BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ghi chép tản mạn

Ký ức những mùa trăng 

Cập nhật ngày: 16/09/2021 - 23:46

BTN - Thật ra, trên đất nước Việt Nam mình, đâu mà chẳng có những mùa trăng, nhất là mùa Trung thu tháng 8. Nhưng đây là Tây Ninh, nơi có tổ đình của đạo Cao Ðài, nên mùa trăng này càng trở nên đặc biệt. Bởi đúng đêm rằm Trung thu lại có Ðại lễ Hội yến Diêu Trì cung của đạo Cao Ðài.

Cúng thời đêm Hội yến năm 2020. Ảnh: Lê Văn Hải

Bạn là người Nam, hay Trung bộ? Hỏi thử ông, bà, cha, mẹ mình xem! Có lẽ đa số họ sẽ trả lời từng có lần lên Tây Ninh dự lễ hội Trung thu. Mà chẳng riêng gì các tỉnh phía Nam.

Vài tỉnh, thành phố miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng nơi có họ đạo Cao Ðài thì thế nào cũng có đoàn chức sắc tín đồ về tổ đình- Toà thánh Tây Ninh dự lễ. Năm nào tôi cũng đến xem gian quả phẩm trưng bày của các họ đạo miền Bắc.

Năm nào cũng có các loại dưa, các loại hồng- trái đặc sản mùa thu đem vào, bày biện. Tôi thích nhất loại dưa trông giống như dưa lưới miền Nam, nhưng vỏ lại óng ả nâu màu đất nung tráng qua men sứ.

Men lại vỡ, rạn ra như loại gốm sứ đặc biệt gọi là men rạn. Còn hồng? Toàn những loại trái to bằng nắm tay, loại xanh bóng ngời, gọi là hồng ngâm. Loại tươi đỏ kêu là hồng mận. Dường như chúng chỉ mọc trên vùng cao từ Phú Thọ, Việt Trì trở lên, nghĩa là quê hương vùng đất Tổ Hùng Vương.

Thế còn hoa trái miền Nam? Thôi thì đủ thứ. Nhưng loại tôi thích nhất, không thể bỏ qua khi lướt xem hàng trăm gian quả phẩm chưng trong Hội yến, là chuối táo quạ. Ðấy là gian hàng của tỉnh Tiền Giang.

Trái chuối đẹp thon thả và cong như một mảnh trăng non, đặc biệt là trái dài khoảng 35cm. Vì thế, mâm chuối táo quạ thường được bày phía trước, làm cho tất cả các món bánh trái, hoa quả còn lại mờ nhạt.

Trên các gian của các họ đạo Tây Ninh, tôi thường dừng lại lâu ở gian hàng kết toàn bằng hoa lá. Các cột thì kết từ hàng ngàn hoa cúc. Rồi đủ các loại hoa trang trí chung quanh, hoặc lửng lơ treo ở trên trần.

Từ hoa bách hợp vàng cho đến các loại phong lan. Nhưng loại nào cũng phải có sắc vàng ươm như màu sắc tơ tằm. Ðể tất cả không gian của gian trưng bày ấy cứ mơn mởn, vàng rực những tươi non.

Tài khéo trang trí như thế, nên năm nào Hội yến cũng đông người chen chúc nhau xem. Ðấy là ở các rạp dựng quanh ngôi kiến trúc Báo Ân từ, nơi sẽ diễn ra lễ dâng yến vào lúc nửa đêm rằm tháng tám. Nửa đêm, nhưng từ chiều, sân trước và chung quanh đã chật người ngồi, tất cả đều vận áo dài trắng, là các tín đồ.

Họ sẽ ngồi và nguyện cầu cho tới quá nửa đêm. Khi trăng đã lên, không gian quanh ngôi đền chan đầy ánh sáng. Áo trắng sáng ngời dưới trăng tạo nên một khung cảnh rất ấn tượng, khó quên.

Khách hành hương, du lịch lại chú trọng hơn ở phần hội sẽ diễn ra vào chiều tối cùng ngày, trên sân Ðại Ðồng, trước ngôi Ðền thánh. Phần chính của hội sẽ là đoàn rước xe hoa (còn gọi là cộ Mẫu) chở mô hình Phật mẫu Diêu Trì và các vị tiên nương cưỡi trên chim loan.

Trước và sau xe còn là rồng nhang dài tới 40 mét, thân mình lấp lánh đèn nhang; là các đội múa tứ linh, múa lân, biểu diễn nhạc cụ dân tộc… Ai đã dự một lần thì không thể nào quên cái không khí, sắc màu rực rỡ và hoành tráng trong không gian rộng dài nằm giữa hai cánh rừng thiên nhiên lộng lẫy. Dưới trăng, rừng lại thêm phần kỳ bí nguyên sơ.

Và tôi sẽ không quên, cả tấm lòng của người Tây Ninh đối với mọi du khách đường xa. Tất cả đều miễn phí, và mời chào rất mực ân cần. Từ bữa ăn chay ở Trai đường, cho đến những phần ăn sáng, nước uống tươi ngon giải khát…

Năm nay, dịch Covid- 19 bùng phát mạnh, Tây Ninh đang áp dụng biện pháp phòng, chống dịch nghiêm ngặt. Dĩ nhiên, Hội yến năm nay phải tạm dừng. Vì thế, những điều tôi kể trên chỉ là ký ức về mùa trăng tròn tháng tám ở Tây Ninh những năm về trước.

NGUYỄN