Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Loạn toa thuốc điều trị Covid-19 tại nhà
Kỳ cuối: Thuốc chữa hậu Covid-19 "lên ngôi", coi chừng “tiền mất, tật mang”
Thứ sáu: 00:41 ngày 15/04/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - F0 không ra khỏi nhà thì làm sao để khai báo y tế; tái nhiễm SARS-CoV-2 có được tiếp tục sử dụng thuốc đặc trị Molnupiravir không; thực phẩm nào có tác dụng bồi bổ cơ thể, tốt cho phổi; nên ăn, uống gì sau khi khỏi bệnh Covid-19... là những câu hỏi nhận được sự quan tâm rất lớn của người dân trong thời gian gần đây.

Dựa trên tình trạng thực tế của người F0 mà bác sĩ kê đơn thuốc phù hợp .

F0 có được ra khỏi nhà?

Bộ Y tế quy định “F0 cần hạn chế tối đa ra khỏi phòng cách ly, không được ra khỏi nhà”. Tuy nhiên, với số ca mắc Covid-19 như hiện nay, phần lớn F0 phải đến trạm y tế để khai báo, xét nghiệm hay lấy thuốc. Nhiều trường hợp dù không khai báo y tế vẫn phải ra ngoài tự mua thuốc và giải quyết công việc gia đình. Anh N.V.M. (52 tuổi, ngụ thị xã Hoà Thành) cho biết cả gia đình 4 người bị mắc Covid-19 giữa tháng 3.2022.

Do yêu cầu của nhà trường, anh M. phải đưa hai cháu nhỏ đến trạm y tế địa phương khai báo, đồng thời nộp quyết định cách ly và giấy hoàn thành cách ly sau khi khỏi bệnh. Bản thân anh cũng là F0, nhưng có ít nhất 2 lần ra khỏi nhà trong thời gian cách ly.

“Quy định của Bộ Y tế không cho F0 ra khỏi nhà, nhưng thực tế, trạm y tế địa phương vẫn để F0 đến trạm xác nhận. Nếu F0 chủ quan, tiếp xúc với nhiều người, đến nhiều nơi sẽ tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm. Điều này liệu có phù hợp với thực tế?”- anh M. bày tỏ sự lo ngại.

Tương tự, chị N.H.T. (43 tuổi, ngụ phường 2, thành phố Tây Ninh) cho biết, chị vừa đến UBND phường nhận giấy hoàn thành cách ly sau 10 ngày kể từ khi phát bệnh, mặc dù kết quả test nhanh tại nhà chị vẫn dương tính với Covid-19.

“Đến ngày thứ 10, tôi đến trạm theo lời hẹn của nhân viên y tế. Họ nói tôi đã 2 lần test nhanh nên không cần test nữa, trạm sẽ tự làm giấy hoàn thành cách ly và yêu cầu tôi qua UBND phường nhận giấy. Nếu vẫn còn dương tính với Covid-19 thì tôi tự cách ly tại nhà cho đến khi khỏi bệnh hẳn.

Tôi lo lắng vì mình còn bệnh mà phải ra đường, đi đến nhiều nơi như vậy”- chị T. cho biết thêm- “Nguy hiểm hơn khi có trạm y tế yêu cầu F0 phải đem theo kit test dương tính tại nhà đến khai báo. Người cẩn thận thì cho vào túi nylon, nhưng có người cầm kit test đến trạm khai báo mà không cần bao bọc lại. Tôi cảm thấy rất vô lý khi buộc F0 mang kit test có kết quả dương tính ra ngoài mà không tiêu huỷ ngay”.

Duy trì các nhóm Zalo tư vấn, hỗ trợ F0 tại nhà

Thời điểm ban đầu dịch bùng phát, có rất nhiều nhóm Zalo bác sĩ tư vấn F0 điều trị tại nhà được thành lập với gần 1.000 người tham gia, hiện nay, mô hình này chỉ duy trì ở một số địa phương, do người tham gia ít dần, không tương tác.

Trong đó, nhóm Zalo bác sĩ tư vấn F0 điều trị tại nhà của huyện Dương Minh Châu có gần 600 thành viên. Rất nhiều người đặt câu hỏi F0 nên uống thuốc gì khi mắc bệnh Covid-19? Trong điều kiện nào thì dùng thuốc đặc trị molnupiravir? Ngoài ra, có không ít người thắc mắc về chế độ dinh dưỡng hậu Covid-19 cho người lớn và trẻ em, nên khám và điều trị hậu Covid-19 ở đâu an toàn? Có nên dùng các loại thực phẩm chức năng hậu Covid-19? Những câu hỏi luôn được đội ngũ y, bác sĩ trong nhóm nhanh chóng trả lời, tư vấn đầy đủ, nhiệt tình.

Bà Trần Thu Hiền- Phó Chủ tịch UBND huyện Dương Minh Châu cho biết, nhóm Zalo vẫn được duy trì, dù lượt tương tác không thường xuyên như thời gian đầu. Đa số F0 đều nhận được câu trả lời, tư vấn cách dùng thuốc, điều trị an toàn khi mắc Covid-19.

“Người mắc Covid-19 cảm thấy an tâm hơn khi nhận được sự tư vấn từ y, bác sĩ trong nhóm Zalo. Không riêng nhóm Zalo của huyện, các nhóm Zalo tư vấn F0 tại nhà của các xã, thị trấn vẫn duy trì”- bà Hiền cho biết thêm. Các nhóm Zalo trên địa bàn huyện Dương Minh Châu vẫn duy trì hoạt động, bảo đảm tiếp nhận mọi thông tin, phản ánh của người dân liên quan đến phòng, chống dịch, an sinh xã hội, hỗ trợ phát thuốc kịp thời cho các trường hợp F0 điều trị tại nhà.

Loạn thuốc chữa “hậu Covid-19”

Sau 10 ngày mắc Covid-19, xét nghiệm âm tính, chị N.T.T.B. (38 tuổi, ngụ thị trấn Dương Minh Châu) quay trở lại làm việc. Nghe đồng nghiệp chia sẻ các loại thực phẩm chức năng (TPCN) có giúp bổ phổi, ăn ngon, ngủ ngon, tăng cường sức khoẻ... chị B. hỏi mua 2 lọ tại nhà thuốc với giá 500.000 đồng. Chị cho biết, có rất nhiều người mua loại thực phẩm này sử dụng và truyền tai nhau các công dụng của nó.

Các hiệu thuốc ở khu vực trung tâm thành phố Tây Ninh đều có bày bán các loại thực phẩm chức năng, mà theo tư vấn của người bán là tăng sức đề kháng, giúp phòng tránh nhiễm Covid-19, bồi bổ cơ thể, kích thích ăn ngon, ngủ ngon, thậm chí có loại còn hỗ trợ đẹp da, mỗi hộp có giá từ 150.000 - 500.000 đồng, loại nhập khẩu từ Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc giá từ 800.000 đồng đến 2 triệu đồng một hộp.

Hoạt động từ tháng 12.2021, phòng khám hậu Covid-19 Bệnh viện Đa khoa Hồng Hưng tiếp nhận khoảng 50 lượt người khám mỗi ngày. Theo bác sĩ Lương Thị Thuận (phụ trách phòng khám hậu Covid-19), các trường hợp đến khám đa số là người già, người có bệnh lý nền, có các triệu chứng hô hấp, hụt hơi, tâm lý lo lắng, mất ngủ, mệt mỏi… sau khi hết Covid-19. Có người lo lắng thái quá khiến cơ thể suy sụp, không thể tiếp tục làm việc, ảnh hưởng đến cuộc sống. Có những trường hợp chủ quan bỏ qua những triệu chứng nguy hiểm, khiến bệnh trở nặng sau khi khỏi Covid-19.

Theo các chuyên gia y tế, F0 sau khi khỏi bệnh đều gặp phải hậu Covid-19, tuy nhiên, bệnh lý này sẽ được chữa khỏi, người dân không nên tin theo những chỉ dẫn không căn cứ trên mạng xã hội. Việc lo lắng có thể kéo theo các dấu hiệu về tâm thần, ảnh hưởng tới sức khoẻ và quá trình hồi phục sau khi khỏi bệnh.

Không có thuốc hay thực phẩm nào dự phòng với Covid-19

Theo Thạc sĩ - Dược sĩ Anh Vũ (từng công tác tại BVĐK Tây Ninh), hiện nay không có thuốc hay TPCN nào có thể ngăn ngừa hay dự phòng không nhiễm SARS-CoV-2. Cục Quản lý dược (Bộ Y tế) đã cấp phép lưu hành 3 loại thuốc điều trị Covid-19 có hoạt chất Molnupiravir do Việt Nam sản xuất là Molravir 400, Movinavir 200, Molnupiravir Stella 400.

Tuy nhiên, Bộ khuyến cáo tuyệt đối không được sử dụng Molnupiravir như một loại thuốc phòng ngừa trước và sau khi nhiễm Covid-19, chỉ dùng khi bác sĩ hay cơ sở y tế kê đơn. Mặt khác, người F0 nên ngưng thuốc khi sử dụng đủ 5 ngày liên tiếp, vì lúc này phần lớn virus đã bị tiêu diệt, cơ thể cũng tạo ra được các kháng thể để tiêu diệt hoàn toàn virus còn lại.

Việc bán thuốc kháng virus SARS-CoV-2 tràn lan trên mạng là vi phạm pháp luật. Người dân tự ý mua các loại thuốc kháng SARS-CoV-2 được quảng cáo trên mạng là không nên, vì sẽ không bảo đảm chất lượng, có khi gặp phải thuốc giả, có thể “tiền mất, tật mang”.

Thạc sĩ - Dược sĩ Anh Vũ cho biết thêm, sau điều trị Covid-19, cơ thể người F0 có thể suy kiệt, sức đề kháng, hệ miễn dịch suy yếu, dễ mắc các bệnh nhiễm trùng. Vì vậy, người F0 cần bổ sung dinh dưỡng hợp lý, tập luyện thể thao để cải thiện sức khoẻ nhanh hơn.

Dược sĩ Anh Vũ nhận định: “Hậu Covid-19 thật ra không đáng sợ như nhiều người nghĩ. Quan trọng là bổ sung dinh dưỡng cần thiết cho cơ thể, thay vì sử dụng thêm các TPCN mà chưa được Bộ Y tế cấp phép hay khuyến cáo sử dụng sau Covid-19”.

Theo bà, cơ thể người bệnh sau điều trị Covid-19 cần có thời gian hồi phục, người bệnh không nên vội kết luận mình bị hậu Covid-19 mà lo lắng, bất an. Sau 2-4 tuần, nếu có triệu chứng lạ và chiều hướng tăng nặng, nên đến bác sĩ hoặc các bệnh viện, cơ sở y tế có chức năng khám, chữa bệnh lý hậu Covid-19 để có hướng điều trị an toàn. Còn về các loại TPCN bồi bổ cơ thể hậu Covid-19 được rao bán tràn lan, người tiêu dùng cần tư vấn bác sĩ, nhân viên y tế hay người có chuyên môn.

Tâm Giang

Từ khóa:
data:
ngày tốt Tổng đài tư vấn luật đất đai miễn phí
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục