Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Tây Ninh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực khu vực công, để chính sách tiền lương mới thực sự là động lực để CBCCVC yên tâm lao động, cống hiến.
Để bảo đảm nguồn cải cách tiền lương, UBND tỉnh cũng đã tính toán, thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội và các giải pháp về tài chính, ngân sách. Song song đó, tỉnh sẽ tiếp tục thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ nhân lực khu vực công, để chính sách tiền lương mới thực sự là động lực để CBCCVC yên tâm lao động, cống hiến.
Y, bác sĩ làm việc tại Khoa Xét nghiệm Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Ảnh: Tâm Giang
Tây Ninh chuẩn bị các điều kiện thực hiện cải cách chính sách tiền lương
Sau nhiều năm kiên trì thực hiện chủ trương của Đảng về tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, đến nay Tây Ninh đã đạt nhiều kết quả tích cực, quan trọng. Từ năm 2017 đến nay, tỉnh đã giảm 40 tổ chức hành chính cấp tỉnh (26,66%); giảm 9 cơ quan chuyên môn cấp huyện (tỷ lệ: 9,17%) và hoàn thành mục tiêu Nghị quyết 18-NQ/TW đề ra. Tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính trên địa bàn tỉnh được sắp xếp tinh gọn, giảm cấp trung gian, giảm đầu mối bên trong, nhất là số lượng tổ chức và lãnh đạo quản lý cấp phòng; chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, mối quan hệ hoạt động của các cơ quan được điều chỉnh, bổ sung; khắc phục tình trạng trùng lặp, chồng chéo theo đúng tinh thần Nghị quyết số 18-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương.
Về sắp xếp các đơn vị sự nghiệp công lập, so với mục tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 19-NQ/TW, giai đoạn 2015-2021, tỉnh đã thực hiện đạt tỷ lệ giảm 17,33% vượt so với chỉ tiêu giảm 10% Nghị quyết đề ra. Tính từ năm 2015-2023, số lượng đơn vị sự nghiệp công lập đã giảm 134 đơn vị, đạt tỷ lệ giảm 20,74%. Các đơn vị sự nghiệp công lập được sắp xếp tinh gọn, giảm mạnh về đầu mối, bước đầu đã khắc phục tình trạng manh mún, dàn trải, trùng lặp. Việc sắp xếp bảo đảm đúng theo quy hoạch mạng lưới đơn vị sự nghiệp công của từng ngành, lĩnh vực, bảo đảm nguyên tắc cùng nhóm nhiệm vụ chỉ có một tổ chức, đơn vị thực hiện và phải phù hợp với điều kiện của đơn vị, địa phương. Sau sắp xếp, UBND tỉnh kịp thời ban hành các quyết định kiện toàn cơ cấu tổ chức bộ máy, nhân sự của các đơn vị; chất lượng hoạt động của các đơn vị sự nghiệp nâng lên.
Về quản lý và sử dụng biên chế CCVC, Tây Ninh thực hiện đúng quy định, phù hợp với tình hình thực tiễn, yêu cầu nhiệm vụ và thực hiện chủ trương tinh giản biên chế, bảo đảm nằm trong số lượng biên chế công chức, viên chức được Bộ Nội vụ, Ban Tổ chức Trung ương giao. Giai đoạn 2015-2021, Tây Ninh đã giảm 2.124 người, đạt tỷ lệ giảm 11,01% so với số lượng người làm việc được phê duyệt năm 2015. Giai đoạn 2021-2024, giảm 617 người làm việc hưởng lương từ ngân sách Nhà nước so với số giao năm 2021, đạt tỷ lệ giảm 3,5%.
Trong lộ trình thực hiện cải cách chính sách tiền lương, việc xây dựng và hoàn thiện hệ thống vị trí việc làm được coi là giải pháp căn bản mang tính tiền đề. Tính đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt đề án vị trí việc làm 22/22 sở, ban, ngành, 9/9 UBND cấp huyện; 5/5 đơn vị sự nghiệp cấp tỉnh. Các sở, ban, ngành tỉnh, UBND cấp huyện đã phê duyệt Đề án vị trí việc làm của 497/497 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Bên cạnh thực hiện tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, việc bảo đảm nguồn thực hiện cải cách tiền lương cũng đã được UBND tỉnh tính toán và chỉ đạo, điều hành. UBND tỉnh thực hiện chỉ đạo đồng bộ nhiều giải pháp thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội cùng các giải pháp tài chính, ngân sách để tạo nguồn lực sẵn sàng cho cải cách tiền lương từ 1.7.2024 và những năm tiếp theo.
Tiền lương và câu chuyện “chảy máu chất xám” khu vực công
Những năm gần đây, tình trạng “nhảy việc” từ các cơ quan Nhà nước (khu vực công) sang khu vực tư diễn ra khá phổ biến trong cả nước và trở thành chủ đề “nóng” trên nhiều diễn đàn cũng như nghị trường Quốc hội khoá XV.
Tại Tây Ninh, theo thống kê từ ngày 1.7.2022 đến 30.9.2023, toàn tỉnh có 509 CCVC thôi việc (trong đó có 85 công chức, 424 viên chức); nguyên nhân nghỉ việc đa số là do hoàn cảnh gia đình và mức lương, phụ cấp, thu nhập thấp, chưa bảo đảm cuộc sống. Đặc biệt, đối với ngành Y tế của tỉnh, sau thời gian làm nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19, số nhân viên y tế hệ công lập thôi việc gia tăng trong khi nguồn tuyển dụng không đủ đáp ứng nhu cầu. Đáng chú ý trong số đó có nhiều y, bác sĩ trẻ sẵn sàng bồi hoàn kinh phí đào tạo để “đầu quân” cho các bệnh viện, phòng khám tư nhân. Nhân lực ngành Giáo dục và Đào tạo cũng tương tự khi lượng giáo viên tuyển dụng hằng năm không kịp bổ sung cho số lượng viên chức trong ngành nghỉ hưu, thôi việc.
Tại chương trình tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 7, Quốc hội khoá XV mới đây, ông Nguyễn Đình Xuân- Giám đốc Sở NN&PTNT nêu thực tế: “Trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội nhiều năm nay và đối chiếu với các nước lân cận, tôi thấy chế độ tiền lương của chúng ta vẫn chưa thực sự hấp dẫn. Nhiều cơ quan không tuyển dụng được người, thực tế ngay cả ở Sở NN&PTNT đang tuyển một số vị trí công chức quản lý về bảo vệ thực vật, chăn nuôi, thú y nhưng rất khó tuyển. Lý do là Nhà nước đang trả lương thấp hơn các doanh nghiệp bên ngoài, trong khi áp lực công việc lớn hơn, rủi ro cao hơn”.
Ông Xuân kiến nghị trong thực hiện chính sách cải cách tiền lương, thang bảng lương CBCCVC cần phải tăng mạnh hơn, ít nhất là bằng mức các doanh nghiệp trả cho cùng một vị trí việc làm, cùng trình độ, cùng yêu cầu công việc.
“Chúng ta cần những người tốt nhất làm việc cho Nhà nước chứ không phải chỉ là những người đồng ý làm việc cho Nhà nước” - ông Xuân nhấn mạnh.
Cải cách tiền lương phải đi cùng với cải thiện điều kiện và môi trường làm việc
Trong câu chuyện người lao động rời bỏ khu vực công do đồng lương eo hẹp hay do hoàn cảnh gia đình chỉ là một phần nguyên nhân, bên cạnh đó còn nhiều lý do khác, như môi trường làm việc, cơ hội thăng tiến, sự công bằng trong đánh giá, ghi nhận năng lực...
Từ thực tiễn quản lý nhà nước, thời gian qua, Sở Nội vụ đã tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành các chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao; ban hành các đề án về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công; rà soát, điều chỉnh biên chế gắn với vị trí việc làm công chức trong cơ quan, tổ chức hành chính thuộc UBND cấp huyện, UBND cấp tỉnh… Chất lượng đội ngũ CBCCVC trong hệ thống chính trị tỉnh ngày càng nâng lên và từng bước đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ, tiêu chuẩn theo quy định.
Lãnh đạo Sở Nội vụ cho biết, trong thời gian tới, Sở sẽ tiếp tục tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo đồng bộ các giải pháp trong quản lý, đánh giá, thi đua khen thưởng, tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng CBCCVC.
Đáng chú ý như giải pháp về thực hiện lập kế hoạch và phân công công việc cụ thể cho từng công chức phù hợp cả về mức độ phức tạp công việc và khối lượng công việc theo từng vị trí việc làm; phân công công việc cho công chức gắn sản phẩm/kết quả công việc và thời gian hoàn thành, bảo đảm công khai, minh bạch bằng cách thiết lập hệ thống (hoặc phần mềm) theo dõi, cập nhật, đánh giá kết quả. Thực hiện đánh giá năng lực cán bộ dựa trên kết quả/hiệu quả công việc làm cơ sở thực hiện các khâu khác trong công tác cán bộ. Tiếp tục thực hiện chính sách của tỉnh về thu hút, hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực chất lượng cao.
Lãnh đạo Sở Nội vụ cũng cho biết thêm, thực tiễn công việc quản lý hành chính Nhà nước thường đa dạng, sản phẩm khó định lượng chính xác; có nhiều hoạt động mang tính liên ngành, làm việc nhóm. Do đó, việc xác định mục tiêu, sản phẩm cho các hoạt động ở cấp độ tổ chức hay cá nhân cần được lãnh đạo các cấp chú trọng nghiên cứu giải quyết. Bên cạnh đó, tạo dựng môi trường làm việc thân thiện, tiến bộ, bình đẳng, công bằng trong đánh giá, ghi nhận năng lực... cũng là vấn đề thủ trưởng các cơ quan, đơn vị cần quan tâm. Cùng với các giải pháp quản lý nhà nước về tổ chức, biên chế, công vụ, cải thiện môi trường làm việc, chính sách tiền lương mới được kỳ vọng góp phần thu hút, tuyển dụng và “giữ chân” nhân lực có trình độ, năng lực, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khu vực công.
Phương Thuý