Hotline: 02763.822322
|
Đọc báo in
Tải ứng dụng
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Tư tưởng Hồ Chí Minh Đại hội Đảng Báo chí Cách Mạng Việt Nam
Kỳ thi quốc gia năm 2015: Tuy một mà… ba.
Thứ năm: 05:20 ngày 18/09/2014

Theo dõi Báo Tây Ninh trên
google news
(BTNO) - (BTNO) - Mặc dù quyết định nói trên đã chính thức ban hành nhưng một số nội dung trong đó còn rất chung chung, thậm chí mơ hồ- đọc mãi vẫn… không hiểu. Cũng vì thế nó đã gây ra những tranh cãi. Lãnh đạo Bộ nói sẽ sửa quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng và trong quy chế sửa đổi này sẽ quy định cụ thể hơn song điều đó vẫn chưa thể làm cho người trong cuộc yên tâm được.

Một kỳ thi hoàn toàn mới đang chờ học sinh phổ thông.

Sau nhiều luồng dư luận, Bộ Giáo dục - Đào tạo đã chính thức công bố quyết định sẽ tổ chức một kỳ thi quốc gia vào năm 2015. Theo tinh thần của quyết định này, kỳ thi quốc gia vào năm 2015 sẽ được sử dụng đồng thời cho hai mục đích: xét công nhận tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 và tuyển sinh vào đại học, cao đẳng.

Tuy là kỳ thi “hai trong một” nhưng được chia làm hai nhóm đối tượng dự thi: nhóm chỉ thi để lấy bằng tốt nghiệp THPT và nhóm dự thi để được xét tuyển vào bậc giáo dục chuyên nghiệp. Nhóm thứ nhất thi tại địa phương do Sở Giáo dục - Đào tạo mỗi tỉnh, thành tổ chức. Nhóm thứ hai thi tại cụm thi được đảm trách bởi các trường đại học. Những thí sinh chỉ có nhu cầu thi lấy bằng tốt nghiệp THPT sẽ thi 3 môn bắt buộc (Ngữ văn, Toán, Tiếng Anh) và một môn tự chọn cộng với kết quả học tập được ghi trong học bạ phổ thông. Thí sinh thi tại cụm sẽ thi thêm một hoặc một số môn thi theo quy định của trường đại học.

Sau khi quyết định chính thức được Bộ Giáo dục - Đào tạo công bố rộng rãi trên các phương tiện truyền thông, vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quyết định của Bộ. Tuy nhiên, có cơ sở thực tế để nói rằng tỷ lệ không ủng hộ cao hơn so với số còn lại.

Mặc dù quyết định nói trên đã chính thức ban hành nhưng một số nội dung trong đó còn rất chung chung, thậm chí mơ hồ- đọc mãi vẫn… không hiểu. Cũng vì thế nó đã gây ra những tranh cãi. Lãnh đạo Bộ nói sẽ sửa quy chế tuyển sinh đại học, cao đẳng và trong quy chế sửa đổi này sẽ quy định cụ thể hơn song điều đó vẫn chưa thể làm cho người trong cuộc yên tâm được.

Trở lại với quyết định về tổ chức kỳ thi quốc gia vào năm 2015, không mấy khó khăn để nhận ra sự lúng túng trong cách làm còn nặng tính đối phó của Bộ Giáo dục - Đào tạo. Ban đầu, Bộ cho biết có 3 cách thức tổ chức kỳ thi là thi theo bài, thi theo môn và thi tất cả các môn. Nhưng sau khi công bố 3 kiểu thi, 3 cách thức thi như vừa nêu, dư luận phản ứng rằng cả 3 cách thức ấy đều không ổn, tiềm ẩn nhiều rủi ro và mâu thuẫn. Có lẽ do “ngộ” ra điều này, đến sát ngày phải công bố quyết định, Bộ đã cho công bố phương án thứ tư (tức phương án chính thức trong quyết định).

Phương án này rõ ràng không có trong hình dung, ý tưởng ban đầu của Bộ. Nhắc đến điều này chợt nhớ đến chương trình phân ban ở bậc THPT- một chương trình đã phá sản hoàn toàn mà không có cơ quan nào lên tiếng thừa nhận. Lúc đầu, phương án phân ban của Bộ gồm có 3 ban: ban A, ban B và ban C. Đến sát thời điểm triển khai phân ban đại trà trên toàn quốc, kết quả thăm dò cho thấy tỷ lệ học sinh chọn các ban chênh lệch quá lớn, ban C gần như bị triệt tiêu hoàn toàn. Để cứu vãn tình thế, Bộ liền… nảy sáng kiến cho ra đời thêm một ban: Ban Cơ bản- là ban “pha trộn” của 3 ban kia!

Việc Bộ quyết định chọn 3 môn thi bắt buộc là Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh trong kỳ thi năm 2015, mới nghe qua thì thấy hợp lý song việc sử dụng kết quả điểm thi của 3 môn học này cộng với một vài môn thi khác do các trường đại học quy định (đã đề cập ở phần trên) để làm cơ sở tuyển sinh vào đại học, cao đẳng lại là một cách làm thiếu cơ sở khoa học.

Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh mặc dù là những môn học quan trọng nhưng không nên tuyệt đối hoá vai trò của chúng. Bởi vì đặc trưng của giáo dục nghề nghiệp là tính chuyên môn hoá, tính khu biệt cao. Việc “mặc định” 3 môn thi như vừa nêu trên khiến cho những học sinh chọn khối A, B vốn được định hình ngay từ hồi học lớp 10 trở nên thiệt thòi, không bảo đảm sự công bằng. Xét cả trên phương diện lý thuyết lẫn thực tiễn, việc đòi hỏi học sinh phải học toàn diện, giỏi toàn diện 13 môn học (kể cả môn thể dục) là một yêu cầu duy ý chí, bất chấp thực tế khách quan.

 Liên quan đến môn Tiếng Anh, trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm học 2013 - 2014, môn học này không nằm trong số những môn thi bắt buộc. Tại Tây Ninh, tỷ lệ thí sinh đăng ký dự thi môn Tiếng Anh chưa đến 15%. Tại kỳ họp thứ 7 vừa qua, trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội vì sao không quy định Tiếng Anh là môn thi bắt buộc, Bộ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo Phạm Vũ Luận trả lời: dạy và học ngoại ngữ còn rất khó khăn, nhiều bất cập, hiện nay việc dạy Tiếng Anh ở Việt Nam không giống bất kỳ nơi nào trên thế giới, vì thế, chừng nào củng cố được điều kiện dạy và học ngoại ngữ thì môn học này sẽ là môn thi bắt buộc. Ấy thế nhưng chỉ vài tháng sau, Bộ lại quy định Tiếng Anh là môn thi bắt buộc!

Có một điều ít được ai đề cập, đó là năm 2015 có thể sẽ có đến 3 kỳ thi chứ không phải một. Kỳ thi thứ nhất dành cho những học sinh không có nguyện vọng học lên đại học- được tổ chức thi tại nơi mình đang học. Kỳ thi thứ hai dành cho những thí sinh muốn lấy bằng tốt nghiệp THPT, đồng thời dùng nó làm căn cứ tuyển sinh vào đại học.

Quyết định cho phép những trường đại học, cao đẳng không sử dụng kết quả kỳ thi chung để tuyển sinh thì được quyền xây dựng phương án tuyển sinh riêng. Đây chính là kỳ thi thứ ba (tất nhiên không phải thí sinh nào cũng tham dự kỳ thi này). Một giả thiết đặt ra: nếu như nhiều trường đại học có tiếng- vì… không tin vào kết quả kỳ thi chung nên muốn tổ chức một kỳ thi riêng, vậy thì số thí sinh dự thi vào những trường này chắc chắn không ít.

Trong quyết định về tổ chức một kỳ thi quốc gia không nói rõ có bao nhiêu điểm thi để phục vụ cho việc công nhận tốt nghiệp THPT và tuyển sinh vào đại học trên toàn quốc. Tuy thế, phát biểu trước báo giới, lãnh đạo Bộ Giáo dục- Đào tạo đã cho biết, dự kiến sẽ có tổng cộng 20 điểm thi được bố trí ở nhiều tỉnh, thành. Có thể thấy trước, việc bảo đảm tính khách quan, nghiêm túc, công bằng đối với cả 20 điểm thi trên khắp cả nước là… rất khó.

VIỆT ĐÔNG

 

Từ khóa:
Tin cùng chuyên mục