Kinh tế   Công nghiệp – Dịch vụ

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Gian nan lộ trình thay thế gạch nung

Kỳ cuối: Cần sự chung tay  

Cập nhật ngày: 08/07/2022 - 23:41

BTN - Để gạch không nung có thể cạnh tranh với gạch đất sét nung, ngoài việc tăng cường các chính sách hỗ trợ, giúp các cơ sở sản xuất hạ giá thành, Nhà nước cần có giải pháp nâng cao nhận thức, làm cho người dân hiểu về những lợi ích mà gạch không nung mang lại.

Gạch block thành phẩm ở một doanh nghiệp.

Trước những nguyên nhân khiến gạch không nung khó có chỗ đứng trên thị trường, Nhà nước cần có những giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm các yêu cầu quy định về sản xuất, sử dụng gạch không nung trong các công trình xây dựng trong thời gian tới. Bởi việc sử dụng gạch không nung thay thế dần gạch đất sét nung truyền thống là yêu cầu bắt buộc nhằm tiết kiệm tài nguyên khoáng sản và bảo vệ môi trường.

Phải thay đổi nhận thức

Một trong những giải pháp cần được quan tâm đẩy mạnh thực hiện là tăng cường công tác tuyên truyền về vai trò, chủ trương, xu thế phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) của Chính phủ, Bộ Xây dựng và UBND tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, góp phần thay đổi nhận thức của xã hội về việc phát triển sản xuất và sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng. Từ đó thay đổi dần thói quen sử dụng gạch đất sét nung truyền thống nhằm tiết kiệm tài nguyên, bảo vệ môi trường, phục vụ mục tiêu phát triển bền vững đất nước.

Gạch terrazzo hiện là sản phẩm gạch không nung được tiêu thụ khá nhiều trên thị trường.

Để gạch không nung có thể cạnh tranh với gạch đất sét nung, ngoài việc tăng cường các chính sách hỗ trợ, giúp các cơ sở sản xuất hạ giá thành, Nhà nước cần có giải pháp nâng cao nhận thức, làm cho người dân hiểu về những lợi ích mà gạch không nung mang lại.

Thực hiện Thông tư số 13/2017/TT-BXD của Bộ Xây dựng về việc sử dụng vật liệu xây không nung trong các công trình xây dựng, UBND tỉnh đã giao Sở Xây dựng và các phòng chuyên môn trực thuộc UBND các huyện, thành phố trong tỉnh thực hiện thẩm định dự án đầu tư, báo cáo kinh tế kỹ thuật, thẩm định thiết kế bản vẽ thi công đối với các công trình xây dựng được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước, vốn Nhà nước ngoài ngân sách, vốn vay của doanh nghiệp có vốn Nhà nước lớn hơn 30% trên địa bàn tỉnh để bảo đảm các công trình này đều có sử dụng VLXKN.

VLXKN được liên Sở Xây dựng - Tài chính đưa vào công bố giá hằng tháng. Các cơ sở sản xuất VLXKN đã thực hiện hồ sơ công bố hợp quy sản phẩm trước khi cung ứng ra thị trường.

Gần đây, Sở Xây dựng đã đề xuất UBND tỉnh một số giải pháp phát triển VLXKN trong thời gian tới với một số nội dung chính như: ban hành Kế hoạch phát triển VLXKN đến năm 2025, trong đó đề ra các cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư cho các doanh nghiệp đầu tư sản xuất VLXKN; các giải pháp thúc đẩy việc tăng cường sử dụng VLXKN, hạn chế sản xuất và sử dụng gạch đất sét nung theo định hướng Kế hoạch phát triển vật liệu xây dựng tỉnh Tây Ninh giai đoạn 2022-2025 và định hướng đến năm 2030 đã đề ra.

Nguyên liệu đắt đỏ gây khó khăn cho thị trường tiêu thụ sản phẩm VLXKN.

Theo đó, các cơ sở sản xuất VLXKN tiếp tục nghiên cứu, tận dụng phế thải công nghiệp làm nguyên liệu sản xuất VLXKN nhằm xử lý phế thải, tiết kiệm tài nguyên và hạ giá thành sản phẩm.

 Các cơ sở sản xuất VLXKN khi cung ứng sản phẩm cần phối hợp chủ đầu tư, nhà thầu thi công, người dân trong việc hướng dẫn quy trình kỹ thuật thi công, định mức sử dụng cho các sản phẩm do mình sản xuất nhằm tránh tình trạng co ngót, nứt... khi thi công và đưa vào sử dụng; thực hiện nghiêm các quy định về tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật và chất lượng sản phẩm, hàng hoá VLXKN; nghiên cứu đổi mới công nghệ sản xuất VLXKN theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm; đa dạng hoá chủng loại sản phẩm, tăng cường sản xuất sản phẩm tấm lớn, sản phẩm nhẹ. Bên cạnh đó, các nhà thầu thi công cần thường xuyên đào tạo kỹ năng, tay nghề về xây lắp VLXKN theo kịp kỹ thuật tiên tiến hiện đại cho công nhân.

Ở góc độ quản lý nhà nước, Sở Xây dựng sẽ tiếp tục tăng cường công tác quản lý, kiểm soát chất lượng đối với các đơn vị sản xuất VLXKN nhằm bảo đảm sản phẩm lưu hành trên thị trường luôn có chất lượng đạt yêu cầu quy định. Sở cũng sẽ tiếp tục kiểm tra, đẩy mạnh hướng dẫn chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, đơn vị thi công xây dựng chủ động trong công tác quản lý nguồn gốc, xuất xứ, chất lượng hàng hoá VLXKN sử dụng trong công trình. Song song đó, UBND các huyện, thị xã, thành phố cần có kế hoạch tuyên truyền cho các doanh nghiệp tư nhân tăng cường sử dụng gạch không nung trên địa bàn quản lý.

Gạch không nung block chưa được tiêu thị nhiều ở Tây Ninh.

Người sản xuất cũng phải “hiện đại”

Anh Nguyễn Minh Thắng- Giám đốc Công ty TNHH sản xuất VLXD Đại Thắng (Hoà Thành) cho biết, trước nhiều khó khăn trong sản xuất, tiêu thụ VLXKN, Công ty kiến nghị Nhà nước tiếp tục nghiên cứu, xem xét và bổ sung các văn bản về hành lang pháp lý tạo thuận lợi hơn cho việc đẩy mạnh sử dụng VLXKN trong các công trình xây dựng; tăng cường chỉ đạo, khuyến khích sản xuất và đẩy mạnh tuyên truyền để các chủ đầu tư, nhà thầu, nhà tư vấn, kiến trúc sư… hiểu hơn về sản phẩm gạch không nung, VLXKN và đưa vào sử dụng nhiều hơn ở các công trình.

Về nội tại, các đơn vị sản xuất VLXKN phải hết sức nỗ lực để phát triển bằng các giải pháp, chiến lược đúng đắn, bài bản. Ngoài những thiết bị, công nghệ hiện đại được đầu tư phục vụ sản xuất thì các nguồn nguyên liệu đầu vào như xi măng, cát, đá và tro bay cũng cần được đơn vị sản xuất VLXKN kiểm tra chọn lọc kỹ càng từ các đối tác uy tín lâu năm trên thị trường trước khi nhập hàng về sản xuất.

Bên cạnh đó, nguồn lao động có tay nghề cao, kinh nghiệm lâu năm là một trong những yếu tố quan trọng cần được nhà đầu tư sản xuất VLXKN chú trọng hàng đầu nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, chiếm được cảm tình của khách hàng.

Định hướng phát triển gạch xây không nung giai đoạn đến năm 2025 của tỉnh là kêu gọi đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất gạch không nung với 2 loại sản phẩm chính: gạch bê tông nhẹ khí chưng áp và gạch xi măng cốt liệu. Cụ thể, giai đoạn 2022-2025, tỉnh kêu gọi đầu tư xây dựng các nhà máy sản xuất gạch không nung có tổng công suất thiết kế 320 triệu viên năm.

Vị trí cụ thể của từng dự án phải đáp ứng yêu cầu quy hoạch của địa phương, quy hoạch phát triển vật liệu xây dựng và các yêu cầu trong sản xuất vật liệu xây dựng theo quy định của pháp luật, ưu tiên đầu tư trong các khu, cụm công nghiệp.

Tổng công suất thiết kế các nhà máy sản xuất gạch xây không nung đến năm 2025 trên địa bàn tỉnh Tây Ninh đạt khoảng 455 triệu viên/năm, đáp ứng hoàn toàn nhu cầu vật liệu xây không nung tại tỉnh.

An Khang

Tin liên quan
  • Bài 1: Lèo tèo vài cơ sở sản xuất hoạt động “cầm chừng”  

    Bài 1: Lèo tèo vài cơ sở sản xuất hoạt động “cầm chừng”

    Tại phiên họp UBND tỉnh tháng 5.2022, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc đặt vấn đề: Vì sao gạch không nung phát triển chậm, chưa có chỗ đứng trên thị trường? Thực tế cho thấy, việc sản xuất và đưa vào sử dụng vật liệu xây không nung (VLXKN) thay thế dần vật liệu xây truyền thống (gạch nung) là cả một quá trình lâu dài và đầy gian nan.

  • Bài 2: Vì sao thị trường “lạnh nhạt” với gạch không nung ? 

    Bài 2: Vì sao thị trường “lạnh nhạt” với gạch không nung ?

    Thực hiện Chương trình phát triển vật liệu xây không nung (VLXKN) theo chủ trương của Chính phủ, tiến đến thay thế gạch đất sét nung, cần có bước đột phá trong sản xuất, tiêu thụ và công tác quản lý nhà nước đối với sản phẩm VLXKN.