Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Thận trọng khi giao dịch cho vay tài sản
Kỳ cuối: Tranh chấp, thưa kiện vì hụi
Thứ bảy: 00:05 ngày 08/10/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Không chỉ có tình trạng chủ hụi lừa gạt người chơi bằng hình thức tuyên bố phá sản, bỏ trốn, mà không ít vụ vỡ hụi nguyên nhân do chính hụi viên khi đến lượt đóng tiền hụi cũng tìm cách trốn tránh.

Người dân bức xúc vì chủ hụi tuyên bố vỡ hụi 

Hình thức hụi, họ, biêu, phường (sau đây gọi chung là hụi) cũng là một dạng của hợp đồng vay tài sản. Đây là hình thức giao dịch về tài sản theo tập quán trên cơ sở thoả thuận của một nhóm người tập hợp lại cùng định ra số người, thời gian, số tiền hoặc tài sản khác, thể thức góp, lĩnh hụi và quyền, nghĩa vụ của các thành viên. Tuy nhiên, do mang tính tự phát nên việc chơi hụi còn tiềm ẩn nhiều rủi ro.

Nghị định số 19/2019/NĐ-CP ngày 19.2.2019 của Chính phủ về họ, hụi, biêu, phường quy định nguyên tắc về tổ chức, văn bản thoả thuận về hụi; quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của hụi viên và chủ hụi khi góp hụi, lãnh hụi, nhận lãi, trả lãi hoặc thực hiện giao dịch khác có liên quan, thì hụi viên có quyền yêu cầu chủ hụi, hoặc người lập và giữ sổ hụi cấp giấy biên nhận về việc đó. Trong đó, chủ hụi phải thông báo bằng văn bản cho UBND cấp xã, phường, nơi cư trú về việc tổ chức dây hụi khi tổ chức dây hụi có giá trị các phần hụi tại một kỳ mở hụi từ 100 triệu đồng trở lên; tổ chức từ hai dây hụi trở lên…

Phó Chánh án TAND tỉnh Đỗ Văn Thinh cho biết, những năm gần đây, các vụ việc liên quan đến hụi có chiều hướng gia tăng. Dù hụi được pháp luật thừa nhận và quy định rõ hình thức, nội dung, quyền cũng như trách nhiệm của các bên tham gia, nhưng trong quá trình giao dịch, thoả thuận còn mang nặng yếu tố niềm tin nên tiềm ẩn nhiều rủi ro. Phần lớn việc thoả thuận mở hụi, kêu hụi, giao nhận tiền hụi giữa chủ hụi và các hụi viên thường là thoả thuận miệng dựa trên uy tín, sự tin tưởng lẫn nhau; không lập hợp đồng, sổ sách, chứng từ, ghi chép, theo dõi rõ ràng. Do vậy, khi “bể hụi”, người chơi thường không có giấy tờ, chứng từ chứng minh số tiền đã góp vào.

Đơn cử như vụ “bể hụi” hàng tỷ đồng xảy ra vào tháng 7 vừa qua do vợ chồng bà L.H.T.A và ông T.Đ.K (cùng ngụ khu phố 2, phường 1, TP. Tây Ninh) làm chủ hụi. Theo một số người chơi hụi cho biết, vợ chồng bà T.A có thành lập các dây hụi ngày thông qua hình thức tạo nhóm trên Zalo với hơn 240 hụi viên tham gia. Trung bình mỗi ngày mở trên 12 dây hụi, mỗi phần từ 1 triệu đồng đến 100 triệu đồng. Mọi vấn đề trao đổi đều diễn ra trên nhóm Zalo. Đến thời điểm kêu hụi, người chơi sẽ tập trung bỏ thăm, ai kêu giá cao nhất sẽ được hốt hụi. Quá trình chơi hụi, tiền của các hụi viên đều được chuyển vào tài khoản do vợ chồng bà L.H.T.A đứng tên. Tuỳ theo mỗi dây hụi mà vợ chồng bà L.H.T.A được hưởng hoa hồng từ 30% - 40% của một phần hụi. Bên cạnh đó, để tạo lòng tin, vợ chồng bà T.A thường xuyên đăng ảnh khoe cuộc sống “giàu có” lên mạng xã hội. Sau khi vợ chồng bà T.A tuyên bố “bể hụi”, không còn khả năng chi trả, các hụi viên đã làm đơn gửi cơ quan chức năng tố cáo.

Ngoài ra, không ít trường hợp các hụi viên chủ quan, chơi nhiều dây hụi nhưng không ai biết mặt ai, chỉ quen với chủ hụi. Thông thường, sự việc được tố cáo đến chính quyền địa phương hoặc cơ quan chức năng thì chủ hụi đã không còn tài sản hoặc bỏ trốn khỏi nơi cư trú, khi vỡ hụi, các hụi viên thường lâm vào cảnh trắng tay, không nhận lại được hoặc chỉ nhận phần ít số tiền đã góp.

Chị N.T (ngụ phường 3, TP. Tây Ninh) cho biết, cách đây khoảng 5 tháng, chị có tham gia vào các dây hụi của chủ hụi khá uy tín tên T.A. Một dây hụi thường có từ 20-25 người tham gia, những trao đổi về hụi đều được diễn ra trên mạng xã hội. Thấy lãi suất cao, nên chị đăng ký hụi 10 triệu đồng/ngày, sau 30 ngày sẽ rút hụi. “Lãi đâu chưa thấy mà giờ chủ hụi ôm tiền trốn rồi!”- chị T bức xúc nói.

Chị K.N (ngụ TP. Tây Ninh) chia sẻ, do quen biết với chủ hụi trên mạng Facebook. Thấy lãi cao mà rút hụi nhanh, từ 10-20 ngày đã được rút hụi, tiền hụi được chuyển khoản qua tài khoản. Thấy tiện lợi nên chị tham gia những dây hụi nhỏ (2 triệu đồng/ngày), sau khi rút được vài lần đúng hẹn, uy tín nên chị góp hụi nhiều hơn, không ngờ lãi chưa thấy mà thấy mất trắng hơn 100 triệu đồng đã đóng.

Không chỉ có tình trạng chủ hụi lừa gạt người chơi bằng hình thức tuyên bố phá sản, bỏ trốn, mà không ít vụ vỡ hụi nguyên nhân do chính hụi viên khi đến lượt đóng tiền hụi cũng tìm cách trốn tránh. Trong nhiều vụ việc, một số hụi viên không thực hiện đúng cam kết đóng “hụi chết”, buộc chủ hụi phải nhờ đến pháp luật giải quyết.

Khi chơi hụi, người dân cần phải có sổ sách rõ ràng, đầy đủ, chính xác và chi tiết về diễn biến của dây hụi.

Bà P.B.L (ngụ thị trấn Gò Dầu) cho biết, trước đó, chị N.K.S là thành viên tham gia góp hụi đối với dây hụi tháng 3 triệu đồng, có danh sách hụi, gồm 26 phần do bà làm chủ. Chị S lĩnh hụi lần thứ 6 với số tiền 58 triệu đồng (có ký nhận giấy tay giao các phần hụi đã lĩnh). Sau khi lĩnh hụi, chị S đã góp hụi được 11 kỳ, còn lại 8 kỳ tính đến ngày kết thúc hụi chị S chưa góp với số tiền là 24 triệu đồng. Sau nhiều lần yêu cầu chị S đóng hụi không thành, bà L đã làm đơn khởi kiện gửi TAND huyện Gò Dầu giải quyết buộc chị S phải có nghĩa vụ trả cho bà số tiền hụi còn nợ 24 triệu đồng kèm lãi suất.

Để hạn chế rủi ro khi chơi hụi, TAND tỉnh khuyến cáo người tham gia hụi cần tìm hiểu rõ những quy định pháp luật về hụi, nên có sổ sách ghi chép theo dõi rõ ràng và yêu cầu chủ hụi cung cấp các chứng từ có liên quan như ghi biên nhận có ký tên giao nhận tiền, ngày tháng giao nhận tiền, số tiền giao nhận… Người dân nên chọn những chủ hụi uy tín, điều kiện kinh tế ổn định, có tài sản bảo đảm và thường xuyên giám sát chặt chẽ để kịp thời phát hiện những biểu hiện nghi vấn; hạn chế tham gia quá nhiều phần hụi cùng một dây hụi, chủ hụi… Ngoài ra, nên lập hợp đồng chơi hụi có xác nhận của chính quyền địa phương. Đây sẽ là cơ sở pháp lý để bảo đảm quyền lợi của người chơi khi xảy ra vỡ hụi.

Đối với các vụ việc có dấu hiệu phạm tội như việc lập hụi ma; không đưa hụi viên vào danh sách hụi nhưng vẫn thu tiền hụi; thu tiền đóng hụi cao hơn với số tiền khui hụi… nếu xét đủ căn cứ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.

THIÊN DI

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục