Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Tây Ninh xây dựng chốt dân quân biên giới vững mạnh

Kỳ cuối: Hiện thực hoá chủ trương của Đảng uỷ Quân sự tỉnh 

Cập nhật ngày: 26/09/2023 - 07:55

BTN - Tây Ninh là tỉnh biên giới phía Tây Nam của Tổ quốc, nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là hướng chiến lược quan trọng trong thế trận quốc phòng, an ninh (QP-AN) của Quân khu 7 và được Trung ương chọn làm điểm xây dựng khu vực phòng thủ cho cả nước.

Huấn luyện dân quân thường trực tại Trung đoàn Bộ binh 174 (Bộ CHQS tỉnh).

Thực hiện chỉ đạo của Quân khu 7 trong xây dựng khu vực phòng thủ, xây dựng lực lượng sát với tình hình thực tế, nhất là xây dựng, củng cố tổ chức và tăng cường lực lượng dân quân (DQ) cơ động ở các xã biên giới; Đảng uỷ - Bộ CHQS tỉnh tích cực làm tham mưu và triển khai thực hiện xây dựng chốt Dân quân thường trực (DQTT) biên giới theo quy hoạch xây dựng thế trận quân sự và quyết tâm tác chiến phòng thủ của tỉnh, huyện biên giới gắn với điểm tựa, cụm điểm tựa, khu vực phòng ngự, khu vực bố trí trận địa chiến đấu và bảo đảm chiến đấu của các đơn vị bộ đội chủ lực, biên phòng, bộ đội địa phương trong thế trận chung về phòng thủ bảo vệ biên giới Tây Nam của Quân khu 7.

Sau khi có chủ trương của Quân khu, cấp uỷ, chính quyền các sở, ngành, đoàn thể và nhân dân địa phương 5 huyện, thị xã biên giới trong tỉnh đồng lòng, tích cực tổ chức thực hiện. Cơ quan quân sự chủ động tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền lãnh đạo, chỉ đạo và lập đề án, kế hoạch xây dựng chốt dân quân trên địa bàn các xã biên giới nằm ở vị trí xung yếu nhất trên địa bàn biên giới, góp phần cùng với các đồn, trạm biên phòng và các điểm dân cư khép kín địa bàn biên giới, thuận lợi cho việc quản lý bảo vệ đường biên.

Chốt DQ của các địa phương được xây dựng bảo đảm được các thành phần cơ bản của chốt, nhất là nơi ăn ở, sinh hoạt và một số công sự trận địa. Cơ sở vật chất của các chốt DQ biên giới đang được tiếp tục đầu tư hoàn thiện bảo đảm cho lực lượng làm nhiệm vụ trực tại chốt.

Ban CHQS 5 huyện, thị xã biên giới của tỉnh tham mưu cho cấp uỷ, chính quyền đầu tư kinh phí tiếp tục xây dựng các công trình nối tiếp, bảo đảm được thế liên hoàn trong cơ động lực lượng. 100% chốt chiến đấu DQTT biên giới đã ký kết quy chế, kế hoạch phối hợp với lực lượng Công an, Kiểm lâm, Biên phòng theo Nghị định số 02/2020/NĐ-CP, ngày 30.6.2020 của Chính phủ quy định việc phối hợp của dân quân tự vệ với các lực lượng trong hoạt động bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo, bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn ở cơ sở.

Đại tá Nguyễn Thanh Phong- Phó Bí thư Đảng uỷ, Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh cho biết, trên cơ sở quán triệt các văn bản của Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Bộ Quốc phòng và Quân khu 7 về xây dựng chốt DQTT biên giới, Đảng uỷ - Bộ CHQS tỉnh phát huy vai trò làm tham mưu cho Tỉnh uỷ, UBND tỉnh, Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu 7 cụ thể hoá nhiệm vụ xây dựng chốt chiến đấu DQTT biên giới đến các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện trên địa bàn tỉnh.

Gia đình anh Trần Quốc Việt ngụ ấp Hoà Lợi, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên bước đầu ổn định cuộc sống tại điểm dân cư liền kề chốt DQTT ấp Hoà Lợi.

Chính uỷ Bộ CHQS tỉnh đánh giá, thông qua hoạt động, dân quân thường trực và chốt dân quân biên giới là chỗ dựa cho nhân dân lao động sản xuất, giao lưu qua lại, tăng cường đoàn kết của nhân dân ở hai bên biên giới.

Đồng thời chốt dân quân thường xuyên phối hợp với biên phòng, công an đấu tranh ngăn chặn các đối tượng có hành vi vi phạm, xâm phạm lãnh thổ biên giới, vượt biên, nhập cư, cư trú trái phép; phòng, chống âm mưu phá hoại của các thế lực thù địch; chống buôn lậu, ma tuý. Ngoài ra, dân quân thường trực và chốt dân quân thực hiện tốt việc phối hợp với các lực lượng trong việc giúp nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, lao động sản xuất, phát triển kinh tế, ổn định đời sống.

Đặc biệt, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm quốc phòng - an ninh, Đề án “xây dựng điểm dân cư liền kề chốt dân quân biên giới giai đoạn 2019-2025” của Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và UBND tỉnh Tây Ninh đã được hiện thực hoá trên địa bàn tỉnh với 21 điểm/115 căn nhà, tổng trị giá gần 34 tỷ đồng.

Là một trong những hộ dân được thụ hưởng Đề án, anh Trần Quốc Việt - ngụ ấp Hoà Lợi, xã Hoà Hiệp, huyện Tân Biên và các hộ dân ở điểm dân cư này đang dần ổn định cuộc sống. Anh Việt cho biết, từ năm 2009 đến 2017, anh tham gia lực lượng DQ tại chốt DQTT ấp Hoà Lợi (chốt Cây Me), hiện đang là Phó ấp kiêm Ấp đội trưởng. Trên cơ sở xem xét hoàn cảnh gia đình, đầu năm 2023, gia đình anh Việt được cấp một căn nhà tại điểm dân cư liền kề chốt Cây Me.

“Chúng tôi rất cảm ơn sự quan tâm của các cấp uỷ Đảng, chính quyền, Quân khu 7 đã giúp gia đình tôi có căn nhà, ổn định cuộc sống. Ngoài ra, 5 hộ dân ở điểm dân cư liền kề này cũng được cấp một cặp bò sinh sản để nuôi góp vốn xoay vòng. Chúng tôi hứa sẽ chăm sóc hiệu quả để tạo kinh tế cho gia đình. Hằng ngày, chúng tôi sinh sống và làm việc tại khu vực biên giới, chúng tôi sẽ cùng các chiến sĩ chốt DQTT thường xuyên nắm thông tin tình hình biên giới, góp phần giữ gìn an ninh trật tự và bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia”- anh Việt chia sẻ.

Trên biên giới quân có dân, dân có quân và xây dựng các chốt dân quân biên giới đất liền là chủ trương đúng đắn, là sự vận dụng có tính đột phá sáng tạo, hiệu quả, tạo được sự đồng thuận cao và phù hợp với tư duy bảo vệ Tổ quốc trong giai đoạn hiện nay. Mở ra tiền đề cho một tương lai không xa với việc xây dựng, phát triển, hoàn thiện hơn nữa chốt dân quân biên giới dựa trên nền tảng “thế trận lòng dân”, sẽ tạo ra một thế hệ thường trực tại chỗ bảo vệ xóm làng, quê hương, bảo vệ bình yên biên giới trong tiến trình hội nhập.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quân khu lần thứ IX, nhiệm kỳ 2015-2020 đã quyết nghị chủ trương xây dựng Chốt dân quân biên giới; Bộ Tư lệnh Quân khu đã ban hành Đề án số 2454 ngày 16.10.2018 về “Xây dựng chốt chiến đấu của dân quân thường trực biên giới đất liền đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biên giới đất liền trong tình hình mới”. Đến nay, Quân khu đã quy hoạch xây dựng trên toàn tuyến biên giới 65 chốt dân quân (trong đó, Tây Ninh 32, Long An 20, Bình Phước 13), trung bình mỗi xã biên giới có từ 1 đến 2 chốt.

Huỳnh Ngoan - Phạm Hà

Tin liên quan