Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Nhiều di tích chưa đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch
Kỳ I: Cần nâng tầm giá trị di tích
Thứ hai: 00:14 ngày 29/08/2022

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Tây Ninh có 95 di tích được xếp hạng, trong đó, có 1 di tích quốc gia đặc biệt, 26 di tích cấp quốc gia, 68 di tích cấp tỉnh. Tuy nhiên, hiện nay, nhiều di tích cấp quốc gia và cấp tỉnh chưa đáp ứng nhu cầu tham quan, du lịch.

Khu vực tháp cổ Bình Thạnh không có phòng tiếp khách. Du khách tham quan ngồi uống trà quanh bộ bàn ghế đá chật hẹp .

Mang nét đặc trưng của nền văn hoá Óc-eo, tháp cổ Bình Thạnh và Chót Mạt là hai tháp cổ hiếm hoi còn sót lại ở miền Ðông Nam bộ, đã được trùng tu, phục dựng và gìn giữ. Thế nhưng hiện nay, đường vào các di tích này bị xuống cấp, chật hẹp, thiếu bãi đỗ xe.

Tháp cổ Bình Thạnh: Thiếu nhiều dịch vụ

Tháp cổ Bình Thạnh toạ lạc ấp Bình Hoà, xã Phước Bình, thị xã Trảng Bàng, được xếp vào loại hình kiến trúc nghệ thuật. Năm 1993, tháp Bình Thạnh được Bộ Văn hoá - Thông tin (nay là Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch) công nhận là Di tích lịch sử văn hoá. Tháp được xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VIII, trên một gò đất cao, rộng khoảng 400m2, giữa đồng ruộng, ở phía Tây sông Vàm Cỏ Ðông. Dưới thời Pháp thuộc, tháp đã được một lần tu sửa. Năm 1998, Bộ Văn hoá - Thông tin đã đầu tư trùng tu lại nguyên gốc ngôi tháp. Tuy nhiên, con đường đất đỏ dẫn vào ngôi tháp cổ khá nhỏ hẹp, xuống cấp, khó đi lại.

Năm 2016, tại một hội nghị tiếp xúc cử tri, người dân Trảng Bàng kiến nghị chính quyền các cấp nâng cấp con đường dẫn vào ngôi tháp. Nhận thấy đây là nguyện vọng chính đáng, tỉnh đã chỉ đạo trải thêm một lớp đất sỏi cao ráo, bằng phẳng, tạo điều kiện thuận lợi cho du khách đến tham quan.

Tuy nhiên, qua 6 năm sử dụng, con đường này đang xuống cấp, nhiều nơi sụp lún, gây khó khăn cho việc giao thông. Ngoài ra, khu vực trước, sau hoặc xung quanh ngôi tháp không có bãi đậu xe ô tô, xe gắn máy. Trong khi đó, nhu cầu tham quan, nghiên cứu của du khách, sinh viên các trường đại học, các đoàn khảo cổ, nhà khoa học trong và ngoài nước ngày càng nhiều. Các đoàn khách này thường di chuyển đến tháp cổ bằng các loại xe ô tô con, xe khách 16-52 chỗ nhưng dẫn vào tháp Bình Thạnh chỉ có một con đường khá nhỏ, chiều ngang mặt đường khoảng 5 mét, rất khó cho việc đỗ và trở đầu các loại xe ô tô.

Ông Võ Văn Thi, 66 tuổi, nhân viên bảo vệ tháp Bình Thạnh cho biết, từ sau khi dịch Covid- 19 được kiểm soát tốt, có nhiều đoàn khách từ Hà Nội, Nha Trang vào đây tham quan, nghiên cứu. Mới đây, khu vực tháp cổ đón tiếp các sinh viên Trường đại học Kiến trúc TP. Hồ Chí Minh vào nghiên cứu tháp làm đề án tốt nghiệp và đoàn du khách từ các tỉnh miền Tây vào đây tham quan. Ngoài ra, còn có thầy cô giáo hướng dẫn học sinh các trường trong tỉnh đến tìm hiểu về lịch sử. Tất cả những đoàn khách nêu trên đều gặp khó khăn về việc đỗ xe, quay đầu xe ô tô, vì trước cổ tháp không có bãi đất trống.

Trong lòng tháp Chót Mạt có nhiều đàn dơi trú ngụ.

Nhiều năm qua, hướng dẫn viên du lịch ở ngôi tháp cổ Bình Thạnh chưa có. Mỗi khi có khách đến tham quan, tìm hiểu về di tích lịch sử công trình tháp Bình Thạnh, ông Nguyễn Văn Ðước, sinh năm 1933, Trưởng Ban Quý tế đình Bình Thạnh- cơ sở thờ tự toạ lạc trước khu tháp cổ- sẽ đến làm nhân viên thuyết minh. Nhờ lợi thế là người địa phương và hàng chục năm trước từng trông coi tháp cổ nên ông Ðước có hiểu biết cơ bản về công trình để giới thiệu đến khách tham quan.

Tuy nhiên, hiện tại, ông lão 89 tuổi này trí nhớ đã giảm sút và bị lảng tai, khó nghe chính xác các câu hỏi của du khách, từ đó khó đáp ứng nhu cầu tìm hiểu về công trình kiến trúc hơn ngàn năm tuổi này. Khách đến tham quan, nơi này cũng không có phòng đón tiếp, không có quầy bán thức ăn, nước uống, hàng lưu niệm, hình ảnh, tư liệu gì liên quan đến ngôi tháp. Hầu hết mọi người đến đây đều được nhân viên bảo vệ mời uống trà quanh bộ bàn ghế đá chật hẹp. 

Tháp cổ Chót Mạt: Chưa bảo đảm vệ sinh

Tháp cổ Chót Mạt, toạ lạc ấp Xóm Tháp, xã Tân Phong, huyện Tân Biên được xác định xây dựng vào khoảng thế kỷ thứ VIII sau công nguyên, thuộc nền văn hoá Óc-eo và được phát hiện đầu thế kỷ XX. Năm 2003, tháp Chót Mạt được trùng tu và xây dựng tường rào, cổng rào bảo vệ. Trước và trong khu đền tháp có hệ thống cây xanh, hoa kiểng.

Tuy nhiên, đoạn đường đất đỏ dẫn vào tháp gần như không còn đáp ứng được nhu cầu đi lại bằng phương tiện ô tô. Mặt đường có chiều ngang khoảng 5 mét, một vài nơi sụp lún. Xe ô tô chở khách đến tham quan rất chật vật khi quay trở đầu xe. Ngày 16.8, khi chúng tôi đến đây tham quan, cổng tháp mở toang, không có nhân viên bảo vệ.

Trong lòng tháp có nhiều đàn dơi trú ngụ, gây mùi hôi thối khó chịu. Tháp Chót Mạt cũng thiếu bãi đỗ xe, phòng đón tiếp khách, quầy hàng lưu niệm, tranh, ảnh, tư liệu liên quan đến lịch sử ngôi tháp. Ngoài ra, thời điểm chúng tôi đến tham quan không thấy có bảng chỉ dẫn từ đường ấp Xóm Tháp rẽ vào ngôi tháp.

Ông Trần Thượng Việt, 50 tuổi, canh tác trên đám ruộng kế bên đền tháp cho biết: nhiều năm trước đây, tháp Chót Mạt được giao cho hai vợ chồng ông Nguyễn Thành Tôn trông coi giữ gìn. Những năm gần đây, vợ chồng ông Tôn lớn tuổi, chính quyền địa phương giao nhiệm vụ trông coi, giữ gìn cụm tháp này cho 2 người khác. Ðến nhà ông Tôn hỏi han, ông lão 81 tuổi này kể, trước đây, khu tháp do Bảo tàng tỉnh chịu trách nhiệm quản lý và thuê ông trông coi từ năm 2004.

“Những đàn dơi này trú ngụ trong lòng tháp hàng chục năm qua. Sáng nào vợ chồng tôi cũng quét dọn phân dơi sạch sẽ để không còn mùi hôi thối. Thỉnh thoảng tôi xách nước vào rửa sạch những nơi phân dơi dính trên nền tháp. Bên ngoài sân, tôi trồng cỏ đậu, chăm sóc xanh mướt”- ông Tôn nhớ lại.

Theo lời ông, từ năm 2020, Bảo tàng tỉnh bàn giao khu di tích này lại cho chính quyền địa phương quản lý, vì lớn tuổi, ông xin nghỉ việc. Từ đó đến nay, UBND xã Tân Phong thuê 2 nữ nhân viên khác đến làm nhiệm vụ.

Đình Hiệp Ninh ước tính đã được khoảng 120 năm và là một trong những công trình kiến trúc cổ còn nguyên vẹn ở tỉnh ta.

Ðình Hiệp Ninh xuống cấp

Ngoài hai công trình tháp cổ kể trên, hiện nay, trên địa bàn tỉnh còn một số di tích cấp quốc gia đã xuống cấp. Ðơn cử như công trình kiến trúc nghệ thuật đình Hiệp Ninh (toạ lạc khu phố 4, phường 2, TP. Tây Ninh). Ðình Hiệp Ninh được xây dựng vào cuối thế kỷ 19 trên diện tích hơn 700m2.

Ước tính ngôi đình này đã được khoảng 120 năm tuổi và là một trong những công trình kiến trúc cổ còn nguyên vẹn ở tỉnh ta. Cuối năm 2010, di tích văn hoá lịch sử cấp quốc gia này đã được đại trùng tu tôn tạo, nhưng hiện nay, ngôi đình lại bị xuống cấp.

Ở hậu đình, hầu hết các cánh cửa gỗ đã mục, ngói âm dương bị tuột, bể, mỗi khi trời mưa thì dột. Nhiều cột, kèo, mè, rui bị mối tấn công. Một vài nơi ở hậu đình, nền. Trên gian chính của ngôi đình, nhiều nơi, mái ngói bị tuột, bể. Hai bên ngôi đình có lầu chuông và lầu trống.

Hiện nay, gỗ lát sàn ở hai lầu này cũng đã mục, khiến sàn gỗ bị thủng nhiều lỗ to, dễ gây nguy hiểm cho người có trách nhiệm mỗi khi lên đây gióng chuông, đánh trống. Tại các hội nghị tiếp xúc cử tri, người dân địa phương đã kiến nghị ngành chức năng, quan tâm sửa chữa, khắc phục những tồn tại nêu trên, nhưng đến nay vẫn chưa được khắc phục.

Ðại Dương

(Còn tiếp)

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục