Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Khôi phục sản xuất công nghiệp, nông nghiệp trong tình hình mới
Kỳ cuối: tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp phát triển
Thứ sáu: 00:34 ngày 24/09/2021

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Những tháng đầu năm 2021, mặc dù bị ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, một số loại nông sản gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, nhưng doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã triển khai nhiều giải pháp, tích cực tìm hướng đi mới trong sản xuất theo yêu cầu của thị trường.

Nông dân chăm sóc khổ qua (ảnh chụp trước ngày 27.4.2021).

Xây dựng kế hoạch sản xuất phù hợp

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), trong 9 tháng năm 2021, tình hình sản xuất trồng trọt trên địa bàn tỉnh tương đối ổn định; các cây trồng chính sinh trưởng tốt. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, thị trường trong nước là bệ đỡ chính cũng bị ảnh hưởng.

Bên cạnh đó, giá cả vật tư và nông sản luôn biến động làm cho người sản xuất không yên tâm đầu tư, mở rộng sản xuất. Tổng diện tích chuyển đổi cơ cấu cây trồng trong 9 tháng năm 2021 là 116,9 ha, trong đó có 60 ha mía, 40 ha lúa, 16,9 ha khoai mì.

Ngoài công tác phòng, chống dịch Covid-19, thị xã Hoà Thành xây dựng phương án sản xuất nông nghiệp thích ứng với tình hình mới, đặc biệt trong thời điểm từ nay đến cuối năm 2021. Ngành Nông nghiệp Thị xã khuyến cáo nông dân bố trí sản xuất với cơ cấu hợp lý về chủng loại, diện tích phù hợp, tránh rủi ro khi tiêu thụ; trong đó, cần chú ý chuyển đổi diện tích từ cây trồng khác đang gặp khó khăn sang cây trồng dễ chăm sóc, bảo quản được lâu và dễ vận chuyển.

Ông Lê Hoàng Trung, ngụ ấp Năm Trại, xã Trường Ðông (thị xã Hoà Thành) cho biết: “Trong quá trình sản xuất, tôi chú trọng khâu chất lượng và tính an toàn của sản phẩm đối với người tiêu dùng. Thay vì chạy theo số lượng, năng suất như trước đây, tôi tập trung vào hiệu quả, biết nắm bắt thị trường, chuyển đổi mô hình sản xuất phù hợp, mang lại lợi nhuận trên mỗi vụ trồng”.

Ông Nguyễn Văn Lấm- Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Ðông (thị xã Hoà Thành) cho biết, trong tình hình dịch bệnh phức tạp, địa phương đã điều chỉnh kế hoạch sản xuất phù hợp với thị trường tiêu dùng trong những tháng còn lại của năm 2021. Bên cạnh đó, Hội Nông dân xã vận động các hộ nông dân chuyển đổi sang trồng rau ngắn ngày đạt hiệu quả kinh tế cao hơn.

Trong thời gian tới, Hội Nông dân xã sẽ tăng cường cập nhật thông tin, dự báo về tình hình phát triển sản xuất rau, củ, quả, giá cả thị trường để người dân tại địa phương chủ động sản xuất. Ðịa phương khuyến khích, hỗ trợ người dân liên kết với các doanh nghiệp, chủ động tìm kiếm thị trường, bảo đảm tiêu thụ ổn định.

Theo Hội Nông dân xã Trường Hoà, cùng với việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh, nông dân đang khẩn trương khôi phục sản xuất nông nghiệp trong tình hình mới. Ðến thời điểm này, các hội viên, nông dân đang khắc phục khó khăn, tổ chức lại sản xuất, chuẩn bị tốt các khâu xuống giống, làm đất, bón phân, bảo đảm sản xuất đạt hiệu quả.

Ðể nông dân yên tâm sản xuất, Hội Nông dân xã liên kết với các doanh nghiệp, các đại lý phân bón, thuốc thú y, bảo vệ thực vật và các vật tư nông nghiệp hỗ trợ nông dân trả chậm, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con tập trung sản xuất, ổn định cuộc sống.

Bà Lê Thị Hồng Thắm- Phó Chủ tịch UBND thị xã Trảng Bàng cho biết, địa phương đã triển khai các phương án hỗ trợ cho hoạt động sản xuất nông nghiệp của người dân trên địa bàn. Cụ thể, người lao động ở vùng xanh thì sản xuất nông nghiệp được sử dụng lao động ở vùng xanh, bảo đảm nguyên tắc 5K trong quá trình sản xuất và phải được ấp, khu phố xác nhận; đối với vùng vàng, cam, nếu người dân sử dụng lao động ở vùng xanh yêu cầu bảo đảm nguyên tắc 5K, lao động ở vùng vàng, cam phải có giấy xét nghiệm âm tính trong vòng 72 giờ.

Ðẩy mạnh kênh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp

Theo Sở NN&PTNT, trước sự tác động của dịch bệnh Covid-19, việc sản xuất và tiêu thụ nông sản gặp một số khó khăn, vướng mắc. Dịch bệnh diễn biến phức tạp gây ảnh hưởng đến các hoạt động quản lý điều hành tổ chức sản xuất và kinh doanh nông sản.

Ông Nguyễn Ðình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT cho biết, đến thời điểm hiện tại, số ca nhiễm ở tỉnh/thành phía Nam đang có dấu hiệu giảm, các địa phương bắt đầu xây dựng kế hoạch khôi phục lại sản xuất.

Ngành Nông nghiệp dự đoán, khi các khu công nghiệp, khu đô thị hoạt động trở lại, nhu cầu sử dụng nông sản sẽ tăng nhanh chóng. Trong khi đó, vài tháng vừa qua, sản xuất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh bị ảnh hưởng rất lớn.

Ðể sản xuất ổn định, Sở NN&PTNT động viên nông dân ở vùng xanh, vùng vàng và đang áp dụng Chỉ thị 15/CT-TTg tranh thủ ra đồng, phục hồi sản xuất nhưng phải thận trọng, bảo đảm nguyên tắc 5K, có thể sản xuất an toàn trong điều kiện cho phép, để khi thị trường hồi phục, nông dân có sản phẩm để bán. Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp khuyến cáo những cơ sở giết mổ, chăn nuôi phục hồi lại sản xuất trong thời gian sớm nhất.

Hiện nay, nông dân vẫn còn gặp nhiều khó khăn, giá nông sản còn rất thấp, trong khi đó, giá vật tư tăng cao, thức ăn chăn nuôi và thuỷ sản tăng, làm tăng giá thành sản phẩm; một số chuồng trại chưa bán được vật nuôi tới lứa thì không thể tái đàn mới trong thời điểm này. Chính vì vậy, đơn vị liên hệ với nhiều đầu mối (như Bưu điện tỉnh, kênh tiêu thụ nông sản của Bộ NN&PTNT, TP. Hồ Chí Minh…) để tăng lượng tiêu thụ nông sản ở mức cao nhất cho người dân. Ðồng thời, kết nối với ngành Giao thông, ngành Công Thương tạo điều kiện cho hàng hoá lưu thông thuận lợi.

Ông Xuân cho biết thêm, để người dân yên tâm khôi phục sản xuất, đơn vị đã tham mưu với UBND tỉnh hướng dẫn việc phục hồi sản xuất có phân định cụ thể theo từng vùng đỏ, cam, vàng, xanh; tham mưu tỉnh sớm có chính sách liên quan đến người lao động, đặc biệt là các chuyên gia đi từ tỉnh này sang tỉnh kia.

Ðối với người sản xuất trực tiếp tại các trang trại tích cực đăng ký và đề nghị ngành Y tế hỗ trợ tiêm vaccine để người lao động sớm quay lại sản xuất; đề nghị ngành ngân hàng có chính sách giãn nợ, khoanh nợ cho người dân, tiếp tục cho vay hỗ trợ người dân tái sản xuất trong thời gian tới.

Theo Bưu điện tỉnh, đơn vị đang tích cực phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ đối với các hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã, tổ hợp tác mở rộng thị trường, tiêu thụ nông sản nhanh và tiếp nhận thông tin, hàng hoá đầu vào phục vụ sản xuất kinh doanh thông qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn của Bưu điện Việt Nam.

Theo đó, nhân viên Bưu điện tỉnh đào tạo người sản xuất qua sàn thương mại điện tử Postmart.vn; dựng video với các chủ đề hướng dẫn người dân, hộ sản xuất kinh doanh cách thức mở tài khoản bán hàng, mua hàng và tham gia các giao dịch trên sàn Postmart.vn.

Ðể hỗ trợ đẩy mạnh tiêu thụ nông sản, ngành Bưu điện xây dựng danh mục sản phẩm theo mùa; sản phẩm thường xuyên; hướng dẫn các hộ sản xuất nông nghiệp chụp ảnh, thông tin sản phẩm trên sàn để giới thiệu đến người tiêu dùng.

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Công Thương xây dựng kịch bản truyền thông, quảng bá và giới thiệu sản phẩm tới người tiêu dùng thông qua các kênh của Bưu điện Việt Nam; định kỳ tổ chức các buổi livestream bán hàng; xây dựng các chính sách ưu đãi, gói combo và các chương trình kích cầu khác cho sản phẩm của từng tỉnh/thành phố.

Theo Sở NN&PTNT, việc đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của các địa phương cả nước nói chung và của Tây Ninh nói riêng thông qua các sàn thương mại điện tử là giải pháp quan trọng để thúc đẩy phát triển kinh tế số nông thôn, nhằm giúp hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh cá thể, hợp tác xã.

Từ đó, có thể hỗ trợ người sản xuất mở rộng thị trường trong nước và quốc tế, tiêu thụ nông sản trên kênh phân phối mới, hiện đại và bền vững thông qua nền tảng số; thúc đẩy tiêu thụ nhanh, giúp người dân giữ giá nông sản, tránh bị thương lái ép giá.

Ðể đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thông qua các sàn thương mại điện tử, ngày 21.7.2021, Bộ Thông tin và Truyền thông đã ban hành Quyết định số 1034/QÐ-BTTTT về việc phê duyệt kế hoạch hỗ trợ đưa hộ sản xuất nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử, thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn.

Theo đó, đưa hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã lên sàn thương mại điện tử; đẩy mạnh tiêu thụ, quảng bá sản phẩm nông nghiệp qua sàn thương mại điện tử; cung cấp thông tin hữu ích, sản phẩm đầu vào cho hộ sản xuất nông nghiệp, hộ kinh doanh, hợp tác xã, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế số nông nghiệp, nông thôn theo hướng bền vững.

Nhi Trần

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục