BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ðào tạo nghề lao động nông thôn

Kỳ 3: Cần nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo 

Cập nhật ngày: 25/09/2020 - 00:01

BTN - Để thực hiện có hiệu quả công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho LÐNT, Sở tập trung thực hiện Ðề án đào tạo nghề cho LÐNT ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các huyện, nhằm tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, có việc làm thường xuyên và giảm nghèo bền vững.

LÐNT học nghề mây tre lá.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, nhận thức về học nghề, việc làm của người lao động nói chung và lao động nông thôn (LÐNT) nói riêng còn nhiều hạn chế, hiệu quả về việc làm và thu nhập sau dạy nghề ở một số ngành nghề còn thấp, chưa bền vững là những trở ngại lớn cho việc đẩy mạnh phát triển công tác dạy nghề cho LÐNT.

Từ đó, để thực hiện có hiệu quả công tác dạy nghề, giải quyết việc làm cho LÐNT, Sở tập trung thực hiện Ðề án đào tạo nghề cho LÐNT ở các xã điểm xây dựng nông thôn mới trên địa bàn các huyện, nhằm tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, có việc làm thường xuyên và giảm nghèo bền vững.

Khó tuyển sinh người lao động

Thời gian qua, việc tuyển sinh các lớp đào tạo nghề cho LÐNT gặp nhiều khó khăn, bởi người lao động không mặn mà với việc học nghề. Những nghề thiết thực như trồng rau, chăn nuôi, trồng cây ăn trái thì nhiều lao động đăng ký học. Việc tuyển sinh lao động đúng độ tuổi từ 18-35 tuổi rất khó, bởi phần đông các lao động đều đã được học qua một nghề nào đó, hoặc lao động đi làm xa, không có nhu cầu học nghề.

Theo ông Ngô Thanh Tùng- Phó Chủ tịch UBND xã Long Phước (huyện Bến Cầu), hiện nay, việc vận động người dân đi học các lớp đào tạo nghề cho LÐNT gặp nhiều khó khăn. Nhiều LÐNT chọn công việc làm thuê nhằm giải quyết thu nhập trang trải cuộc sống gia đình. Vì vậy, nhiều người không thể bỏ việc đang làm để đi học nghề, dù quá trình đi học được hỗ trợ học phí, chi phí đi lại.

Trong khi đó, tại địa phương hoặc các vùng xung quanh đều có khu, cụm công nghiệp, lao động trẻ thường lựa chọn đi làm công nhân nên LÐNT không còn gắn bó với các nghề nông nghiệp. Ðối với các nghề phi nông nghiệp, do thời gian đào tạo ngắn nên người lao động chưa đáp ứng được yêu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp, thậm chí thiếu tác phong làm việc công nghiệp, sau một thời gian làm việc do lương thấp hoặc không thích sẽ tự ý bỏ việc.

Ông Ngô Thanh Phong- Phó Chủ tịch UBND xã Long Chữ (huyện Bến Cầu) cho biết, hằng năm, địa phương đều mở các lớp dạy nghề cho LÐNT nhưng chủ yếu ở các đối tượng nghèo, cận nghèo, khuyết tật. Còn các đối tượng khác rất hạn chế nên khó mở lớp vì không thể tuyển sinh.

Chị Nguyễn Thị Nguyệt (ấp Long Giao, xã Long Chữ) chia sẻ, địa phương cần quan tâm xây dựng các mô hình đào tạo gắn liền với việc làm, gắn kết với các doanh nghiệp, hộ sản xuất, kinh doanh để giới thiệu việc làm cho các học viên sau khi được đào tạo nghề, để người dân thấy được ý nghĩa và giá trị của việc tham gia học nghề. Từ đó, thu hút được người lao động tham gia các lớp đào tạo nghề.

Tại xã Suối Dây (huyện Tân Biên), địa phương đã tổ chức các lớp đào tạo nghề về khai thác mủ cao su, chăn nuôi bò, chăm sóc cây cảnh, trồng gừng, điện dân dụng, kỹ thuật trồng rau sạch… Tuy nhiên, với các ngành nghề như sửa chữa máy vi tính, lái xe, sửa xe… thì trình độ văn hoá của LÐNT còn thấp, không đáp ứng được yêu cầu đề ra.

Bên cạnh đó, thời gian đào tạo nghề dài hạn, người lao động nghèo không thể tham gia do còn phải đi làm để lo cuộc sống gia đình. Mặt khác, nhiều người học xong không có vốn, mặt bằng để mở các cơ sở sửa chữa, kinh doanh. Thời gian qua, còn có tình trạng người lao động chưa áp dụng nghề đã học vào phát triển kinh tế vì nghề đã học chưa phù hợp với điều kiện thực tế của hộ.

Ðại diện UBND huyện Châu Thành cho biết, giai đoạn 2010-2015, huyện tổ chức 177 lớp đào tạo nghề LÐNT cho 5.656 học viên. Trong đó, nghề nông nghiệp 154 lớp/4.891 học viên; nghề phi nông nghiệp 23 lớp/765 học viên. Sau khi học nghề, có 5.656/5.656 học viên được cấp chứng chỉ nghề, đạt 100%; có 4.395/5.656 học viên có việc làm hoặc tự tạo việc làm đúng ngành nghề đã học, đạt 77,7%.

Giai đoạn 2016-2020, huyện tổ chức đào tạo nghề cho LÐNT được 38 lớp/1.247 học viên. Trong đó, nghề nông nghiệp 30 lớp/985 học viên; nghề phi nông nghiệp 8 lớp/262 học viên. Sau khi học nghề, có 1.247/1.247 học viên được cấp chứng chỉ nghề, đạt 100%; có 1.059/1.247 học viên có việc làm hoặc tự tạo việc làm đúng ngành nghề đã học, đạt 84,92%.

Tuy nhiên, quá trình triển khai dạy nghề cho LÐNT còn nhiều hạn chế, như trình độ học viên không đồng đều, phần lớn học viên vừa tham gia học tập vừa làm công việc đồng áng phụ giúp gia đình nên chất lượng đào tạo chưa cao. Bên cạnh đó, ngành nghề đào tạo chưa được mở rộng; chưa huy động được các nguồn lực để tham gia hỗ trợ dạy nghề ngắn hạn cho LÐNT, chủ yếu dựa vào nguồn lực Nhà nước.

Theo UBND huyện Tân Biên, để thu hút học viên tham gia đào tạo nghề nông thôn, huyện kiến nghị cấp trên nâng mức hỗ trợ kinh phí cho học viên, nhất là các đối tượng chính sách, hộ nghèo, hộ dân tộc thiểu số; thường xuyên bổ sung, cập nhật các ngành nghề có nhu cầu theo sự phát triển của thị trường.

Cần trang bị thêm cơ sở vật chất

Thời gian qua, cơ sở vật chất của một số cơ sở đào tạo nghề xuống cấp, trang thiết bị dạy nghề của nhiều cơ sở đã lạc hậu, chưa theo kịp với sự phát triển công nghệ và thiết bị máy móc của doanh nghiệp.

Theo UBND huyện Dương Minh Châu, trên địa bàn huyện có Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên là cơ sở đào tạo nghề nhưng cơ sở vật chất, trang thiết bị chưa được đầu tư đầy đủ để phục vụ các nghề phi nông nghiệp.

Còn qua đánh giá chung của UBND huyện Tân Biên, các chính sách của đề án đào tạo việc làm cho LÐNT đã tạo điều kiện hỗ trợ một phần chi phí học nghề cho học viên, giúp học viên giảm bớt khó khăn về tài chính, thu hút được đông đảo lực lượng lao động tham gia học nghề.

Bên cạnh đó, giúp các cơ sở đào tạo được trang bị thêm cơ sở vật chất; đội ngũ giáo viên, giảng viên được tập huấn nâng cao kiến thức nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo… Tuy nhiên, kinh phí hỗ trợ cho công tác đào tạo nghề còn thấp, chưa thật sự đáp ứng yêu cầu thực tế, nhất là tiền ăn và học phí cho học viên. Danh mục ngành nghề đào tạo chưa được cập nhật, bổ sung kịp thời theo yêu cầu của xã hội. Cơ sở vật chất, thiết bị máy móc đầu tư cho các cơ sở dạy nghề còn thiếu, chưa đồng bộ…

Ðể tháo gỡ những nút thắt trong công tác đào tạo nghề cho LÐNT, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị các địa phương trong tỉnh làm tốt công tác điều tra, khảo sát và dự báo nhu cầu học nghề của LÐNT, nhu cầu sử dụng lao động của các doanh nghiệp.

Các địa phương cần rà soát, bổ sung danh mục nghề đào tạo trình độ sơ cấp và dưới 3 tháng; hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; quan tâm đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, người dạy nghề.

Bên cạnh đó, các địa phương cần làm tốt công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ hiểu được vai trò quan trọng của việc học nghề để giảm nghèo, phát triển kinh tế.

Nhi Trần - Giang Hà