Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006
Thứ bảy: 02:15 ngày 29/06/2024

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTN) - Đây là kỳ thi cuối cùng của thế hệ học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Năm học sau, học sinh cuối cấp THPT thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Trong hai ngày 27 và 28.6, cùng với hơn một triệu thí sinh trong cả nước, hơn 10.500 thí sinh Tây Ninh bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Đây là kỳ thi cuối cùng của thế hệ học sinh học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Năm học sau, học sinh cuối cấp THPT thi theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Thí sinh thi tại điểm thi Trường THPT Hoàng Văn Thụ ra khỏi phòng sau khi hết giờ làm bài môn Toán.

Ngày 17.7 công bố kết quả thi

Báo cáo nhanh của Sở GD&ĐT thấy, ngày 27.6, toàn tỉnh có 29 thí sinh vắng thi môn Ngữ văn- môn thi đầu tiên của kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Trong số các thí sinh vắng thi nêu trên, một thí sinh nam bệnh nặng và mất trước ngày thi, hai thí sinh nữ bệnh, phải nhập viện. Môn thi đầu tiên, kỷ luật phòng thi được thực hiện nghiêm túc, không thí sinh hoặc giám thị nào vi phạm quy chế thi.

Chiều 27.6, Tây Ninh có 10.332 thí sinh dự thi môn Toán, 28 thí sinh không dự thi môn này. Cộng số lượt thí sinh không dự thi môn Ngữ văn trong sáng cùng ngày, Tây Ninh có 57 lượt thí sinh vắng thi trong ngày đầu tiên. Buổi thi môn Toán không xảy ra bất kỳ sự cố đáng tiếc nào.

Ngày 28.6 (ngày thi cuối cùng), buổi sáng thí sinh làm bài thi tổ hợp môn Khoa học xã hội hoặc Khoa học tự nhiên, buổi chiều thí sinh làm bài thi Ngoại ngữ. Tất cả bài thi tổ hợp hoặc ngoại ngữ, thí sinh đều làm đề trắc nghiệm.

Theo kế hoạch, ngày 17.7, Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT. Sau đó, thí sinh đăng ký, điều chỉnh nguyện vọng xét tuyển đại học từ ngày 18 đến 30.7.

Nhìn lại một chặng đường

Nhân nói về kỳ thi cuối cùng của Chương trình giáo dục phổ thông 2006, cần khái quát lại lịch sử thi cử, đặc biệt là cách thức thi tốt nghiệp và tuyển sinh đại học với mốc thời gian từ năm 1991. Năm 1991, sau khi học xong lớp 12, học sinh phải dự thi để được công nhận tốt nghiệp THPT (thường chỉ thi 4 môn). Sau đó, nếu có nguyện vọng tiếp tục con đường học vấn, học sinh đăng ký tuyển sinh đại học theo từng khối thi A, B, C, D… Mỗi khối thi gồm 3 môn. Muốn thi vào trường nào, thí sinh nộp hồ sơ vào trường đó. Mỗi trường ra một đề thi riêng, Bộ GD&ĐT không ra đề chung cho tất cả học sinh trên toàn quốc. Cách thức thi tốt nghiệp và thi tuyển sinh như trên duy trì từ năm 1991 đến năm 2002.

Bắt đầu từ năm học 2002-2003, Bộ GD&ĐT thay đổi cách thức kỳ thi tuyển sinh vào đại học bằng cách tổ chức kỳ thi “ba chung” gồm chung đề, chung đợt, chung kết quả. Sự thay đổi lớn nhất của phương thức thi này ở chỗ, các trường đại học, cao đẳng không còn được quyền tự ra đề thi như giai đoạn trước, thay vào đó, đề thi trên toàn quốc do Bộ GD&ĐT ra. Sau khi tốt nghiệp, thí sinh vẫn dự thi đại học, cao đẳng nhưng bằng một đề chung, thống nhất. Thí sinh chỉ có mỗi việc lựa chọn trường đại học, cao đẳng nào để đăng ký. Toàn bộ đề thi, điểm sàn (điểm tối thiểu) do Bộ quyết định, nhà trường chỉ công bố điểm chuẩn cho từng ngành. Điều này khiến trường đại học, cao đẳng không còn toàn quyền “muốn làm gì thì làm”. Khi kết quả thi tuyển được công bố, bằng cách lấy điểm từ trên xuống, thí sinh nào đủ điểm coi như trúng tuyển đại học. Kỳ thi “ba chung” duy trì từ năm học 2002-2003 đến năm học 2013-2014. Điểm giống nhau của kỳ thi này với kỳ thi của giai đoạn từ 1991-2002 là, học sinh lớp 12 vẫn có hai kỳ thi riêng biệt.

Sau 12 năm áp dụng, bắt đầu từ năm học 2014-2015, kỳ thi “ba chung” kết thúc. Để thay thế, Bộ GD&ĐT quyết định cho ra đời một hình thức thi mới có tên gọi “kỳ thi trung học phổ thông quốc gia”, chỉ tổ chức một kỳ thi để phục vụ cho hai mục đích, gồm xét công nhận tốt nghiệp và dùng điểm thi tốt nghiệp để tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Ưu điểm, hạn chế của kỳ thi này đã được bàn luận, phân tích nhiều, không nhắc lại ở đây. Theo lộ trình, kỳ thi này sẽ duy trì từ năm 2015 cho đến ít nhất sau năm 2021. Tuy nhiên, dịch bệnh Covid-19 như một “biến cố lịch sử” không ai lường được. Chính vì điều đó, kỳ thi THPT quốc gia không thể duy trì, dù đã tinh giản chương trình, lùi thời gian kế hoạch năm học.

Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức lần cuối cùng vào năm 2019, do ảnh hưởng của dịch Covid-19.

Sau thời điểm này, Bộ GD&ĐT tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT (không còn sử dụng tên gọi kỳ thi THPT quốc gia) nhưng vẫn áp dụng kết quả của kỳ thi cho

hai mục đích: công nhận tốt nghiệp THPT và lấy điểm thi, học bạ làm căn cứ tuyển sinh đại học. Đến năm học 2023-2024, mô hình một kỳ thi phục vụ hai mục đích đã thực hiện tròn 10 năm. Mục đích chính của quyết định gộp hai kỳ thi (tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng) nhằm giảm bớt tình trạng luyện thi, học tủ, học lệch và giảm bớt chi phí. Để tham dự kỳ thi, thí sinh phải thi ít nhất 4 bài thi gồm 3 bài thi độc lập bắt buộc là Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ đối với học sinh THPT, 2 bài thi độc lập bắt buộc là Toán, Ngữ văn đối với học sinh GDTX và một bài thi tổ hợp Khoa học tự nhiên (Vật lý, Hoá học, Sinh học) và Khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân).

Ý định tổ chức một kỳ thi quốc gia chung đã từng được lên kế hoạch từ năm 2009 và có thể tổ chức lần đầu vào năm 2010. Tuy nhiên, do chưa chuẩn bị đầy đủ nên phải hoãn lại.

Năm 2016, mỗi tỉnh, thành phố tổ chức một cụm thi đại học và một cụm thi tốt nghiệp. Từ năm 2017, mỗi tỉnh, thành phố chỉ còn một cụm thi duy nhất do Sở GD&ĐT tỉnh/thành phố đó chủ trì có sự phối hợp của các trường đại học. Điều này tránh được việc thí sinh phải qua tỉnh khác tham gia kỳ thi.

Cho đến nay, tính cả kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2023-2024, kỳ thi này đã tổ chức được 10 năm. Theo đánh giá của các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục và cả dư luận xã hội, kỳ thi đã lồng ghép sự công bằng, khách quan, nghiêm túc của thi đại học cùng với sự nhẹ nhàng của thi tốt nghiệp THPT.

Việc tổ chức thi theo cụm (sau này học ở đâu thi ở đó) góp phần giảm thiểu rủi ro và cả nỗi nhọc nhằn, phụ huynh chỉ phải đi xa đúng một lần và giảm bớt chi phí đi lại. Kỳ thi này cũng giảm bớt chi phí tổ chức, in ấn và tình trạng luyện thi đại học tràn lan. Từ năm 2017, hầu hết các môn thi được chuẩn hoá thi theo hình thức trắc nghiệm, giúp kiểm tra được khối lượng kiến thức rộng, tránh học vẹt học tủ.

Vẫn còn hạn chế

Một kỳ thi phục vụ hai mục đích, từ lần đầu tổ chức (năm 2015) cho đến hiện tại vẫn còn những hạn chế. Năm 2015, nhiều thí sinh vùng núi vẫn phải đi lại xa để dự thi đại học do hình thức tổ chức theo cụm chỉ tổ chức các điểm thi ở tỉnh có trường đại học chủ trì cụm thi. Rất nhiều trường đại học thêm nhiều tổ hợp mới, làm cho cách xét điểm sàn khó khăn. Tỷ lệ tốt nghiệp năm đầu tiên tổ chức đạt gần 92% nhưng nhiều chuyên gia vẫn khẳng định chưa phản ánh đúng thực chất.

Năm 2017, năm đầu tiên các môn được tổ chức thi trắc nghiệm, việc xuất hiện hàng ngàn điểm 10 và điểm sàn nhiều trường (lấy kết quả thi THPT quốc gia) lên rất cao (29-30 điểm vẫn trượt đại học) khiến dư luận cho rằng đề thi trắc nghiệm quá dễ, khó phân loại học sinh và lắm rủi ro. Năm 2018, đề thi một số môn được phản ánh là quá khó, nhiều chuyên gia cũng gặp khó khăn khi giải đề, phổ điểm một số môn thấp, đặc biệt là Lịch sử và Ngoại ngữ. Khâu chấm thi xuất hiện “có vấn đề” ở một số địa phương. Năm 2018, kỳ thi xuất hiện hàng loạt sai phạm trong công tác chấm thi dẫn đến việc nâng điểm cho thí sinh trên quy mô lớn ở nhiều địa phương.

Kể từ năm 2020 đến nay, kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức trở lại với cách thức gần giống với kỳ thi THPT quốc gia và mang mục đích chính là xét tốt nghiệp THPT. Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2023 và 2024, hoàn toàn do mỗi địa phương tổ chức. Các trường đại học vẫn có thể sử dụng kết quả thi tốt nghiệp làm căn cứ tuyển sinh đại học.

Việt Đông

data:
Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục
Ý kiến bạn đọc
Báo Tây Ninh