Pháp luật   An ninh - Quốc phòng

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Hoà giải ở cơ sở - Nhịp cầu đoàn kết, yêu thương

Kỳ cuối: Phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc, nâng cao chất lượng công tác hoà giải ở cơ sở 

Cập nhật ngày: 26/02/2024 - 17:20

BTN - Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như mọi tầng lớp nhân dân đối với vị trí, vai trò của công tác hoà giải ở cơ sở.

Những năm qua, Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam các cấp (MTTQ), các tổ chức thành viên của MTTQ và các sở, ngành tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với cơ quan Tư pháp trong công tác hoà giải ở cơ sở, góp phần giải quyết các mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Uỷ ban MTTQ Việt Nam tỉnh phối hợp với Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh cử đội thi tham dự các hội thi hoà giải viên giỏi toàn quốc.

Dấu ấn của những người làm công tác Mặt trận

Hiện nay, toàn tỉnh có 539 tổ hoà giải với 539 cán bộ Mặt trận tham gia hoạt động tổ hoà giải ở cơ sở. Hoạt động hoà giải ở cơ sở của hệ thống MTTQ gắn liền với công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật hội viên, đoàn viên, nhân dân; và lồng ghép với các phong trào, cuộc vận động do MTTQ phát động. Năm qua, Ban Thường trực Uỷ ban MTTQ Việt Nam các cấp phối hợp cùng các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức gần 6.300 cuộc, phát 7.000 tờ rơi, tài liệu pháp luật, 312 bản tin tuyên truyền pháp luật, phát sóng trên đài truyền thanh 14.043 phút.

Đại diện Uỷ ban MTTQ Việt Nam phường Hiệp Tân (thị xã Hoà Thành) cho biết, hằng năm, MTTQ phường đề xuất UBND phường kiện toàn thành viên của các tổ hoà giải. Hiện phường có 5 trưởng Ban công tác Mặt trận là thành viên của tổ hoà giải ở các khu phố. Đơn vị thường xuyên nắm bắt tình hình, phát hiện những mâu thuẫn trong nhân dân, kịp thời phối hợp làm tốt công tác hoà giải để giải quyết ngay hoặc kiềm chế mâu thuẫn phát sinh từ những tranh chấp nhỏ; kiến nghị chính quyền cùng các cơ quan chức năng liên quan kịp thời giải quyết, không để mất đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Hoà giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành được thực hiện thường xuyên, không ngừng đổi mới về nội dung, hình thức để người dân dễ dàng tiếp cận.

Đơn cử, xã Bàu Năng (huyện Dương Minh Châu) có 6 ấp với hơn 5.100 hộ dân, trong đó, hộ theo tôn giáo Cao Đài chiếm khoảng 97%. Nhìn chung, tình hình hoạt động của tôn giáo trên địa bàn xã bảo đảm thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về tín ngưỡng tôn giáo, theo phương châm sống “Tốt đời, đẹp đạo”.

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng- Chủ tịch Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Bàu Năng cho biết, MTTQ xã cơ cấu một số vị chức việc hoặc tín đồ tôn giáo của các tổ nghi lễ vào thành viên của 6 tổ hoà giải ở các ấp. Họ là những người có trình độ, uy tín, trách nhiệm trong cộng đồng, được đông đảo người dân, tín đồ tín nhiệm; gương mẫu đi đầu trong chấp hành pháp luật và quy định của địa phương; có khả năng vận động, thuyết phục mọi người.

MTTQ xã thường xuyên nắm tình hình, ý kiến của nhân dân, kịp thời phát hiện vấn đề nảy sinh trong khu dân cư, tích cực tổ chức hoạt động hoà giải. Ngoài ra, đơn vị còn phối hợp với ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về hoà giải ở cơ sở thông qua hội nghị, cuộc sinh hoạt hội họp của các đoàn thể, họp dân, tổ chức hội thi về hoà giải ở cơ sở, xây dựng tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật…

Theo ông Hồ Văn Ghe- Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp Ninh Phú, xã Bàu Năng, năm 2023, ấp đã hoà giải thành 2/2 vụ, không có vụ việc chuyển về trên, không xảy ra điểm nóng. Người cán bộ làm công tác Mặt trận phải năng động, trách nhiệm, nhiệt tình với công việc, nói đi đôi với làm, lúc đó nhân dân mới tin, nghe và làm theo.

Trong năm, ông vận động mạnh thường quân tặng 650 phần quà cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ khó khăn, trị giá 160 triệu đồng; vận động nhân dân đóng góp tiền nâng cấp, sửa chữa 5 tuyến đường giao thông nông thôn dài 2.300m; phối hợp cùng ban, ngành ấp tiếp tục tạo điều kiện cho 313 hộ dân tiếp cận nguồn vốn với số tiền hơn 4,2 tỷ đồng để duy trì hoạt động ngành nghề truyền thống, chăn nuôi, sản xuất phát triển kinh tế gia đình.

Uỷ ban MTTQ Việt Nam xã Bàu Năng nắm tình hình, ý kiến trong nhân dân từ các Trưởng Ban công tác Mặt trận.

Nhiều giải pháp nâng cao chất lượng

Tại hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở và sơ kết phong trào thi đua thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, hoà giải ở cơ sở và xây dựng xã, phường, thị trấn đạt chuẩn tiếp cận pháp luật giai đoạn 2021-2025, bà Đặng Thị Bích Hiền- Phó Giám đốc Sở Tư pháp cho biết, công tác hoà giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh ngày càng đi vào nề nếp, tỷ lệ hoà giải thành cao, góp phần tăng cường mối quan hệ đoàn kết trong nội bộ nhân dân, ổn định trật tự tại địa phương, phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật.

Thực hiện đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hoà giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”, UBND tỉnh và cấp huyện đã ban hành quyết định công nhận tập huấn viên về hoà giải ở cơ sở. Hiện toàn tỉnh có 5 tập huấn viên cấp tỉnh, 46 tập huấn viên cấp huyện. Trong 10 năm, các cấp, ngành, địa phương tổ chức được 105 hội nghị với hơn 306.000 lượt hoà giải viên, 190 lượt tập huấn viên tham dự.

Tuy nhiên, việc triển khai thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở tại địa phương trong thời gian qua vẫn còn một số tồn tại, hạn chế; có lúc, có nơi chưa phát huy mạnh mẽ vai trò nòng cốt của Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận trong công tác hoà giải ở cơ sở, chủ yếu là do cơ quan Tư pháp chủ động triển khai thực hiện.

Theo ý kiến của một số hoà giải viên ở cơ sở, để nâng cao hiệu quả thi hành Luật Hoà giải ở cơ sở, cần thực hiện tốt cơ chế phối hợp hoà giải ở cơ sở theo hướng dẫn tại Nghị quyết liên tịch số 01/2014/NQLT/CP-UBTƯMTTQVN ngày 18.11.2014 của Chính phủ và Uỷ ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; tiếp tục đẩy mạnh lồng ghép việc thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở với các phong trào và cuộc vận động do Mặt trận Tổ quốc phát động;

Đẩy mạnh tuyên truyền, quán triệt đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nhằm nâng cao nhận thức và trách nhiệm của cả hệ thống chính trị cũng như mọi tầng lớp nhân dân đối với vị trí, vai trò của công tác hoà giải ở cơ sở; tăng cường sự phối hợp giữa tổ hoà giải với Ban công tác Mặt trận, đoàn thể, Công an phụ trách ấp…

Theo Điều 7 Luật Hoà giải ở cơ sở (quy định về tiêu chuẩn hoà giải viên), hoà giải viên không cần có chuyên môn Luật nên thực tế hoà giải viên gặp khó khăn trong nghiên cứu, áp dụng luật để hoà giải. Do đó, UBND tỉnh kiến nghị Bộ Tư pháp bổ sung quy định tiêu chuẩn về trình độ văn hoá đối với hoà giải viên.

Ngoài ra, UBND tỉnh đề nghị sớm ban hành thông tư sửa đổi, bổ sung Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 30.7.2014 của Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách Nhà nước thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở; xem xét lại các mức chi quy định tại Thông tư liên tịch số 100/2014/TTLT-BTC-BTP hiện đã không còn phù hợp, nhất là mức chi thù lao cho hoà giải viên.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh đề nghị quy định nội dung chi và mức chi cụ thể cho Hội Luật gia, các lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở và các tổ chức, cá nhân có hiểu biết pháp luật khi tham gia hỗ trợ hoà giải ở cơ sở nhằm động viên, thu hút đội ngũ này tham gia hỗ trợ công tác hoà giải ở cơ sở; cần tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác hoà giải ở cơ sở để kịp thời chấn chỉnh, khắc phục ngay những tồn tại, hạn chế, thiếu sót; đẩy mạnh tập huấn công tác hoà giải ở cơ sở cho công chức Tư pháp - Hộ tịch cấp xã để thực hiện tốt việc tham mưu UBND cùng cấp triển khai thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở; tăng cường tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật, nghiệp vụ phổ biến, giáo dục pháp luật và nghiệp vụ hoà giải cho hoà giải viên; kịp thời khen thưởng hoà giải viên có thành tích xuất sắc trong công tác hoà giải ở cơ sở.

Ngoài ra, UBND tỉnh còn đề nghị huy động đội ngũ luật sư, luật gia, kiểm sát viên, điều tra viên, chấp hành viên, công an, cán bộ, công chức, viên chức tham gia làm hoà giải viên hoặc tham gia hỗ trợ hoà giải ở cơ sở; nâng cao tiêu chuẩn của hoà giải viên; lồng ghép việc thực hiện công tác hoà giải ở cơ sở với công tác dân vận và các cuộc vận động của địa phương.

Thiên Di - Phương Thảo

Tin liên quan
  • Kỳ 1: Những hoà giải viên tận tâm 

    Kỳ 1: Những hoà giải viên tận tâm

    Bằng trách nhiệm, sự nhiệt huyết của mình, những hoà giải viên ở cơ sở trên địa bàn tỉnh góp phần cùng cấp uỷ, chính quyền địa phương giải quyết dứt điểm những mâu thuẫn ngay từ cơ sở.

  • Kỳ 2: Nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay 

    Kỳ 2: Nhiều mô hình hiệu quả, cách làm hay

    Các vụ việc phát sinh được thành viên trong tổ phát hiện, giải quyết kịp thời, dứt điểm ngay từ cơ sở, qua đó giúp chính quyền địa phương, cơ quan hành chính các cấp giảm bớt áp lực trong giải quyết vụ việc.