Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỳ nghỉ bất ngờ

Cập nhật ngày: 18/02/2020 - 16:02

Suốt những tuần qua, mạng xã hội bùng nổ cuộc tranh luận có nên cho học sinh nghỉ học tránh dịch hay không. “Tham chiến” gồm hai phe chủ đạo: phe trông được con và phe không có người trông.

Khu tôi sống, mỗi người một cảnh. Chị Hoài làm việc ở tận khu công nghiệp Đất Cuốc, Bình Dương. Sáu giờ tối, chị lại phi xe máy vượt đoạn đường dài về nhà bà ngoại đón con, "nhà ngoại đông đúc quá không thể ngủ lại được". Mẹ chị bình thường đã không khỏe lại phải trông hai cháu lớn, nay thêm con chị nữa là ba.

Chị Thanh làm kế toán ở cây xăng. Hai tuần vừa qua, ngày nào chị cũng phải chở hai con gái lên chỗ làm từ bảy giờ sáng, vừa làm vừa trông con. May mà ông chủ cũng thông cảm. Có điều khu vực cây xăng không dễ chịu gì với trẻ, chỗ chơi không có, không có chỗ ngủ trưa, hai đứa trẻ cũng phờ phạc, mệt mỏi, không tươi tỉnh líu lo như những lúc đón từ tay cô giáo.

Chị Thanh và chị Hoài còn có ông bà đỡ đần hoặc có thể đem con tới chỗ làm, gia đình anh An thì không có cả hai lựa chọn. Anh chị phải thay nhau xin nghỉ không lương để giữ hai đứa con. Họ chỉ là ba trong số các gia đình xung quanh tôi đang cùng hàng triệu gia đình khác có con trong độ tuổi đi học trải qua những ngày căng thẳng và mệt mỏi. Có những người sắp xếp được, nhưng cũng có những gia đình thật sự rất khó khăn, nhất là các cha mẹ làm công nhân hoặc trong môi trường tập trung, kinh doanh dịch vụ, làm việc hành chính... Thường ngày, họ đã đầu tắt mặt tối trong công ty, chỉ có trường là nơi duy nhất tin tưởng để gửi con, nay càng thêm bí bách.

Phe ủng hộ cho nghỉ nói: "Thôi kệ, mệt cũng được, nghèo cũng được, nhưng con cái an toàn". Có người bảo khối lượng kiến thức một năm học đã định sẵn, nghỉ trước thì học sau, "không việc gì phải xoắn". Cũng có phụ huynh xem kỳ nghỉ bất ngờ như một cơ hội để gần gũi con dù thu nhập bị giảm đáng kể. "Bọn trẻ lớn lên nhanh lắm, vài năm nữa muốn chơi đùa chúng cũng không thèm", một mẹ phát biểu. Nhưng cũng có nhiều người phản đối dữ dội việc học sinh bị kỳ nghỉ Tết kỷ lục, bất bình khi cuộc sống bị động và đảo lộn, "giáo viên được nghỉ vẫn hưởng lương, còn con tôi thì không ai trông".

Vừa là giáo viên, vừa là phụ huynh của trẻ mầm non, như bao bố mẹ khác, tôi cũng thở không ra hơi. Tôi tha cậu nhóc bốn tuổi lên trường họp hành, làm hồ sơ sổ sách, cùng các đồng nghiệp trực trường, lao động dọn vệ sinh, khử trùng trường lớp. Chúng tôi biết rằng, sau kỳ nghỉ này, công việc sẽ vất vả gấp đôi khi học sinh đã quên nhiều kiến thức.

Nghỉ quá lâu khiến các em khó bắt nhịp trở lại việc học, thời gian dạy bù sẽ rất vất vả cho cả thầy lẫn trò nếu như năm học kéo dài đến tháng 6 hoặc tháng 7 vì thời tiết nắng nóng. Tưởng tượng dãy phòng học bình thường đã hứng trọn ánh nắng gắt sẽ càng khủng khiếp hơn trong mùa hè, tôi đã thấy ớn.

Với năm học này, việc bỗng nhiên vướng phải một kỳ nghỉ bất ngờ chắc chắn sẽ khiến phụ huynh, thầy cô cũng như học sinh vất vả hơn. Chưa kể các ảnh hưởng khác. Quỳnh, cô em họ tôi là giáo viên trường mầm non tư thục đang đối diện với nguy cơ thất nghiệp. Chủ trường nói không kham nổi chi phí mặt bằng, thuế phí trong khi không có nguồn thu nên tính cho giáo viên nghỉ bớt. Và còn rất nhiều trường tư, nhóm trẻ tư thục đang phải tìm người sang nhượng để chấm dứt việc thua lỗ. 

Thậm chí, trong một nhóm đang giải cứu rau trên mạng, tôi tưởng không liên quan, nhưng tìm hiểu ra mới biết rau này do một nông dân chuyên trồng để cung cấp bữa ăn cho các trường học, giờ trường đóng cửa, rau ế, anh đang bị đe dọa mất hết vốn liếng. Cũng may, tôi thấy mọi người mua ủng hộ khá nhiều.

Cuộc sống của hàng triệu gia đình đã, đang và sẽ bị đảo lộn rất nhiều trong "kỳ nghỉ Tết kỷ lục" năm nay. Mệt hơn, tốn kém hơn là điều không thể tránh khỏi. 

Những tranh luận sẽ còn tiếp diễn, nhưng tôi hiểu lý do của quyết định cho nghỉ học. Chúng ta, những người lớn dù ra khỏi nhà song vẫn có ý thức tự phòng dịch cho bản thân và gia đình. Còn học sinh thì khác, trẻ mầm non và tiểu học quá nhỏ, không thể đảm bảo an toàn trong môi trường ăn chung, uống chung, ngủ chung.

Học sinh cấp hai và cấp ba lại rất hiếu động, nghịch ngợm và có cả phần liều lĩnh theo tâm lý lứa tuổi, làm sao cấm các em giao tiếp, trò chuyện? Làm sao bắt chúng luôn đứng cách nhau một đến hai mét? Sinh viên đại học thì đến từ nhiều vùng miền, di chuyển nhiều cũng mang nguy cơ. Và quan trọng hơn, đi học với tâm lý sợ hãi thì chắc chắn hiệu quả của việc học sẽ giảm sút. Không có giải pháp hoàn hảo cho tất cả mọi người trong lúc này. 

Câu hỏi mà tôi, trong tư cách một giáo viên, nhận được nhiều vào lúc này: Việc nghỉ giữa năm quá dài có ảnh hưởng đến bọn trẻ nói chung và học sinh các cấp không? 

Tôi cho rằng việc ảnh hưởng là không thể tránh khỏi, bởi việc gián đoạn kiến thức đột ngột và dài ngày sẽ khiến cả thầy và trò đều rất vất vả khi quay lại trường, lục lọi lại trí nhớ và chữ nghĩa. Hơn nữa, khí hậu mùa hè ở nước ta quá nóng và khô, dễ mệt mỏi, không thích hợp để học tập. Chưa kể tâm lý đến hè phải nghỉ sẽ khiến học trò có thể lơ là đèn sách. Tuy nhiên, chúng tôi nói với nhau, vấn đề có thể giải quyết được. Để tránh học sinh quên kiến thức, một số trường hiện đã dùng hình thức dạy học trực tuyến. Giáo viên giao bài cho học sinh và nhận bài nộp lại qua mạng. Học trò và cô giáo nhiều nơi vẫn giữ kết nối qua các nhóm. 

Điều khiến nhiều người lo lắng chính là kỳ thi quan trọng cuối cấp hoặc chuyển cấp, nhất là kỳ thi Trung học phổ thông quốc gia. Nhưng nếu ngành Giáo dục có phương án giãn năm học, họ hẳn có phương án lùi thời điểm tổ chức các kỳ thi cho khớp tiến độ học tập. Tôi tin khó khăn nào cũng có thể khắc phục, chỉ có con người mới là nhân tố quan trọng nhất. Việc học là hành trình bất tận, chỉ cần còn khỏe mạnh thì chúng ta có cả cuộc đời để học. Bởi cái chúng ta đều cần là chất lượng giáo dục, sức khỏe và tính mạng của hàng triệu học sinh chứ không phải thành tích nào khác.

Nhưng còn những câu hỏi khác, chúng tôi cũng như phụ huynh không thể trả lời. Đó là vấn đề vệ sinh trường học. Sau đợt dịch bệnh, hiện trạng có đổi thay? Các lọ nước khử trùng, rửa tay, hay khẩu trang rồi sẽ được dẹp đi khi mối lo dịch bệnh lắng xuống, còn trường học liệu có đủ an toàn vệ sinh với các em? Các bữa ăn có thực phẩm sạch và an toàn hơn? Nhà vệ sinh có đủ xà phòng và giấy vệ sinh cũng như nước sạch tiện lợi cho các em khi mà bình thường rất nhiều trường đã không đảm bảo tiêu chí này; liệu lớp học có được đảm bảo vô trùng hơn với các nguy cơ bệnh dịch? Công tác y tế trường học có được cải thiện? Thời gian chưa quay lại trường có lẽ rất thích hợp để nhà quản lý suy nghĩ về các câu hỏi đó.

Tôi mới bật cười với trạng thái học trò tôi viết: "Lần đầu tiên lịch sử chứng kiến học sinh cầu xin được đi học", "làm ơn cho chúng em đến trường"... Tôi cũng như các em, đã thấy nhớ trường, nhớ lớp, thèm gặp lại những khuôn mặt thân quen.

Nguồn VNE