Srí, tiếng dân tộc Churu có nghĩa là nhẫn bạc. Đối với người Churu, chiếc nhẫn bạc không chỉ là đồ trang sức mà còn là một vật thiêng. Họ quan niệm nhẫn bạc cũng có linh hồn, có nhẫn trống (Srí Kră) và nhẫn mái (Srí Mơtal).
Srí, tiếng dân tộc Churu có nghĩa là nhẫn bạc. Đối với người Churu, chiếc nhẫn bạc không chỉ là đồ trang sức mà còn là một vật thiêng. Họ quan niệm nhẫn bạc cũng có linh hồn, có nhẫn trống (Srí Kră) và nhẫn mái (Srí Mơtal).
Các cô gái Churu khi bắt chồng thì trao chiếc nhẫn bạc cho ý trung nhân làm tín vật. Theo phong tục của người Churu, trong lễ cưới, cô dâu, chú rễ trao cho nhau chiếc nhẫn bạc se duyên. Đó là chứng vật cho cuộc hôn nhân, nếu sau này, bên nào bội ước, ly hôn thì sẽ bị phạt nặng. Nhưng cũng do sự thiêng liêng đó mà mỗi khi trai gái đã trao nhẫn bạc cho nhau thì gắn bó với nhau suốt đời, hiếm đôi chia tay.
Nghệ nhân Ya Tuất đang đúc nhẫn bạc |
Câu chuyện về chiếc nhẫn bạc nhuốm màu huyền thoại đã dẫn dắt chúng tôi tìm về vùng đất ở phía thượng nguồn dòng Đa Nhim (huyện Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng). Trong khoảng một vạn rưỡi người Churu, hiện chỉ có một nghệ nhân duy nhất thành thạo nghề đúc nhẫn bạc, đó là Ya Tuất ở xã Tu Tra. Dường như cái nghiệp đúc nhẫn bạc đã đến với Ya Tuất như một định mệnh để tộc người này lưu truyền nghề kim hoàn truyền thống của mình.
Ya Tuất và những cặp nhẫn Mơtal vừa đúc xong |
Trước Ya Tuất cũng chỉ có một nghệ nhân lành nghề, đó là Ya Grăng. Năm 7 tuổi, Ya Tuất đã theo cha cưỡi ngựa đến nhà già Ya Grăng ở tận đầu thôn để bái thầy, học nghề đúc nhẫn. 15 tuổi, anh nắm vững thao tác và đến 18 tuổi thì lành nghề. Đó cũng là lúc đôi tay của Ya Grăng đã yếu, đôi mắt đã mờ nên già quyết định truyền hết bí quyết cho Ya Tuất.
Theo Ya Tuất, để đúc một chiếc nhẫn bạc, công đoạn đầu tiên mà cũng quan trọng nhất đó là làm khuôn. Từ các loại vật liệu tự nhiên như: sáp ong, phân trâu, đất bùn, lá dứa…, nghệ nhân tạo một khuôn nhẫn âm bản có đầy đủ hoạ tiết hoa văn. Trong đó, khuôn Srí Kră có nhiều hoa văn tỉ mỉ, mặt nhẫn đính hạt Kơ-nia màu đỏ, còn Srí Mơtal thì hoa văn nhẹ nhàng hơn.
Khuôn nhẫn |
Công thức làm khuôn nhẫn thì giống nhau, nhưng không phải ai cũng làm được, mà phải có bí quyết. Chẳng hạn, phân trâu thì phải lấy của trâu đực từ 2 đến 3 tuổi, bùn cũng lấy đúng nơi, rồi tỷ lệ pha chế làm sao để khi nung vào bếp than thì khuôn nhẫn không bị cháy hoặc nứt.
Một điều thú vị nữa mà chưa ai giải thích được, đó là củi than để đun bạc đúc nhẫn phải là củi cây Kasiu, nếu đun bằng củi khác thì nhẫn sẽ không đẹp. Khi bếp than đã rực hồng, Ya Tuất cho chén đựng bạc vào than nung. Rồi anh quay sang giàn bếp chọn khuôn nhẫn (thường thì mỗi khuôn gồm một cặp nhẫn hoặc nhiều hơn) cho vào bếp nung cho sáp ong chảy hết để thành khuôn âm bản.
Cặp nhẫn Kră |
Đến lúc chiếc khuôn đỏ rực, bạc trong chén cũng tan chảy, Ya Tuất gắp chén bạc rót nhanh vào khuôn nhẫn. Thao tác này chỉ diễn ra trong nháy mắt, vì theo Ya Tuất, nếu làm chậm thì bạc sẽ bị đông cứng trở lại. Tiếp đó, nghệ nhân mang nhúng vào chậu nước, khuôn nhẫn sẽ rã tan, lộ ra chiếc nhẫn bạc lấp lánh.
Nghệ nhân Ya Tuất cho biết anh làm nhẫn bạc quanh năm, nhưng cao điểm nhất là vào mùa cưới của người Churu, kéo dài từ tháng 10 đến giáp Tết. Theo phong tục, ngoài cặp nhẫn cưới của đôi uyên ương, phía nhà gái phải trao nhẫn bạc cho những người chủ chốt trong họ hàng nhà trai. Vì vậy, cứ mỗi đám, Ya Tuất nhận đúc từ 10 đến 15 cặp nhẫn, có đám họ hàng nhà trai đông thì làm đến 50 cặp. Và không biết tự lúc nào, người ta đã gọi Ya Tuất là người làm kỷ vật se duyên cho những lứa đôi.
Theo Đất Việt