Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tình trạng ma tuý thâm nhập giới trẻ
Kỳ cuối: Bảo vệ thanh thiếu niên trước hiểm hoạ ma tuý
Chủ nhật: 00:36 ngày 22/11/2020

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Trước tình trạng thanh thiếu niên sử dụng ma tuý tổng hợp ngày càng gia tăng, các cấp, ngành, chính quyền địa phương đang nỗ lực tìm kiếm giải pháp để đẩy lùi “cái chết trắng” trong cộng đồng nói chung, thanh thiếu niên nói riêng.

Bí thư chi đoàn các lớp của Trường phổ thông Dân tộc nội trú ký cam kết “không thử, không giữ, không sử dụng ma tuý”.

Cai nghiện bằng methadone

Methadone được sử dụng để cai các chất gây nghiện như heroin. Toàn tỉnh có 2 cơ sở điều trị thay thế bằng thuốc Methadone, công tác điều trị đạt kết quả tốt. Sau khi điều trị thay thế bằng Methadone, người nghiện không có biểu hiện của hội chứng cai, nhu cầu sử dụng ma tuý giảm rõ rệt.

Tính đến ngày 31.7.2020, có 791 hồ sơ đăng ký điều trị, bảo đảm đúng tiêu chí; 556 lượt bệnh nhân ra khỏi chương trình, chủ yếu là tự bỏ, vi phạm pháp luật và nội quy điều trị cơ sở.

Tuy nhiên, qua vận động, có 162 trường hợp tự nguyện trở lại điều trị. So với chỉ tiêu theo Quyết định số 1008 của Thủ tướng Chính phủ, đạt tỷ lệ 86,57%. Hiện hai cơ sở thành phố Tây Ninh và Gò Dầu đang điều trị 347 bệnh nhân.

Bác sĩ Nguyễn Sanh Tâm, công tác tại cơ sở điều trị bằng thuốc Methadone phường IV, TP.Tây Ninh cho biết, cơ sở làm việc cả thứ 7, chủ nhật, ngày lễ, tết. Ðơn vị bảo quản, cấp phát thuốc theo đúng quy định. Hằng tháng, nhân viên tư vấn điều trị lên lịch tư vấn định kỳ cho người bệnh uống thuốc tại cơ sở.

Ðiều trị thay thế Methadone mang lại nhiều hiệu quả. Về mặt y tế, Methadone giúp dừng hoặc giảm sử dụng, hạn chế tỷ lệ tiêm chích ma tuý trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị, nguy cơ lây truyền các bệnh qua đường máu như HIV, viêm gan B, C, giang mai... Người bệnh khi tham gia điều trị Methadone sẽ giảm dần và tiến tới không còn lệ thuộc vào ma tuý, phục hồi sức khoẻ, ổn định tâm lý, tái hoà nhập cộng đồng.

Việc cai nghiện các chất dạng thuốc phiện bằng thuốc thay thế Methadone mang lại nhiều hiệu quả nhưng quá trình thực hiện còn gặp khó khăn. Tỷ lệ bệnh nhân ra khỏi chương trình vì các lý do khác nhau như thôi điều trị, tử vong, bị đưa vào cơ sở cai nghiện, nhà xa, không có điều kiện điều trị thường xuyên… ảnh hưởng đến hiệu quả điều trị chung.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần chú trọng hoạt động tư vấn tâm lý xã hội, giới thiệu, đào tạo nghề, hỗ trợ việc làm cho người nghiện tái hoà nhập cộng đồng, gia đình động viên để người đang điều trị có quyết tâm từ bỏ ma tuý. 

Nỗ lực nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện

Với sự chỉ đạo quyết liệt, phối hợp chặt chẽ của các ngành, địa phương, công tác cai nghiện dần chuyển biến, đạt kết quả quan trọng. Số người nghiện ma tuý từng bước được quản lý, chú trọng việc lập hồ sơ áp dụng giáo dục tại xã, phường, thị trấn và đưa vào cơ sở cai nghiện bắt buộc.

Công tác quản lý, cắt cơn, giải độc, khám, chữa bệnh, cấp phát thuốc, giáo dục hành vi, tổ chức tư vấn cá nhân, sinh hoạt tập thể cho học viên theo quy định. Trong quá trình cai nghiện, học viên được giao lưu thể dục, thể thao, học văn hoá xoá mù chữ và phổ cập giáo dục tiểu học, chữa bệnh tại cơ sở, đào tạo dạy nghề ngắn hạn như hàn điện, sửa chữa máy, trang điểm, lái xe nâng.

Từ năm 2009 đến năm 2019, UBND Thành phố ra quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú đối với 42 học viên, có 79 học viên chấp hành quyết định áp dụng biện pháp quản lý sau cai tại nơi cư trú. Vào các dịp lễ, tết, cấp uỷ, chính quyền địa phương thành lập các đoàn thăm hỏi, tặng quà và động viên các đối tượng đang cai nghiện bắt buộc chấp hành tốt nội quy của trung tâm để sớm tái hoà nhập cộng đồng.

UBND Thành phố triển khai thực hiện Ðề án thí điểm “Tổ chức quản lý, dạy nghề và giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma tuý”. Tuy nhiên, cai và quản lý sau cai nghiện tại cộng đồng hiệu quả thấp do thiếu cán bộ phụ trách có năng lực, chủ yếu là cán bộ kiêm nhiệm tại các địa phương; do khó khăn về kinh phí, địa điểm tổ chức cắt cơn tại cộng đồng; tỷ lệ học nghề và tạo việc làm cho người sau cai ít.

Một số doanh nghiệp, người dân trên địa bàn còn e ngại trong việc tiếp nhận người sau cai nghiện vào làm việc; vốn hỗ trợ cho đối tượng này không có, thu hồi vốn khó, tỷ lệ tái nghiện vẫn cao.

Công tác lập hồ sơ đưa người nghiện ma tuý đi cai bắt buộc được đẩy mạnh, thực hiện quyết liệt. Trong 10 năm, địa phương đưa đi cai nghiện bắt buộc 485 đối tượng. Hiện nay chưa có hướng dẫn cụ thể về áp dụng biện pháp quản lý sau cai nghiện ma tuý theo Nghị định 94/2009/NÐ-CP ngày 26.10.2009 quy định chi tiết thi hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống ma tuý về quản lý sau cai nghiện ma tuý. Sau khi hết thời gian cai nghiện bắt buộc, đối tượng giao về địa phương tự quản lý dẫn đến khả năng tái nghiện cao.

Bệnh nhân được kiểm tra sức khoẻ tại Cơ sở điều trị Methadone. Ảnh: BT

Nhân rộng mô hình “trường học nói không với ma tuý”

Với quyết tâm không để ma tuý có cơ hội xâm nhập học đường, năm 2018, Trường THPT Nguyễn Huệ (huyện Bến Cầu) xây dựng mô hình “Trường THPT Nguyễn Huệ nói không với ma tuý”, gồm 7 thành viên, bước đầu đạt kết quả tốt, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn cho học sinh.

Ông Nguyễn Vũ Nguyên- Bí thư Ðoàn trường cho biết, mọi người được hướng dẫn cách nhận biết các chất ma tuý, biểu hiện của người nghiện, tác hại của ma tuý, mại dâm, HIV/AIDS thông qua loa phát thanh, fanpage của trường.

Qua đó, cán bộ, giáo viên, nhân viên, học sinh chấp hành pháp luật, nêu cao ý thức, trách nhiệm trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, xây dựng trường học không ma tuý. Cấp uỷ, Ban giám hiệu, Ðoàn Thanh niên, Công đoàn vận động cán bộ, giáo viên và học sinh tham gia hoạt động phòng, chống các loại tội phạm, ma tuý, tệ nạn xã hội. Duy trì có hiệu quả hoạt động các câu lạc bộ tình nguyện, đội tuyên truyền, tổ, đội, nhóm phòng, chống tội phạm, ma tuý.

Nhà trường phối hợp với Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý, Công an tỉnh, Công an huyện Bến Cầu tổ chức tuyên truyền về phương pháp phòng, chống ma tuý vào các buổi sinh hoạt dưới cờ, nói chuyện chuyên đề, lồng ghép vào nội dung các buổi tập huấn, tổ chức các cuộc thi tìm hiểu liên quan đến ma tuý.

Ðơn vị vận động đoàn viên, thanh niên ký cam kết 3 không: “không sử dụng, không tàng trữ, không mua bán ma tuý”. Ðoàn Thanh niên tổ chức ký giao ước thi đua thực hiện “Chi đoàn không vi phạm pháp luật và mắc vào tệ nạn xã hội và ma tuý”, thực hiện mục tiêu “Mỗi đoàn viên, thanh niên là một tuyên truyền viên tích cực về phòng chống ma tuý, HIV/AIDS”...

Ban giám hiệu nhà trường quán triệt, chỉ đạo cho giáo viên bộ môn lồng ghép giáo dục các giải pháp phòng, chống ma tuý trong học đường trong giảng dạy chính khoá; giáo viên chủ nhiệm và lớp trưởng theo dõi hoạt động của lớp, nắm bắt tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của học sinh, kịp thời định hướng, giáo dục để các em không bị đối tượng xấu rủ rê, lôi kéo sử dụng ma tuý.

Bí thư Ðoàn trường đánh giá, qua 2 năm thực hiện mô hình “Trường THPT Nguyễn Huệ nói không với ma tuý”, học sinh có nhận thức tốt, có thể phòng, chống tệ nạn ma tuý đang len lỏi vào học đường. Mỗi đoàn viên, thanh niên trở thành một tuyên truyền viên, nhắc nhở người thân, gia đình và xã hội nói không với ma tuý, không thử dù chỉ một lần.

Phòng, chống ma tuý là nhiệm vụ hàng đầu, góp phần bảo đảm vững chắc an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Việc đẩy lùi “cái chết trắng” cần sự chung sức, phối hợp chặt chẽ của toàn xã hội, không phải trách nhiệm của riêng ai.

Thiên Di - Phương Thảo

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục