Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Thiết lập và bảo vệ “vùng xanh”- ổn định cuộc sống người dân
Kỳ 3: Bảo vệ vùng xanh, gắn với sản xuất - tiêu thụ nông sản
Thứ bảy: 00:16 ngày 11/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Ngay khi kiểm soát được dịch bệnh, “màu xanh” dần trở lại với huyện Dương Minh Châu. Nhiều địa phương bắt đầu thực hiện “mục tiêu kép” vừa tập trung phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả, vừa thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của địa phương. Trong đó, tập trung đẩy mạnh tái sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Nông dân xã Truông Mít thu hoạch nhãn.

Linh hoạt các hình thức tiêu thụ nông sản

Dịch Covid-19 bùng phát và diễn biến phức tạp làm mọi ngành nghề, lĩnh vực đều bị ảnh hưởng. Ðối với ngành nông nghiệp, việc tiêu thụ nông sản gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, các sở, ngành, địa phương đã phối hợp để hỗ trợ nông dân tiêu thụ nông sản; chuẩn bị giống, vật tư và các điều kiện sản xuất; đẩy mạnh cơ giới hoá khoa học công nghệ vào sản xuất trồng trọt.

Trên địa bàn huyện Dương Minh Châu còn số lượng lớn nhãn khó tiêu thụ. Ðể hỗ trợ nông dân, Công ty nấm Nam Việt (ấp Thuận Bình, xã Truông Mít) quyết định thu mua nhãn ở địa phương với giá 5.000 đồng/kg làm nhãn sấy.

Anh Trương Võ Anh Dũng- Giám đốc Công ty nấm Nam Việt cho biết: “Hơn 1 tháng qua, tôi hỗ trợ nông dân đưa trái cây, hoa màu đi các tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh tiêu thụ, mỗi ngày từ 10-15 tấn. Do nhãn còn số lượng lớn, sức tiêu thụ hàng tươi không cao nên tôi sấy khô, vừa hỗ trợ nông dân vừa có sản phẩm mới, được người tiêu dùng đón nhận, cung không đủ cầu.

Tuy nhiên, máy móc thiết bị của công ty còn hạn chế nên số lượng nhãn thu mua cho bà con không nhiều. Tôi mong được liên kết với đơn vị có máy sấy công suất lớn hơn để thu mua nhãn được nhiều hơn, vừa hỗ trợ nông dân tiêu thụ vừa có sản phẩm cung cấp ra thị trường”.

Tại xã Phước Ninh, để giúp nông dân tiêu thụ nông sản, HTX sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh liên kết với Công ty CP thương mại Bách Hoá Xanh; mở cửa hàng bình ổn giá…

Bà Lâm Thị Có- Giám đốc HTX sản xuất thương mại dịch vụ nông nghiệp Phước Ninh cho biết, thời gian qua, HTX đã cung cấp cho Công ty Bách Hoá Xanh các mặt hàng rau củ quả và cá các loại. Khi dịch bệnh bùng phát, HTX được hỗ trợ xe luồng xanh nên việc vận chuyển hàng hoá không gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, HTX cũng mở gian hàng bình ổn giá với các mặt hàng thiết yếu để phục vụ người dân.

Ổn định sản xuất

Trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp, UBND tỉnh đã đưa ra những định hướng trong sản xuất nông nghiệp, trước mắt, các trang trại, cơ sở sản xuất nông, lâm, thuỷ sản tập trung số lượng lao động từ 10 người trở lên được hướng dẫn tái sản xuất.

Tuỳ vào điều kiện của cơ sở mà lựa chọn phương án sản xuất phù hợp, bảo đảm an toàn cho người lao động. Triển khai các phương án sản xuất tại cơ sở như 3 tại chỗ, 2 tại chỗ - 1 vùng xanh… theo hướng dẫn của ngành nông nghiệp; duy trì các chuỗi cung ứng nông lâm thuỷ sản, từ vùng nguyên liệu đến chế biến, thị trường, tiêu thụ; tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy, cơ sở chế biến nông, lâm, thuỷ sản hoạt động, vừa đáp ứng điều kiện phòng, chống dịch, vừa không làm đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng, ảnh hưởng sinh kế của người dân, doanh nghiệp.

Dịch bệnh được kiểm soát, “màu xanh” đã trở lại thay cho “màu đỏ” trên bản đồ Covid-19 của huyện Dương Minh Châu thì trên nhiều cánh đồng, người dân bắt đầu tập trung sản xuất, với hy vọng, cuộc sống trở lại bình thường, hoa màu, nông sản sẽ được giá.

Người dân đã có những cách làm linh hoạt trong sản xuất, thực hiện theo phương châm “làm theo hộ gia đình, ruộng nhà nào nhà nấy làm”, nếu có huy động hỗ trợ sản xuất cũng không tập trung quá đông người, làm đến đâu gọn đến đó, thực hiện theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế.

Bà Lệ, ngụ ấp Bình Linh, xã Chà Là có hơn 5 công đất trồng đậu bắp cho biết: “Vụ rồi tôi không bị lỗ vì được địa phương hỗ trợ thu mua. Dù dịch bệnh khó khăn, tôi vẫn tái sản xuất và chăm sóc cây trồng thật tốt. Tôi nghĩ đơn giản, nếu dịch còn diễn biến phức tạp thì vẫn có hoa màu cung cấp cho người dân; còn tình hình dịch ổn định, việc buôn bán sẽ dễ dàng, hy vọng được giá cao hơn”.

Ðể hỗ trợ nông dân tái sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, nhiều cửa hàng cung ứng vật tư nông nghiệp đã chủ động giống, phân bón, thuốc trừ sâu... cung cấp cho nông dân. Chị Ðỗ Lưu Ðăng Thi- chủ đại lý phân bón Dân Hương (xã Phước Minh) cho biết: “Tôi đoán năm nay người dân cũng sẽ tái sản xuất những giống cây trồng như vậy, nên nhập hàng về trước. Ðể hạn chế tiếp xúc, tôi bán hàng online, nông dân gọi điện đặt hàng và đại lý giao tận nhà” - chị Thi chia sẻ.

Hiện nay, nhiều địa phương đẩy mạnh công tác hỗ trợ người dân tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để kịp thời tái sản xuất, phát triển kinh tế gia đình.

Vũ Nguyệt

(còn tiếp)

Tin cùng chuyên mục