Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTNO) -
Bảo đảm an sinh xã hội và giảm nghèo bền vững là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân trong tỉnh. Thời gian qua, Tây Ninh đã kịp thời triển khai các chính sách, dự án hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo. Những con giống, vật nuôi, vốn sản xuất, hay các buổi học nghề… đã trở thành nguồn lực giúp các gia đình, cá nhân tự vươn lên thoát nghèo.
Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Thành Tâm tặng quà cho người lao động khó khăn dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
“Trợ lực” từ xã hội
Gần 20 năm trước, bà Trần Thị Rí (ngụ phường Long Thành Trung, thị xã Hoà Thành) bị tai biến. Đúng lúc này, việc làm của ông Đặng Văn Sanh- chồng bà, cũng gặp trở ngại. Vợ chồng ông mất hết nhà cửa. May thay, một người quen cho cả nhà mượn đất ở và thuê ông Sanh giữ vườn. Địa phương cũng kịp thời hỗ trợ gia đình ông căn nhà đại đoàn kết.
Không phải ở thuê, nhưng số tiền mượn trị bệnh cho vợ vẫn làm ông Sanh canh cánh mỗi đêm, chưa nghĩ ra cách trả. Muốn giảm nghèo bền vững, phải có phương thức làm ăn. Xét thấy gia đình bà Rí, ông Sanh có thể nuôi bò, năm 2016, Câu lạc bộ Phụ nữ từ thiện tỉnh trao cho vợ chồng ông Sanh một con bò cái. Từ đó, ông bà ra công chăm sóc bò thật tốt, phát triển đàn bò được 18 con.
Ông Đặng Văn Sanh bên con bò được địa phương hỗ trợ.
“Trước giờ tôi chưa từng nuôi bò, song nhờ mọi người ở xóm hướng dẫn nên đàn bò cứ phát triển. Chúng đẻ ra, không chỗ nuôi, tôi bán đi, trang trải hết nợ nần rồi”- ông Sanh nói.
Ông Sanh cho biết thêm, từ ngày vợ bị tai biến, ông đã học cách châm cứu, bấm huyệt cho vợ. Nhờ vậy, sức khoẻ của bà đã thuyên giảm nhiều, có thể đi lại phụ giúp việc nhà. Từ kiến thức có được, ông điều trị giúp đỡ những gia đình có người bị bệnh, hoàn toàn miễn phí.
Ông chia sẻ: “Đi trị bệnh gặp những nhà khó khăn, tôi không lấy tiền. Nhưng cũng có nhiều hộ khá giả, người ta cho tôi thêm chút tiền uống nước, hay tặng bó rau, con cá. Nhờ vậy, tôi cũng có thêm một khoản để trả tiền điện, đỡ tiền chợ. Mới đây, Hội LHPN phường còn tặng cho tôi chiếc xe máy điện, trị giá gần 20 triệu đồng. Có xe, tôi đi lại thuận tiện, cũng có điều kiện đi trị bệnh cho nhiều người hơn”.
Cùng với hỗ trợ vốn làm ăn cho các hộ khó khăn, đầu tư cho thế hệ tương lai thời gian qua cũng được nhiều địa phương thực hiện như miễn giảm học phí, tặng phương tiện học tập, hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội...
Bác sĩ Bệnh viện Đại học Y dược (TP. Hồ Chí Minh) khám bệnh cho người nghèo tại xã Trường Tây, thị xã Hoà Thành.
Em Huỳnh Thị Mỹ Lành (phường Ninh Sơn, thành phố Tây Ninh) là một trong những học sinh đã vươn lên nhờ sự giúp sức của xã hội. Lành cho biết, nhiều năm qua, ba và bà ngoại đều bệnh nặng. Mẹ em bệnh đau khớp, đi lại khó khăn nhưng vẫn cố gắng mỗi ngày đi bán vé số. Gia đình nghèo,
Lành xác định chỉ có học mới vươn lên được. Năm 2020, Lành thi vào trường Đại học Ngân hàng. Không có tiền đóng học phí, Lành được địa phương hỗ trợ làm thủ tục vay Ngân hàng Chính sách xã hội từ nguồn vốn học sinh sinh viên. Lành tự đi làm lấy tiền đóng tiền trọ, tiền học.
Năm đại học thứ hai, khi đó, Hội LHPN tỉnh thành lập Quỹ học bổng Nguyễn Thị Bé. Lành là một trong những học sinh đầu tiên được nhận học bổng. “Lần đầu tiên em được cầm trong tay 10 triệu đồng. Số tiền đó rất lớn với em. Em đã dành số tiền đó mua máy tính. Những năm sau, em đều được nhận học bổng của tỉnh, mỗi năm 10 triệu đồng”- Lành chia sẻ.
Hiện nay, Lành đã tốt nghiệp đại học với tấm bằng loại giỏi và đã có việc làm tại tỉnh nhà. Em nói: “Em có thu nhập ổn định mỗi tháng đủ lo cho gia đình, nuôi đứa em trai đang học phổ thông. Nhà em cũng được địa phương quan tâm, ba mẹ và bà của em đều được nhận trợ cấp, được phát BHYT miễn phí. Em sẽ cố gắng đi làm, lo cho gia đình để không phụ sự quan tâm của mọi người”.
Hỗ trợ người khuyết tật (NKT) cũng là một nội dung được tỉnh đặc biệt quan tâm. Từ năm 2019 đến nay, Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh có chương trình Hỗ trợ sinh kế cho NKT. Chương trình được thực hiện từ nguồn quỹ nhàn rỗi của các đơn vị như Quỹ Bảo trợ xã hội (Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh), Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển năng lực NKT (DRD), Quỹ xã hội Tâm Nguyện Việt (TP. Hồ Chí Minh), các mạnh thường quân do Hội vận động…
Các thành viên của dự án Tổ may gia công xã Tân Phú tham gia lớp hướng dẫn cách sử dụng máy may, cắt may quần áo.
“Mỗi năm, từ sự đóng góp của các tổ chức, Hội có khoảng 3 tỷ đồng hỗ trợ cho NKT có nhu cầu vay vốn. Mỗi người được vay tối đa 30 triệu đồng. Tuỳ theo nhu cầu của người vay như bán vé số, chăn nuôi… chúng tôi sẽ xét vay. Thủ tục vay rất đơn giản, chỉ qua chủ nhiệm các Câu lạc bộ NKT ở địa phương xác nhận. Nói là vay nhưng không có lãi. Với nguồn vốn này, đã giúp nhiều gia đình NKT có vốn làm ăn, tự làm chủ tài chính, không lệ thuộc vào người thân, gia đình”- ông Nguyễn Văn Quá- Chủ tịch Hội Bảo trợ NKT và Bảo vệ quyền trẻ em tỉnh nhìn nhận.
Hướng đến giảm nghèo bền vững
Phong trào thi đua "Tây Ninh chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau" đã trở thành nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên của các Khối Thi đua, của các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, địa phương. Nhiều chương trình, hoạt động hướng về người nghèo được triển khai và mang lại kết quả thiết thực.
Tính đến hết tháng 8.2024, Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo toàn tỉnh đã giải ngân được 24 tỷ đồng, ước thực hiện năm 2024 được 39 tỷ đồng.
Trong đó, dự án Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo đã xây dựng và triển khai thực hiện được 68 dự án, mô hình với 660 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, thoát cận nghèo, người khuyết tật không có sinh kế ổn định tham gia dự án. Các đối tượng thụ hưởng được tham gia từ khâu xây dựng dự án đến chọn mua con giống, vật tư, trang thiết bị theo nhu cầu nên rất hài lòng với nội dung hỗ trợ của Chương trình.
Tỉnh cũng đã triển khai dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp; Cải thiện dinh dưỡng; Phát triển giáo dục nghề nghiệp, việc làm bền vững; Hỗ trợ việc làm bền vững được đầu tư, Truyền thông và giảm nghèo về thông tin… đến từng địa phương, từng hộ gia đình.
Tại huyện Tân Châu, theo bà Nguyễn Thị Phượng- Phó Chủ tịch UBND huyện, huyện luôn chú trọng tập trung triển khai ngay các chính sách hỗ trợ giảm nghèo thông qua đa dạng hóa sinh kế, triển khai nhiều mô hình của lĩnh vực nông nghiệp, lĩnh vực phi nông nghiệp. Các mô hình đã góp phần thay đổi phương thức chăn nuôi của người dân, áp dụng kỹ thuật phòng trị bệnh trong chăn nuôi, tăng hiệu quả sản xuất.
Năm 2023 và năm 2024, huyện đã phê duyệt 27 dự án hỗ trợ phát triển sản xuất. Các địa phương đã giao 278 con bò cái sinh sản cho các hộ thụ hưởng từ chương trình. Ngay sau khi bàn giao, các địa phương đã tổ chức tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản cho các hộ tham gia dự án. Đến nay, số lượng đàn bò đã tăng lên 442 con.
Hay dự án Tổ may gia công trên địa bàn xã Tân Phú được thành lập vào 11.2023, được huyện hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước 254 triệu đồng và 173 triệu đồng từ người dân. Dự án có 12 thành viên tham gia. Tổ may gia công Tân Phú hiện có 14 máy may, máy vắt sổ, tạo công ăn việc làm cho nhiều người khó khăn, trong đó có những NKT có việc làm, tăng thêm thu nhập.
Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh tặng quà cho người dân khó khăn tại thị trấn Tân Biên.
Từ năm 2021 đến năm 2023, riêng chính sách tín dụng ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội đã góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và tạo nhiều việc làm cho người dân. Tổng doanh số cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo giai đoạn 2021-2023 trên 294 tỷ đồng.
Chính sách an sinh xã hội được đẩy mạnh, có trên 40.700 thẻ BHYT được cấp cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ nghèo của tỉnh, hộ nông lâm, ngư nghiệp. Bên cạnh đó, người nghèo, cận nghèo, gia đình chính sách còn được hưởng các chính sách như hỗ trợ tiền hàng tháng, tiền điện sinh hoạt, tiền tết với tổng kinh phí hỗ trợ hàng chục tỷ đồng.
Mục tiêu giảm nghèo hiện nay không chỉ là nâng cao thu nhập cho người dân, mà còn bao trùm các lĩnh vực nhà ở, việc làm, giáo dục, y tế, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường và thông tin. Không chỉ giảm nghèo mà phải hướng đến giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo, phát sinh nghèo. Đây là chủ trương và cam kết mà lãnh đạo tỉnh và người dân Tây Ninh phấn đấu thực hiện. Tất cả sẵn sàng: “Chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Khải Tường