Hướng tới Đại hội đại biểu Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Tây Ninh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2024-2029, các đại biểu và người dân là đồng bào dân tộc thiểu số, tín đồ, chức sắc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh kỳ vọng công tác Mặt trận nhiệm kỳ mới có nhiều đổi mới, tiếp tục củng cố và phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc, góp phần tích cực cùng Đảng bộ, chính quyền xây dựng tỉnh Tây Ninh phát triển vững mạnh.
Tỉnh Tây Ninh có 21 dân tộc thiểu số, chiếm 1,73% dân số trong toàn tỉnh; có 8 tôn giáo, với khoảng 70% dân số theo đạo (trong đó, người dân có tôn giáo Cao Đài chiếm khoảng 50%, là trung tâm tôn giáo Cao Đài cả nước). Đại bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số và tín đồ, chức sắc các tôn giáo trên địa bàn tỉnh tin tưởng, phấn khởi trước sự quan tâm của Đảng, Nhà nước về đời sống vật chất, tinh thần cũng như nhu cầu tín ngưỡng, tôn giáo; tích cực tham gia các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động, đặc biệt là các hoạt động xã hội, từ thiện và giữ mối quan hệ tốt với chính quyền, Mặt trận Tổ quốc ở địa phương.
Giáo hữu Ngọc Của Thanh - Phó trưởng Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh:
Đại hội đại biểu MTTQVN tỉnh Tây Ninh lần thứ XI nhiệm kỳ 2024-2029 là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, là sự mong đợi của các tầng lớp nhân dân, trong đó có tôn giáo Cao Đài Toà thánh Tây Ninh. Ban Đại diện Hội thánh đã kêu gọi các họ đạo trong tỉnh hưởng ứng chào mừng Đại hội bằng nhiều hình thức, hoạt động, cụ thể: treo băng-rôn chào mừng Đại hội tại các thánh thất, điện thờ phật mẫu của 81 họ đạo trên địa bàn tỉnh; Công viện Toà thánh Cao Đài Tây Ninh có mô hình chào mừng Đại hội.
Giáo hữu Ngọc Của Thanh - Phó trưởng Ban Đại diện Hội thánh Cao Đài Toà thánh Tây Ninh.
Chúng tôi kỳ vọng Đại hội sẽ đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội nhiệm kỳ 2019-2024; đề ra phương hướng, nhiệm vụ và chương trình hành động của MTTQ Việt Nam tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029, tiếp tục phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa để các tôn giáo cùng tham gia đóng góp cho sự phát triển của tỉnh. Chúng tôi cũng mong muốn UBMTTQVN tỉnh sẽ tiếp tục làm tốt công tác tập hợp đoàn kết tôn giáo và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của nhân dân, luôn là mái nhà chung đầy tình cảm của các tôn giáo trên địa bàn tỉnh Tây Ninh.
Ni trưởng Thích nữ Châu Liên - Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Tây Ninh:
Nếu như lúc trước tôi chỉ biết tu và chăm lo cho nội tự của mình thì kể từ khi tham gia Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Tây Ninh, sau đó trở thành Uỷ viên Uỷ ban MTTQVN tỉnh, tôi đã có nhiều sự mở mang trong nhận thức, có thêm nhiều niềm vui, nhiều kỷ niệm trong sự gặp gỡ, giao tiếp với chính quyền địa phương các cấp, với các tôn giáo bạn. Trong các dịp lễ trọng của tôn giáo bạn, chúng tôi tham gia cùng đoàn của lãnh đạo tỉnh đi thăm hỏi, chúc mừng và ngược lại, khi Phật giáo có lễ trọng, các tôn giáo bạn cũng đến thăm, chúc mừng. Từ đó, mối quan hệ gắn kết, đoàn kết giữa các tôn giáo trên địa tỉnh ngày càng thêm thắt chặt. Trong hoạt động, chúng tôi cùng nhau kêu gọi, thực hiện công việc từ thiện xã hội, giúp đỡ những người dân nghèo, người neo đơn, hoàn cảnh khó khăn trong xã hội.
Ni trưởng Thích nữ Châu Liên - Chứng minh Phân ban Ni giới tỉnh Tây Ninh.
Chủ trương của Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng xác định rõ, muốn phát triển phải đoàn kết, trách nhiệm. Phật giáo luôn đoàn kết chặt chẽ với các tôn giáo bạn, luôn gắn bó song hành cùng MTTQVN các cấp và hoạt động tích cực, trách nhiệm trong khuôn khổ Hiến pháp và luật pháp của nước Việt Nam. Gắn bó, đoàn kết để cùng nhau làm những công việc “ích đạo, lợi đời”, chúng tôi mong MTTQVN tỉnh tiếp tục là cầu nối, là trung tâm đoàn kết, không ngừng củng cố và mở rộng khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đoàn kết tôn giáo, đã đoàn kết ngày càng đoàn kết, đã gắn bó càng gắn bó chặt chẽ hơn nữa”.
Ông Lương Huệ Linh - dân tộc Hoa, ngụ khu phố 5, phường 3, thành phố Tây Ninh:
Ông Lương Huệ Linh - dân tộc Hoa, ngụ khu phố 5, phường 3, thành phố Tây Ninh.
Gần 20 năm tham gia khối đại đoàn kết của hệ thống MTTQ, tôi thấy MTTQ các cấp phát huy tốt vai trò tập hợp, đoàn kết, động viên các tầng lớp nhân dân hưởng ứng các phong trào thi đua yêu nước, các cuộc vận động. Đặc biệt, Mặt trận đã tạo điều kiện cho cộng đồng người Hoa nói riêng và hơn hai mươi dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung có được sự giao lưu, gắn bó, có sự tương trợ lẫn nhau.
Trong những năm qua, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các quy định của địa phương đều được đại đa số cộng đồng các dân tộc thiểu số- trong đó có người Hoa chấp hành tốt. Thông qua Đại hội, chúng tôi mong các dân tộc trên địa bàn tỉnh phát triển hơn nữa, đồng thuận cao hơn nữa, cùng nhau đóng góp xây dựng tỉnh Tây Ninh - “mái nhà chung” của mình ngày càng phát triển, sánh bằng với các tỉnh, thành phố trong cả nước.
Tại kỳ Đại hội MTTQVN tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029, chúng tôi cũng tiếp tục gửi gắm nguyện vọng đưa ngôn ngữ tiếng Hoa vào chương trình giáo dục phổ thông trên địa bàn tỉnh. Bởi vì, tiếng Hoa là một trong những ngôn ngữ rất thịnh hành trên thế giới, việc biết và sử dụng thông thạo tiếng Hoa sẽ mở ra nhiều cơ hội trong giao tiếp, giao lưu văn hoá, giao thương với cộng đồng quốc tế.
Ông Cao Văn An - dân tộc Khmer, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh:
Khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong tỉnh không ngừng được củng cố và mở rộng, sự đồng thuận xã hội không ngừng tăng lên; duy trì tốt sự đoàn kết, thống nhất, không tồn tại tư tưởng phân biệt tôn giáo, dân tộc. Đặc biệt, trong 5 năm qua, mọi mặt đời sống kinh tế, văn hoá, xã hội đều phát triển, an ninh trật tự ổn định, đồng bào dân tộc Khmer luôn tin tưởng vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước và luôn chấp hành nghiêm quy định của pháp luật.
Ông Cao Văn An - dân tộc Khmer, ngụ ấp Thạnh Đông, xã Thạnh Tân, thành phố Tây Ninh.
Trong những năm qua, Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp từ tỉnh đến xã quan tâm tới đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Khmer nói riêng và các dân tộc nói chung. Nhiều chính sách an sinh xã hội được triển khai như vay vốn chính sách, hỗ trợ vốn kinh doanh, sản xuất thuộc các chương trình, dự án giảm nghèo, đào tạo nghề, xây dựng, sửa chữa nhà, trao quà, tặng thẻ bảo hiểm y tế, tặng học bổng, dụng cụ học tập cho con em dân tộc Khmer khó khăn…
Đặc biệt, trong đại dịch Covid-19, với sự quan tâm của Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và sự ủng hộ của các tổ chức tôn giáo, các mạnh thường quân trong và ngoài xã đã giúp cho người dân ấp Thạnh Đông vượt qua khó khăn, không có hộ nào bị đói, bỏ rơi trong đại dịch. Sau đại dịch, địa phương luôn tạo điều kiện cho người dân, trong đó có người Khmer ổn định đời sống. Địa phương còn quan tâm hướng dẫn, hỗ trợ, tạo điều kiện để các hoạt động lễ hội, lễ tết truyền thống của đồng bào Khmer được duy trì và phát triển. Cơ sở tôn giáo chùa Phật của đồng bào được địa phương đề nghị đầu tư, xây dựng, sửa chữa ngày càng khang trang và hỗ trợ làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho chùa. Địa phương quan tâm đầu tư xây dựng nhà văn hoá dân tộc, duy trì các đội văn nghệ của đồng bào Khmer…
Với sự quan tâm của Đảng, chính quyền, MTTQ các cấp đối với đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung, đồng bào Khmer nói riêng, gia đình tôi cũng được hưởng lợi rất nhiều từ các chính sách đó, đời sống gia đình ngày càng sung túc hơn. Chúng tôi mong Đại hội MTTQVN tỉnh nhiệm kỳ 2024-2029 thành công tốt đẹp, khối đại đoàn kết toàn dân tộc sẽ tiếp tục được phát huy, phát triển vững mạnh hơn và Mặt trận sẽ có càng nhiều phong trào thiết thực hơn hướng đến nâng cao hơn nữa đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số.
Phương Thuý