BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỳ lạ: Sinh con ra nhưng không phải cha mẹ ruột 

Cập nhật ngày: 14/12/2017 - 09:36

Hiện tượng y học hiếm hoi có tên là chimerism đã gây ra một số trường hợp rất… éo le, khi đứa trẻ sinh ra không mang ADN của cha mẹ.

Những trường hợp sinh động nhất về chimera

Năm 2002, các nhà nghiên cứu ghi nhận trường hợp Chimerism (hay còn gọi là chimera) đầu tiên trên tạp chí Y khoa New England.

Bà Karen Keegan cần được ghép thận và con trai bà được xét nghiệm xem có phù hợp để hiến không. Thật bất ngờ, kết quả xét nghiệm gene cho thấy bà Karen không phải là mẹ ruột của con trai mình.

Các xét nghiệm tiếp theo cho thấy, tế bào máu của bà Karen có một kiểu gene, trong khi buồng trứng lại có kiểu gene khác. Chính các tế bào ở buồng trứng này đã sản sinh ra trứng, dẫn tới việc con trai bà có bộ gene khác biệt so với mẹ mình.

Con trai sinh ra mang gene của người anh em song sinh với bố cháu bé.

Trường hợp thứ hai được biết đến năm 2014. Một cặp vợ chồng sinh con trai nhờ thụ tinh nhân tạo. Cậu bé sinh ra khỏe mạnh, nhưng kỳ lạ, nhóm máu của cậu bé không trùng với cả cha lẫn mẹ. Lúc bấy giờ, các bác sĩ kết luận, cha đứa bé là 1 người khác.

Minh họa cho hiện tượng chimera: Đứa con do cha mẹ sinh ra nhưng thực chất lại là con của người anh em sinh đôi với cha.

Nghi ngờ có sự nhầm lẫn, cặp vợ chồng tiếp tục gửi kết quả xét nghiệm yêu cầu bệnh viện giải thích. Tuy nhiên bệnh viện vẫn khẳng định không có sai sót.

Sau đó cặp vợ chồng đã tìm đến nhà di truyền học Barry Starr, ĐH Stanford (Mỹ). Ông đề nghị thực hiện xét nghiệm huyết thống trực hệ. Đến năm ngoái, cặp vợ chồng này mới nhận được kết quả: Ông bố hiện tại và đứa trẻ chỉ có quan hệ chú - cháu. Gene lấy từ tế bào trên mặt của anh hoàn toàn khác với gene trong tinh trùng.

Cụ thể, bé trai là con của của ông bác - người anh trai song sinh với bố cháu bé hiện tại nhưng đã bị cơ thể người em “nuốt” mất khi cả hai mới là bào thai trong bụng mẹ.

Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra trường hợp khác biệt gene của bà Karen với con trai.

Vậy chimera là gì?

Chimera là hiện tượng một sinh vật là tập hợp nhiều phần của các cá thể khác nhau, hay nói cách khác là sự kết hợp giữa 2 hay nhiều loài trong một cơ thể. Sự kết hợp này vô cùng phức tạp và khó xác định, nên việc phát hiện chimera rất khó và các báo cáo về hiện tượng chimera cũng rất hiếm hoi.

Ở người (hay động vật), hiện tượng chimera xảy ra khi hai trứng (tế bào) được thụ thai hoặc phôi thai kết hợp với nhau trong thời kỳ đầu của thai kỳ.

Ở trường hợp của bà Karen hay người cha ở trên, vốn dĩ họ có anh em song sinh. Nhưng khi còn ở trong bào thai của mẹ, bà Karen và người cha này đã “nuốt” mất người anh em song sinh của mình. Từ đó dẫn đến việc cơ thể họ có hai gene khác nhau. Chính vì vậy, đứa con do chính họ sinh ra nhưng lại mang gene của người khác.

Sau này, nhờ sự tiến bộ của khoa học, nhiều trường hợp chimera đã được phát hiện hơn. Mới đây, tình trạng chimera cũng khiến cơ thể của cô Taylor Muhl, 33 tuổi (Mỹ) biến đổi lạ thường. Mọi bộ phận ở phần cơ thể bên trái của cô đều lớn hơn bên phải, thậm chí cô còn có 2 hệ thống miễn dịch và 2 dòng máu.

Chimera khiến cơ thể Taylor có hai màu da.

Đặc biệt, thân của cô gái trẻ được chia thành 2 màu da. Ngoài ra, Taylor luôn phải chịu đựng bệnh tật, thường xuyên bị cảm lạnh, chứng đau nửa đầu và rối loạn kinh nguyệt.

Ứng dụng chimera trong khoa học

Các nhà khoa học đã ứng dụng chimera trong việc tạo ra những sinh vật lai giữa người và thú với mục đích nghiên cứu và chữa bệnh. Nhiều nhà khoa học cho rằng, việc này có thể tạo ra bước đột phá trong y học.

Tuy nhiên, vấn đề này đang gây tranh cãi gay gắt trên thế giới. Nhiều người cho rằng, đây là một việc làm vô nhân đạo, có thể làm đảo lộn hệ sinh thái và ảnh hưởng tới sức khỏe của con người.

Nguồn Vietnamnet