Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Hoạt động nuôi chim yến và những vấn đề cần quan tâm
Kỳ cuối: Quy định nuôi chim yến - Hành lang pháp lý cho công tác quản lý
Thứ bảy: 01:00 ngày 25/12/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị quyết này và có khoảng cách ít nhất 300m so với các khu dân cư hiện hữu, khu dân cư trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh.

Một nhà nuôi yến trên địa bàn TP. Tây Ninh.

Ngày 9.12.2021, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND về quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến trên địa bàn tỉnh. Nghị quyết ban hành đã góp phần tạo hành lang pháp lý để các địa phương và cơ quan chức năng áp dụng trong công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi; giúp nhà đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, nuôi chim yến mạnh dạn đầu tư, không phải băn khoăn lo lắng do không có quy định pháp luật cụ thể, rõ ràng.

Theo đó, khu vực không được phép chăn nuôi tại thành phố Tây Ninh gồm toàn bộ các phường 2, 3, IV và Hiệp Ninh; khu phố 3 và khu phố 4 thuộc phường 1. Tại thị xã Hoà Thành gồm toàn bộ phường Long Hoa; các khu phố Long Thới, Long Thành, Long Chí và Long Kim thuộc phường Long Thành Trung; các khu phố Hiệp Hoà, Hiệp An, Hiệp Long và Hiệp Định thuộc phường Hiệp Tân; khu phố Long Thời và khu phố Long Tân thuộc phường Long Thành Bắc.

Thị xã Trảng Bàng gồm các khu phố Lộc An, Lộc Thành và Lộc Du thuộc phường Trảng Bàng. Huyện Gò Dầu gồm các khu phố Nội ô A, Nội ô B và Thanh Bình C thuộc thị trấn Gò Dầu. Các khu dân cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh.

Khu vực không được phép chăn nuôi trang trại gồm thành phố Tây Ninh: toàn bộ phường Ninh Sơn và phường Ninh Thạnh; các khu phố 1, 2 và 5 thuộc phường 1. Thị xã Hoà Thành: khu phố Long Trung thuộc phường Long Thành Trung; các khu phố Sân Cu, Long Đại và Long Mỹ thuộc phường Long Thành Bắc; khu phố Hiệp Trường thuộc phường Hiệp Tân. Thị xã Trảng Bàng: toàn bộ các phường Lộc Hưng, Gia Lộc, Gia Bình, An Hoà và An Tịnh; khu phố Gia Huỳnh thuộc phường Trảng Bàng.

Huyện Gò Dầu: các khu phố Thanh Bình A, Thanh Bình B, Thanh Hà và Rạch Sơn thuộc Thị trấn. Các khu phố thuộc thị trấn huyện Bến Cầu, Châu Thành, Tân Châu, Tân Biên và Dương Minh Châu. Các khu dân cư được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh.

Vùng nuôi chim yến là vùng nằm ngoài khu vực không được phép chăn nuôi quy định tại Điều 3, Điều 4 Nghị quyết này và có khoảng cách ít nhất 300m so với các khu dân cư hiện hữu, khu dân cư trong quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt trên địa bàn tỉnh.

Các cơ sở chăn nuôi xây dựng và hoạt động trước ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành thuộc khu vực không được phép chăn nuôi phải ngừng hoạt động hoặc di dời đến địa điểm chăn nuôi phù hợp kể từ ngày Nghị quyết được ban hành đến trước ngày 1.1.2025. Các cơ sở không ngừng hoạt động chăn nuôi hoặc không di dời sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật hiện hành.

Các cơ sở nuôi chim yến xây dựng và hoạt động trước ngày Nghị quyết có hiệu lực thi hành không thuộc khu vực được nuôi chim yến thì phải giữ nguyên hiện trạng, không được cơi nới, không được sử dụng loa phóng phát âm thanh và bảo đảm các quy định khác theo khoản 2 Điều 25 Nghị định số 13/2020/NĐ-CP ngày 21.1.2020 của Chính phủ.

Năm 2017, ông Hà Đức Lưu (ngụ khu phố Hiệp An, phường Hiệp Tân, thị xã Hoà Thành) nuôi chim yến với diện tích nhà nuôi khoảng 120m2, đến nay, hiệu quả kinh tế mang lại tương đối ổn định. Ông Lưu chia sẻ, tại kỳ họp HĐND tỉnh vừa qua, ông rất quan tâm đến Nghị quyết quy định vùng không được phép chăn nuôi và nuôi chim yến. Theo ông, người nuôi cần kiểm soát vấn đề tiếng ồn, môi trường để không ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh.

Ông Nguyễn Thanh Tâm- Phó Chủ tịch UBND phường Hiệp Tân (thị xã Hoà Thành) cho biết, thời gian qua, UBND phường đã cho các hộ nuôi chim yến trên địa bàn làm cam kết không mở loa lớn dẫn dụ chim yến, làm ảnh hưởng sinh hoạt của bà con khu dân cư.

Vào tháng 5.2021, UBND phường kiểm tra tại một số hộ chăn nuôi chim yến, trong đó, có 1 hộ vi phạm, địa phương đã lập biên bản và xử phạt. Đến nay, những hộ nuôi yến trên địa bàn phường cơ bản chấp hành việc không mở loa lớn để dẫn dụ chim yến.

“Vừa qua, HĐND tỉnh ban hành Nghị quyết số 17/2021/NQ-HĐND quy định không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến, hầu hết người dân địa phương đồng tình với nội dung nghị quyết”, ông Tâm cho biết thêm.

Theo ông Lê Hồng Vân- Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoà Thành, Nghị quyết đi vào cuộc sống sẽ tạo được cơ sở pháp lý rõ ràng cho công tác quản lý nhà nước về chăn nuôi và phát triển bền vững nghề chăn nuôi, nuôi chim yến; người dân mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại, nhà yến, không còn lo lắng do không có quy định pháp luật cụ thể rõ ràng, đồng thời giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường, tiếng ồn và phòng, chống dịch bệnh.

Thời gian tới, UBND Thị xã sẽ thường xuyên thông tin, tuyên truyền rộng rãi quy định này đến các cơ sở nuôi chim yến và các tổ chức, người dân trên địa bàn Thị xã; chỉ đạo các cơ quan chức năng Thị xã phối hợp quản lý chặt chẽ hoạt động nuôi chim yến, hướng dẫn các cơ sở nuôi thực hiện đúng quy định của nhà Nước và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Hoàng Oanh- Phó Chủ tịch UBND TP. Tây Ninh cho biết: “UBND Thành phố sẽ chỉ đạo UBND các phường, xã thông tin tuyên truyền, triển khai nội dung Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định khu vực không được phép chăn nuôi và vùng nuôi chim yến bằng nhiều hình thức: hệ thống truyền thanh, tại các cuộc họp ở địa bàn khu dân cư để người dân nắm được các quy định cụ thể và thực hiện nghiêm túc; đối với những trường hợp vi phạm, UBND Thành phố sẽ xử lý theo đúng quy định”.

Thẩm định xây dựng nhà yến ở huyện Dương Minh Châu.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), tuy mới phát triển trong những năm gần đây nhưng ngành nuôi chim yến đã có mức tăng trưởng ấn tượng: từ 27 nhà yến năm 2017 tăng lên 615 nhà yến năm 2021. Đối với bất cứ ngành nghề nào, khi phát triển quá “nóng” luôn luôn có những mặt trái.

Trong số hơn 600 nhà yến hiện nay, có nhiều nhà yến bị phản ánh về vấn đề âm thanh, môi trường… Ngoài ra, nếu xây dựng quá nhiều nhà yến có thể dẫn đến tình trạng nhiều nhà không có yến hoặc số yến sẽ ít đi. Ông Xuân đánh giá, trong tổng số nhà yến, khoảng 1/3 có hiệu quả tốt, 1/3 ở mức trung bình, còn 1/3 yến ít, chưa đem lại thu nhập đáng kể cho người nuôi.

Nghề nuôi chim yến mang lại lợi nhuận cao, song kèm theo đó là những thách thức không nhỏ. Việc phát triển nuôi yến quá nhanh trong thời gian qua dẫn đến tình trạng nhà xây xong chim không về làm tổ. Vì vậy, trước khi đầu tư nuôi yến, người nuôi cần phải nghiên cứu về khí hậu, thời tiết, vùng đó có yến hay không, thời gian xây dựng nhà yến mới không gần với nhà yến cũ do phải có đủ thời gian cho chim yến nhân đàn.

Để nghề nuôi chim yến phát triển ổn định, bền vững, không xung đột lợi ích với người dân xung quanh, ngành Nông nghiệp khuyến cáo người chăn nuôi nghiên cứu và thực hiện tốt Nghị quyết quy định vùng không được phép chăn nuôi, vùng nuôi chim yến; chấp hành các quy định về nuôi chim yến tại Nghị định số 13/2020/NĐ-CP của Chính phủ, chọn vùng nuôi cho phù hợp, chọn đơn vị tư vấn có kinh nghiệm; thành lập các hội liên kết sản xuất, chế biến sâu để tăng giá trị sản phẩm.

Trúc Ly

Đối với các khu vực không được phép chăn nuôi và khu vực không được chăn nuôi trang trại, với các cơ sở chăn nuôi có điều kiện, ngành Nông nghiệp khuyến khích di dời đến khu vực được phép chăn nuôi để tiếp tục chăn nuôi nhằm bảo đảm an toàn dịch bệnh, vệ sinh môi trường; đối với các cơ sở chăn nuôi không có điều kiện di dời, không thể tiếp tục chăn nuôi, nên chuyển đổi sang nông nghiệp đô thị như trồng rau, cây cảnh… và các ngành nghề phục vụ đời sống khác.

Bộ NN&PTNT đang tham mưu Chính phủ ban hành nghị định về chính sách hỗ trợ chăn nuôi, trong đó có chính sách hỗ trợ khi di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi, như hỗ trợ đời sống và sản xuất, đào tạo, chuyển đổi nghề, hỗ trợ tín dụng… Sau khi nghị định được ban hành, ngành Nông nghiệp tỉnh sẽ tham mưu cụ thể với UBND tỉnh để triển khai thực hiện, hỗ trợ người nông dân phát triển kinh tế.

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục