Xã hội   Giáo dục

BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ký ức nhà giáo: Một thời rừng sâu biên giới

Cập nhật ngày: 24/10/2012 - 04:02

40 năm- nỗi đau vẫn còn in đậm với bà cụ này

Năm tháng trôi đi, quãng đời xuân xanh ngày nào đã lùi lại rất xa. Nhưng trong ký ức của họ- những cựu giáo chức hôm nay vẫn còn in đậm những ngày tháng tươi đẹp, hạnh phúc nhất- những ngày tháng của một thời từng sống và cống hiến…

Trong gần 900 cựu giáo chức từng tham gia kháng chiến về thăm lại chiến khu xưa trên đất Tây Ninh vừa qua, tôi đã gặp một bà cụ ngay tại Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên. Những nếp nhăn càng hằn sâu trên khuôn mặt già nua khi bà đưa bàn tay đầy vết đồi mồi lướt trên tấm bia đá khắc tên những anh hùng, liệt sĩ nhà giáo ở nghĩa trang. Bà dừng lại ở một cái tên và nước mắt cứ tuôn dài: “Đau lắm cháu ơi, như là vẫn mới đây thôi…”.

Bà cụ tên là Nguyễn Thị Ngọc Yến (ngụ quận Cái Răng, thành phố Cần Thơ) năm nay đã 73 tuổi. Chậm rãi từng lời, bà kể: Năm 1954, bà là một trong những học sinh miền Nam ra Bắc học. Tuổi xuân phơi phới, tràn đầy nhiệt huyết với quê hương, cô gái trẻ Ngọc Yến khi ấy càng thêm hạnh phúc khi tìm được một người bạn đời tâm đầu hợp ý. Tên ông là Nguyễn Văn Luyến. Chẳng bao lâu sau ngày cưới, ông Luyến trở về Nam hoạt động, sau về Tiểu ban Giáo dục miền Nam (tại Lò Gò –Xa Mát), bà Yến vẫn tiếp tục việc học. Năm 1972, chồng bà hy sinh khi hai vợ chồng vừa mới trùng phùng chưa tròn ba trăng tại miền Nam.

Ngày đất nước hoà bình, nỗi đau về người chồng năm xưa vẫn chưa nguôi hẳn. Bà nói như tâm sự: “Đã ba lần trở lại đây nhưng lần nào cũng thấy quặn lòng”.

Cô giáo về hưu Nguyễn Thị Đào (ngụ khu phố 1, phường 3, thị xã Tây Ninh) thì vẫn còn nhớ như in câu chuyện của gần 40 năm về trước. Đó là cái thời cô còn dạy học trong vùng giải phóng ở Tân Biên. Cô Đào quê Nam Định, tốt nghiệp Đại học Sư phạm, khoa Hoá. Năm 1973, cô đã xung phong “đi B” trước sự lo lắng của những người thân lúc bấy giờ. Nhưng cô gái trẻ 25 tuổi khi ấy vẫn quyết tâm ra đi… Cô Đào nhớ lại: “Khi đất nước, xã hội cần thì mình lên đường thôi chứ không suy nghĩ gì sâu xa cả. Không có gì phải sợ vì mình cũng đã từng tham gia cứu thương ở chiến trường, đã trải qua bom đạn rồi”. Cô gái miền Bắc vào Nam, được giao làm công tác giáo dục tại vùng giải phóng huyện Tân Biên. Lúc đầu còn phải làm công tác dân vận, rồi dựng trường, lớp. Dù khó khăn nhưng cô thấy vui vì có được sự hưởng ứng nhiệt tình của người dân. Với cô lúc đó, tình cảm chân chất của bà con Nam bộ thật đáng quý, họ sẵn sàng chia cơm, sẻ áo cho các nhà giáo chuyên lội rừng, đạp xe đạp cọc cạch đi làm nhiệm vụ. Cô Đào còn nhớ như in những món quà quê của bà con quanh đấy, lúc thì con cá, lúc thì mớ rau… treo trước căn chòi nhỏ của cô. Về sau, khi cô đã chuyển công tác vẫn còn có người lặn lội từ xa mang tới cho cô hai con gà. Các giáo viên thời ấy rất chật vật, thiếu thốn về vật chất, công việc lại gian nan nhưng cuộc sống lại rất giàu tình cảm. Kỷ niệm cũ đã cách xa gần 40 năm rồi nhưng với cô Đào vẫn như mới ngày nào: “Những năm tháng đó thật hạnh phúc. Mọi người làm việc vui vẻ, anh em lại đoàn kết thương yêu nhau. Nhất là cái tình của người dân thì không dễ gì quên được”. Ôn lại kỷ niệm ngày xưa, với cô Đào cũng là niềm vui hạnh phúc, nó chính là phần ký ức đẹp đẽ trong cuộc đời của cô.

Ở một góc nghĩa trang, tôi đã gặp đôi vợ chồng già. Hai mái đầu bạc trắng ngồi kề bên nhau trong ánh chiều tà, nét mặt họ trông rất thanh thản. Đó là đôi vợ chồng nhà giáo về hưu, ông Bùi Xuân Phong và bà Nguyễn Thị Thuần từ Khánh Hoà vào. Họ đến Nghĩa trang liệt sĩ Tân Biên để thắp nhang cho những đồng nghiệp đã hy sinh năm xưa. Với họ, những nỗi đau chừng đã đi vào quá khứ, họ đang sống tiếp cuộc sống hiện tại với niềm nhớ tiếc, tri ân những đồng đội đã ngã xuống vì đất nước quê hương. Còn cựu giáo viên Phan Văn Sang- người tỉnh Tiền Giang thì đang tìm lại ký ức một thời từng nhọc nhằn, gian nan đi gieo cái chữ giữa nơi rừng sâu biên giới Tây Ninh. Ông chia sẻ: “38 năm rồi tôi mới có dịp trở lại nơi này, trong lòng có chút gì đó khó tả lắm”.

ĐÀO NAM