Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Tư tưởng Hồ Chí Minh
Kỳ thi hiện nay là Bộ GD-ĐT đang “làm hộ” các trường đại học
Thứ hai: 14:55 ngày 06/08/2018

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
Với các vụ việc gian lận thi cử ở các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình gây rúng động xã hội, Bộ GD-ĐT đã đưa ra phương hướng hoàn thiện cho kỳ thi năm 2019.

Đó là hoàn thiện phần mềm chấm thi theo hướng tăng cường tính bảo mật, ngăn ngừa nguy cơ gian lận trong chấm thi, cải tiến phương thức tổ chức chấm thi theo hướng chấm tập trung theo các cụm và tăng cường chức năng quản lý Nhà nước, vai trò giám sát, thanh, kiểm tra của Bộ GD-ĐT và trách nhiệm đối với các hội đồng thi. 

Báo SGGP có cuộc trao đổi với GS Đào Trọng Thi, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, về vấn đề này.

Phóng viên: Dù Bộ GD-ĐT đưa ra định hướng kỳ thi cho năm 2019, nhưng nhiều ý kiến cho rằng nên trả lại việc thi hoặc xét thi tốt nghiệp cho địa phương, giao thi đại học cho các trường đại học để hạn chế thấp nhất tiêu cực?

GS ĐÀO TRỌNG THI: Kỳ thi THPT quốc gia thường gọi là “2 trong 1” do mục đích xét tuyển đại học rõ ràng, tỷ lệ chọi cao nên động cơ tiêu cực lớn. Còn nếu kỳ thi chỉ với mục đích tốt nghiệp THPT thì chắc động cơ tiêu cực sẽ không có.

Kỳ thi nào mà sự cạnh tranh càng cao thì nguy cơ tiêu cực càng lớn. Bộ tổ chức thi hay trường đại học tổ chức thi thì đều có nguy cơ tiêu cực nếu quy chế thi không chặt chẽ, không kín kẽ.

Ngay cả việc chúng ta thi trắc nghiệm như hiện nay cũng không đúng như cách thế giới đang làm. Thế giới thi trắc nghiệm hoàn toàn trên máy tính, không phải lo khâu coi thi, chấm thi, không có tiêu cực xảy ra. Còn chúng ta thi trắc nghiệm trên giấy, nên cả khâu coi thi, chấm thi đều có thể xảy ra tiêu cực, mà thực tế gian lận thi cử năm nay đã chứng minh.

Kỳ thi này 2 mục tiêu là xa nhau nên rất khó dùng một đề thi, một bài thi để đánh giá. Cá nhân tôi từ đầu đến cuối không ủng hộ kỳ thi “2 trong 1”, mà nên tách thành 2 kỳ thi. Tuy nhiên, tôi đồng ý với nhiều chuyên gia giáo dục rằng sự thay đổi toàn diện việc thi, tuyển sinh không thể làm ngay năm sau vì cần quá trình chuẩn bị để thực hiện đạt chất lượng tốt.

 Nếu tách thành 2 kỳ thi sẽ lại gây áp lực cho thí sinh, xã hội?

Giảm áp lực thi cử bằng cách giao thi tốt nghiệp THPT cho địa phương và tương lai xa có thể giao cho nhà trường xét tốt nghiệp THPT cho học sinh. Tuy là giao cho địa phương nhưng vẫn sử dụng ngân hàng đề thi chung, phần mềm thi chung và thậm chí quy chế thi chung. 

Còn thi đại học thì nên giao cho các trường để họ tự chủ. Khi để các trường ĐH tổ chức thi thì lúc đó sẽ chỉ còn là các kỳ thi cấp trường, không còn là kỳ thi mang tính toàn quốc nữa. Như vậy sẽ không còn áp lực lớn cho xã hội nữa.

Trên thực tế, sau một thời gian để các trường tự chủ, nhiều trường ĐH không tổ chức thi riêng, mà hầu hết vẫn thích sử dụng kết quả kỳ thi quốc gia để tuyển sinh, thưa ông?

Đúng là như vậy. Không phải trường nào cũng có thể tự tổ chức một kỳ thi vì tốn kém, phức tạp, nhất là khâu đề thi rất khó làm. 

Giá trị của kỳ thi “2 trong 1” hiện nay có những tiện lợi nhất định, ví dụ những trường không có nhu cầu tổ chức thi riêng thì họ sẽ sử dụng kết quả đó để tuyển sinh. Kỳ thi hiện nay là Bộ GD-ĐT đang “làm hộ” các trường ĐH.

Trong buổi họp mới đây với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam để hiến kế giải pháp đổi mới thi cử, một số chuyên gia cũng cho rằng trong tương lai không xa, Việt Nam cũng phải có những trung tâm khảo thí độc lập theo mô hình SAT, ACT của Mỹ để trợ giúp trường ĐH-CĐ tuyển sinh. Ý kiến của GS ra sao?

Điều đó là đúng, nhưng giao kỳ thi cho một trung tâm khảo thí thì trung tâm đó cũng phải có tư cách thế nào. Kể cả khi có trung tâm thì họ cũng chỉ làm dịch vụ, giúp cho các trường thôi, còn trường ĐH vẫn phải tham gia vào khâu tổ chức để bảo đảm tin cậy. 

Cái khó nhất của các trường hiện nay là đề thi, vì thế tương lai có thể giao kỳ thi cho trung tâm khảo thí nhưng Bộ GD-ĐT vẫn phải nắm khâu đề thi để bảo đảm sự chuẩn hóa trong toàn quốc. Bộ nên có một ngân hàng đề thi rộng lớn, thi trắc nghiệm trên máy tính hoàn toàn. Khi thí sinh thi xong là có kết quả ngay trên máy, sẽ hoàn toàn loại bỏ được việc can thiệp của con người. 

Khi Bộ GD-ĐT nắm khâu đề thi và phần mềm thi thì dù giao cho địa phương tổ chức thi tốt nghiệp và giao cho trung tâm khảo thí tổ chức thi để giúp các trường ĐH-CĐ tuyển sinh, vẫn bảo đảm tính chuẩn hóa, thống nhất về mặt chất lượng trên toàn quốc, đánh giá được năng lực chung của cả nước. 

Tuy nhiên, từ nay đến khi có các trung tâm đó, việc tuyển sinh vẫn là quyền và trách nhiệm của trường ĐH. Luật Giáo dục đại học đã quy định như vậy. Các trường có thể sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia hoặc có những cuộc sát hạch khác, thi riêng hoặc theo cụm, để tuyển được sinh viên phù hợp.

Theo tôi, về cơ bản, kỳ thi THPT quốc gia sẽ tiếp tục tiến hành trong hai năm 2019, 2020, bản chất là xét tốt nghiệp THPT. Đề thi sẽ được điều chỉnh để phù hợp với mục tiêu này. Quy chế thi sẽ phải hoàn thiện để bịt lỗ hổng có thể gian lận thi cử như năm 2018 đã phát hiện.

Từ năm 2021, việc thi và tuyển sinh ĐH-CĐ sẽ phải thay đổi căn bản, theo hướng tiệm cận cách làm của các nền giáo dục tiên tiến. Bộ GD-ĐT cần sớm công bố phương án và lộ trình cải cách chi tiết.

Nguồn SGGPO

Báo Tây Ninh
Tin cùng chuyên mục