BAOTAYNINH.VN trên Google News

Ký ức trường xưa 

Cập nhật ngày: 21/11/2020 - 00:55

BTN - Ðó là Trường trung học công lập Tây Ninh, nơi đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh đã và đang cống hiến sở học, góp sức xây đời trên nhiều lĩnh vực ở nhiều nơi trong nước, kể cả ở nước ngoài.

Trường Trần Hưng Ðạo nhìn từ trên cao, ảnh chụp năm 2018. Ảnh: Lê Ðăng Khoa

Ngôi trường trong ký ức được nhắc đến trong bài báo này, là trường trung học công lập lâu đời nhất ở Tây Ninh. Là tỉnh ở miền biên viễn phía Tây Nam Tổ quốc, Tây Ninh không có được một ngôi trường tuổi trăm năm, vì thế “ngôi trường lâu đời nhất” ở đây thực ra hiện diện trong đời sống văn hoá xã hội tỉnh nhà chưa đầy 70 năm. Ðó là Trường trung học công lập Tây Ninh, nơi đã đào tạo nhiều thế hệ học sinh đã và đang cống hiến sở học, góp sức xây đời trên nhiều lĩnh vực ở nhiều nơi trong nước, kể cả ở nước ngoài.

Người viết bài này sinh ra sau ngày ngôi trường được thành lập, nhưng được cắp sách đến trường suốt thời trung học trước ngày 30.4.1975, và sau đó may mắn được tham gia ban vận động, rồi ban chấp hành Hội Cựu học sinh của trường, một tổ chức hội duy nhất có giấy phép thành lập chính thức, do hai cựu học sinh: một vị là Chủ tịch UBND tỉnh, rồi Bí thư Tỉnh uỷ, ông Hồ Thanh Tuyên làm Chủ tịch danh dự và một vị đại biểu Quốc hội, Phó trưởng Ðoàn chuyên trách đầu tiên của Ðoàn ÐBQH tỉnh, bà Nguyễn Thị Bạch Mai làm Chủ tịch Hội, nên có điều kiện để tiếp xúc, tìm hiểu và tiếp cận những tư liệu liên quan đến lịch sử ngôi trường của quý thầy, cô cựu giáo chức, các anh chị cựu học sinh từ các niên khoá đầu tiên.

Theo các anh chị cựu học sinh khoá đầu tiên của trường, ngay sau khi chế độ Sài Gòn thành lập Chính phủ ở miền Nam Việt Nam (1954), Bộ Quốc gia Giáo dục đã gấp rút thành lập và xây dựng tại mỗi tỉnh một trường trung học công lập.

Trước đó, trong thời gian từ 1945 đến 1954, ở miền Nam rất ít tỉnh có trường trung học công lập. Bậc học này chỉ có trường công lập ở Sài Gòn và các tỉnh lớn như Mỹ Tho, Cần Thơ… Còn lại hầu hết các trường trung học tư thục là do các tôn giáo lập ra, có thu học phí, chương trình học dựa theo chương trình trung học của Pháp nên con em bình dân, gia đình nghèo ít có cơ hội học tập lên bậc trung học.

Ngày 15.9.1954 là ngày khai giảng của tất cả các trường trung học công lập trên toàn cõi Nam kỳ... Trường trung học công lập Tây Ninh khai giảng khoá đầu tiên với 200 học sinh tuyển từ các em thi đậu bằng tiểu học từ trước đó (tuổi cao nhất là 15).

Tuy nhiên, do việc xây cất trường sở chưa kịp nên lớp học sinh niên khoá 1954-1955 phải học tạm tại Trường tiểu học tỉnh (vị trí phía sau trụ sở Công an Tây Ninh, nhìn ra đường Nguyễn Thái Học, thành phố Tây Ninh hiện nay-NV).

Ðến đầu năm 1955, một ngôi trường mới được khánh thành, toạ lạc tại ngã ba Ðồn (gọi là ngã ba Ðồn vì trước đó nơi này có đồn lính của Pháp), trên đường vào chợ cũ (đường Trần Hưng Ðạo hiện nay).

Ngôi trường có 1 tầng lầu gồm 8 phòng học rộng rãi, cùng với văn phòng nhà trường. Ðể có được cơ sở này, chính quyền tỉnh phải giải toả một khu nghĩa địa bên bờ trái rạch Tây Ninh. Học sinh khoá 2 (năm học 1955-1956) được vào ngay trường mới, khỏi đi học nhờ như các lớp anh chị... Học sinh vào trung học công lập Tây Ninh bắt đầu học lớp đệ thất (lớp 6 bây giờ).

Ba năm học đầu tiên, mỗi năm học sinh trúng tuyển vào lớp đệ thất với điểm số cao (từ hạng 1 đến hạng 35) được nhận học bổng 1.000 đồng/năm. Khi vào lớp, học sinh phải mặc đồng phục: nam sinh áo sơ mi trắng, quần tây xanh hay đen, mang giày hay xăng-đan; nữ sinh áo dài trắng, quần đen hay trắng và mang guốc, xăng-đan và cấm học sinh mang dép kẹp (dép Nhật) vào lớp.

Tượng đài Trần Hưng Ðạo chụp trong khuôn viên trường năm 2012. Ảnh: Ðặng Hoàng Thái

Khoá đầu tiên, một số nam sinh vẫn còn mặc đồng phục như bậc tiểu học: quần short, áo sơ mi. Trường chia học sinh thành 4 lớp A,B,C,D. Trò nam học lớp A,B, trò nữ học lớp D. Riêng lớp C là lớp hỗn hợp, nam nữ học chung.

Học sinh các năm học đầu tiên phải học 2 sinh ngữ là tiếng Pháp (chính) và tiếng Anh (phụ). Về sau, do thực hiện cải cách giáo dục, từ giữa năm 1958 trở đi, học sinh bậc Trung học đệ nhất cấp (từ lớp đệ thất đến lớp đệ tứ, nay là bậc trung học cơ sở) chỉ phải học 1 sinh ngữ (Anh hoặc Pháp), lên bậc Trung học đệ nhị cấp (từ đệ tam trở lên, nay là bậc trung học phổ thông) mới phải học 2 sinh ngữ.

Trong những năm tiếp theo từ 1956, trường được xây dựng thêm nhiều phòng học kế bên các lớp cũ. Học sinh khoá đầu tiên (1954-1955), sau khi đậu Trung học đệ nhất cấp (1959) phải đi các trường khác ở Sài Gòn để học lớp cao hơn vì trường chưa mở lớp đệ tam (lớp 10 ngày nay).

Từ năm 1960, học sinh khoá 2 (1955-1956) thi đậu Trung học đệ nhất cấp được tiếp tục học tại trường, vì nhà trường đã được mở tiếp bậc Trung học đệ nhị cấp với 4 lớp đệ tam (lớp 10 ngày nay) 2 lớp ban B và 2 lớp ban A, trong đó lớp A2 và lớp B2 là 2 lớp học sinh nam, các lớp còn lại nam nữ học chung.

Cần biết là phân ban hồi đó hơi khác với phân ban bây giờ. Ban A: Vạn vật (sinh học) là môn chính. Ban B: Toán là môn chính. Riêng ban C: Văn chương là môn chính, nhưng mấy năm đầu không có ban C. Mỗi năm, càng lên lớp cao hơn thì thiếu hụt học sinh nên để cho đủ sĩ số các lớp, trường có tuyển thêm nhiều học sinh mới từ các trường tư thục. Từ năm 1963, trường đã có thí sinh dự thi Tú tài toàn phần (Tú tài 2) tại Sài Gòn.

Từ năm 1970, trường chia ra làm 2 trường Nam và Nữ. Trường Nữ trung học công lập do một đơn vị công binh Phi Luật Tân xây cất, trên một khu đất trống giữa đoạn đường từ ngã ba Ao Hồ đi ra Thị xã, nên một số học sinh nữ và thầy cô chuyển sang đây.

Trường được đặt tên là Nữ trung học Ngọc Vạn, tên một vị công chúa thời chúa Nguyễn có công trạng trong việc mở mang bờ cõi phía Tây Nam Tổ quốc. Và cũng từ sau năm 1970, Trường trung học công lập Tây Ninh, được gọi là Trường Nam trung học Tây Ninh, dù rằng vẫn còn một số nữ sinh trung học đệ nhị cấp học ban B (ban Toán) tiếp tục học tại trường, bởi vì Trường Nữ chưa mở ban B. Tên gọi tắt “Trường Nam” từ đó không chỉ ghi khắc trong tâm khảm các thế hệ học sinh, mà còn quen thuộc trong đời sống xã hội đến mức trở thành một địa danh. Người Tây Ninh đi xa mỗi khi về quê, lên xe đò Sài Gòn - Tây Ninh, chỉ việc nói “đến ngã tư Trường Nam” là nhà xe biết rõ hành khách muốn về đến cửa ngõ tỉnh lỵ Tây Ninh.

Về đội ngũ “ban giảng huấn”, các thế hệ cựu học sinh nhớ rất rõ họ tên quý thầy từng làm Hiệu trưởng Trường trung học công lập Tây Ninh từ khi mới thành lập đến năm 1970, năm chia tách 2 trường Nam, Nữ.

Vị Hiệu trưởng đầu tiên là thầy Nguyễn Văn Mạnh, tiếp theo đó là quý thầy Mai Hữu Chỉnh, Vũ Ðình Triều, Trần Văn Thử, Trần Bình Quang, Trịnh Quốc Thế, Lương Hữu Tống. Ðến ngày 30.4.1975, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Quang Ngân bàn giao nhà trường cho ngành giáo dục của chính quyền cách mạng.

Từ đó về sau lần lượt trường mang tên Trường phổ thông cấp 2-3 thị xã Tây Ninh, Trường phổ thông cấp 2-3 Trần Hưng Ðạo, đến khi Trường trung học phổ thông Tây Ninh được xây mới ở đường Nguyễn Chí Thanh, khu dân sinh phường 3, thì các lớp cấp 3 Trường Trần Hưng Ðạo dời sang trường mới, Trường trung học Tây Ninh cũ chỉ còn là trường cấp 2 với tên Trường trung học cơ sở Trần Hưng Ðạo cho đến ngày nay.

Khi được đặt chân đến ngôi trường này giữa thập niên 1960, ngoài những hình ảnh thân quen về trường lớp, thầy cô, bạn bè như bao học sinh khác, người viết bài này còn ghi sâu trong trí nhớ một hình ảnh rất đặc biệt, mà bất cứ ai nhìn được, hiểu được ý nghĩa sẽ không bao giờ quên.

Sự việc như sau: nếu ai có đi vào Trường trung học công lập Tây Ninh từ cổng chính, qua khỏi khoảng sân nhỏ, bước qua cửa ra vào duy nhất để vào tiền sảnh của trường, tình cờ ngoái ra phía sau, nhìn lên bậu cửa phía trên sẽ thấy có một dòng khẩu hiệu “Dân tộc - Khoa học - Ðại chúng”.

Khi nhìn thấy dòng chữ đó, một học sinh lớp đệ thất, tức là lớp 6, mới 11, 12 tuổi chắc chắn không hiểu gì cả. Rồi qua thời gian, qua những năm học sau, hình ảnh ấy trở nên quen thuộc, quen đến mức không ai chú ý đến nữa. Sau nhiều năm rời khỏi ngôi trường, đến khi có dịp trở về trường cũ, người viết đã có điều kiện tìm hiểu ý nghĩa của khẩu hiệu ấy, thì nó đã không còn nữa. Có lẽ vì một lý do tế nhị nào đó, hay do trải qua nhiều thay đổi do việc sửa chữa, xây dựng thêm phòng ốc mà dòng chữ đặc biệt ấy đã bị xoá đi.

Trường trung học công lập Tây Ninh năm 1960.

Người viết bài này xin nêu lại đây ý nghĩa của khẩu hiệu “Dân tộc - Khoa học - Ðại chúng” từ một đoạn trích dẫn từ bài báo “Ðề cương văn hoá Việt Nam 1943” đăng trên Báo điện tử Ðảng Cộng sản Việt Nam ngày 13.4.2020 như sau:

“Ðể chống lại chính sách văn hoá phản động của phát xít Pháp - Nhật và tay sai của chúng, chống lại trào lưu lãng mạn có khuynh hướng cải lương, bi quan, bế tắc... năm 1943, Ðảng ta đưa ra bản Ðề cương văn hoá Việt Nam do đồng chí Tổng Bí thư Trường Chinh soạn thảo và được thông qua trong Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương họp ở Võng La (Ðông Anh, Phúc Yên) vào tháng 2-1943.

Bản Ðề cương văn hoá Việt Nam vạch rõ tính chất phản động trong chính sách văn hoá ngu dân của thực dân Pháp, nêu lên nguyên tắc “dân tộc hoá, đại chúng hoá và khoa học hoá trong xây dựng nền văn hoá mới”. Ðề cương văn hoá đã vũ trang những lý luận căn bản cho cán bộ hoạt động văn hoá - tư tưởng. Ðề cương xác định văn hoá là một trong ba mặt trận cách mạng (chính trị, kinh tế và văn hoá).

Ðề cương nêu rõ nguy cơ của nền văn hoá Việt Nam dưới ách phát xít Nhật, Pháp; phân tích mối quan hệ giữa cách mạng chính trị và cách mạng văn hoá; khẳng định vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với cách mạng văn hoá”.

Cho đến bây giờ, khi đã hiểu được ý nghĩa của nó, những ai đã từng nhìn thấy dòng khẩu hiệu “Dân tộc - Khoa học - Ðại chúng” vẫn không biết vì sao nó được đắp nổi (khắc phù điêu) lên bậu cửa trường xưa? Ai đã “cả gan” dám tạo ra “bức phù điêu cách mạng” ấy ngay trên tiền sảnh ngôi trường công lập lớn nhất tỉnh Tây Ninh ở vùng tạm chiếm của chế độ Sài Gòn cũ lúc bấy giờ? Và vì sao nó lại mất đi một cách lặng lẽ, bí mật như khi nó được tạo ra? Mà thôi, hãy cứ để câu chuyện ấy chìm vào quá khứ. Chỉ cần trong lòng mỗi người từng cắp sách đến ngôi trường ấy giữ mãi tình cảm sâu nặng, niềm tự hào về nơi mình đã được “nên người” là đã đủ rồi!

Bút ký NGUYỄN TẤN HÙNG