Theo dõi Báo Tây Ninh trên
(BTN) -
Chiến tranh đã lùi xa, nhưng bà vẫn nhớ rõ từng nét mặt, dáng người. Có người, bà may mắn gặp lại sau ngày hoà bình, nhưng cũng có người chỉ còn lại cái tên trên bia mộ liệt sĩ.
Tuổi đã gần 80, bà Lê Thị Việc Lành, ngụ ấp Thạnh Trung, xã Thạnh Tây, huyện Tân Biên vẫn còn nhớ như in ký ức một thời tuổi trẻ. Đó là những ngày tháng tham gia kháng chiến- từ lính phục vụ hậu cần rồi văn công, thanh niên xung phong phục vụ chiến trường. Trong đó, ấn tượng khó phai trong bà là nghĩa tình của những người lính Tiểu đoàn 14 anh hùng. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng bà vẫn nhớ rõ từng nét mặt, dáng người. Có người, bà may mắn gặp lại sau ngày hoà bình, nhưng cũng có người chỉ còn lại cái tên trên bia mộ liệt sĩ.
Bà Việc Lành và tác phẩm của mình.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống cách mạng, tuổi thơ của bà Lành trải qua những tháng ngày sục sôi đấu tranh của má, của anh chị mình. Lớn lên, bà xung phong nhập ngũ. Đến giờ, nhưng bà vẫn nhớ không khí sôi nổi trong lễ tòng quân ngày ấy, với đông đảo người dân nô nức tham dự. Nhớ nhất là chiếc khăn với dòng chữ “thân tặng Bộ đội giải phóng quân” được các chị phụ nữ tỉ mỉ thêu tặng. Tiếc là chiếc khăn kỷ niệm đã mất năm bà bị địch bắt, tù đày hồi năm 1966.
Bà tham gia công tác hậu cần, hoạt động trong vùng kháng chiến Bời Lời. Sau đó, bà được điều về Đoàn văn công giải phóng để phục vụ. Trong quá trình hoạt động, bà Lành nhiều lần gặp gỡ, sát cánh cùng những người lính Giải phóng, đặc biệt là Tiểu đoàn 14 anh hùng.
“Thời tuổi trẻ, tôi bị thu hút bởi hình ảnh anh hùng của những người chiến sĩ giải phóng. Họ đã sống rực rỡ và hy sinh anh dũng”- bà Lành nói. Năm 1969, bà Lành tham gia lực lượng Thanh niên xung phong và phục vụ suốt đến ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước.
Hoà bình, với tinh thần nhiệt huyết và đam mê múa, biên đạo… bà tham gia các hoạt động văn hoá văn nghệ ở địa phương. Hiện bà là Phó Chủ tịch Hội Người tù kháng chiến huyện Tân Biên. Trong những dịp kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, ngày truyền thống của lực lượng vũ trang Tây Ninh, bà đều tích cực tập luyện các tiết mục văn nghệ biểu diễn chào mừng.
“Tham gia các hoạt động cũng là để tôi được nhớ về một thời tuổi trẻ, được gặp gỡ những người từng là đồng đội, đồng chí, nhớ lại tuổi thanh xuân đầy nhiệt tâm và hình ảnh những người lính anh hùng” - bà Lành chia sẻ.
Bà Việc Lành (bìa trái) trong một buổi tham gia văn nghệ.
Từ năm 2000, bà bắt đầu viết lại những kỷ niệm. Những bài viết, tản văn, thơ được bà tập hợp và in thành sách vào năm 2016 với tựa đề “Về chiến khu xưa”. Đó là ký ức những ngày thơ ấu, những ngày đầu mới tham gia cách mạng, những kỷ niệm về tình đồng chí, đồng đội, những rung cảm đầu đời, về hình ảnh người lính…
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của bà Lành là cái tết đặc biệt năm 1965, được bà kể lại qua mẩu chuyện “Những ngày Tết chiến trường” hay “Ký ức mùa xuân”. Thời điểm đó, những thành viên Đoàn văn công giải phóng, trong đó có bà Lành (nghệ danh là Vũ Tuyết), đi phục vụ tại chiến trường trong chiến dịch đánh Mỹ ở Nhà Đỏ - Bông Trang - Bàu Bàng - Dầu Tiếng. Đó là những ngày tải đạn, tải thương, đào công sự, xây trạm xá dã chiến, cứu thương. Chiến tranh khốc liệt, nhưng cô văn công trẻ vẫn giữ được tinh thần hồn nhiên, yêu đời.
Cũng năm đó, bà trải qua một cái tết đặc biệt, giữa chiến trường. Những ngày giáp tết, sau khi làm nhiệm vụ tải thương, những chiến sĩ Đoàn văn công giải phóng có buổi phục vụ văn nghệ tại trạm xá dã chiến. Những bài ca, tiếng đàn giúp xoa dịu vết thương cho những người lính xa nhà.
“Các anh thương binh vỗ tay reo cười, dù mặt mày nhăn nhó vì đau. Buổi văn nghệ như làn gió mát, động viên tinh thần các anh” - bà Lành kể. “Những ngày đó, được tham gia biểu diễn phục vụ các chiến sĩ, xúc động lắm. Chúng tôi như càng thêm yêu thương nhau hơn vì tuy mỗi người một xứ nhưng đang cùng nhau chiến đấu”.
Bà Việc Lành (thứ 3 từ trái sang) tham gia biểu diễn văn nghệ.
Tết ở chiến trường, không bánh mứt, chỉ một nồi chè, nồi nước sâm rừng, tổ chức hái hoa dân chủ mà đậm đà tình cảm. Với bà Lành, đó là một trong những ký ức đẹp đẽ về mùa xuân, giúp bà “nhớ lại một thời gian nan sâu đậm nhất trên mảnh đất trung dũng kiên cường đầy bom đạn ác liệt. Ở nơi đó chứa đựng biết bao hình ảnh đẹp, đầy sức sống, hào hùng của tuổi trẻ, tuổi xuân của những chàng trai, cô gái cùng ôm ấp một khát vọng cho tương lai tươi đẹp hơn”.
Sau quyển sách đầu tiên được xuất bản năm 2016, bà miệt viết tiếp hành trình đầy kỷ niệm. Nó như là nguồn sống, nuôi dưỡng tâm hồn bà.
“Bây giờ, ngồi viết lại những câu chuyện xưa, giúp tôi nhớ về một thời đã sống hết mình, dấn thân cho cách mạng. Viết giúp tôi ôn lại kỷ niệm, được nhớ về những cái tên, những người từng quen. Tôi cũng mong muốn những trang viết của mình được con cháu đọc, lưu giữ để chúng biết và hiểu hơn về thời tuổi trẻ của chúng tôi ngày đó. Là tuổi trẻ với sự nhiệt tình, đầy hồn nhiên và tinh thần chiến đấu” - bà Lành bộc bạch.
Vi Xuân