BAOTAYNINH.VN trên Google News

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Tư pháp

Kỳ cuối: Thay đổi tư duy, cách thức giải quyết công việc 

Cập nhật ngày: 29/09/2023 - 15:37

BTN - Tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính.

Tổ thanh niên xung kích hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực tuyến xã Thái Bình hỗ trợ người dân đăng ký, thực hiện dịch vụ công trực tuyến.

Việc sử dụng hình thức nộp hồ sơ thông qua dịch vụ công trực tuyến mang lại nhiều lợi ích thiết thực, tạo điều kiện thuận lợi, tiết kiệm thời gian đi lại cho người dân, doanh nghiệp khi có nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời, giảm áp lực giấy tờ, công việc cho cơ quan quản lý Nhà nước, tăng tính minh bạch trong giải quyết thủ tục hành chính.

Triển khai dịch vụ công trực tuyến vẫn còn nhiều khó khăn

Bên cạnh các kết quả đạt được, việc triển khai thực hiện Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia giai đoạn 2022 - 2025 (Đề án 06) cũng còn một số hạn chế, khó khăn. Tỷ lệ người dân chủ động thực hiện dịch vụ công còn thấp.

Nguyên nhân một phần là do thao tác phức tạp, trình độ và điều kiện sử dụng công nghệ thông tin của một bộ phận người dân còn hạn chế- nhất là những người lớn tuổi. Việc triển khai số hoá hồ sơ, tài liệu dịch vụ công còn chậm do có khó khăn, vướng mắc về hạ tầng, nhân lực, thiết bị, nhất là ở cấp cơ sở.

Bên cạnh đó, tốc độ xử lý của các hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch của Bộ Tư pháp hiện nay không ổn định, ảnh hưởng nhiều đến việc tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch. Đối với việc khai thác thông tin nơi cư trú thông qua đăng nhập khai thác thông tin cư trú trực tuyến tại địa chỉ https://dichvucong.dancuquocgia.gov.vn chỉ hiển thị thông tin về nơi cư trú hiện tại của công dân.

Hiện nay, công chức giải quyết thủ tục hành chính thực hiện khai thác dữ liệu dân cư thông qua phần mềm Một cửa của tỉnh nhưng kết quả tra cứu đôi khi báo lỗi do không kết nối được dữ liệu dân cư quốc gia; kết quả tra cứu qua phần mềm Một cửa cũng chỉ xác định được hộ khẩu thường trú của công dân hiện tại, chưa thực hiện được việc tra cứu thông tin lịch sử cá nhân qua nhiều nơi cư trú.

Có thể thấy thông tin chưa được cập nhật đầy đủ, khó kiểm tra thông tin công dân hoặc hộ gia đình, gây khó khăn cho cán bộ, công chức trong việc hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính cho công dân.

Do yêu cầu đẩy mạnh việc chuyển đổi số nên công chức trực tại bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả có khi vừa tiếp nhận, hướng dẫn hồ sơ hoặc thực hiện tất cả các thao tác cho người dân nên mất nhiều thời gian giải quyết công việc chuyên môn của công chức. Thực tế đó dẫn đến cán bộ, công chức phải giải quyết lượng công việc gấp đôi hằng ngày.

Ông Lưu Trung Đan- Phó trưởng Phòng Tư pháp TP. Tây Ninh cho biết, việc triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành, trao đổi thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước, phục vụ người dân trên địa bàn Thành phố hiệu quả chưa cao do cán bộ, công chức còn sử dụng nhiều phần mềm trong thực hiện nhiệm vụ.

Các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chưa sử dụng văn bản điện tử thay thế văn bản giấy nên việc thực hiện các văn bản điện tử rất hạn chế. Phần mềm Một cửa điện tử đã mang lại nhiều tiện lợi trong việc thực hiện các quy trình thủ tục hành chính, tuy nhiên, không tránh được những khó khăn như việc cập nhật hồ sơ thủ tục hành chính vào hệ thống phần mềm Một cửa điện tử chưa đầy đủ, thiếu mẫu, chưa đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia.

Theo ông Lê Lam Điền- Phó Chủ tịch UBND phường 3, TP. Tây Ninh, đối với người dân, việc sử dụng chữ ký số cá nhân tuy có nhiều nhà mạng quảng bá, giới thiệu, nhưng chưa được sử dụng phổ biến rộng rãi, quá trình cài đặt và sử dụng qua nhiều khâu, nhiều bước, người dân ngại tiếp cận.

Quá trình thanh toán trực tuyến bằng giá trị thanh toán trên mã QR chưa áp dụng trên tất cả các app công nghệ hiện nay. Đối với vai trò quản lý Nhà nước chưa có hệ thống dùng chung, sử dụng nhiều địa chỉ truy cập, nhiều phần mềm quản lý khác nhau, việc đấu nối cổng Dịch vụ công quốc gia về địa phương còn nhiều bất cập, chưa được đồng bộ như cấp bản sao trích lục hộ tịch; chứng thực việc sửa đổi, bổ sung, huỷ bỏ hợp đồng, giao dịch; công nhận tổ trưởng tổ hoà giải, hoà giải viên…

Bà Lương Thị Ngọc Nhung- Phó Chủ tịch UBND xã Thái Bình (huyện Châu Thành) chia sẻ, phần lớn người dân chưa tiếp xúc nhiều với các thiết bị công nghệ thông tin, dẫn đến khả năng tiếp cận và sử dụng internet còn thấp- đây là khó khăn, trở ngại khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4.

Một bộ phận người dân, chủ yếu là lao động nông thôn, người cao tuổi khả năng tiếp cận, sử dụng công nghệ thông tin còn thấp. Mặt khác, không phải người dân nào cũng có điều kiện tiếp xúc với máy tính, mạng internet nên không biết cách sử dụng, truy cập để thực hiện giao dịch thủ tục hành chính trên môi trường mạng.

Ngoài ra, do tâm lý và thói quen của tổ chức, công dân khi làm việc với cơ quan nhà nước, họ ngại việc không thuận tiện và mất an toàn thông tin khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến nên chỉ muốn đến trực tiếp cơ quan nhà nước để nộp hồ sơ cho yên tâm.

Xây dựng một hệ thống tư pháp hiện đại và chuyên nghiệp

Với phương châm “Lấy người dân là trung tâm của chuyển đổi số”, từng bước hình thành công dân số, hướng đến chính quyền số, tạo sự hài lòng cao trong thực hiện các thủ tục hành chính, nâng cao tỷ lệ nộp hồ sơ thủ tục hành chính dịch vụ công trực tuyến thuộc lĩnh vực tư pháp.

Thời gian tới, Sở Tư pháp tiếp tục bám sát chương trình công tác, chỉ đạo, hướng dẫn của Bộ Tư pháp, UBND tỉnh liên quan đến triển khai thực hiện Đề án 06 nhằm kịp thời thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ được giao. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về Đề án 06, tiếp nhận và giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính trực tuyến nhằm nâng cao tỷ lệ hồ sơ nộp trực tuyến trong lĩnh vực hộ tịch.

Thực hiện số hoá đủ, đúng, chính xác kết quả giải quyết thủ tục hành chính trong lĩnh vực hộ tịch trên Hệ thống thông tin Một cửa điện tử của tỉnh với Hệ thống đăng ký, quản lý hộ tịch điện tử của Bộ Tư pháp. Phối hợp với cơ quan Công an thực hiện đối chiếu dữ liệu hộ tịch với dữ liệu dân cư theo các văn bản hướng dẫn bảo đảm dữ liệu hộ tịch và dữ liệu dân cư thống nhất.

Tập trung triển khai thực hiện có hiệu quả 2 nhóm thủ tục liên thông (đăng ký khai sinh, đăng ký thường trú, cấp thẻ bảo hiểm y tế cho trẻ em dưới 6 tuổi; đăng ký khai tử, xoá đăng ký thường trú, trợ cấp mai táng phí, hỗ trợ chi phí mai táng) và cấp bản điện tử giấy khai sinh, trích lục khai tử.

Ông Lưu Trung Đan- Phó trưởng Phòng Tư pháp TP. Tây Ninh cho biết thêm, thời gian tới, đơn vị tiếp tục tổ chức tập huấn, phổ biến cho toàn thể cán bộ, công chức về nội dung các văn bản quy phạm pháp luật của Trung ương và của tỉnh liên quan đến công tác thực hiện nhiệm vụ kiểm soát thủ tục hành chính; tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng về chuyển đổi số cho cán bộ, công chức.

Quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng nhân lực của cơ quan nhà nước như: tăng cường đào tạo chuyên sâu về quản trị các hệ thống thông tin, an toàn an ninh thông tin cho đội ngũ cán bộ, công chức của cơ quan nhà nước; tăng cường đào tạo, hướng dẫn sử dụng các hệ thống ứng dụng công nghệ thông tin dùng chung của tỉnh.

Phòng Tư pháp TP. Tây Ninh tiếp tục thực hiện công tác rà soát, đánh giá và đơn giản hoá thủ tục hành chính trên tất cả các lĩnh vực- nhất là các thủ tục hành chính liên quan tới người dân, doanh nghiệp nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho người dân khi tham gia thực hiện.

Thực hiện việc công khai, minh bạch các thủ tục hành chính tại bộ phận Một cửa thành phố và các xã, phường, trên cổng thông tin điện tử của thành phố, phường, xã để tạo điều kiện trong việc hướng dẫn, tiếp nhận và giải quyết công việc cho cá nhân, tổ chức khi đến giao dịch.

Đẩy nhanh việc hoàn thiện phần mềm ký số miễn phí phục vụ người dân, doanh nghiệp trong thực hiện thủ tục hành chính. Đẩy nhanh tiến độ nâng cấp Cổng dịch vụ công Tây Ninh đồng bộ với Cổng dịch vụ công quốc gia để người dân thuận lợi nộp hồ sơ trực tuyến, cập nhật thông tin cá nhân trực tuyến từng bước tạo niềm tin để người dân tiếp cận sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Thái Bình Lương Thị Ngọc Nhung, xã triển khai Tổ công nghệ số cộng đồng tại 6/6 ấp; qua đó hỗ trợ người dân khai thác, sử dụng hiệu quả dịch vụ công của tỉnh, sẽ thường xuyên kiện toàn các Tổ công nghệ số cộng đồng để hướng dẫn người dân.

Hồ sơ tiếp nhận qua dịch vụ công và số lượng hồ sơ thanh toán trực tuyến ngày càng tăng cao, kết quả mức độ hài lòng của người dân đạt 100%. Xác định việc khai thác và sử dụng có hiệu quả hệ thống dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 để phục vụ người dân, doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng, UBND xã trang bị 1 máy vi tính, 1 máy scan, 1 máy in riêng để phục vụ đăng ký trực tuyến khi nộp hồ sơ; cung cấp thông tin liên hệ khi có nhu cầu được hướng dẫn đăng ký trực tuyến.

UBND xã Thái Bình tiếp tục cử cán bộ, công chức tham gia các lớp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức tiếp nhận và xử lý hồ sơ, bảo đảm đủ kỹ năng, trình độ để thực hiện quy trình, nghiệp vụ và tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ người dân làm quen, sử dụng dịch vụ công trực tuyến.

Đối với các thủ tục hành chính có thu phí, lệ phí, tăng cường phối hợp với các ngân hàng để sử dụng các dịch vụ thanh toán trực tuyến nhằm giảm thiểu thời gian cho người dân, doanh nghiệp trong quá trình thực hiện thủ tục hành chính.

Tiếp tục tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, hướng dẫn, hỗ trợ người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến; lấy kết quả triển khai dịch vụ công trực tuyến làm một trong các tiêu chí đánh giá, bình xét thi đua khen thưởng; tăng cường vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu của cơ quan, đơn vị.

“Hướng đến xây dựng nền hành chính hiện đại, ngoài sự nỗ lực của nhà nước, người dân, doanh nghiệp cũng cần nâng cao nhận thức, tin tưởng và hiểu rõ lợi ích lớn của dịch vụ công mang lại. Mạnh dạn sử dụng các dịch vụ công do cơ quan, đơn vị cung cấp để tạo thói quen, tiết kiệm thời gian, công sức đi lại và bảo đảm thuận tiện”- Phó Chủ tịch UBND xã Thái Bình chia sẻ.

Phương Thảo - Thiên Di

Tin liên quan
  • Kỳ 1: Nâng cao chất lượng dịch vụ công 

    Kỳ 1: Nâng cao chất lượng dịch vụ công

    Thời gian qua, ngành Tư pháp đã có nhiều nỗ lực đẩy mạnh triển khai ứng dụng công nghệ thông tin, đáp ứng các yêu cầu đề ra trong kế hoạch, chương trình hành động của Chính phủ về chuyển đổi số.