Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng
Kỷ niệm 60 năm thành lập Tiểu đoàn 302 chủ lực phân liên khu miền Đông: Cái nôi của chiến thuật đặc công
Thứ tư: 02:59 ngày 18/11/2009

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - Trải qua chặng đường chiến đấu chỉ gần 5 năm (từ ngày 18.11.1949 đến ngày 20.6.1954), nhưng đã ghi đậm bao chiến tích vào trang sử của quân dân miền Đông, trong đó có khá nhiều chiến trận diễn ra trên quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường.

Niềm vui chiến thắng của bộ đội đặc công.

Buổi lễ kỷ niệm diễn ra hôm 15.11.2009 tại Bộ CHQS tỉnh Bình Dương. Tiểu đoàn 302 là đơn vị chủ lực đầu tiên của phân liên khu miền Đông Nam bộ, trải qua chặng đường chiến đấu chỉ gần 5 năm (từ ngày 18.11.1949 đến ngày 20.6.1954), nhưng đã ghi đậm bao chiến tích vào trang sử của quân dân miền Đông, trong đó có khá nhiều chiến trận diễn ra trên quê hương Tây Ninh trung dũng kiên cường. Và đặc biệt, đáng tự hào nhất - đơn vị này là “cái nôi” sáng tạo ra chiến thuật đặc công của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng.

Từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chín năm chống thực dân Pháp xâm lược, những thanh niên giàu lòng yêu nước từ các tỉnh Gia Định, Biên Hoà, Thủ Dầu Một, Tây Ninh... xuất thân từ lớp người cần lao, thợ thuyền trong các hãng xưởng, đồn điền cao su của thực dân Pháp, nghe theo tiếng gọi non sông gia nhập Vệ quốc đoàn lên đường cứu nước. Dù những người lính đầu tiên đầu trần chân đất, vũ khí trong tay chỉ là cây giáo, lưỡi mác, ngọn tầm vông vạc nhọn, rồi có thêm rất ít súng đạn lấy được của giặc vẫn quyết chí hy sinh với lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh” đã đứng vào đội ngũ đơn vị với phiên hiệu đầu tiên là Tiểu đoàn Trần Quốc Tuấn.

Sau gần hai năm chiến đấu, Xứ uỷ Nam bộ thành lập phân liên khu miền Đông, Tiểu đoàn Trần Quốc Tuấn đổi tên thành Tiểu đoàn 302 và trở thành đơn vị chủ lực của phân liên khu cho đến ngày tập kết ra miền Bắc sau Hiệp định Genève 1954. Địa bàn hoạt động của Tiểu đoàn gồm các tỉnh miền Đông Nam bộ, đồng thời có cả vùng Đông Nam nước Campuchia khi đơn vị làm nghĩa vụ quốc tế giúp bạn.

Trong 5 năm ngang dọc các chiến trường, Tiểu đoàn 302 lập chiến công vang dội với những địa danh gắn liền với phiên hiệu của đơn vị như Bến Mương, Bàu Cỏ, Tà Dơ, lộ 4, lộ 22, Cầy Xiêng, Bến Sỏi, Chà Là, Truông Mít, Bùng Binh, Đồng Rùm, Bến Củi, Đất Sét, Suối Ông Hùng, O’Conel, Cầu Khởi... trên địa bàn tỉnh Tây Ninh, cùng những chiến công ở các tỉnh miền Đông và Campuchia. Tiểu đoàn đã đánh 102 trận, diệt và bức rút 70 đồn bót giặc, tiêu diệt 1.948 tên địch, làm bị thương 222 tên, bắt sống 128 tên; phá huỷ 123 xe quân sự các loại, 1 đại bác 155 ly, thu 538 súng các loại, có cả pháo 40 ly, trên 15 tấn đạn dược và 25 xe quân trang, quân dụng...

Điểm son trong lịch sử quân sự nước nhà mà Tiểu đoàn 302 ghi được, chính là việc Tiểu đoàn đã sáng tạo ra chiến thuật “đặc công” và hoàn thiện chiến thuật này để nhân rộng ra khắp các chiến trường suốt hai thời kỳ kháng chiến. Trận đánh đặc công đầu tiên là trận diệt bót Cầu Định năm 1949, rồi đến một năm sau, người chiến sĩ đặc công Nguyễn Văn Rỡ của Tiểu đoàn 302 đã đột nhập vào “tung thâm” đồn Rạch Kiến dùng bộc phá phá huỷ khẩu đại pháo 155 ly của giặc Pháp,  góp phần hoàn thiện, nâng cao chiến thuật đặc công. Với sự chỉ đạo của trên, Tiểu đoàn đã cử một đoàn cán bộ đi phổ biến, tập huấn cách đánh đặc công cho các chiến trường Nam Bộ, Liên khu V và cả ở miền Bắc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh và Đại tướng Võ Nguyên Giáp khen ngợi. Từ đó với chiến thuật đặc công, quân kháng chiến Việt Nam đã đánh cho giặc Pháp thất điên bát đảo trên khắp các chiến trường cả nước. Chiến thuật đặc công của quân ta đã vô hiệu hoá hoàn toàn hệ thống các boong-ke, lô cốt, tháp canh dày đặc trên khắp mọi nẻo đường, mà trung tướng De la Tour của quân đội viễn chinh Pháp đã dày công thiết lập hòng bao vây, cô lập các chiến khu, căn cứ kháng chiến của quân ta.

Tiếp bước cha anh.

Cuối năm 1954, thi hành Hiệp định Genève, Tiểu đoàn 302 tập kết ra miền Bắc, được phiên chế vào Sư đoàn 330 xây dựng quân đội chính quy hiện đại để sau đó lên đường hồi kết về Nam chiến đấu với quân xâm lược Mỹ, giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước. 60 năm đã trôi qua, trong dịp kỷ niệm Ngày truyền thống đơn vị, Ban liên lạc cựu chiến binh Tiểu đoàn 302 đã ra công nối lại mối dây liên lạc đồng đội và kiểm điểm lại từ 2.000 cán bộ chiến sĩ Tiểu đoàn hiện nay chỉ còn sống chưa đầy 300 người. Hơn nửa thế kỷ mới có dịp gặp lại nhau, những người lính già đầu bạc vẫn giữ được tính chất hào sảng của những người đã “ra đi theo tiếng kêu sơn hà nguy biến” từ mùa thu năm xưa.

QUANG HUY

(Theo tài liệu của Ban liên lạc TĐ 302)

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục