Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Kỳ thi THPT quốc gia năm 2020-một bài toán khó 

Cập nhật ngày: 15/04/2020 - 00:00

BTN - Việc học bị gián đoạn trong thời gian dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng chuyên môn. Do vậy, cả người dạy và người học đều không khỏi lo lắng trước kỳ thi năm nay.

Thí sinh dự thi THPT quốc gia năm 2018.

Đề xuất không thi

Trước hết, xin được nhắc lại sơ qua về ý kiến của cán bộ quản lý, giáo viên đang dạy cấp THPT ở Tây Ninh liên quan đến kỳ thi THPT quốc gia. Khi được hỏi, tình hình dịch bệnh, hoạt động giáo dục bị gián đoạn trong thời gian dài như thế, liệu có nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia hay không, phần lớn ý kiến đều cho rằng, nên tìm một phương án khác. Phương án khác, theo nhiều cán bộ quản lý là tổ chức xét công nhận tốt nghiệp, khâu tuyển sinh giao cho trường đại học.

Trong vài ngày gần đây, trên các diễn đàn báo chí cũng như mạng xã hội, rất nhiều ý kiến, đủ mọi giai tầng, từ người dân bình thường cho đến giáo sư, tiến sĩ, nhà quản lý, mỗi người một góc nhìn nhưng tựu trung, phần lớn ủng hộ không thi THPT quốc gia.

Theo các ý kiến nêu trên, do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19, hoạt động dạy và học bị gián đoạn quá dài, điều này rõ ràng nằm ngoài tiên liệu của toàn xã hội chứ không chỉ gây bất ngờ đối với ngành giáo dục. Việc dạy học bị tạm ngừng trong một thời gian, tính cho đến nay đã gần bằng một học kỳ khiến cho tất cả kế hoạch của ngành đều bị đảo lộn.

Đến thời điểm này, Bộ GD-ĐT đã hai lần phải điều chỉnh thời gian năm học. Kế hoạch hiện tại, năm học sẽ kết thúc vào giữa tháng 7, thượng tuần tháng 8 sẽ tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Ngoài việc điều chỉnh kế hoạch thời gian năm học, Bộ GD-ĐT quyết định tinh giản chương trình giáo dục phổ thông, nói cho dễ hiểu là cắt bớt nhiều nội dung, nhiều bài học.

Trong diễn biến mới nhất, lãnh đạo Bộ GD-ĐT cho biết, nếu học sinh đi học trở lại trước ngày 15.6 thì vẫn tổ chức kỳ thi THPT. Trước tình hình nêu trên, rất nhiều ý kiến  cho rằng, không nên tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Thay vào đó, việc xét công nhận tốt nghiệp sẽ giao cho từng tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thậm chí giao hẳn cho trường phổ thông. Sau khi nhà trường hoàn chỉnh hồ sơ, học sinh nào đủ điều kiện công nhận tốt nghiệp thì Sở GD-ĐT cấp bằng. Khâu tuyển sinh vào đại học sẽ do các trường đại học, cao đẳng tự quyết định.

Có thể tạm dừng áp dụng luật giáo dục?

Thi hay không thi THPT quốc gia? Thực ra câu hỏi này không phải bây giờ, cũng không phải trong tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài như hiện nay mới được đặt ra. Kỳ thi THPT quốc gia được tổ chức lần đầu vào năm 2015. Theo lộ trình do Bộ GD-ĐT công bố, kỳ thi này sẽ tiếp tục được giữ ổn định đến năm 2021. Xa hơn, khi điều kiện cho phép, kỳ thi này sẽ được tổ chức trên máy tính. Sau kỳ thi đầu tiên (năm 2015), ngày càng có nhiều ý kiến đề nghị các cơ quan quản lý nhà nước về giáo dục xem xét bỏ kỳ thi này.

Luồng ý kiến ủng hộ bỏ kỳ thi cho rằng, nó không còn cần thiết, vì đa số thí sinh đều được công nhận đỗ tốt nghiệp, do đó, không cần phải thi nữa. Khâu xét công nhận tốt nghiệp giao cho địa phương, tuyển sinh vào đại học, cao đẳng do cơ sở đào tạo thực hiện.

Ngược lại, nhóm ý kiến ủng hộ duy trì kỳ thi lại lập luận, bậc học phổ thông kéo dài 12 năm (từ lớp 1 đến lớp 12) chỉ còn một kỳ thi tốt nghiệp cuối cấp. Do vậy, phải thi để bảo đảm chất lượng giáo dục. Nếu không thi, chất lượng giáo dục phổ thông sẽ bị “thả nổi” vì không thi học sinh không chịu học.

Cuối cùng, năm 2019, Quốc hội thông qua Luật Giáo dục (sửa đổi) có hiệu lực từ 1.7 năm nay đã quy định, học sinh THPT phải thi tốt nghiệp. Nhưng, như trình bày ở trên, năm học này diễn ra trong điều kiện vô cùng đặc biệt, không ai lường trước được. Việc học bị gián đoạn trong thời gian dài ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng chuyên môn. Do vậy, cả người dạy và người học đều không khỏi lo lắng trước kỳ thi năm nay.

Câu hỏi lớn đặt ra, nếu bỏ thi thì phải làm những gì và làm như thế nào đối với khâu tuyển sinh đại học, cao đẳng? Trước hết, để không tổ chức kỳ thi năm nay, pháp lý là yếu tố đầu tiên cần được xét đến. Kỳ thi THPT được ghi trong Luật Giáo dục năm 2019, cụ thể là tại Điều 34. Mục 3 của Điều 34 quy định, nguyên văn: “Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo thì được dự thi, đạt yêu cầu thì được người đứng đầu cơ quan chuyên môn về giáo dục thuộc Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh cấp bằng tốt nghiệp trung học phổ thông.

Học sinh học hết chương trình trung học phổ thông đủ điều kiện dự thi theo quy định của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo nhưng không dự thi hoặc thi không đạt yêu cầu thì được hiệu trưởng nhà trường cấp giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông. Giấy chứng nhận hoàn thành chương trình giáo dục phổ thông được sử dụng để đăng ký dự thi lấy bằng tốt nghiệp trung học phổ thông khi người học có nhu cầu hoặc để theo học giáo dục nghề nghiệp và sử dụng trong trường hợp cụ thể theo quy định của pháp luật”.

Luật Giáo dục năm 2019 sẽ có hiệu lực vào đầu tháng 7, trong khi, kỳ thi, theo kết hoạch được tổ chức vào đầu tháng 8. Như vậy, muốn huỷ kỳ thi năm nay, theo nguyên tắc, phải sửa luật. Tuy vậy, trong điều kiện hiện nay, việc sửa luật gần như không thể hoặc chưa thể thực hiện, vì để sửa đổi, bổ sunng luật hay bộ luật, đều phải thông qua Quốc hội.

Trong trường hợp đặc biệt, việc tạm thời chưa áp dụng một điều nào đó trong luật hoặc bộ luật phải được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội thông qua. Như thế, trên phương diện pháp lý, việc quyết định không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 là không thực hiện được, tính đến thời điểm này.

Một yếu tố khác khiến quyết định bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 không hề dễ, đó là khâu tuyển sinh vào đại học, cao đẳng. Trước hết xét mặt thuận lợi, từ nhiều năm nay, do trường đại học, cao đẳng ra đời nhiều, dẫn đến nhiều trường- bất chấp yêu cầu chất lượng, đã hạ tiêu chuẩn xét tuyển để thu hút người học.

Từ khi có kỳ thi THPT quốc gia, hàng trăm trường đại học, cao đẳng thuộc nhóm tốp dưới tổ chức tuyển sinh bằng cách xét kết quả học bạ của thí sinh. Cách tuyển sinh này vẫn bị nhìn nhận là thiếu độ tin cậy, dù không phải trường hợp nào cũng như thế.

Đối với nhóm trường tốp trên, cách thức tuyển sinh được căn cứ vào điểm của từng tổ hợp môn thi (thường là 3 môn) trong kỳ thi THPT quốc gia. Vấn đề đặt ra là, nếu không tổ chức thi THPT quốc gia, tức không có điểm thi của thí sinh thì nhóm trường này tuyển sinh như thế nào? Với những trường có uy tín, danh giá, số lượng thí sinh đăng ký dự tuyển nhiều hơn nhiều lần chỉ tiêu được giao, họ không tuyển sinh bằng học bạ như nhóm trường tốp dưới.

Như vậy, trường hợp không tổ chức kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh vào đại học, thì các trường này vẫn phải tổ chức một kỳ thi tuyển sinh. Nói ngắn gọn, đường nào cũng phải có một kỳ thi.

Giao quyền tuyển sinh cho đại học, ổn không?

Theo Luật Giáo dục đại học, cơ sở đào tạo được giao nhiều quyền tự chủ, trong đó có tự chủ tuyển sinh. Tuy nhiên, thực tế (không phải thực tiễn) mấy năm qua cho thấy, đến nay hầu hết cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng không tổ chức tuyển sinh riêng mà căn cứ vào kết quả kỳ thi THPT do Bộ GD-ĐT tổ chức để làm cơ sở tuyển sinh.

Tại sao lại như vậy? Đây là một vấn đề nhiêu khê, có phần tế nhị. Tuy nhiên, có hai điều có thể trình bày. Thứ nhất, trước đây nhiều trường đại học đòi tự chủ trong tuyển sinh nhưng khi đòi hỏi được đáp ứng thì lại không thực hiện. Một trong những nguyên nhân, cơ sở giáo dục không dại gì tự đứng ra tổ chức tuyển sinh, vì như thế sẽ tốn kém.

Nhiều trường đại học, đặc biệt nhóm trường “làng nhàng” “tận dụng” kỳ thi THPT quốc gia do Bộ GD-ĐT tổ chức để tuyển sinh, tiện lợi đủ đường. Đối với nhóm trường thuộc tốp trên, cũng có cơ sở đứng ra tổ chức tuyển sinh, tuy nhiên đó chỉ là các bài kiểm tra mang tính điều kiện. Còn lại, những trường này vẫn sử dụng kết quả điểm thi của kỳ thi THPT quốc gia để làm căn cứ tuyển sinh.

Như vậy, cả hai nhóm trường đều tuyển được thí sinh trong khi không tốn hoặc tốn rất ít kinh phí cho khoản này. Mặt khác, nếu giao toàn quyền tuyển sinh cho trường, Bộ GD-ĐT cũng không yên tâm về chất lượng. Bởi như đã đề cập, nếu Bộ buông lỏng khâu tuyển sinh thì dễ dẫn đến tình trạng nhiều trường hy sinh chất lượng để tuyển sinh càng đông thí sinh càng tốt.

Nhà trường là nơi cung cấp dịch vụ giáo dục, thí sinh là khách hàng sử dụng dịch vụ đó. Trong quá khứ, chính sự cạnh tranh không lành mạnh giữa các cơ sở giáo dục đại học (bằng chứng là điểm chuẩn đầu vào quá thấp) khiến Bộ GD-ĐT không thể “thả nổi thị trường tuyển sinh”. Nhiều năm qua, sau mỗi kỳ thi, kể cả thời còn kỳ thi “ba chung” cho đến kỳ thi THPT quốc gia, Bộ GD-ĐT đều phải quy định ngưỡng điểm đầu vào, tức điểm tối thiểu, đặc biệt là với nhóm trường đào tạo giáo viên, y dược.

Có ý kiến đề xuất, nếu bắt buộc phải thi thì nên chọn đồng thời hai giải pháp: miễn thi đối với những thí sinh không có nguyện vọng học cao đẳng, đại học; những thí sinh muốn tiếp tục học thì chỉ phải thi ba môn Ngữ văn, Toán và tiếng Anh.

Tuy nhiên, phương án nảy không nhận được nhiều sự ủng hộ, vì không có cơ sở để trường đại học tuyển sinh theo khối ngành. Như vậy, có thể thấy, tại thời điểm này, quyết định về việc có tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2020 hay không là một bài toán khó, một quyết định không hề dễ dàng đối với Bộ GD-ĐT, thậm chí ở cấp cao hơn.

Việt Đông