Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Nhiều người có công với cách mạng vẫn chưa được giải quyết chế độ

Kỳ cuối: Khó, vì không đủ hồ sơ để chứng minh 

Cập nhật ngày: 20/06/2021 - 10:27

BTN - Thực tế cho thấy, thời gian qua, các ngành chức năng đã tích cực giải quyết chế độ chính sách cho những người tù kháng chiến. Những trường hợp còn lại chưa được hưởng chế độ chính sách là do không đủ hồ sơ chứng minh bị tù kháng chiến hoặc người dân có công với cách mạng bị địch bắt tù đày. Ðối với đối tượng người dân có công với cách mạng bị địch bắt tù đày, đến nay chưa có quy định được hưởng chế độ chính sách.

Vợ chồng ông Dương Văn Trần.

Ở ấp Thạnh Ðông, xã Thạnh Bình, huyện Tân Biên hiện có vợ chồng ông Dương Văn Trần, 76 tuổi và vợ Lê Thị Nhỏ, 74 tuổi, hoàn cảnh khó khăn. Trong những năm kháng chống Mỹ cứu nước, ông Trần tham gia cách mạng, bị thương trên đầu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến trí nhớ. Từ đó đến nay, ông nói năng, đi đứng khó khăn và hầu như chỉ quanh quẩn trên chiếc võng.

Theo lời bà Nhỏ, năm 1964, hai vợ chồng cùng công tác ở đơn vị Giao Bưu Vận, hoạt động trên địa bàn chiến khu D. “Hồi đó, tụi tôi có nhiệm vụ vận chuyển thư từ, bưu kiện qua lại giữa hai tỉnh Sông Bé, Ðồng Nai. Năm 1965, trong một lần ra đồng phát rẫy tăng gia sản xuất cho đơn vị, trực thăng của địch sà xuống, bắn ông bị thương, sau đó ông bị bắt giữ.

Chúng đưa chồng tôi về nhà tù Biên Hoà. Sau gần 4 tháng giam giữ, tra tấn, không khai thác được gì, chúng thả ổng ra. Ông quay về đơn vị tiếp tục tham gia cách mạng, nhưng bệnh tình ngày càng trở nặng, năm 1971, ông được đơn vị đưa ra miền Bắc an dưỡng. Ðến tháng 9.1975, ông mới trở về quê ở huyện Củ Chi, TP. Hồ Chí Minh, làm cán bộ Lao động - Thương binh và Xã hội của xã Thái Mỹ. 2 năm sau, ông nghỉ hưu về huyện Tân Biên sinh sống đến nay”.

Gia đình bà Nhỏ không có ruộng vườn, không nghề nghiệp, cuộc sống chỉ dựa vào số tiền trợ cấp theo chế độ thương binh của ông Trần. Trước hoàn cảnh này, chính quyền địa phương đã xây tặng cho vợ chồng bà Nhỏ một căn nhà tình nghĩa, nhưng cuộc sống vẫn còn nhiều khó khăn.

Ông Lê Văn Hai, 74 tuổi- Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến huyện Tân Biên cho biết, theo thống kê của Hội, trên địa bàn huyện có 69 người kê khai bị địch bắt, tù đày thời kháng chiến, phần lớn chưa được hưởng chế độ. Theo ông Hai, trước đây, khi mới thành lập Hội, ở huyện Tân Biên có hơn 100 thành viên. Khi ông làm Chủ tịch Hội, còn hơn 80 người. Ðến nay, chỉ còn 59 thành viên. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2021 đến nay đã có 4 người đã mất.

Theo báo cáo của Hội Người tù kháng chiến tỉnh Tây Ninh, năm 2017, trên địa bàn tỉnh, có 377 người kê khai là người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày đến nay chưa được hưởng chính sách, do không còn giấy tờ gốc và giấy tờ có liên quan theo quy định.

Hội Người tù kháng chiến tỉnh đã lập Kế hoạch số 41 và 42 phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, Hội Người tù kháng chiến các huyện, thành phố để gặp trực tiếp đối tượng đã kê khai hồ sơ. Kết quả, sau khi kiểm tra, Sở LÐ-TB&XH giải quyết cho hưởng chế độ được 9/377 hồ sơ, những trường hợp còn lại, Tỉnh hội hướng dẫn nộp hồ sơ tại Phòng LÐ-TB&XH huyện theo quy định.

Hội Người tù kháng chiến tỉnh Tây Ninh kiến nghị các cấp có liên quan bổ sung thêm chế độ như sau: đối với người dân có công với cách mạng, bị địch bắt tù đày cho giải quyết được hưởng chính sách như người thuộc đơn vị, tổ chức tham gia kháng chiến bị địch bắt tù, đày.

Theo số liệu báo cáo của Hội Người tù kháng chiến tỉnh Tây Ninh, toàn tỉnh hiện có 374 người kê khai là người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày đến nay chưa được hưởng chính sách do không còn giấy tờ gốc và giấy tờ có liên quan.

Ðể giúp đối tượng được hưởng chế độ chính sách, cuối năm 2018 và 2019, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã phối hợp cùng Hội Người tù kháng chiến tỉnh, Công an tỉnh Tây Ninh, Cục A93- Bộ Công an (TP. Hồ Chí Minh), Công an các tỉnh tra cứu hồ sơ lưu trữ.

Kết quả đã giải quyết chế độ chính sách cho 43 trường hợp. Còn lại diện nhân dân có công cách mạng 53 trường hợp; xin ý kiến Cục Người có công giải quyết chế độ cho 43 trường hợp; ngành Công an không quản lý hồ sơ tù 155 trường hợp và không giải quyết 80 trường hợp.

Thực tế cho thấy thời gian qua, Sở đã nỗ lực, tích cực phối hợp cùng các ngành chức năng giải quyết chế độ chính sách cho người hoạt động kháng chiến, tham gia kháng chiến bị địch bắt tù đày. Hầu hết các trường hợp chưa được hưởng chế độ chính sách là do không có hồ sơ tù trong tàng thư lưu trữ của ngành Công an quản lý; giấy tờ không thể hiện tham gia cách mạng hoặc kháng chiến và thời gian, địa điểm bị tù đày; hoặc là nhân dân giúp đỡ cách mạng.

Ðối với đối tượng người dân có công với cách mạng bị địch bắt tù đày đến nay vẫn chưa có quy định được hưởng chế độ chính sách. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã có Công văn số 1557/SLÐTBXH-NCC, ngày 28.6.2019,  trả lời cho Hội Người tù kháng chiến tỉnh để thông báo cho Hội Người tù kháng chiến các huyện và đối tượng được biết (trong đó có tất cả các trường hợp của huyện Trảng Bàng).

Ðại Dương

Trở lại câu chuyện về trường hợp ông Nguyễn Văn Nhướng - 88 tuổi, ngụ ấp Cầu Xe, xã Hưng Thuận, thị xã Trảng Bàng, được biết, tại Công văn số 1557/SLÐTBXH-NCC ngày 28.6.2019 trả lời cho Hội Người tù kháng chiến tỉnh để thông báo cho Hội Người tù kháng chiến các huyện và đối tượng, trong đó ông Nguyễn Văn Nhướng là nhân dân giúp đỡ cách mạng nên không được giải quyết chế độ. Tuy nhiên, ông không đồng ý với kết quả trên và tiếp tục đề nghị được hưởng chế độ người tham gia kháng chiến bị địch bắt tù, đày.

Sở LÐ-TB&XH tiếp tục đề nghị Công an tỉnh Long An và Công an tỉnh Ðồng Nai tra cứu theo bản kê khai nơi bị tù đày của ông Nhướng, nhưng hệ thống tàng thư lưu trữ của hai tỉnh này đều không có hồ sơ tù của ông Nguyễn Văn Nhướng.

Ông Nguyễn Văn Nhướng - bà Lê Thị Niệm được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương kháng chiến hạng Ba vì đã có công trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, và đã được hưởng chế độ trợ cấp người có công giúp đỡ cách mạng từ ngày 6.8.2004 với mức trợ cấp hằng tháng là 110.000 đồng/tháng. Ðến thời điểm này, ông đang hưởng trợ cấp 955.000 đồng/tháng.

Ðối với việc ông Lê Văn Khoăn - Phó Chủ tịch Hội người tù kháng chiến thị xã Trảng Bàng cho rằng hiện thị xã này có 150 hồ sơ tham gia kháng chiến chống Mỹ bị địch bắt, tù đày nhưng chưa được giải quyết chế độ; theo tìm hiểu của Báo Tây Ninh, Trảng Bàng chỉ còn 2 trường hợp chưa được giải quyết chế độ, 148 trường hợp còn lại, hầu hết đều không có hồ sơ tù trong tàng thư lưu trữ của ngành Công an quản lý; giấy tờ không thể hiện tham gia cách mạng hoặc kháng chiến và thời gian, địa điểm bị tù, đày; hoặc thuộc trường hợp nhân dân giúp đỡ cách mạng.