Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Tư tưởng Hồ Chí Minh Quân đội
Những chính sách hỗ trợ của Chính phủ ban hành kịp thời, sát thực tiễn
Kỳ 2: Nghị quyết 11/NQ-CP: “Cú hích” phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch
Thứ sáu: 00:04 ngày 01/07/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngày 30.1.2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ chương trình. Từ đó có thêm nhiều chính sách cho vay ưu đãi, kịp thời hỗ trợ người dân bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 có nguồn vốn phục hồi phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống.

Người dân phường Long Thành Bắc nhận tiền vay từ chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội thị xã Hoà Thành. Ảnh chụp ngày 29.6.2022

TÍCH CỰC TRIỂN KHAI CHÍNH SÁCH

Trên cơ sở nguồn vốn được Trung ương giao, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) tỉnh đã tham mưu Trưởng Ban đại diện Hội đồng quản trị NHCSXH tỉnh kịp thời phân bổ chỉ tiêu kế hoạch từng chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết số 11/NQ-CP (gọi tắt là Nghị quyết 11) để các địa phương triển khai thực hiện giải ngân.

Theo ông Hồ Văn Khanh- Phó Giám đốc Chi nhánh NHCSXH tỉnh, để các đối tượng thụ hưởng chính sách tiếp cận được thông tin, nguồn vốn, chi nhánh NHCSXH tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các sở, ngành liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác và trên phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra, đơn vị còn in hàng ngàn tờ rơi tuyên truyền về các chính sách tín dụng dành cho học sinh, sinh viên (HSSV) có hoàn cảnh khó khăn để mua máy tính, thiết bị phục vụ học tập trực tuyến; chính sách cho vay nhà ở xã hội đối với cá nhân, hộ gia đình để mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân; xây dựng mới hoặc cải tạo, sửa chữa nhà ở theo Nghị định số 100/2015/NĐ-CP của Chính phủ. Về chương trình cho vay hỗ trợ tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm, đơn vị phối hợp Sở Lao động - Thương binh và Xã hội rà soát nhu cầu vay vốn…

Bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện Tân Châu kỳ vọng: “Việc triển khai đồng bộ, có hiệu quả các chính sách theo chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội tại Nghị quyết số 11/NQ-CP sẽ góp phần phục hồi, phát triển nhanh hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trên địa bàn huyện.

Đặc biệt, qua chương trình sẽ góp phần thực hiện tốt công tác kiểm soát dịch Covid-19, không để dịch bùng phát trở lại; bảo đảm an sinh xã hội và đời sống của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; bảo đảm quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn huyện trong năm 2022 và những năm tiếp theo”.

Đến ngày 29.6.2022, Chi nhánh đã thực hiện giải ngân các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11 được 112.621 triệu đồng với 2.762 khách hàng vay vốn, đạt 65,2% kế hoạch được giao năm 2022. Vốn vay từ các chương trình tín dụng thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP đã giúp tạo việc làm, duy trì và mở rộng việc làm cho 2.508 lao động; hỗ trợ 201 HSSV mua máy tính, trang thiết bị phục vụ học tập; hỗ trợ mua nhà ở xã hội, xây dựng mới, cải tạo, sửa chữa 20 căn nhà ở; hỗ trợ 31 cơ sở giáo dục, mầm non ngoài công lập phục hồi hoạt động sau đại dịch Covid-19.

Theo lãnh đạo chi nhánh NHCSXH tỉnh, trong thời gian tới, đơn vị sẽ phối hợp với các sở, ngành, tổ chức chính trị - xã hội nhận uỷ thác, UBND cấp huyện tiếp tục rà soát đối tượng thụ hưởng, triển khai kịp thời, hiệu quả các chính sách cho vay ưu đãi qua NHCSXH, hỗ trợ lãi suất theo quy định tại Nghị quyết 11 của Chính phủ; tham mưu phân bổ nguồn vốn cho vay các chương trình tín dụng chính sách theo Nghị quyết 11 đúng quy định và kịp thời; tăng cường chỉ đạo quyết liệt các đơn vị trực thuộc khẩn trương hoàn thiện hồ sơ đã nhận, giải ngân kịp thời các chương trình tín dụng theo Nghị quyết 11 với tinh thần hiệu quả, đúng đối tượng, kịp thời hỗ trợ người nghèo và các đối tượng chính sách khác theo quy định của Chính phủ.

THÊM ĐỘNG LỰC CHO NGƯỜI DÂN

Sáng 29.6, tại điểm giao dịch NHCSXH phường Long Thành Bắc (thị xã Hoà Thành), đông đảo người dân đến làm thủ tục nhận tiền vay từ các chương trình vay vốn ưu đãi theo Nghị quyết 11.

Trong lúc chờ làm thủ tục, chị Trần Kim Liên (ngụ ấp Sân Cu) cho biết, chị đến nhận 10 triệu đồng tiền vay để mua máy tính cho đứa con gái sang năm vào lớp 11. “Mình là lao động nghèo, không có nhiều tiền. Vay ít với lãi suất thấp mình mới dám vay, chứ vay nhiều quá, mình không khả năng trả. Lãi suất vay thấp, mỗi tháng mình tiết kiệm chút ít, đến kỳ là trả được rồi”- chị Liên nói.

Chị Lê Thị Cẩm Hà (ngụ ấp Long Tân) vừa ký tên nhận số tiền vay 40 triệu đồng về làm vốn kinh doanh. Trước đây, chị Hà làm công nhân cho một công ty ở xã Chà Là, huyện Dương Minh Châu. Cách đây 2 tháng, chị xin nghỉ làm, về nhà hùn với người quen mở cơ sở thu mua vỏ xe hơi cũ. Chị Hà nói: "Được hỗ trợ vay 40 triệu đồng này mình mừng lắm. Có tiền làm ăn, mỗi tháng mình kiếm vài triệu đồng đủ xoay xở trong nhà là được".

Theo ông Trần Phước Ninh- Phó Chủ tịch UBND phường Long Thành Bắc, thực hiện Nghị quyết 11, phường đã lập danh sách các đối tượng được thụ hưởng gửi cho phòng giao dịch NHCSXH thị xã Hoà Thành. Đến nay, phòng giao dịch NHCSXH Thị xã đã giải ngân 2 đợt cho địa phương, gồm giải quyết việc làm cho 37 người với số tiền 1,5 tỷ đồng và hỗ trợ HSSV mua thiết bị học tập cho 86 hộ, số tiền trên 1,8 tỷ đồng.

Vợ chồng bà Phạm Thị Hạnh ở ấp Thuận An, xã Truông Mít, huyện Dương Minh Châu có lò sản xuất bánh mì hoạt động gần 40 năm. Năm ngoái, do ảnh hưởng dịch bệnh, vợ chồng bà phải tạm dừng kinh doanh khoảng 3 tháng, sống nhờ chu cấp từ con gái.

Dịch bệnh được kiểm soát tốt, lò bánh mì của vợ chồng bà mới hoạt động lại, nhưng việc kinh doanh không ổn định như trước. Vừa qua, thực hiện hỗ trợ vốn vay theo Nghị quyết 11, hộ của bà Hạnh được giải ngân 50 triệu đồng, thời gian vay 3 năm. Tiền vay được bà dùng đầu tư mua nguyên liệu làm bánh và bảo trì máy móc.

Cũng tại xã Truông Mít, chị Mai Thị Thanh Thuý- chủ 2 cơ sở mầm non Thuận Bình (ấp Thuận Bình) cho biết, sau hơn nửa năm đóng cửa do ảnh hưởng dịch bệnh, các hoạt động của cơ sở mầm non mới dần trở lại. Tuy nhiên, số học sinh đến trường chỉ bằng một nửa so với trước nên chỉ có 1 cơ sở hoạt động.

Để thu hút học sinh, chị Thuý quyết định đầu tư thêm cơ sở vật chất, nhưng thiếu vốn dẫn đến khó hoàn chỉnh các công trình như hàng rào, sân chơi… Khi Nghị quyết 11 được triển khai, chị đã làm hồ sơ vay vốn để đầu tư, nâng cấp cơ sở và được giải quyết vay 80 triệu đồng- mức vay tối đa dành cho các cơ sở mầm non ngoài công lập. Chị Thuý nói: “Tôi hy vọng sớm giải ngân để có tiền nâng cấp cơ sở vật chất trước khi năm học mới bắt đầu”.

Chi nhánh NHCSXH tỉnh, các địa phương, ban, ngành liên quan đang gấp rút triển khai Nghị quyết 11, tạo điều kiện để các đối tượng thụ hưởng tiếp cận nguồn vốn tập trung sản xuất, kinh doanh, học tập. Làm được điều này, Tây Ninh đang góp phần đưa nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, không lỡ nhịp với tiến trình phục hồi kinh tế của cả nước, đồng thời tạo nền tảng và điều kiện phát triển kinh tế - xã hội cho cả giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo.

Ông Trần Phước Ninh- Phó Chủ tịch UBND phường Long Thành Bắc cho biết: Nhu cầu vay vốn để sản xuất, làm ăn của bà con sau dịch còn nhiều. Đây là chương trình cho vay lãi suất thấp, sẽ giúp cho người dân phục hồi sản xuất. Tuy nhiên, hiện nay số vốn rót cho địa phương còn ít so với nhu cầu của bà con. Mong rằng, sắp tới sẽ có thêm nhiều chương trình hỗ trợ, tạo điều kiện cho người dân làm ăn, ổn định cuộc sống sau dịch.

Ngọc Diêu - Vi Xuân

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục