Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Tư tưởng Hồ Chí Minh 20 tháng 11
Kỹ sư công nghệ đam mê nông nghiệp sạch
Thứ sáu: 00:21 ngày 03/02/2023

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Là một kỹ sư công nghệ thông tin, nhưng anh Lữ Nhật Linh (38 tuổi) lại đam mê nông nghiệp sạch, nung nấu mở hướng liên kết du lịch cộng đồng tại địa phương.

Kỹ sư công nghệ thông tin Lữ Nhật Linh.

Khu vực quanh chân núi từ lâu được mệnh danh là “thủ phủ” mãng cầu Bà Đen, một đặc sản ở Tây Ninh, có diện tích lên tới 5.000 ha. Mãng cầu Bà Đen là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị kinh tế của tỉnh.

Chất lượng khác biệt, mãng cầu Bà Đen Tây Ninh luôn được người tiêu dùng ưa chuộng; người dân nhờ vào cây mãng cầu mà phát triển kinh tế gia đình, vươn lên làm giàu.

Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, không ít người làm nông nghiệp nói chung, trồng mãng cầu nói riêng hay gặp cảnh “được mùa, mất giá”, hầu hết sản phẩm bán ra thị trường đều phụ thuộc vào thương lái, nên giá bán tại vườn rất thấp, trong khi sản phẩm đến tay người tiêu dùng bị đội giá lên rất nhiều.

Năm 2017, anh Lữ Nhật Linh đầu tư trồng mãng cầu. Hơn 4 ha đất tại khu vực chân núi Bà Đen (thuộc xã Suối Đá, huyện Dương Minh Châu), anh áp dụng theo chuẩn VietGAP, ứng dụng khoa học công nghệ quản lý từ giai đoạn đơm bông, kết trái cho tới thu hoạch. “Tôi là người con của Tây Ninh, tôi muốn cùng bà con tiếp cận công nghệ và đưa đặc sản tỉnh nhà đi lên đúng tầm của trái mãng cầu Tây Ninh”- anh Linh nói.

Anh cho biết, nhờ sự hỗ trợ của đồng nghiệp, anh áp dụng công nghệ vào quy trình trồng, chăm sóc và thu hoạch trái mãng cầu một cách bài bản. Để trái mãng cầu đạt chất lượng chuẩn VietGAP, đầu ra hiệu quả, an toàn, anh cho biết: “Trước khi thu hoạch, chúng tôi cắt nguồn thuốc hoàn toàn trước 30 ngày để bọc trái, tránh sâu, dòi xâm hại.

Hệ thống thông tin, thống kê còn giúp chúng tôi nên làm trái mãng cầu ở giai đoạn nào, dùng loại phân bón nào hữu hiệu, đồng thời cho thu hoạch trái phù hợp với thời tiết. Sản phẩm mãng cầu của chúng tôi bán đến nhiều tỉnh, thành phố, được người tiêu dùng ưa chuộng”.

Hiện nay, sản phẩm mãng cầu sạch chuẩn VietGAP của anh Linh được cung ứng tại thành phố Thủ Đức, các tỉnh miền Trung (đặc biệt tại Đà Nẵng), các tỉnh Tây Nguyên như: Đăk Lăk, Gia Lai một số tỉnh, thành phố thuộc khu vực đồng bằng sông Cửu Long.

Theo anh Linh, mãng cầu Bà Đen được người tiêu dùng trên cả nước đánh giá chất lượng từ mẫu mã đến độ ngon ngọt bên trong. Trung bình, mỗi ký mãng cầu chuẩn VietGAP được bán tại vườn có giá 45.000 đồng - 60.000 đồng. Với 1 ha, anh Linh thu lãi trên dưới 100 triệu đồng/vụ.

Ngoài ra, anh còn đầu tư thêm mô hình nhà container trên 1,4 ha đất vườn bên cạnh, để du khách vừa trải nghiệm vườn mãng cầu, vừa tận hưởng không khí trong lành, cảnh đẹp quanh khu vực dưới chân núi Bà Đen. “Khu vực núi Bà Đen có khí hậu ôn hoà quanh năm, ban ngày có nhiều nắng nhưng không gay gắt, đêm kéo dài, nhiệt độ thấp, địa hình triền núi dốc thoai thoải vừa là điều kiện tốt cho cây mãng cầu phát triển, vừa là điểm lý tưởng cho du khách trải nghiệm”- anh Linh cho biết.

Anh chia sẻ thêm: “Giai đoạn thu hoạch mãng cầu có giới hạn từ 15-30 ngày, nếu lượng du khách đến trong cùng một thời điểm cũng là một điều khó, nên cần có sự liên kết giữa các nhà vườn với nhau. Khi đó, mỗi nhà vườn sẽ tổ chức luân canh, luân chuyển trong một giai đoạn nhất định. Có như vậy, mô hình farmstay trên địa bàn tỉnh Tây Ninh sẽ có hiệu ứng tốt”.

Sản phẩm mãng cầu Bà Đen Tây Ninh đã được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý, được UBND tỉnh Tây Ninh xếp hạng sản phẩm OCOP 4 sao năm 2021. Hy vọng, mô hình trải nghiệm farmstay sẽ được chàng kỹ sư công nghệ thông tin đầu tư theo chiều sâu, mở hướng cho du lịch cộng đồng không chỉ ở tại vườn của mình, mà còn tại nhiều địa phương khác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.

Tâm Giang

Báo Tây Ninh
Liên kết hữu ích
Tin cùng chuyên mục