BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỷ niệm 104 năm Ngày quốc tế Phụ nữ 8.3: Người đàn bà đẹp

Cập nhật ngày: 09/03/2014 - 09:41

Tặng quà cho người cao tuổi

Trong ký ức của người đàn bà gần 65 tuổi hôm nay, vẫn còn mãi giọng nói nghẹn ngào run rẩy của người cha trong ngày gặp lại: “Lúc đó hai chị em con nhỏ, cha cứ nghĩ gởi tụi con cho bà ngoại, đi tập kết hai năm rồi trở về, có ngờ đâu…”.

Mồ côi tội lắm!

Có ngờ đâu lời hẹn hai năm trở thành hơn hai mươi năm. Vào năm 1954, cha mẹ bà là cán bộ cách mạng, chiến đấu ở chiến khu Bời Lời, Tây Ninh theo lệnh cấp trên tập kết ra Bắc. Nuốt nước mắt vào trong, hai người gửi hai đứa con lớn cho mẹ già, mang theo đứa con trai nhỏ xuống tàu tập kết…

Hai chị em- một lên bốn, một lên ba từ đó nương tựa vào bà ngoại. Vẫn còn nguyên trong ký ức bà những ngày tháng loạn lạc với tiếng bom nổ, đạn rơi ở vùng đất Trảng Bàng. Chị em bà buổi đi học, buổi cùng ngoại gói bánh tét, bánh ú rồi gánh ra chợ bán. Nhờ ngoại, chị em bà cũng được đi học, đỡ phận cút côi, cho dù ngày ngày nhìn thấy bạn bè cùng trang lứa hớn hở tung tăng bên cha mẹ mà không khỏi tủi thân tủi phận. Những lúc ấy, ngoại lại an ủi: “Cha mẹ con đi làm cách mạng, mai mốt sẽ về với chị em con”.

Cha mẹ mãi chưa về, cuộc sống ngày càng khó khăn, ngoại thì ngày càng già yếu. Nhớ đận chị em bà đi theo ngoại xuống ở nhờ người bà con ở cầu Kiệu. Tiếng ở nhờ nhưng là để nấu cơm, quét nhà và… ăn đòn. Năm bà 15 tuổi, với mong ước cho cuộc đời đứa cháu mồ côi đỡ khổ, ngoại quyết định gả chồng cho cháu. 15 tuổi lấy chồng, 16 tuổi có con.

Chưa qua hết tuổi thơ không có một ngày vui, bà bước vào cuộc đời làm vợ làm mẹ và lại tiếp tục những chuỗi ngày đau khổ. Vẫn lam lũ, đội cả trời nắng mưa kiếm từng đồng nuôi con, vậy mà chồng chẳng thương còn thường xuyên đánh đập nên duyên chẳng tròn duyên.

Sài Gòn giải phóng, hoà bình trở lại. Cha mẹ bà trở về trong niềm vui đoàn tụ. Nhưng đất nước sau giải phóng vô vàn khó khăn. Ngoài ba mươi tuổi, thân hình gầy yếu nặng chưa đầy bốn mươi ký, lại thêm bốn đứa con nheo nhóc, sáng mở mắt ra điều suy nghĩ đầu tiên của bà là tiền đâu để mua gạo? Làm thuê làm mướn chưa đủ, bệnh viện huyết học là địa chỉ quen thuộc bà tìm đến để bán máu kiếm tiền nuôi con. Cuộc sống quẫn bách, có lúc bà đã nghĩ đến cái chết.

Đêm đó, bà cầm vỉ thuốc trên tay, quyết kết thúc mọi đau khổ. Lên gác xép để nhìn lại các con lần cuối cùng, bỗng dưng bà tỉnh ngộ: các con mình còn khổ, sao mình có thể chết?

Thương người như thể thương thân

Phải sống vì các con! Lẽ sống ấy khiến người mẹ trẻ như có thêm sức mạnh để đứng lên mạnh mẽ. Bắt đầu lại từ bàn tay khéo léo chuyện bếp núc. Gánh cơm tấm được bà chăm chút từng chút một đã khiến khách ghé lại một lần không thể không đến lần sau.

Việc làm ăn thuận lợi, mở rộng ra dần, đến một ngày thành nhà hàng Phương Nam. Nhà hàng phát triển mạnh đến nỗi có thời gian bị người khác lấy tên. Bà không nản chí, mạnh dạn thành lập Công ty TNHH Nhà hàng Làng Nướng Nam Bộ. Dần dần, bà có thêm Làng Nướng Nam Bộ 2, rồi 3, rồi 4… Rồi cả hệ thống 7 nhà hàng làng nướng và nhà hàng tiệc cưới Nam bộ của bà đã hiện diện khắp nơi.

Hiện giờ là tổng giám đốc của cả một hệ thống nhà hàng tiếng tăm, nhân viên dưới quyền có đến hàng ngàn người nhưng bà vẫn vậy. Vẫn trở dậy từ tờ mờ sáng đi chợ, chọn lựa từng ngọn rau sao cho ngon, miếng thịt sao cho sạch, rồi về nhà hàng, vào ngay bếp chỉ đạo việc nấu nướng, đích thân đảm nhiệm khâu nêm nếm thức ăn.

Con cái, bạn bè thường khuyên: “Già rồi, sức khoẻ yếu rồi, thôi nghỉ ngơi đi”. Bệnh thoái hoá cột sống và giãn tĩnh mạch cũng đang đe dọa bà đó chứ nhưng: “Sở thích nấu ăn đã vào máu thịt rồi, không bỏ được”. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất như lời bà chân tình thổ lộ: “Tự tay đi mua thực phẩm từ gốc, ngoài việc an tâm về mặt chất lượng còn tiết kiệm được một khoản tiền không nhỏ, có tháng tiết kiệm được cả trăm triệu đồng. Số tiền đó có thể giúp được cho rất nhiều người nghèo”.

Tâm nguyện đó không phải đợi đến khi bà có trong tay cả một hệ thống nhà hàng như hiện nay, mà đã được thực hiện từ khi cuộc sống của bà mới bắt đầu ổn định. Cứ lẳng lặng mà làm, ban đầu bà làm một mình, có ít giúp ít, có nhiều giúp nhiều cho những người bà con, người nghèo ở quê hương Trảng Bàng, rồi đến những vùng quê khác. Mấy năm sau này, bà cùng bạn bè chung chí hướng đi khắp mọi nơi, sang tận nước bạn Lào, Campuchia, hễ nơi nào có người nghèo là có mặt.

Những buổi khám bệnh, phát thuốc, tặng quà, trao học bổng, xây nhà tình nghĩa, tình thương, xây cầu, xây trường… ở khắp mọi nơi được thực hiện từ đôi bàn tay và tấm lòng “thương người như thể thương thân” của bà và những người bạn.

Đặc biệt, mọi hoạt động liên quan hướng về Trường Sa luôn được bà và các con hưởng ứng nhiệt tình, như nhắn tin “góp đá cho Trường Sa”, tham gia ban vận động và đóng góp xây dựng trường học ở đảo Trường Sa lớn trong năm 2013; sắp tới sẽ là một ngôi trường ở đảo Sinh Tồn. Không ít lời đồn thổi, cho rằng bà làm những việc như trên là để đánh bóng tên tuổi nhưng với bà điều đó không quan trọng. Bà làm từ thiện chỉ bằng tấm lòng của một người từng trải qua nghèo khó.

Những bàn tay làm đẹp cuộc đời

Bà tên là Nguyễn Ngọc Thu- Tổng Giám đốc hệ thống nhà hàng Làng Nướng Nam Bộ và là người con của quê hương Gia Lộc, Trảng Bàng. Tinh thần lao động, tấm lòng nhân hậu của bà đã được nhiều tổ chức vinh danh. Bà là một trong những tấm gương tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước của thành phố Hồ Chí Minh.

Nhưng những điều bà làm không phải để… thi đua. Nhiều người nghèo từng được bà giúp đỡ không hề biết bà là chủ của cả một hệ thống nhà hàng tên tuổi. Với họ bà chỉ là dì Thu, chị Thu, em Thu, cháu Thu… chơn chất, dễ gần. Còn tôi, tôi thích gọi bà là “người đàn bà đẹp”, thích nắm lấy bàn tay đầy vết chai của bà- giống như bàn tay của mẹ tôi và bao người mẹ lam lũ khác. Những bàn tay ấy bao giờ cũng là nguồn sinh lực cho cuộc sống tốt đẹp hơn.

THANH NAM