguyện để nếu cần thì người nuôi bệnh liên hệ để được cung cấp máu phục vụ ca mổ hoàn toàn miễn phí.

Tôi nghĩ điểm xuất phát của bệnh viện đặc biệt này là hoạt động xã hội, nhân đạo, nên có nhiều “vệ tinh đồng điệu” để cùng làm việc từ thiện cũng là chuyện bình thường. Nhưng ở đây có “cái khéo” là không để cho bệnh nhân biết đến những chuyện “tế nhị” ấy.     

Đêm trước ngày lên bàn mổ, tôi tuy có chút băn khoăn nhưng thật lòng mà nói là hoàn toàn không chút lo sợ, không hề nghĩ đến cái “xác suất thất bại 2%-5%” có thể xảy ra ngoài “xác suất thành công 95%-98%” trong hoạt động chuyên môn mổ xẻ của Viện Tim.

Điều này, cuối buổi tư vấn đầu hôm, khi vị bác sĩ hỏi câu cuối cùng: “Bác sĩ đã giải thích rõ ràng các vấn đề chung quanh ca mổ sắp tới, bệnh nhân có điều gì còn thắc mắc, cần hỏi thêm không?”, tôi đã trả lời: “Có lẽ bác sĩ đã nói hết những điều tôi muốn biết nên tôi không còn điều gì muốn hỏi thêm.

Tôi chỉ muốn nói là khi quyết định đến đây để giải phẫu con tim mình, tôi đã thực sự “tin tưởng chuyên môn, yên tâm điều trị”. Vị bác sĩ mỉm cười không nói gì, nhưng tôi vẫn cho rằng ông muốn nói “bệnh nhân có tâm lý vững vàng như vậy là đã thành công được năm mươi phần trăm rồi đấy”. 

Ký sự: Nguyễn Tấn Hùng

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục